Trong số danh sách 53 nhà chế biến thủy sản Việt Nam mà CFA cùng 8 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Mỹ (theo lời CFA là đại diện của các nhà chế biến cá nheo của Mỹ) đưa vào đơn kiện có cả những doanh nghiệp chưa bao giờ xuất khẩu cá sang thị trường nước này. Thậm chí có tên nhiều đơn vị bị lặp lại hai lần. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được rằng điều đó có thể không quan trọng với luật pháp của Mỹ. ở đây, điểm đáng chú ý là trong đơn kiện, CFA đã liên tiếp lặp lại nhiều lần rằng, cá basa, cá tra filê đông lạnh nhập từ Việt Nam đang gây thiệt hại lớn
đối với các nhà nuôi trồng và chế biến catfish trong nước. Hơn thế, CFA đã lấy so sánh điều kiện nuôi trồng của Mỹ để đưa ra khẳng định: cá basa, cá tra Việt Nam bán phá giá.
"Việt Nam không giàu có để có thể đi bán phá giá", Tổng Thư ký VASEP TS. Nguyễn Hữu Dũng khẳng định như vậy. Sở dĩ cá basa của Việt Nam rẻ là do kỹ thuật, điều kiện nuôi trồng của Việt Nam rất tốt. ở nhiều
địa phương đã phát triển làng cá bè với kỹ thuật nuôi được cải tiến từ lồng, thiết bị bơm quạt nước đến việc nuôi trồng còn mở rộng từ nuôi bè sang nuôi ao và nuôi trong quầng đăng trên sông. Nhờ vậy mà sản lượng và năng suất nuôi trồng đã không ngừng tăng lên trong nhiều năm.
Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể chứng minh được những sự thật nêu trên. Tuy nhiên, trong đơn kiện CFA đã đưa ra đề nghị
cách tính biểu thuế chống bán phá giá rất đáng lưu ý. CFA đưa ra hai phương án tính biểu thuế. Nếu Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường thì cách tính giá phải theo kiểu của Mỹ và nếu Việt Nam bán phá giá thì mức thuế chống bán phá giá sẽ là 144%. Còn nếu Việt Nam không được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường thì sẽ lấy mức giá cá của ấn
Độ, nước mà CFA cho rằng có trình độ phát triển tương đương, để áp dụng vào cách tính giá cá basa củaViệt Nam (nếu có bán phá giá, mức thuế áp dụng sẽ là 191%). Các yếu tố để tính giá sẽ là: giá cá nuôi sống, giá phế
liệu, bao bì, đóng gói, nhân công lao động...
Tất cả các doanh nghiệp trong VASEP đều cho rằng đây là một vụ
kiện quá phi lý và vô căn cứ, song họ không ngại ngần đối mặt. Chỉ còn 10 ngày nữa là đến buổi điều trần trước Uỷ ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ, công việc của họ lúc này là cùng với công ty luật White & Case chuẩn bị
những tài liệu để chứng minh cho một sự thật duy nhất mà chúng ta đang nắm giữ trong vụ kiện này. Theo VASEP thì việc thuê công ty luật đứng thứ năm của Mỹ là để tìm cách tốt nhất đối thoại với CFA chứ không phải
đối đầu.
(Thanh Thuỷ-Thanh Hải, vnexpress.net, ngày 9/7/2002)
3 . Không thể có chuyện Việt Nam bán phá giá
Đây là khẳng định của ông Panl Frisvold, Giám đốc công ty tư vấn The Berussel office, về vụ CFA kiện các Công ty Việt Nam bán phá giá cá tra và cá basa vào Mỹ. Sự kiện CFA kiện các công ty Việt Nam nuôi cá tra, cá basa nhắc lại vụ việc tương tự mà ngư dân đánh bắt cá hồi Nauy gặp phải vào năm 1992. Lúc đó cũng với lập luận rằng, cá hồi Nauy đang được bán phá giá vào thị trường Mỹ, các cơ quan chức năng Mỹđã mở cuộc điều
tra dưới hình thức phát bảng câu hỏi đến ngư dân Nauy về chi phí doanh thu, lợi nhuận… Các cơ quan này sau đó kết luận rằng ngư dân Nauy đang
được Nhà nước bao cấp, điều mà những người nông dân không hề biết.
Đơn giản là để khuyến khích đầu tư về phía bắc xa xôi, giá lạnh, Chính phủ
Nauy giảm 50% thuế thuê mướn nhân công cho các nhà đầu tư. Phía Mỹ
kết luận, như vậy là ngư dân Nauy đã được Nhà nước bao cấp một phần, và
điều này không công bằng đối với ngư dân Mỹ. Ngay lập tức, thuế suất nhập khẩu mới được áp dụng đối với cá hồi Nauy vào Mỹ là 25%. Với thuế
suất này, từ chỗ 95% sản lượng cá hồi đánh bắt của Nauy được xuất khẩu vào Mỹ, đã không còn cá hồi nào vào Mỹ được nữa. Một thời gian sau, giới
đánh bắt cá hồi tại Mỹ lại tiếp tục kiện cá hồi Chile tương tự như đã kiện Nauy. Lần này, với phản ứng mạnh mẽ của Chile, Mỹ chỉ có thể áp dụng thuế suất 4% chứ không phải 25% như trước. World Catch, một tạp chí chuyên về lĩnh vực này, đã xem đây là một sai lầm của Chính phủ Mỹ và hy vọng điều này không lặp lại đối với cá tra và cá basa Việt Nam. Bởi khi cá hồi Nauy không còn xuất khẩu vào thị trường Mỹ nữa thì giá cá hồi vẫn giảm đến 30% trong 2 năm đó. Tình trạng giảm giá này không phải do sự
bán phá giá của cá nhập khẩu như trước đó ngư dân Mỹ nói.
Điều này cũng tương tự với cá tra và cá basa Việt Nam. Suốt một thời gian dài trước đây, người nuôi cá nheo Mỹ sống trong thời gian hoàng kim, hầu như không hề có đối thủ cạnh tranh. Chính vì vậy, họ không cần cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất cho đến khi cá tra và cá basa Việt Nam xuất hiện. Việc phía Mỹ áp dụng biện pháp định giá cá tra và cá basa dựa trên mức giá của một nước thứ ba (có thể là Ấn Độ) là không hợp lý. Bởi vì ngay một nước có nghề nuôi cá tra, cá basa phát triển chỉ sau Việt Nam như
Thái Lan, giá thành cũng cao gấp đôi cá Việt Nam. Điểm cần nhắc đến là
đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ưu đãi với những điều kiện tuyệt vời để nuôi cá tra và cá basa. Tại Mỹ, người nuôi cá nheo phải đầu tư
vốn rất lớn mới có thể tạo các điều kiện cần thiết cho cá phát triển. Đây là
điều mà các luật sư phía Việt Nam phải nhấn mạnh khi giải thích tại sao giá cá Việt Nam thấp hơn nhiều so với giá cá Mỹ.
Công ty luật được các doanh nghiệp Việt Nam thuê có rất nhiều kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần tiến hành thêm nhiều biện pháp quan trọng khác. Chẳng hạn cần mời cho được Hiệp hội Người Tiêu dùng Mỹ, các quan chức Mỹ và các nhà báo đến tham quan nơi nuôi cá tra và cá basa ở đồng bằng sông Cửu Long để họ tận mắt chứng kiến
điều kiện thiên nhiên, những kỹ thuật nuôi tiên tiến của người Việt Nam. Cần tập hợp những người thu lợi nhiều nhờ việc nhập cá tra và cá basa Việt Nam như các nhà nhập khẩu, phân phối Mỹ để tạo dư luận có lợi cho Việt Nam …" (Việt Chiến , báo Thanh Niên, số ra ngày 12/7/2002)