Thế giới của những kiểu người nghịch dị

Một phần của tài liệu Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong tiểu thuyết mạc ngôn luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 69 - 75)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2.3.Thế giới của những kiểu người nghịch dị

Theo Từ điển Văn học, khái niệm “nghịch dị (tiếng Pháp: grotesque) cũng có cách dịch khác là thô kệch hoặc kỳ quặc. Thuật ngữ chỉ một kiểu hình thức tổ chức hình tượng nghê thuật (hình tượng, phong cách, thể loại) dựa vào huyễn tưởng, vào tính trào phúng, tính ngụ ngôn, ngụ ý, vào sự kết hợp và tương phản một cách kỳ quặc cái huyền hoặc và cái thực, cái đẹp và cái xấu, cái bi và cái hài, cái giống thực và cái biếm hoạ”. [39; tr.1053]. Tuỳ vào từng thời kỳ lịch sử và trào lưu văn học mà nghịch dị có những biểu hiện khác nhau nhưng điểm chung của nghịch dị chính là thái độ phê phán của nhà văn đối với những biểu hiện xấu xa, tiêu cực, phi lý của hiện thực đời sống và con người một cách trực diện và quyết liệt. Nghịch dị vẫn tạo ra tiếng cười nhưng đó là tiếng cười chua chát, cái cười ra nước mắt của con người trước cái lố bịch, kệch cỡm của hình tượng nghịch dị. Yếu tố nghịch dị đã xuất hiện và gắn liền với đời sống văn học từ trong thần thoại “biểu hiện quan niệm duy vật tự phát của dân gian về tồn tại” và phát triển lên đến đỉnh cao với nghệ thuật thời Phục Hưng và mang tính “lưỡng trị” [39; tr.1054]. Đến thế kỷ XX, yếu tố nghệ thuật này có những sự biến đổi để vừa vặn với kích cỡ chiếc áo của thời đại. “Xu thế của kiểu nghịch dị này là sự biến hoá đột ngột từ thế giới quen thuộc “của ta” thành thế giới xa lạ và thù nghịch do “nó” cai quản.

“Nó” là một thế lực phi nhân và không thể hiểu được, một “tính tất yếu” tuyệt đối biến con người thành con rối, nghịch dị thấm nhuần “nỗi sợ sống”, thấm nhuần ý thức về tính phi lý của tồn tại” [39; tr.1054]. Như vậy, cùng với sự biến đổi và phát triển, yếu tố nghịch dị đến thế kỷ XX đã hiện hữu trong văn học như là sự biểu thị cho cái phi lý, trái ngược với cái thông thường. Đó không phải là cái huyễn ảo giả tưởng được đặt ra như một sự giả định hiện thực. Nghịch dị dịch chuyển giữa cái thực và cái phi lý. Nó là cái phi lý của hiện thực có thực. Có thể hiểu, yếu tố nghịch dị là yếu tố tạo nên hình tượng trái với thông thường, ở dạng thức méo mó so với thông lệ cái không khí của sự lặng lẽ, u tĩnh, thế giới dường như phẳng bởi tràn đầy cái nhìn trầm sâu của đôi mắt trải nghiệm và suy ngẫm không muốn bật ra thành thanh âm. Yếu tố nghịch dị thường được biểu hiện qua thế giới của những kiểu người nghịch dị. Chạm vào trang viết Mạc Ngôn, người đọc đi qua những sửng sốt, kinh ngạc về một thế giới lạ thường và thậm chí, đến mức kỳ quặc. Thế nhưng, lại là thế giới khuấy động mạnh mẽ, dữ dội trong cơn dư chấn tinh thần đầy bạo liệt và mang hình dáng của sự nghịch dị. Yếu tố nghịch dị trong tác phẩm của Mạc Ngôn, vừa là cái vỏ bọc để vừa chứa đựng, vừa bộc lộ một cách cụ thể hoá hình dáng của thế giới tinh thần, thế giới bên trong. Trong thế giới nhân vật của tiểu thuyết Mạc Ngôn, bên cạnh những người bình thường, nổi bật lên những nhân vật dị thường, từ ngoại hình đến tính cách, từ hành tung bí ẩn đến khả năng siêu phàm, từ không gian tồn tại đến quá trình sống bất thường,

Yếu tố nghịch dị trong tác phẩm của Mạc Ngôn được sinh ra trong đời sống thường ngày, gắn liền với những điều bình thường, với cuộc sống của con người. Đó không còn là chiều kích nghịch dị mang tầm vóc thiên nhiên như trong thần thoại hay vươn đến những kích cỡ dị thường của vũ trụ như những đưá con tinh thần khổng lồ trong Gargantua và Pantagruel sinh ra từ ngòi bút Rabelais mà là những nghịch dị có vóc dáng của ngày thường. Gắn

với cuống rốn đời thường, yếu tố nghịch dị bước ra từ thế giới Mạc Ngôn nhẹ nhàng, trầm tĩnh nhưng chứa đựng trong nó cả sự kì dị, lạ lùng, méo mó so với cái thông thường, cái vốn có, cái hằng có. Nghịch dị nằm ngay trong ý hướng tính sống của con người, trong tâm hồn con người và nó chiếm hữu một cách choáng ngợp toàn bộ đời sống nhân vật. Đấy là cái góc sâu nhất nhưng không hề lẩn khuất, ẩn náu. Y hướng tính ấy lộ rõ toàn bộ hình dáng tâm hồn của nhân vật và có cội rễ từ những tổn thương tinh thần thăm thẳm. Những kiểu người nghịch dị mà Mạc Ngôn phản ánh trong tác phẩm của mình đó là những con người đủ mọi tầng lớp khác nhau, qua những hình ảnh khác nhau. Có khi yếu tố nghịch dị đó xuất hiện trong cả hình hài nhân vật, có khi chỉ là đôi bàn tay, và cũng có khi nghịch dị trong tâm hồn.

Trước hết đó là là kiểu nhân vật trẻ thơ - người lớn, những nhân vật mà yếu tố trẻ thơ và yếu tố người trưởng thành cùng tồn tại. Trong Đàn hương hình nhân vật điển hình cho kiểu người này là Giáp Con. Giáp Con là con trai duy nhất của đao phủ Triệu Giáp và là chồng của Tôn Mi Nương. Giáp Con tuy “cao to, đầu hói quá nửa, cằm nhẵn thín” nhưng tư chất lại ngây ngô, ngờ nghệch. Mối quan tâm của Giáp Con xoay quanh công việc giết chó mổ lợn, ăn, ngủ và những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Là chồng của một người phụ nữ đẹp, tràn đầy sinh lực và khá lẳng lơ, nhưng Giáp Con lại hoàn toàn tin tưởng vào mối quan hệ cha nuôi - con gái mờ ám giữa Mi Nương và Tiền Đinh, thậm chí còn thấy thích thú, tự hào vì vợ mình thân với quan huyện. Trong chuyện chăn gối, Giáp Con không hề ý thức được sự bất lực của mình. Mi Nương, không khác gì mẹ của hắn, bảo sao, hắn nghe vậy. Vì thế, Mi Nương, Triệu Giáp và nhiều người trong thôn đều gọi Giáp Con là đại ngốc. Bản thân Giáp Con cũng tự nhận mình là một chàng ngốc. Giáp Con là một chàng ngốc nhưng lại mong muốn nắm bắt được bản chất của người khác. Ước mơ này dường như quá sức đối với một kẻ ngô nghê như hắn. Do đó, khi nghe mẹ kể

về chiếc râu hổ thần kỳ, có nó thì sẽ nhìn thấy được bản tướng của người khác, Giáp Con đòi Mi Nương tìm về cho bằng được. Dưới con mắt của Giáp Con, có kẻ biến thành trâu, bò, lợn, gà, hổ báo, bạch xà… Ở phần “Đầu phụng”, anh ta đã có một giấc mơ dài. Anh ta thấy bố mình là một con báo đen, thấy vợ là bạch xà. Râu hổ mà anh ta có được chỉ là cái lông của Mi Nương. Nhưng giấc mơ của Giáp Con làm chúng ta tưởng râu hổ có thật. Chính kho huyền thoại hóa mà Mạc Ngôn “đọc bằng tai” ngày xưa đã tạo nên những trang viết hấp dẫn, hư thực đan xen một cách tài tình. Tưởng Giáp Con ngốc nghếch nhưng chính Giáp Con chính là người tỉnh táo nhất. Qua giấc mơ, qua thế giới của những kiểu người nghịch dị, hiện thực con người và xã hội được hiện ra chân thực hơn, sâu sắc và ấn tượng hơn.

Kiểu nhân vật trẻ thơ - người lớn, còn thể hiện ở những đứa trẻ có suy nghĩ, hành động khiến người trưởng thành phải ngạc nhiên. Lam Ngàn Năm Đầu To là đứa trẻ mang những đặc điểm khác thường do gốc gác đặc biệt của nó. Từ góc độ sinh học, cậu bé là một quái thai, sản phẩm của mối tình loạn luân giữa Bàng Phượng Hoàng và Lam Khai Phóng - hai anh em con cô bác ruột, có chung bà nội. Khi biết sự thật, Lam Khai Phóng từ đỉnh cao hạnh phúc rơi xuống vực sâu bi kịch. Quá đau đớn, anh tự sát, để lại Bàng Phượng Hoàng với một sinh linh đang hoài thai. Đúng ngay thời khắc chuyển giao thế kỷ, Bàng Phượng Hoàng hạ sinh Lam Ngàn Năm Đầu To rồi ra đi. Là nạn nhân của những tội lỗi mà thế hệ trước gây ra, đứa con phải mang trên mình một hình hài, một thể chất dị thường: một cái đầu to quá mức, không tương xứng với vóc dáng và tuổi tác, bị mắc bệnh máu không đông. Cái đầu to khác thường của Lam Ngàn Năm Đầu To có lẽ là vì nó phải chất chứa một ký ức kéo dài năm mươi năm và kinh qua nhiều kiếp tồn sinh đầy sóng gió. Khuyết tật về thể xác được giải thích bằng lý thuyết di truyền học; siêu việt về trí nhớ được giải thích bằng tư tưởng luân hồi trong Phật giáo. Chính ở phương diện

này, Lam Ngàn Năm Đầu To trở nên siêu thực vì nó là nhân vật có sự dung hợp giữa thực và ảo vô cùng đậm nét. Nhân vật này đứng ở ranh giới giữa đôi bờ siêu nhiên, kỳ ảo và phàm trần, dị biệt. Nếu như trong giấc mơ của Giáp Con thế giới người nghịch dị hiện hình qua hình dáng thì đến nhân vật Triệu Giáp và Kim Đồng điều đó được thể hiện qua hình ảnh đôi bàn tay. Bằng bút pháp kỳ ảo, Mạc Ngôn miêu tả rất kỹ về hình dáng bên ngoài, cảm xúc bên trong của người sở hữu chúng lẫn cảm xúc của những đối tượng xung quanh về chính chúng. Đôi bàn tay của Triệu Giáp “nhỏ xíu như bàn tay loài yêu quái”, “nóng như lửa, mềm như bún”, “để yên thì như con chim nhỏ, lúc cử động thì như đôi cánh, nhìn tay, càng cảm thấy ông không phai là người bình thường. Đánh chết thì anh cũng không tin đây là đôi bàn tay đã giết hàng vạn người”[62; tr.592]. Khi Triệu Giáp ra phố, “chó giữ mấy cũng rúc trong xó nhà, ư ử như bị chọc tiết”; “Người ta nói rằng lão sờ vào cây liễu trên phố, cây liễu run lên bần bật, lá thảng xào xạc”[62; tr.12]. Bao nhiêu khoái cảm được tập trung vào đôi bàn tay. Lão thích, lão cần, lão phải được ngâm tay trong nước lạnh như một kẻ nghiện thuốc phiện. Khi tay đói nước, “mắt lão tóe lửa, lão “rên hừ hừ”. Khi tay được tắm nước, lão “nghiến răng ken két”, “mắt lim dim, hít không qua kẽ răng, giữ một hơi thật lâu mới thở ra. Ró ràng là cách thở của một anh nghiện”. Lúc thi hành án tùng xẻo Tiền Hùng Phi năm trăm nhát cắt, thời gian kéo dài. Căng thẳng, chao đảo, rã rời, thiếu nước; bốn lần Triệu Giáp cảm thấy đôi tay “nóng như chèm lửa”, “cháy khô”. Đôi bàn tay của Triệu Giáp được miêu tả một cách ly kỳ bằng tổ hợp những cảm giác: cảm giác sợ hãi của súc vật, sinh vật, cảm giác ghê tởm của con người (Mi Nương, Tiền Đinh), và cảm giác thư thái lẫn quằn quại của chính bản thân lão. Đôi bàn tay của Kim Đồng (Báu vật của đời), lại hết sức mẫn cảm, nhân vật này đã huy động tất cả giác quan của mình về cư ngụ ở đôi tay. Điều này được nhà văn miêu tả tài tình trong phiên chợ Tuyết của vùng Cao Mật.

Trong phiên chợ đó, Kim Đồng đã phải, bị, và được sờ khoảng hai mươi cặp vú của những người phụ nữ. Từ trang 365 đến trang 369, Mạc Ngôn đã lột tả mọi cung bậc cảm xúc của Kim Đồng toát lên từ đôi bàn tay. Đôi ban tay đó đã trở thành mắt, thành tai, thành trái tim và não bộ để có thể nhìn thấy, nghe thấy, đọc thấy và cảm thấy hình dáng, tính chất và tính tình của các bầu vú, của chủ nhân chúng lẫn người sở hữu chúng trong thoáng chốc. Nhờ ngôn ngữ miêu tả thấm đượm cảm giác, qua phiên chợ Tuyết diễn ra trong một ngày, người kể chuyện đã mang đến cho người đọc một cuộc triển lãm vũ có một không hai trong tác phẩm văn học từ xưa đến nay. Không phải ngẫu nhiên khi Mạc Ngôn cho Tây Môn Náo lăn lộn từ kiếp này qua kiếp khác: kiếp lừa phóng đãng, kiếp trâu quật cường, kiếp lợn hoan lạc, kiếp chó trung thành. Dẫu phải sống trong hình hài của súc vật nhưng tâm hồn, linh hồn của Tây Môn Náo vẫn tồn tại để nhận thấy, để phê phán kiếp người tàn nhẫn, vô tâm. Qua thế giới nghịch dị, người vật sống chung, có thể chuyện trò, có thể hành động, nhà văn muốn gửi gắm một điều sâu xa hơn: với triết lý tất cả những gì được sinh ra từ đất đều quay về với đất, sau một kiếp sống đọa đày giữa tình yêu và lòng hận thù, mưu mô và ngây thơ, bi hùng và bạc nhược, cả người lẫn vật đều vùi thân chính trên mảnh đất cá thể Lam Mặt Xanh. Mang tâm thế của loài vật, khóc cười theo từng chương hồi nghiệt súc mà mình hóa thân, Tây Môn Náo đã nhận ra với cuộc sống hèn hạ gian ác của mình, con người chính là loài vật bỉ ổi nhất, còn loài vật lại sống một đời sống rất người bằng tình yêu thương sẻ chia động lòng đến cả trời xanh.

Xây dựng thế giới của những người nghịch dị là cách để Mạc Ngôn bày tỏ quan điểm, tư tưởng của mình về một xã hội hỗn tạp, ở đó các giá trị cuộc sống bị đảo lộn, con người quay cuồng, đảo điên. Trong thế giới của những kiểu người nghịch dị nhà văn có thể đối thoại một cách khéo léo những vấn đề nhân sinh trong xã hội mới. Ông đã thành công trong việc tạo ra một ấn tượng

mạnh, một nhận thức khá sâu sắc ở người đọc về một đời sống mất chuẩn mực. Những giá trị tốt xấu, chân thực và nguỵ tạo, có lý và phi lý luôn chồng chéo, đan quyện, che phủ lẫn nhau khiến con người không dễ gì nhận thấy. Xây dựng những nhân vật như thế, tác giả đã tạo được những tiếng cười xót xa về một thực tại ngổn ngang những điều trái lẽ tự nhiên vẫn nghiễm nhiên tồn tại trong đời sống. Đồng thời “nhà văn cũng buộc người đọc phải nhận thức một sự thật: cuộc sống này, ở đây, bây giờ tất cả đều ngổn ngang, và chắc hẳn để có một trật tự tương đối, sẽ phải mất không ít thời gian và nỗ lực”. Nó thể hiện trách nhiệm của người cầm bút ở Mạc Ngôn đối với cuộc đời.

Một phần của tài liệu Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong tiểu thuyết mạc ngôn luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 69 - 75)