6. Cấu trúc luận văn
1.2.4. Một cái nhìn khái lược về tiểu thuyết Mạc Ngôn
Trong nền văn học đương đại Trung Quốc, Mạc Ngôn cùng với Vương Mông, Giả Bình Ao, Trương Hiền Lượng, Phùng Ký Tài, Lục Văn Phú, Trương Tử Long… được xem là những hiện tượng văn học. Tác phẩm của họ đã vượt ra ngoài biên giới Trung Hoa rộng lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và giới nghiên cứu phê bình nhiều nước trên thế giới.
Với bút lực dồi dào, Mạc Ngôn đã xuất bản 11 tiểu thuyết, 20 truyện dài, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút. Hầu hết các tác phẩm của ông đều được dịch ra nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Nga, Hàn, Ba Lan, Hà Lan, Việt Nam… thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng yêu văn chương nghệ thuật. Những tác phẩm làm nên “ hiện tượng Mạc Ngôn” có thể kể đến : Báu vật của đời, Đàn Hương Hình, Cây tỏi nổi giận, Cao lương đỏ, Rừng xanh lá đỏ, Tửu quốc, Thập tam
bộ, Sống đọa thác đày, Người tỉnh nói chuyên mộng du, Trâu thiến, 41 chuyện tầm phào…
Báu vật của đời (Phong nhũ phì đồn), được xuất bản vào tháng 9 năm 1995 và ngay trong năm ấy được trao giải thưởng cao nhất về truyện và nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn học. Báu vật của đời khái quát cả một giai đoạn lịch sử hiện đại đầy bi tráng của đất nước Trung Hoa, thông qua số phận của các thế hệ trong gia đình Thượng Quan. Từ những số phận khác nhau, lịch sử được tiếp cận dưới nhiều góc độ, tạo nên sức sống, sức thuyết phục nghệ thuật cho tác phẩm. Đàn hương hình là bộ tiểu thuyết lịch sử được Mạc Ngôn viết trong 5 năm từ năm 1996 đến năm 2001. Tác phẩm được phát triển dựa trên bộ hý kịch cùng tên gồm 9 cảnh vốn có từ cuối Thanh đầu Trung Hoa dân quốc. Tác phẩm có một kết cấu khá lạ với 3 phần: đầu phụng, bụng heo va đuôi beo. Tác phẩm tái hiện câu chuyện diễn ra tại vùng Đông Bắc, Cao Mật vào năm 1990, lấy bối cảnh lịch sử thời kỳ chống quân xâm lược Đức của nhân dân Trung Quốc. Cao lương đỏ lấy đề tài từ lịch sử hiện đại Trung Quốc. Tác phẩm được trao giải thưởng Mao Thuẫn và được đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu đưa lên màn ảnh và đoạt giải thưởng “Con gấu vàng” ở liên hoan phim Tây Béclin và “Quả pha lê vàng” tại liên hoan phim Cáclôvi Vari. Sống đọa thác đày là cuốn tiểu thuyết dài 49 vạn từ được sáng tác trong vòng 43 ngày; song, như lời tâm sự của tác giả: "Có thể tổng kết kinh nghiệm sống tích lũy được suốt 43 năm"[26]. Tác phẩm tái hiện lịch sử trong suốt 50 năm ở vùng nông thôn Trung Quốc (1950 – 2000), đặc biệt xoay quanh đề tài quan hệ giữa nông dân với đất đai. Hình tượng nghệ thuật kiếp luân hồi sinh tử, thể hiện cuộc sống của nông dân Trung Quốc và tinh thần lạc quan, kiên cường, mạnh mẽ của họ từ khi nhà nước Trung Quốc mới được thành lập đến nay. Người kể chuyện trong tiểu thuyết chính là một địa chủ từng bị bắn chết trong đợt cải cách ruộng đất. Anh ta cho rằng tuy mình
giàu có nhưng vô tội nên liên tục kêu oan dưới âm ti sau khi đã chết. Sau đó anh ta liên tục phải trải qua sáu kiếp luân hồi, làm người, làm ngựa, trâu, lừa, chó..., nhưng mỗi lần chuyển hóa thành một loài động vật khác, anh vẫn chưa bao giờ rời xa gia đình cũ của anh và mảnh đất xưa của anh. Thông qua đôi mắt của anh, hay nói chính xác hơn là qua đôi mắt của các loài động vật mà anh bị hóa kiếp, độc giả sẽ quan sát và thể nghiệm được những biến đổi cải cách ở nông thôn.
Tiểu thuyết của Mạc Ngôn không có cốt truyện hoàn chỉnh như tiểu thuyết truyền thống mà chỉ còn là cái khung truyện. Nhưng trong cái khung truyện ấy chứa đầy cảm giác, đó là linh hồn của tiểu thuyết Mạc Ngôn. Ông có biệt tài nắm bắt cảm giác. Thế giới cảm giác trong tiểu thuyết Mạc Ngôn mang sắc thái chủ quan mãnh liệt. Trước khách thể, ông “ rót” ấn tượng chủ quan của mình vào để tạo nên hiện trạng khác lạ. Vùng Cao Mật, Đông Bắc, Trung Quốc là bối cảnh phần lớn các tiểu thuyết sống động, kiệt xuất của Mạc Ngôn.
Bằng những sáng tạo độc đáo, bằng niềm khát khao thể hiện một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống, con người, tác phẩm của Mạc Ngôn đã góp phần làm thay đổi cả diện mạo nền văn học đương đại Trung Quốc. Sự cống hiến không biết mệt mỏi cho văn học nghệ thuật của Mạc Ngôn đã được đánh giá cao qua nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước, như:
- Giải nhất tiểu thuyết Hội Nhà văn Trung Quốc cho Báu vật của đời
(12/1995)
- Giai Mao Thuẫn cho tiểu thuyết Đàn Hương Hình.
- Giải tiểu thuyết toàn quốc lần thứ 4 (1987) cho tiểu thuyết Cao lương đỏ, tác phẩm được chuyển thể thành bộ phim truyện nhựa cùng tên (đạo diễn Trương Nghệ Mưu) đã đoạt giải Gấu vàng tại LHP Berlin lần thứ 38.
- Giải văn học nước ngoai Laure Batailin (Pháp). - Giải văn học quốc tế Nonino (Ý).
- Giải thưởng lớn cho Văn hóa châu Á (Nhật).
- Giải Hồng lâu mộng cho tiểu thuyết Hoa ngữ thế giới (Hồng Kông). - Giải văn học Hoa ngữ New York (Mỹ).
- Huân chương kỵ sĩ nghệ thuật văn hóa Pháp (03/2004).
Sau gần 40 năm cầm bút, Mạc Ngôn đã khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn Trung Quốc đương đại. Ông viết nhiều, khỏe, đa dạng về thể loại, phong phú về đề tài, nhưng thành công nhất là ở thể loại tiểu thuyết. Chính ở thể loại này, Mạc Ngôn đã có những tìm tòi sáng tạo độc đáo. Một mặt ông tiếp thu những tinh hoa trong kỹ thuật biểu hiện của của văn học dân gian, mặt khác tiếp nhận những kỹ thuật tân kỳ của tiểu thuyết phương Tây, trong đó có trào lưu hậu hiện đại.