5. Đóng góp của luận văn
3.3.1. Văn hóa vật chất
+ Ăn: Sự phát triển ngày càng cao của đời sống vật chất và tinh thần đã từng bước làm thay đổi những loại đồ ăn, thức uống hay phong cách ăn uống của người dân Hồng Lĩnh.
Trước đây, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, đồ ăn hàng ngày của người dân Hồng Lĩnh là gạo, ngô, nếp, khoai. Mỗi ngày người dân ăn cơm 3 bữa. Bữa ăn hàng ngày khá đạm bạc, thường chỉ có cơm cùng rau, cà, nhút muối, cùng với một ít thịt lợn hoặc cá biển từ Nghi Xuân, Lộc Hà đưa lên và cá nuôi thả trên các hồ đập.
Ngày thường, bữa ăn của người dân khá đơn giản, nhưng khi có khách quý hoặc lễ tết, bữa ăn của họ được chuẩn bị rất công phu, với nhiều món ăn được chế biến cầu kì, trình bày khá đẹp mắt. Trước đây, người dân không quan trọng bữa ăn, ai rảnh ăn trước, ai bận ăn sau, nhưng hiện nay, bữa ăn đối với gia đình người dân Hồng Lĩnh đều rất quan trọng, được coi là thời điểm tụ họp tất cả các thành viên trong gia đình để tăng cường, củng cố thêm mối quan hệ giữa các thành viên, thắt chặt thêm tình cảm gia đình sau một ngày làm việc vất vả.
Hiện nay, nguồn thực phẩm cung cấp hàng ngày cho các bữa ăn được bày bán khá đầy đủ và đa dạng về chủng loại tại chợ Hồng Lĩnh, một số hộ gia đình khá giả bắt đầu hình thành thói quen mua các sản phẩm có rõ nguồn gốc xuất xứ ở trong các siêu thị tại thành phố Vinh và thành phố Hà Tĩnh.
Ở thị Hồng Lĩnh, bên cạnh những hàng quán lớn, phục vụ những món ăn đặc sản rừng vẫn có các quán ăn nhỏ dọc đường 8B để phục vụ bữa ăn bình dân cho đội ngũ công nhân các nhà máy và người lao động tự do. Đặc biệt người Hồng Lĩnh rất thích ăn thịt chó, trên địa bàn có hơn 15 quán thịt chó phục vụ thực khách, mùa mưa rét có nhiều quán không còn chổ trống như quán Học "râu", Trung Hường, 68. Có thể nói thịt chó chấm ruốc (mắm tôm) như một đặc sản của người dân Hồng Lĩnh. Bên cạnh đó người dân và du khách đến Hồng Lĩnh không thể không thưởng thức các món đặc sản Dê núi và bò tái nổi tiếng với quán Bà Nhị, Minh Hòa hay thịt bò Đò Trai...
Ngoài những món ăn ngon, những thứ đồ uống hiện nay của cư dân thị xã Hồng Lĩnh cũng có sự đa dạng không kém. Người Hồng Lĩnh có thói quen uống chè xanh, nguồn chè được đưa từ các huyện miền núi Hương Sơn, Vũ Quang xuống, nhưng thứ đặc biệt mà người Hồng Lĩnh thích nhất vẫn là chè được trồng trên núi Hồng Lĩnh được nấu với nước Suối Tiên. Bên cạnh đó một số hộ dân Hồng Lĩnh sống dưới chân núi Hồng Lĩnh, trong vườn nhà nào cũng đều có vài chục gốc chè để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày. Ngày nay chè xanh đã trở thành thức uống thông dụng, hàng ngày của tất cả các gia đình người người Hồng Lĩnh. Ngoài ra, trà cà phê, bia, rượu, nước giải khát cũng trở thành những thức uống quen thuộc của nhân dân Hồng Lĩnh ở các quán hàng.
Một đặc sản mà bất kỳ người dân Hà Tĩnh nói chung và người dân Hồng Lĩnh nói riêng không ai không khỏi tự hào và trở thành một thứ quà quê mỗi khi có ai xa quê hương đều muốn mang theo đó là kẹo Cuđơ. Nếu như ở Thanh Hóa có bánh gai, ở Quảng Ngãi có kẹo gương thì ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh có kẹo cu đơ. Một đặc sản khiến bao người con của quê hương "đi mô rồi cũng nhớ về", hay khách thập phương đã từng một lần được nếm thử thì khó có thể quên. Kẹo cu đơ lúc đầu có tên là cu hai. Sau này khi phong trào Tây học nở rộ, từ "hai" được các ông nghè nơi đây chuyển sang tiếng Pháp là "Deux" cho nó "trí thức". Từ đó, "cu deux" được đọc chệch thành cu đơ. Nó được du nhập vào vùng đất Hồng Lĩnh từ lúc nào không biết, hiện nay có hơn 20 hộ chuyên nghề nấu kẹo Cuđơ.
Công đoạn làm cu đơ nghe qua thì dễ nhưng hóa ra lại khó làm. Để có được miếng kẹo cu đơ thơm ngon thì người làm bánh phải tuân thủ những quy trình nghiêm ngặt.
Trước tiên, chọn mật là phải mật mía nguyên chất, thật trong vàng óng và phải lấy mật mía ở vùng đồi (Nghĩa Đàn- Nghệ An) chứ không mua ở vùng sông. Đồ đựng mật phải là chum sành trơn bóng để chất liệu của mật không bị biến chất. Rồi lạc phải là loại hạt nhỏ, không bị lép, thối, không bị
sâu mọt, không bị trầy vỏ lụa ngoài. Và cuối cùng, bánh tráng phải nhỏ hơn bánh thường, các nếp quăn đều, khi nướng không được để bánh thủng và phải chín đều.
Có đủ mật, đậu phộng, bánh tráng thượng phẩm chưa hẳn đã nấu được kẹo ngon vì kỹ thuật nấu mới là bước quan trọng. Theo quy trình thì khi mật sôi sục mới cho gừng, lạc vào khuấy đều tay, liên tục theo chiều kim đồng hồ nếu không lạc sẽ bị trầy vỏ hoặc chìm xuống đáy nồi và bị cháy, kẹo sẽ bị đắng.
Khi bắt đầu ngửi thấy mùi thơm, người ta dùng đũa nhỏ một giọt mật vào bát nước lã. Giọt mật khi rơi xuống nước tròn vo, không bẹp, không tan loãng là múc ra cho vào bánh tráng. Đây là điểm cốt lõi trong kỹ thuật nấu bởi nếu sớm quá kẹo sẽ dẻo, kết dính yếu, mật non, lạc chưa chín, nếu muộn quá mật cháy, lạc cháy, bánh sẽ bị đắng. Cuối cùng, người ta nhỏ vào một ít mạch nha cho kẹo có mùi thơm rồi úp lên một chiếc bánh tráng nữa là được.
Một miếng cu đơ thơm ngon khi ăn phải hội đủ các vị ngọt ngào của đường mía hòa quyện với chút thơm nồng cay cay của gừng tươi, pha một chút chua nhẹ của chanh cùng với bánh tráng vừng được nướng đúng độ tạo nên hỗn hợp bánh thật giòn tan và ngọt ngào cùng nhâm nhi thưởng thức với nước chè xanh thạt đạm đà khó quên cho thực khách khi đến đất Hồng Lĩnh. Lò sản xuất Cu đơ nổi tiếng của Thị xã Hồng Lĩnh là hiệu Thanh Ân ( khối 4 phường Nam Hồng) mỗi sản xuất ra đến hàng ngàn tấm, có thời điểm không đủ hàng đáp ứng nhu cầu của thực khách.
+ Mặc: Cùng với sự đổi thay của thời đại, phong cách ăn mặc của người dân Hồng Lĩnh cũng có rất nhiều thay đổi. Người Hồng Lĩnh không biết trồng bông dệt vải như những vùng đất khác, trong suốt chiều dài lịch sử họ chỉ sử dụng các sản phẩm được đưa đến từ các vùng miền khác qua trao đổi hàng hóa.
Trang phục của người Hồng Lĩnh không mang một bản sắc riêng mà nó tạo một sự đa dạng của lối sống thành thị, âu hóa. Chỉ có trong các lễ hội tại các chùa, đền thì các cụ già mới mặc những bộ đồ dài tế lễ. Trong sự phát triển nhộn nhịp của lối sống đô thị trên đường phố Hồng Lĩnh luôn xuất hiện những tà áo dài thướt tha, duyên dáng của các nữ học sinh trong các ngày đầu tuần và lễ, hội. Cả nam và nữ đều mặc quần Tây, áo sơ mi, nhiều phụ nữ khá giả thường mặc những bộ trang phục, váy áo cầu kỳ, sang trọng. Có thể trang phục người Hồng Lĩnh khá đơn giản hơn, tiện lợi hơn, mẫu mã đa dạng.
Điều đáng nói hơn cả trong sự chuyển biến về phong cách ăn mặc của nhân dân Hồng Lĩnh là xu hướng lai căng, phi văn hóa của một số bộ phận giới trẻ. Với một phong cách theo kiểu quần áo nhố nhăng, tóc tai bờm xờm đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng, suốt ngày lê la ngoài đường, trên những chiếc xe phân khối lớn của một bộ phận giới trẻ đang làm biến dạng hình ảnh của một thị xã nên thơ đang nghiêng mình bên dòng sông La hiền hòa. Đây chính là mặt trái của nền kinh tế thị trường mà Hồng Lĩnh cũng như các vùng đất đô thị đang phát triển khác phải chấp nhận.
+ Ở: Trước đây, do quan niệm "Nhất cận thị, nhị cận giang" nên nhà của người dân Hồng Lĩnh chủ yếu tập trung ở dải đất bằng ven sông Minh, kênh nhà Lê hoặc những vùng đất bằng phẳng dưới chân núi Hồng ven các khe như ke Bình Lãng (Bắc Hồng), khe Vẹt (Đậu Liêu). Dọc hai bên quốc lộ 1A, 8A trước kia nhà cửa rất thưa thớt, chỉ lác đác vài ba hàng quán lèo tèo phục vụ khách đi đường. Người dân rất sợ khi phải ra ở ven đường vì câu
chuyện truyền miệng "cướp Bãi Dài, khái Bãi Vọt" "Dân Kẻ Treo mổ mèo lấy
cá" vẫn còn trong tâm tưởng khó phai mờ.
Hai mươi năm sau ngày thành lập, Thị xã Hồng Lĩnh trở thành một khu dân cư trù mật, nhà cửa san sát, với mật độ dân số thành thị lên đến 629,4
người/km2, vùng nông thôn 543,9 người/km2 (năm 2011). Cả kiểu cách làm
ngôi nhà tranh vách đất được thay thế vào đó là những ngôi nhà xây khang trang hiện đại. Tất cả nhà cửa ở đây bây giờ đều được xây theo kiểu nhà trệt, nhà mái bằng, nhà tầng với những loại vật liệu mới. Nền kinh tế càng phát triển, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, những ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo đã biến mất. Cùng với những ngôi nhà ngói mới đỏ tươi, những bức tường rào theo kiểu kín cổng cao tường vì thế tình cảm hàng xóm láng giềng cũng trở nên xa cách hơn, một kiểu văn minh đô thị ở gần nhau nhưng không biết nhà hàng xóm đang hình thành.
Khi nền kinh tế phát triển, theo hướng thương mại, dịch vụ, đường quốc lộ 1A, 8A và các đường trục chính mới được quy hoạch và đầu tư xây dựng trở thành con đường huyết mạch, là xương sống của toàn thị xã, quan điểm "nhị cận giang" không còn phù hợp nữa, mọi người, đặc biệt là những hộ làm ăn buôn bán, cố chen chân, bám trụ dọc hai bên đường, làm cho đất mặt đường trở thành "tấc đất tấc vàng". Điều này cũng làm cho cấu trúc thị xã thay đổi thành hai phần: phần đất dân cư dọc theo triền sông Minh, kênh nhà Lê, khe suối của người bản địa Ngàn Hống, Vân Chàng, Ngọc Sơn, Giao Tác, Kẻ Treo, chủ yếu là những hộ gia đình làm nông nghiệp, còn phần đất dọc theo quốc lộ 1A, 8A và 2 phường nội thị là Bắc Hồng và Nam Hồng lại chủ yếu là cư dân mới nhập cư, các hộ kinh doanh buôn bán.
Mặc dù nhà cửa mọc lên san sát, nhiều nhà cao tầng hiện đại nhưng chủ yếu lại được xây dựng tự do, không theo một quy hoạch, kiến trúc tổng thể, vì vậy thị Hồng Lĩnh vẫn lổn nhổn, chưa thể nói là một thị xã có kiến trúc hiện đại được. Đó cùng là điều lãnh đạo thị xã cần quan tâm trong việc quy hoạch tổng thể thị xã trong tương lai.