* Vai trò của các thương nhân Muslim trong việc phát triển quan hệ thương mại giữa Đông Nam Á với khu vực Tây Á và phương Tây.
Như đã khẳng định, từ thế kỷ XIII, Islam đã xâm nhập vào khu vực Đông Nam Á và nhanh chóng lan tỏa ra khắp khu vực này. Đến khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, Islam được tiếp nhận rộng rãi ở miền Trung của đảo Java, phía Nam đảo Sulaweisi, Buton, Lombok, Sumbawa, Mindanao và Nam Borneo; và cùng với đó là sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các nhà nước Islam ở Acheh, Johor, Patani, Baten, Ternate… Việc Đông Nam Á gia nhập vào thế giới Islam đã tạo cơ hội cho khu vực này tham gia vào hệ thống buôn bán quốc tế mà lúc đó đang nằm trong tay các thương gia Muslim Arập, Ba Tư, Ấn Độ, Trung Quốc…
Là khu vực nổi tiếng giàu có về hương liệu và gia vị, lại có vị trí đại lý thuận lợi, nằm trên con đường buôn bán Đông - Tây, có nhiều vịnh, nhiều hải cảng tốt, thuận lợi cho tàu thuyền qua lại, ở đây lại có hệ thống gió mùa luân phiên nhau quyết định lộ trình và hướng đi của các tàu thuyền… nên từ rất sớm, Đông Nam Á đã hấp dẫn các thương nhân nước ngoài đến đây buôn bán. Thế nhưng, chỉ khi các thương nhân Muslim xuất hiện và đưa khu vực này gia nhập vào mạng lưới thương mại quốc tế thì kinh kế Đông Nam Á mới thực sự khởi sắc, nhất là về thương nghiệp. Chính sự xuất hiện của Islam là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên “Thời đại hoàng kim của hoạt động thương mại Đông Nam Á (1450 - 1680)”.
Trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Đông và Tây Á đã hình thành từ khoảng thế kỷ II, cho đến khoảng thế kỷ XIV thì sự giao lưu thương mại, luân chuyển hàng hóa giữa hai vùng đã trở nên phổ biến ở cả hai tuyến giao thương trên đất liền và trên biển. “Theo đó, người Arập đã thường xuyên tiến
hành nhiều chuyến buôn bán xa và giới thương nhân Islam đã đảm đương vai trò đáng kể trong việc vận chuyển hàng hóa trên cả hai tuyến buôn bán và giao lưu văn hoá quốc tế” [39; 64 - 65].
Con đường buôn bán trên bộ cơ bản đã hình thành trước và đảm đương vai trò vận chuyển hàng hóa trong suốt quá trình phát triển của thương mại giữa phương Đông với phương Tây. Tuy nhiên, sự buôn bán trên biển với các tuyến thương mại biển được hình thành giữa Đông Á tới Trung Cận Đông và thậm chí tới vùng Địa Trung Hải ngày càng chiếm ưu thế. Đến thế kỷ XV - XVI thì con đường giao thương trên biển ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn nhờ sự phát triển của các kỹ thuật hàng hải, khả năng xác định toạ độ, phương hướng trên biển cũng như sự phát triển của các vùng sản xuất và nhu cầu trao đổi ngày càng lớn.
Trong thế kỷ XV, vai trò của các thương nhân Islam trong sự liên hệ thương mại giữa Trung Cận Đông và Đông Nam Á trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Nguyên nhân dẫn đến sự phát triển đó là việc các đoàn thương thuyền khi đi từ Đông Nam Á tới Trung Cận Đông hay tiến xa hơn sang phía Tây (và theo chiều ngược lại) đều đi qua eo biển Melaka. Eo biển Melaka trở thành con đường thuận lợi nhất cho tuyến giao thương giữa Đông và Tây Á. Trong khi đó, đầu thế kỷ XV, Melaka vừa trở thành một trung tâm Islam, đồng thời là một cảng thị quan trọng bậc nhất ở vùng bán đảo Malaya và Tây Sumatra nên nó không chỉ là một “Trung tâm liên thế giới” về thương mại, mà còn là trung tâm liên kết giữa vùng thương mại- tôn giáo ở Trung Cận Đông với vùng thương mại (và nơi Islam truyền bá đến) ở Đông Nam Á. Islam trở thành một nhân tố liên kết giữa các cộng đồng cư dân theo tôn giáo mới giữa các quốc gia khu vực quanh Melaka. Ngoài Melaka, Acheh cũng là nơi tiếp nhận sớm và mạnh Islam và cũng nhanh chóng phát triển thành một trung tâm buôn bán giữa Trung Cận Đông, vùng Ấn Độ Dương và eo Sunda. Điều đó cho thấy rằng, các thương nhân Islam (từ vùng Trung Cận Đông hay người bản địa theo Islam), ở mức độ nhất định, đã góp phần vào sự hình thành các quan hệ thương mại một cách có hệ thống giữa các trung tâm cung cấp hàng hóa hay các trung tâm làm chức năng liên kết thương mại là các vùng cảng thị, các vùng trung chuyển hàng hóa. Cũng vì thế, trong giai đoạn này ở Đông Nam Á có sự phân biệt giữa hai vùng thương mại là vùng Islam ở khu vực quanh Melaka và đảo Java, và vùng vịnh Thái Lan tới biển Nam Trung Quốc.
Ngoài những thương cảng quan trọng của Đông Nam Á ở Banten, Batavia, đặc biệt là ở Melaka và vùng Acheh, ở Tây Á cũng có một hệ thống các cảng biển dọc bờ biển Arập, kéo dài tới vùng biển Đỏ. Với những cảng biển đó, những thương nhân Islam có ưu thế lớn trong việc buôn bán từ Đông Nam Á tới vùng Arập, vịnh Ba Tư, Ai Cập và Đông Bắc Phi. Từ Đông Nam
Á, qua eo Melaka, hoặc từ Acheh, các thương thuyền của họ đi qua vùng biển phía Nam Ấn Độ, có thể qua Ceylon (Sri Lanka), tới vùng bờ biển Arập hay qua vùng biển Đỏ, và sau đó có thể tới cả Địa Trung Hải hoặc được phân phối ở các vùng của châu Âu. Con đường đó trong thế kỷ XV - XVII được mô tả cụ thể là: từ Ấn Độ Dương qua Trung Cận Đông, vùng biển Arập hay biển Đỏ, rồi các thương thuyền từ vùng cảng Alexandria và Beirut để tới Venice, Genoa hay Barcelona… Trong những năm cuối của thế kỷ XV, người ta cũng nhắc tới sự phát triển mạnh của vùng Venice với những thương nhân buôn hương liệu từ Cairo, và những thương nhân Cairo này cũng lấy hàng hóa của Ấn Độ, Đông Nam Á và chuyên chở theo lộ trình thương mại như trên để từ Trung Cận Đông và Địa Trung Hải cung cấp cho châu Âu. Từ thế kỷ XV, ngoài dấu ấn của những thuyền buôn người Islam, trên con đường buôn bán và vận chuyển hàng hóa trên biển còn có các thương nhân Thiên chúa giáo từ châu Âu, đặc biệt là người Bồ Đào Nha. Những lực lượng đảm đương việc buôn bán giữa Đông Nam Á và các vùng khác bấy giờ gồm có người Trung Quốc, Nhật Bản Đông Nam Á, các thương nhân theo Islam, và các thương nhân châu Âu Thiên chúa giáo. Trong đó, các hoạt động thương mại nội vùng Đông Nam Á, và Đông Nam Á với vùng Đông Bắc Á chủ yếu do người Trung Quốc, Nhật Bản và các thương nhân bản địa tiến hành, còn sự liên hệ giữa Trung Cận Đông với Đông Nam Á trong thời gian này dựa chủ yếu vào các thương nhân từ Trung Cận Đông và thương nhân từ các nước châu Âu, đặc biệt là người Bồ Đào Nha. Các thương nhân Islam và châu Âu là hai lực lượng cạnh tranh nhau trong việc chuyên chở hàng hóa trên biển từ Đông Nam Á đưa tới châu Âu. Trong thể kỷ XV và những thập niên đầu thế kỷ XVI, những thuyền buôn của người Islam thể hiện vai trò vượt trội hơn hẳn so với thương thuyền của người Bồ Đào Nha. Lượng hàng hóa của người Bồ Đào Nha chuyển từ Đông Nam Á tới châu Âu trước năm 1511 còn ít hơn 1/4
lượng hàng của thương nhân Islam vận chuyển qua Trung Cận Đông. Kết quả đó phần nào thể hiện việc đế quốc Osman bấy giờ đang phát triển mạnh và mở rộng ảnh hưởng của đế chế này ra bên ngoài. Chẳng hạn, với sự xâm lược của đế chế Osman tới Ai Cập năm 1517, đế chế này đã kiểm soát luôn vùng biển Đỏ cùng với bờ biển Arập.
Việc người Islam kiểm soát bờ biển Arập và biển Đỏ sau khi đế quốc Osman xâm lược Ai cập (1517) đã khiến cho thương nhân Islam có một ưu thế hết sức lớn về hải thương từ Đông Nam Á (chẳng hạn như từ Acheh) và Ấn Độ Dương tới Trung Cận Đông. Cả vùng biển Arập, Tây Nam Á và Đông Bắc Phi đã nằm dưới quyền kiểm soát của người đế quốc Osman. Việc nắm được vùng biển khu vực này đã giúp cho thương mại của người Islam cạnh tranh với những ưu thế của người Bồ Đào Nha ở vùng biển Ấn Độ. Nhờ vậy, cho đến những năm 1560, cùng với sự phục hồi các tuyến hải thương của người Islam, việc cung cấp hàng hóa qua Trung Cận Đông vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của các thương nhân Muslim. Nguồn hương liệu và các sản phẩm phương Đông được họ chuyển qua vùng Ai Cập đã lên tới khoảng từ 1.250 đến 2.000 tấn hàng năm.
Có thể nói, sự giàu có và nổi tiếng về một xứ sở của hương liệu và gia vị của Đông Nam Á từ lâu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các thương nhân phương Tây. Vì vậy, từ rất sớm, người phương Tây đã tìm đến đây buôn bán, trao đổi hàng hóa. Nhất là sau chuyến đi của Marco Polo và những tin tức về những thị trường đồ gia vị giàu có ở các hòn đảo Đông Nam Á trở về châu Âu càng kích thích trí tò mò và lòng tham của các thương nhân phương Tây, họ tìm đường để đến đây buôn bán và truyền đạo. Ngoài những bạn hàng truyền thống, giờ đây Đông Nam Á còn là nơi tiếp xúc với người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp,… những khách hàng thường xuyên, góp phần kích thích buôn bán làm cho thương mại của khu vực này thêm náo nhiệt.
Thời kỳ này, theo mô tả của Brian Harrison trong cuốn “Southeast Asia
A short History”: “các nhà truyền đạo và các nhà buôn phương Tây liên tục đi qua con đường lữ hành cổ để tới miền Viễn Đông” [68; 53]. Mặc dầu trong bối
cảnh chính trị thời bấy giờ đường bộ được xem là ngắn hơn và an toàn hơn, nhưng các thương gia châu Âu vẫn có thể đi qua Mông Cổ - Ba Tư (cho đến khi những thương nhân Muslim án ngữ con đường này) và tiếp tục qua đường biển tới Ấn Độ. Như vậy theo con đường này thì phải vòng qua trung gian là Ai Cập và phía Đông Địa Trung Hải. Điều này khiến họ tiếp cận các vùng sản xuất đồ gia vị sát hơn, mang lại cho họ thêm các kiến thức về đồ gia vị trong các thị trường nông sản cũng như các tiềm năng về việc buôn bán đồ gia vị nói chung.
Tuy nhiên thương mại vận chuyển trong vùng Ấn Độ Dương vẫn do các thương nhân Muslim nắm giữ. Vì vậy, người châu Âu đến đây buôn bán thì phải gián tiếp qua các thương nhân Islam, nhất là trong giai đoạn đầu. Brian Harrison cũng cho chúng ta biết: “Tàu thuyền của các Muslim Ấn Độ, Ba Tư
và Arập đã cung cấp cho châu Âu những sản phẩm của miền Viễn Đông, Đông Nam Á và Ấn Độ. Những sản phẩm này được thu gom từ nhiều kho hàng đầu mối khác nhau ở châu Á, được vận chuyển tới Vịnh Ba Tư hoặc tới Hồng Hải, và chuyển tới Alexandria và các trung tâm phân phối khác ở Trung Đông. Từ những trung tâm này, hàng hóa từ phương Đông được phân phối ra khắp châu Âu mà từ thế kỷ XIV trở đi chủ yếu là do các nhà buôn Venice đảm nhiệm. Họ là những người có rất nhiều trạm mậu dịch ở miền đông Địa Trung Hải kiểm soát các con đường vận chuyển hàng hóa từ phương Đông tới châu Âu” [68;
53].
Như vậy các sản phẩm của Đông Nam Á đã qua nhiều bàn tay và thông qua nhiều quá trình trung chuyển trước khi chúng tới thị trường châu Âu, và
do vậy cho nên giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng là rất cao. Rõ ràng là châu Âu sẽ có lợi rất lớn nếu như hàng hóa phương Đông được chuyển trực tiếp sang các cảng biển châu Âu mà không có giai đoạn vận chuyển trung gian. Và sau cuộc phát kiến địa lý, người châu Âu đã tìm ra con đường mới để đến phương Đông buôn bán. Sự có mặt của người Bồ Đào Nha, Hà Lan, sau đó là Anh, Pháp… ở Đông Nam Á đã thúc đẩy nền thương mại ở đây phát triển mạnh mẽ.
* Nhờ gia nhập vào thế giới Islam nên Đông Nam Á đã hòa mình vào hệ thống thương mại quốc tế, tạo nên thời đại hàng kim của hoạt động thương mại khu vực. Vì vậy, quan hệ thương mại với một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản,… phát triển mạnh mẽ
Quan hệ thương mại giữa Đông Nam Á với các nước bạn hàng truyền thống như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,… đã được thiết lập từ rất sớm và ngày càng được củng cố nhờ sự gần gũi về mặt địa lý và sự tương đồng về văn hóa. Đặc biệt, khi Đông Nam Á bước vào “kỷ nguyên thương mại” thì, buôn bán giữa Đông Nam Á với các bạn hàng truyền thống phát triển mạnh mẽ.
Quan hệ thương mại giữa Đông Nam Á và Trung Quốc được thiết lập từ rất sớm và nó diễn ra trên hai hình thức: “triều cống” và buôn bán tư nhân “bất hợp pháp”. Đặc biệt, khi Đông Nam Á bước vào “kỷ nguyên thương mại,” sự hiện diện của các thương nhân Muslim đã làm cho nền thương mại của khu vực phát triển thịnh đạt, do vậy quan hệ thương mại giữa Đông Nam Á và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhất là sau những chuyến thám hiểm của Trịnh Hoà, sứ giả các nước Đông Nam Á đến Trung Quốc cống nạp đều tăng lên. Chúng ta có thể thấy qua bảng thống kê sau:
Bảng thống kê các phái đoàn cống phẩm của Đông Nam Á tới Trung Quốc từ 1400 đến 1510 Từ
Năm Java Pasai Siam Chămpa Capuchia Pahang Melaka Brunei Philipin
1400-09 8 3 11 5 4 3 3 2 1410-19 6 7 6 9 3 3 8 4 2 1420-29 16 5 10 9 5 2 5 1430-39 5 3 4 10 3 1440-49 7 3 9 2 1450-59 3 2 3 3 1460-69 3 1 1 4 2 1470-79 4 3 1 1480-89 3 3 3 0 1490-99 2 3 3 0 1500-10 1 2 2
Nguồn: Anthony Reid: Southeast Asia in the ega
of Commerce 1450 -1680. Vol. II, Yale University Press, London 1993, p16
Sang thế kỉ XVI, với việc nhà Minh bãi bỏ chính sách cấm hải vào năm 1567 đã có tác động mạnh đối với hoạt động thương mại trong khu vực, quan hệ thương mại giữa Đông Nam Á với Trung Quốc tiếp tục phát triển hơn nữa. Mặc dù đã bãi bỏ chính sách cấm hải, nhưng để khẳng định uy quyền của nhà nước và khẳng định mối quan hệ chính thức với các nước, nhà Minh đã ban hành chế độ cấp giấy phép cho thuyền buôn ra nước ngoài buôn bán. Thực hiện chính sách đó, lúc đầu chỉ có 50 thuyền mành mỗi năm được cấp giấy phép buôn bán ở Đông Nam Á. Sau đó, vào năm 1589, số thuyền mành được cấp giấy phép xuống phía Nam đã tăng lên đến 88 thuyền mỗi năm và vào năm 1592 là 110 thuyền, năm 1597 là 137 thuyền [3; 64]. Trong đó, riêng trong những năm 1589 - 1591, trong số 88 thuyền buôn được cấp giấy phép mỗi năm thì có 44 giấy phép được cấp cho việc buôn bán với các nước khu vực Biển Đông và 44 giấy phép được cấp cho việc buôn bán với các nước thuộc khu vực biển Tây.
Khu vực đến Số thuyền
Biển Đông:
Đến Luzon (Manila) Đến quần đảo Philippines Đến Brunei
Đến Maluku
Đến các vùng biển phía Đông khác
44 16 18 2 1 7 Toàn bộ Đại Tây Dương:
Đến các cảng của Việt Nam Chămpa Campuchia Xiêm Ligor Patani Pahang
Bồ Đào Nha (Melaka) Phuket (Junkceylon) Các bến cảng Aceh Các cảng Nam Sumatra Các cảng Tây Java Các cảng Nam Borneo
Các cảng chưa xác định thuộc vùng biển phía Tây
44 8 3 3 4 1 1 1 2 1 2 7 8 2 1 Nguồn: [3; 64 - 65]
Trên đây chỉ là những con số mà nhà nước kiểm soát được. Trên thực tế, bên cạnh số thuyền được cấp giấy phép buôn bán chính thứcđó còn có rất nhiều thương thuyền mặc dù không được vẫn tiến hành các hoạt động buôn