1. Kết luận
Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển ngày càng nhanh. Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Trong bối cảnh đó, giáo dục đã trở thành nhân tố quyết định đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Các nước trên thế giới kể cả những nước đang phát triển đều coi giáo dục là nhân tố hàng đầu quyết định sự phát triển nhanh chóng và bền vững của mỗi quốc gia. Đảng và Nhà nước ta đã đặt giáo dục ở vị trí cao, khẳng định phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vấn đề quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nói chung, đội ngũ giáo viên THPT nói riêng đã được nhiều nhà khoa học, nhiều nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước quan tâm. Song các tác giả đều nghiên cứu trên phạm vi rộng và chưa phản ánh một cách đầy đủ và toàn diện các giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, các công trình nghiên cứu nêu trên nó còn mang tính chất chung chung, vẫn chưa có một tác giả nào đi sâu vào nghiên cứu công tác quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở bậc THPT trên địa bàn quận 6 thành phố Hồ Chí Minh.
Từ kết quả nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của đề tài, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:
– Luận văn đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông, trong đó đi sâu nghiên cứu, phân tích những khái niệm cơ bản.
– Luận văn đã chỉ ra được một số vấn đề chính của tình hình chất lượng đội ngũ giáo viên và thực trạng công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội
ngũ giáo viên ở các trường trung học phổ thông trong quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.
– Luận văn đã đúc kết được 8 giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông ở các trường trong quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. Các giải pháp này vừa đảm bảo tính khoa học vừa có tính khả thi cao.
Nhìn chung, tác giả tự nhận thấy nội dung luận văn đã giải quyết được mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài. Nếu các giải pháp đã đề xuất trong luận văn được sự quan tâm các cấp lãnh đạo, của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cũng như các cấp quản lý trong nhà trường và sự kết hợp chặt chẽ của phụ huynh học sinh thì chắc chắn các giải pháp đó sẽ góp một phần vào việc nâng cao chất lượng giáo viên và hiệu quả đào tạo của các trường thuộc địa bàn quận 6 thành phố Hồ Chí Minh.
2. Kiến nghị
2.1. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:
– Cần xây dựng, bổ sung và ban hành các văn bản về công tác quản lý chế độ chính sách đủ hiệu lực để nâng cao chất lượng công tác quản lý nói chung, công tác quản lý đội ngũ giáo viên nói riêng, như chế độ công tác của giáo viên phải phù hợp với chế độ làm việc 40 giờ/tuần của công chức, viên chức nhà nước.
– Cần nhanh chóng thể chế hóa các chủ trương, chính sách đối với cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên như: chế độ đào tạo và bồi dưỡng, chế độ tiền lương, chế độ khen thưởng ...
2.2. Đối với Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạothành phố Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh
– Cần ưu tiên về mặt tài chính cho công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các phòng chức năng, trang thiết bị đầy đủ, phục vụ tốt cho việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
– Cần xây dựng kế hoạch phát triển số lượng, chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của thành phố trước mắt và lâu dài.
– Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tuyển dụng được giáo viên có đủ tầm công tác trong ngành giáo dục – đào tạo.
– Cần thể chế hóa chính sách bồi dưỡng giáo viên và chỉ đạo thực hiện chế độ chính sách sao cho công tác học tập nâng cao trình độ, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng hiệu quả và thiết thực.
– Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ quản lý trong nhà trường thực hiện tốt công việc tuyển chọn giáo viên.
– Cần có chế độ khen thưởng thỏa đáng đối với những giáo viên giỏi và học sinh đạt giải thưởng trong các kỳ thi.
– Cần quản lý thống nhất mọi hoạt động giáo dục và đào tạo trong thành phố.
2.3. Đối với địa phương và các trường THPT trong quận.
– Cần có chính sách cụ thể và phù hợp nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ lâu dài trên địa bàn quận.
– Cán bộ quản lý các trường trung học phổ thông cần quan tâm giúp đỡ, động viên và tạo điều kiện để mọi giáo viên tham gia các hoạt động nâng cao chất lượng.
– Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông cần có sự liên kết, thống nhất kế hoạch trong việc quản lý, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên.
– Cần đổi mới nội dụng, hình thức, cách tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và công tác thi đua khen thưởng.