Đánh giá chung về thực trạng.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trường trung học phổ thông công lập quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 64 - 70)

3 Kiến thức về tình hình chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước và địa phương

2.5. Đánh giá chung về thực trạng.

2.5.1. Những thành tựu trong công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong nhà trường THPT quận 6.

Trong những năm học vừa qua chất lượng đội ngũ giáo viên THPT quận 6 có những chuyển biến đáng kể.

Ban giám hiệu phân công phân nhiệm một cách khéo léo và hợp lý giúp giáo viên phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu để tham gia giảng dạy tốt hơn.

Chất lượng của công tác quản lý cũng như các hoạt động chuyên môn của đội ngũ giáo viên THPT đã được đổi mới và đạt được những thành quả

đáng kể. Hiệu quả giảng dạy của giáo viên THPT quận 6 cao, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT luôn tiến sát con số 100%, tạo niền tin cho phụ huynh học sinh.

Tính đến năm học 2010 – 2011, toàn quận có 98,2% giáo viên đạt chuẩn giáo viên THPT. Đây là một thành tích đáng kể sau nhiều năm học tập, phấn đấu của các thầy cô giáo so với những năm học trước.

Hầu hết giáo viên THPT có lập trường chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống lành mạnh, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành.

Hầu hết giáo viên đã có ý thức vươn lên trong chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng tiếp cận thông tin và sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Nhiều trường đã thực hiện tốt công tác thi đua – khen thưởng nhằm thúc đẩy chất lượng chuyên môn cũng như chất lượng tay nghề của đội ngũ GV.

Một số giáo viên đã có ý thức tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, đề xuất những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giảng dạy, giáo dục.

2.5.2. Những hạn chế.

Mặc dù có được những kết quả đáng khích lệ trong công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên THPT trong quận 6, nhưng bên cạnh đó trong công tác quản lý cũng còn nhiều hạn chế.

2.5.2.1. Hạn chế trong công tác giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng. Thực tế vẫn còn một số giáo viên chưa có ý thức và nhận thức đúng trong việc trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Nhà quản lý chưa tìm ra biện pháp cụ thể để giải quyết số giáo viên không tâm huyết với nghề, sống vụ lợi, không quan tâm tới lợi ích của tập thể, thiếu ý chí vươn lên, vi phạm quy chế chuyên môn như: không soạn bài đầy

đủ, bỏ tiết, đánh giá xếp loại học sinh chưa đúng quy chế, xử lý kỷ luật học sinh không đúng quy trình.

2.5.2.2. Hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.

Một số giáo viên sau khi đi học nâng cao trình độ chuyên môn thì không trở về nơi mình đang công tác.

Nhà quản lý chưa chấm dứt tình trạng hiệu quả giờ dạy của một số giáo viên còn thấp, vẫn còn tồn tại việc giáo viên bị học sinh phản ánh trong giảng dạy. Đội ngũ giáo viên một bộ phận còn yếu trong chuyên môn, năng lực giáo dục học sinh, chưa tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chậm tiếp thu kiến thức mới, hiện tượng dạy học theo kiểu đọc chép vẫn còn.

2.5.2.3. Hạn chế trong công tác đánh giá, phân loại giáo viên.

Tuy đạt tỷ lệ cao trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng các biện pháp kiểm tra, đánh giá cũng có nhiều mặt trái, mang đến nhiều hệ lụy tiêu cực.

Điển hình là cách đánh giá giáo viên thông qua tỷ lệ học sinh đạt điểm trung bình trong các kỳ thi, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT mang đến nhiều mối nguy hại. Có một cách hiểu phổ biến và đáng tiếc lại đang được coi là chuẩn mực trong đánh giá giáo dục. Cách hiểu đó cho rằng, chất lượng giáo dục đồng nghĩa với kết quả thi cử. Một biểu hiện rất rõ: sự quan tâm chủ yếu của các nhà quản lý giáo dục, từ các cấp quản lý hệ thống tới các cấp quản lý nhà trường, tập trung cao nhất vào các kỳ thi để rồi lấy kết quả thi làm thước đo quan trọng nhất cho chất lượng một học sinh, chất lượng giảng dạy của giáo viên, một nhà trường và một địa phương. Chính cách quản lý giáo viên thông qua tỷ lệ học sinh thi đậu tốt nghiệp, giáo viên trong nhà trường phổ thông tìm mọi cách để dạy cho học sinh đậu được tốt nghiệp hoặc đạt tỷ lệ điểm trung bình cao trong các kỳ thi.

Đa số giáo viên đều chọn cách dạy an toàn, dạy đi dạy lại những kiến thức trọng tâm thi cử sao cho các em đi thi đạt được điểm 5.

Cách đánh giá giáo viên bằng tỷ lệ điểm thi của học sinh dẫn đến việc giáo viên làm mọi cách để đạt tỷ lệ cao. Ngoài nỗ lực giảng dạy để học sinh nắm được cách làm bài, bỏ công sức để dò bài cho học sinh, họ còn làm nhiều cách để có nhiều học sinh của mình dạy đạt điểm trung bình.

Với cách dạy học sinh để đi thi, gần như người giáo viên không nghiên cứu một cách nghiêm túc để nâng cao trình độ mà chủ yếu nghiên cứu để đoán dạng đề thi. Thời gian giáo viên tập trung chủ yếu vào đi dạy, dạy ở trường, dạy ở nhà và dạy ở trung tâm luyện thi.

2.5.2.4. Hạn chế trong công tác quy hoạch phát triển đội ngũ.

Công tác quy hoạch cán bộ còn một số hạn chế đó là: nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về công tác này còn yếu, còn có sự nhầm lẫn giữa công tác quy hoạch cán bộ với công tác nhân sự. Sau khi có xác nhận quy hoạch cán bộ, một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ trong quy hoạch. Việc quản lý cán bộ trong quy hoạch có thiếu sót, hàng năm chưa kiểm tra, rà soát lại để kịp thời điều chỉnh phù hợp với thay đổi trong thực tế.

Cơ cấu giáo viên giảng dạy chưa được phân bổ đồng đều. Một số môn thiếu giáo viên nhưng một số môn thừa giáo viên.

Nguồn tuyển giáo viên chủ yếu do Sở Giáo dục và Đào tạo phân bổ, các trường chưa được phép chủ động trong công tác tuyển dụng. Việc tuyển dụng và phân công giáo viên chủ yếu tập trung vào hướng giải quyết cho những nơi còn thiếu mà chưa xem xét tính phù hợp giữa hoàn cảnh gia đình, nơi cư trú... Vì vậy, một bộ phận giáo viên thường xuyên lo nghĩ, tìm cách xin được thuyên chuyển về gần gia đình, thậm chí chấp nhận bỏ việc, dẫn đến việc tìm nguồn giáo viên thay thế khi có GV xin thuyên chuyển, bỏ việc gặp khó khăn.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, sự hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ đôi khi chưa chặt

chẽ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ có lúc chưa thực hiện đồng bộ với công tác quy hoạch cán bộ; chưa mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trẻ trong quy hoạch. Việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác quy hoạch cán bộ chưa kịp thời.

Ngoài ra ở các trường đội ngũ thường không đồng đều về năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm. Bên cạnh những GV lâu năm còn có GV trẻ, mới ra trường có thế mạnh về lòng nhiệt tình, sự năng động nhưng có hạn chế về chuyên môn và nhất là kỹ năng sư phạm vì chưa có kinh nghiệm.

2.5.2.5. Hạn chế trong công tác quản lý cơ sở vật chất và các phương tiện đảm bảo điều kiện làm việc cho giáo viên.

Công tác giáo dục nhận thức của giáo viên về việc sử dụng và bảo quản trang thiết bị chưa được nhà trường quan tâm.

Kế hoạch hoạt động của thư viện chưa được Ban Giám hiệu quan tâm nên hoạt động của thư viện chưa có hiệu quả.

Toàn bộ đồ dùng dạy học có được là do mua, chưa có giáo viên nào tự sáng tạo đồ dùng dạy học, dụng cụ thực hành thí nghiệm.

Việc rà soát hệ thống cơ sở vật chất cũng như thiết bị dạy học chưa được thực hiện thường xuyên mà thường là hư cái nào sửa cái đó.

2.5.2.6. Hạn chế trong công tác thực hiện chế độ chính sách và công tác thi đua khen thưởng.

Vì các trường còn dành phần lớn kinh phí cho rất nhiều hoạt động khác nên phần kinh phí để chi cho công tác thi đua - khen thưởng còn hạn hẹp. Do đó, tiền thưởng đôi khi chỉ có ý nghĩa tượng trưng.

2.5.3. Nguyên nhân.

– Công tác quản lý giáo dục trong trường học còn có những thiếu sót về tổ chức, việc triển khai đường lối chính sách của Đảng trong việc phát triển

giáo dục có nơi còn chậm, vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, công tác xử lý vi phạm đối với cán bộ, giáo viên còn chưa triệt để.

– Chất lượng sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn còn thấp, chưa khoa học, đôi khi còn mang tính hình thức, đối phó.

– Kinh phí đầu tư còn hạn chế, cơ sở vật chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nói chung và xây dựng đội ngũ nói riêng trong tình hình hiện nay.

– Công tác viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học chưa đi vào ý thức của giáo viên, còn mang tính hình thức, thiếu tính sáng tạo và khả năng áp dụng trong thực tiễn là hạn chế.

– Việc đánh giá, xếp loại giáo viên cũng còn chưa thực sự khách quan, vẫn còn nể nang. Công tác bồi dưỡng để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đã có đầu tư nhưng hiệu quả chưa cao, chính sách và các điều kiện để phát triển đội ngũ giáo viên vẫn còn nhiều bất cập.

– Trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy theo phương pháp đổi mới còn thiếu nhiều, cho nên hoạt động dạy và học còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Các thiết bị thí nghiệm, đồ dùng dạy học được cấp, chất lượng rất kém và không đảm bảo độ chính xác để giáo viên dạy thực hành.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trường trung học phổ thông công lập quận 6 thành phố hồ chí minh (Trang 64 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w