Tài nguyên du lịch nhân văn

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch ở vườn quốc gia pù mát luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 41 - 48)

7. Bố cục của đề tài

2.1.2.Tài nguyên du lịch nhân văn

2.1.2.1. Di tích lịch sử văn hóa

VQG Pù Mát không chỉ hấp dẩn du khách bởi tính đa dạng sinh học, mà còn hấp dẫn bởi văn hóa đặc sắc của các dân tộc Thái, Đan Lai... như điệu múa lăm vông, lễ hội xăng khan... Các di tích lịch sử gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông. Trên dải đất này đã từng chứng kiến sự góp sức

người, sức của vào công cuộc đấu trang võ trang lớn, làm nên “Miền Trà Lân trúc trẻ tro bay”. Đây cũng là nơi có chi bộ Đảng đầu tiên ra đời của các dân tộc thiểu số trong cả nước từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tất cả truyền thống

văn hóa đó được in lên các di tịch lịch sử văn hóa ở nơi đây mà tiêu biểu là một số di tích sau.

Thành Trà Lân

Nằm về phía Tây Bắc của huyện Con Cuông, Nghệ An, cách trung tâm huyện lỵ hơn 2 km. Thành Trà Lân hiện tại nằm trên đất Tân Hòa, xã Bồng Khê. Bên này sông là khu vườn bộ vườn quốc gia Pù Mát, bên kia sông Lam là thành Trà Lân.

Thành Trà Lân là một trong 85 thành cổ của vùng Tây Nam Nghệ An. Thành xây dựng theo hình chữ V, lưng tựa núi, chu vi của thành rộng hơn 400m, trên thành có lũy kiên có, trên lũy trồng gai tre để bảo vệ. Du khách về thăm lại chiến trường xưa, chứng kiến di tích của một chiến lũy vững chắc, lợi hại với những đường hào của nghĩa quân Lam Sơn. Ngược dòng lịch sử:

Thời nhà Minh đô hộ đã xây dựng thành Trà Lân cách thung lũng Cửa Rọ khoảng 300km. Sức chứa của thành cả ngàn quân sĩ, có nhiệm vụ bảo vệ, chốt chặn tuyến quốc lộ 7A và giao thông đường thủy Sông Lam, trấn giữ vùng miền Tây Nghệ An. Quân Minh biết nghĩa quân Lam Sơn đang dồn quân vào Cửa Rọ, chúng đã chủ động huy động đội quân kiêu binh ồ ạt tấn công bất ngờ, với ý đồ tiêu diệt toàn bộ lực lượng của nghĩa quân. Nhưng nhờ thế lợi hại với mưu lược tài ba của Lê Lợi - Nguyễn Trãi đã đánh trả lại, giáng xuống đầu quân Minh những đòn chí tử, với khí thế “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật. Miền Trà Lân trúc trẻ tro bay” (Nguyễn Trãi - Bình Ngô Đại Cáo). Buộc quân thù phải bỏ thành tháo chạy.

Trải qua hơn 600 năm bị mưa nắng, bão lũ và cả con người tàn phá, hiện nay thành Trà Lân chỉ còn dấu tích, gạch vụn và đang có nguy cơ bị vùi lấp, những dãy tre xưa, nay chỉ còn 5 bụi cũng đang bị chặt phá, những dãy gạch xây thành, có nơi bị lở trôi vì không có ai bảo vệ. Ngày nay, thành Trà Lân chỉ còn là một di tích nhưng du khách đến đây vẫn còn cảm nhận được hào khí anh hùng một thời của cha ông.

Bia Ma Nhai

Bia Ma Nhai nằm dọc bên bờ sông Lam cũng là nơi tiếp giáp với thị trấn Con Cuông. Dưới chân cầu Khe Dún quanh năm nước chảy và đổ ra sông

Lam, đi vào dãy núi đá vôi khoảng 300m về phía Nam. Một di tích lịch sử độc đáo - văn bia được khắc vào vòm núi trước cửa hang gọi là bia Ma Nhai.

Sau khi dẹp xong bọn nghịch đảng ở bên ngoài quấy phá, cướp đất. Thượng hoàng Trần Minh Tông xuống chiếu lui quân, rồi sai Nguyễn Trung Ngạn (Hoàng Giáp, Khoa Giáp Thìn, năm 1304) đời Trần ghi lại chiến công rạng rỡ trên vòm núi đá gọi là “Ma Nhai Ký Công Văn” vào tháng 12 năm nhuận Ất Hợi. Bảng văn bia ghi lai chiến công của quan, quân - vị vua thứ sáu đời Trần, trong việc gìn giữ bờ cõi, thu lại đất đai đã mất, thể hiện thanh thế của nước Đại Việt trong sự nghiệp củng cố nền độc lập. Bia dài 215cm, rộng 114cm, có 14 dòng, 105 chữ.

Gần 600 năm trôi qua, mặc dù mưa nắng, bụi mù của thời gian đi qua nhưng vẫn không xóa được những chữ Hán khắc vào núi đá. Đây là điểm du lịch để cho con cháu đời sau tìm hiểu lịch sử giữ nước của dân tộc.

Cây đa Cồn Chùa

Cây đa Cồn Chùa là một di tích lịch sử văn hóa thuộc địa phận bản Thái Sơn xã Môn Sơn. Cây đa Cồn Chùa là một điểm điểm du lịch khám phá lịch sử văn hóa cộng đồng. Đến với cây đa Cồn Chùa du khách sẽ được kể lại lịch sử đấu tranh của ông cha ta, hoàn cảnh lập nên chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Con Cuông, Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), chính quyền Xô Viết thuộc tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ngay từ khi được thành lập chi bộ Đảng, dưới sự chỉ huy của chi bộ, Đảng đã kêu gọi đồng bào Thái, Kinh, Thổ và đồng bào miền xuôi đoàn kết đấu tranh. Kết quả là năm tổ Nông hội đỏ được thành lập tại xã Môn Sơn. Phong trào đấu tranh ngày càng lan rộng và có những cuộc họp bí mật với hàng trăm người tham dự để chuẩn bị đấu tranh chi bộ và các tiểu Nông hội đỏ. Đúng 1h sáng ngày 9/8/1931, Chi bộ Đảng đã vận động nông dân biểu tình Thị ủy. Giương cao ngọn cờ đòi Nhà tổng và Chánh phó mở kho phát gạo cứu đói cho dân. Sau ba ngày, phong trào bị đàn áp một cách dã man. Song

những hoạt động của Chi bộ Môn Sơn đã thắt chặt khối đoàn kết chiến đấu giữa miền xuôi và miền ngược, đánh dấu một bước phát triển của cao trào Cách mạng ở Nghệ - Tĩnh dưới sự thống nhất của Đảng.

Đến với cây đa Cồn Chùa du khách có cơ hội tham quan mảnh đất Kẻ Quạ, tìm hiểu phong tục tập quán, nét văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái - Con Cuông và sự thay đổi phát triển đi lên của mảnh đất Môn Sơn.

Nhà cụ Vi Văn Khang

Hòa chung vào tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây đã thổi hồn cuộc sống vào mảnh đất con công, làm cho nhiều di tích lịch sử được hình thành. Ngôi nhà của cụ Vi Văn Khang ở xóm Đồng Khùa, bản Thái Hòa, xã Môn Sơn là một ví dụ điển hình.

Trong cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, khi cách mạng ở thành thị và nông thôn đồng bằng bị thực dân Pháp và phong kiến Nam triều dìm trong máu và lửa, dưới sự chỉ đạo của Đảng, địa bàn xã Môn Sơn đã trở thành một địa chỉ đỏ.

Đầu năm 1931, đồng chí Lê Xuân Đào, cán bộ Xứ uỷ Trung Kỳ, đồng chí Lê Mạnh Duyệt, một đảng viên trung kiên được cử lên Môn Sơn xây dựng cơ sở Đảng. Tháng 4/1931 Chi bộ Đảng Môn Sơn được thành lập gồm 5 đảng viên đầu tiên là Vi Văn Khang, Lê Mạnh Duyệt, Vi Văn Hanh, Vi Văn Quý, và Trần Ngân do Vi Văn Khang làm bí thư. Lê Mạnh Duyệt phụ trách lực lượng tự vệ đỏ. Nhà Vi Văn Khang trở thành nơi hội họp của chi bộ để bàn bạc nhiều việc quan trọng của Đảng. Tại đây, chi bộ thường họp vào ban đêm, còn ban ngày thì chuyển vào rừng. Địa điểm làm việc tuy có thay đổi nhưng chủ yếu là ở cánh đồng làng Mon, thuộc bản Thái Hòa.

Như vậy, sự ra đời của Chi bộ Đảng ở Môn Sơn không phải là sự kiện đột biến hoặc ngẫu nhiên mà chủ yếu dựa trên cơ sở truyền thống yêu nước của nhân dân Môn Sơn, có sự chỉ đạo chặt chẽ của Xứ uỷ Trung Kỳ, Tỉnh uỷ

Nghệ An và Phủ uỷ Anh Sơn. Sau khi Chi bộ Đảng ở Môn Sơn ra đời, các tổ chức quần chúng như Nông hôi đỏ, Phụ nữ đoàn, Tự vệ đỏ lần lượt được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Phong trào cách mạng lan rộng trong quần chúng nhân dân.

Nhà cụ Vi Văn Khang, nơi Chi bộ Đảng Môn Sơn hội họp là ngôi nhà sàn được bố đẻ của cụ Khang xây dựng từ năm 1919, nằm trên vùng đất rộng hai sào Trung bộ (1.000m²), địa thế xung quanh có núi rừng bao bọc. Ngôi nhà có ba gian, chiều dài 12,50m, chiều rộng 7,40m, hai gian chính, một gian phụ làm bằng gỗ lim, có 12 cột kê bằng đá tảng tròn, lợp lá cọ, sàn nhà được lát ván gỗ dổi. Nhà được chia làm 2 phòng, phòng trong là nơi nghỉ ngơi của gia đình, có một tấm sàn cao làm bằng mét để lúa. Khi có động các chiến sỹ cách mạng lên đó ẩn mình, phòng ngoài là nơi hội họp, tiếp khách, trong đó có một bộ bàn ghế làm bằng gỗ vàng tâm. Ngôi nhà có hai cầu thang lên xuống, một ở phía trước đón khách, một ở phía sau nhà bếp. Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang là địa chỉ đỏ miền Tây xứ Nghệ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang đã được Bộ Văn hoá Thông tin ra Quyết định số 152/QĐ - BT ngày 25/1/1994 xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Di tích nhà cụ Vi Văn Khang - Sự ra đời Chi bộ Đảng Môn Sơn là một dấu son đỏ chói trong lích sử Đảng bộ huyện Con Cuông, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc miền Tây xứ Nghệ.

2.1.2.2. Các di tích khảo cổ học

VGQ Pù Mát là mảnh đất có bề dày truyển thống lịch sử. Ngoài truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, nơi đây còn ghi đậm dấu ấn lịch sử bởi di chỉ Thẩm Hoi dấu tích của nền văn hóa Hòa Bình muộn. Nơi đó, cách đây hơn một vạn năm có người Việt cổ sinh sống.

Nằm trên dãy núi đá vôi của xã Yên Khê, hang Thẩm Hoi cách trung tâm huyện Con Cuông khoảng 3km. Hang Thẩm Hoi có chiều rộng khoảng 20m, cao 7 - 8m, sâu 10m. Trước mặt hang là thung lũng xanh, có dòng khe

Diêm uốn lượn chạy qua tạo nên phong cảnh hữu tình. Trong hang có rất nhiều vỏ ốc, vỏ trai đóng dày hàng mét. Theo các kết quả nghiên cứu của phòng KH - HTQT của VQG Pù Mát và các nhà khảo cổ học di chỉ Thẩm Hoi có nguồn gốc cách ngày nay khoảng 10.875 -+ 175 năm. Ngoài ra, tại đây còn tìm thấy một số công cụ bằng đá thô sơ từ thời kỳ nguyên thủy. Trong hang có nhiều hang nhỏ thông nhau, có các nhũ đá đủ màu sắc.

Hang Thẩm Hoi là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Đến đây, du khách sẽ được tham quan hang động để thêm tự hào về nguồn gốc lịch sử của cha ông.

2.1.2.3. Lễ hội

Trên mảnh đất VQG Pù Mát là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc như Thái, Kinh, Đan Lai... Trong quá trình tạo lập cuộc sống, họ đã để lại nhiều dấu ấn của mình qua truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, đặc biệt là trong lễ hội.

Mỗi dân tộc nơi đây đều có lễ hội riêng. Nó phản ánh chân thực cuộc sống lao động, chiến đấu và tư tưởng tình cảm, tâm hồn của đồng bào miền núi như: lễ hội cầu ngư, lễ hội xuống đồng, lễ cúng cơm mới, lễ mừng nhà mới. Trong đó lễ hội Xăng Khan của người Thái là lễ hội đặc sắc thu hút được nhiều du khách tham gia.

Hội Xăng Khan là ngày hội thi tài của nam nữ thanh niên. Trong các ngày đó, các chàng trai, cô gái, các cụ già vui bên chum rượu cần, cùng uống rượu cần, nhảy múa, những điệu múa dân tộc rất đặc trưng. Lễ hội Xăng Khan thường tổ chức 3 ngày 3 đêm vào cuối năm. Cuộc vui trần gian nào do ông Mo đứng ra tổ chức đóng các loại ma. Nhằm mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng làm ăn no đủ.

Đến với VQG Pù Mát, du khách sẽ được tham gia vào các lễ hội, được hòa mình vào trong những điệu múa, tiếng khèn, tiếng nhạc, đặc biệt là những cuộc vui khi uống rượu cần.

2.1.2.4. Làng nghề truyền thống

Hoạt động sản xuất kinh tế của các dân tộc ở VQG Pù Mát rất đa dạng, ngoài sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, trong thời gian rảnh rỗi bà con còn phát triển một số nghề thủ công như: dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu... Các nghề thủ công này góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, đặc biệt là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tại VQG Pù Mát, sản phẩm của các nghề thủ công được nhiều du khách chọn mua về làm quà cho chuyến du lịch của mình. Trong đó, sản phẩm dệt thổ cẩm của bà con ở bản Yên Thành, xã Lục Dạ huyện Con Cuông được nhiều du khách yêu thích.

Các nghề thủ công vừa giải quyết việc làm cho nhân dân, vừa củng cố ngành nghề truyền thống, cho hồn thổ cẩm ở lại với bà con thôn bản. Các di tích lịch sử văn hóa ở VQG Pù Mát đã phản ánh truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của cha ông trên mảnh đất này. Đây là những điểm tham quan hấp dẫn du khách. Tuy nhiên di tích lịch sử của Vườn còn ít. Tiềm năng nhân văn của VQG Pù Mát chủ yếu là bản sắc văn hóa cộng đồng của người Thái, người Đan Lai sống trong khu vực vùng đệm của Vườn.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch ở vườn quốc gia pù mát luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 41 - 48)