DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG RONALD REAGAN
2.1 Những nét chính trong chính sách đối ngoại của R. Reagan
Trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/1980, Ronald Reagan - người của Đảng Cộng Hoà - đã trúng cử Tổng thống. Reagan lên cầm quyền trong bối cảnh Mỹ liên tiếp gặp phải những thất bại nặng nề ở Việt Nam, Iran… và địa vị của Mỹ bị giảm sút mạnh mẽ ở nhiều khu vực trên thế giới. Trước việc Liên Xô đưa quân vào Afganistan, Liên Xô hậu thuẫn cho Ba Lan tuyên bố “tình trạng chiến
tranh” nhằm trấn áp các thế lực đối lập ở Ba Lan, Reagan tỏ ra phản ứng rất
mạnh và thực hiện những cuộc phản kích mạnh mẽ.
Trước hết, Reagan thực hiện việc chạy đua vũ trang nhằm phá thế cân bằng về chiến lược quân sự với Liên Xô, khôi phục lại vị trí đứng đầu về quân sự của Mỹ. Từ năm 1980 đến năm 1986, ngân sách quân sự của Mỹ tăng 50%, sau đó đã giảm xuống một ít. Năm 1982, ngân sách quấn sự chiếm 7,4% của tổng sản phẩm quốc dân (GNP). Tháng 11/1983, Reagan đã hạ lệnh đưa các tên lửa tầm trung “pershing” và “cruise” đặt ở Tây Đức, Bỉ, Hà Lan và các nước Châu Âu khác. Ngày 23/3/1983, Reagan lại đề nghị một kế hoạch mang tên “Chiến
tranh giữa các vì sao” (SDI) với tốn kém 26 tỉ đô la trong 5 năm, trong đó ông
đề nghị bắt đầu các cuộc nghiên cứu sơ bộ về một chương trình “nhằm thi hành các biện pháp phòng thủ để ngăn chặn cuộc đe doạ khủng khiếp mà các tên lửa
Liên Xô gây ra…”; đồng thời ông kêu gọi: “Cộng đồng khoa học, những người
đã cho chúng ta vũ khí hạt nhân… hãy đem hết tài năng lỗi lạc phục vụ nhân loài và hoà bình thế giới, và cung cấp cho chúng tôi những phương tiện để vô hiệu hoá
các vũ khí đó và làm cho chúng trở nên lạc hậu.” [24, 659]. “Dự án phòng thủ
tên lửa đạn đạo” (BMP), sau đó là “sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI) của
Reagan thực sự gây bất ngờ lớn với các nhà bác học Mỹ. Reagan đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại quốc hội và trong giới quân phiệt. Một “pháo đài Hoa Kỳ” xuất hiện, nó không mấy quan tâm đến số phận các nước Châu Âu và độ tin cậy của sức mạnh răn đe của Anh và Pháp có nguy cơ bị thủ tiêu.
Ngoài ra, Reagan cũng giải toả những điều luật của Quốc hội, hạn chế quyền chủ động của Tổng thống. Ở Mỹ, thất bại trong chiến tranh Việt Nam trở thành một vết thương khó lành, cộng với khủng hoảng càng khiến cho tình hình
trầm trọng hơn. Tình hình càng tồi tệ khi nước Mỹ phải chịu tác động của những diễn biến trên thế giới như: tình hình Trung Đông, phong trào chống Mỹ ở khu vực Mỹ La tinh, Cách mạng Hồi giáo ở Iran… Từ thất bại ở Việt Nam, Quốc hội Mỹ thông qua luật hạn chế quyền của Tổng thống trong việc tiến hành chiến tranh khi chưa được phép của Quốc hội (năm 1974) gây ra tình trạng đối đầu giữa ngành hành pháp và lập pháp ở Mỹ, trở thành một hiện tượng thường xuyên của nước Mỹ. Đến thời Reagan, Tổng thống đã gây sức ép buộc Quốc hội phải rời bỏ tham vọng can thiệp vào chính sách đối ngoại. Trên thực tế, Quốc hội đã đánh mất các đòn bẩy để tác động vào chính quyền, vào chính sách đối ngoại mà nó đã giành được trong thập niên 70 của thế kỷ XX. Vai trò của các uỷ ban đối ngoại thuộc 2 viện đã suy yếu một cách rõ rệt. Do đó, Tổng thống có thể tiến hành các chiến dịch như Grenada, Libya năm 1986 và cung cấp vũ khí cho quân nổi loạn ở Afganistan.
Grenada là một đảo quốc ở vùng Caribean, diện tích rất nhỏ với dân số khoảng 8500 người. Tháng 2/1974, đảo quốc này giành được độc lập từ tay thực dân Anh. Đến tháng 3/1979, chính phủ Eric Gairy bị lật đổ, lực lượng cánh tả do Maurice Bishop lên nắm quyền, có khuynh hướng thân Liên Xô và Cu Ba. Với sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước XHCN, Grenada bắt tay vào xây dựng lại đất nước trong đó xây dựng một sân bay quốc tế. Mỹ ngay lập tức phản ứng, cho rằng sân bay sắp xây dựng là một đe doạ cho an ninh Mỹ và lên tiếng chỉ trích Grenada là nơi trung chuyển vũ khí cho vùng Trung Mỹ. Không lâu sau đó, tháng 10/1983, Mỹ lấy cớ duy trì trật tự tiến hành đưa quân bao vây và xâm chiếm Grenada. Ngày 24/10/1983, Tổng thống Reagan quyết định đánh Grenada. Ngày 25/10/1983, 2000 lính Mỹ đổ bộ lên Grenada, và ngay sau đó số lính Mỹ tăng lên con số 4000. Chính phủ Maurice Bishop bị lật đổ. Suy cho cùng, hành động của Mỹ vẫn nằm trong cuộc đối đầu ý thức hệ Đông -Tây. “Hành động này cũng chuyển một thông điệp rằng Mỹ sẽ chống lại những cải cách về kinh tế và xã
hội mà không thể kiểm soát ở sân sau của họ” [22, 379]. Tháng 12/1983, quân
Mỹ rút khỏi Grenada. Kể từ sau chiến tranh Việt Nam cuộc xâm lược Grenada là chiến dịch lớn đầu tiên của Mỹ. Việc Mỹ sử dụng lực lượng quân sự can thiệp vào một thế giới kém phát triển sau chiến tranh Việt Nam được xem là một bước lùi của họ.
Trước làn sóng khủng bố ngày càng phát triển, chính quyền Reagan đã có những biện pháp mạnh nhằm chấm dứt nó. Họ tìm thấy mục tiêu rất tốt cho việc này là Libya, đất nước của nhà lãnh đạo Muammar Aal - Qaddafi. Ngày 15/4/1986, các máy bay của Mỹ xuất phát từ hàng không mẫu hạm và căn cứ ở Anh ném bom năm mục tiêu tại Libya, trong đó có mục tiêu sát hại nhà lãnh đạo Qaddafi của Libya. Nguyên nhân, chính quyền Mỹ cho rằng Libya có liên quan đến hàng loạt các vụ khủng bố ở Châu Âu, như vụ đánh bom Berlin và chính quyền Mỹ có quyền được trả đũa. Năm 1986, Mỹ ném bom Libya gây nên cái chết của 101 người. Cũng từ đây, Mỹ bắt đầu gán ghép các hành động khủng bố cho Libya. “Các cuộc tấn công của Mỹ, vốn không được các đồng minh Châu Âu ủng hộ, không gì khác hơn là hành động trả thù và có tính chất của sự ngăn chặn
chủ nghĩa khủng bố, mà trong nhiều trường hợp vẫn không dịu đi” [22,353].
Bên cạnh đó, Reagan còn tiến hành cung cấp vũ khí cho quân nổi loạn ở Afganistan tháng 12/1979. Hành động này thể hiện rõ việc tiếm quyền của Tổng thống và rõ ràng nó đã nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ Quốc hội. Đầu tháng 7/1984, Quốc hội Mỹ công khai dành 50 triệu USD chi viện cho tổ chức chống đối Afganistan. Tháng 8 năm đó, Quốc hội Mỹ thậm chí còn khiển trách CIA - đã không dành cho tổ chức chống chính phủ Afganistan sự giúp đỡ cần có. Tháng 3/1985, Tổng thống Reagan đã ký văn kiện số 166 về quyết sách an ninh quốc gia nêu rõ mục tiêu của Mỹ ở Afganistan là “dùng tất cả mọi thủ đoạn có thể” đuổi quân Liên Xô ra khỏi Afganistan. Đây là sự tiến thêm một bước của chính sách Carter. Vì mục tiêu của chính quyền Carter ở Afganistan chỉ là “quấy
rối” quân đội Liên Xô tại nơi này. Năm 1985, viện trợ của Mỹ đối với tổ chức
thánh chiến Islam đã lên tới 250 triệu USD, con số này chiếm 1 tỷ lệ rất lớn trong dự toán hoạt động bí mật của CIA. Tháng 9/1986, Mỹ lại tăng thêm viện trợ với số lượng tương tự. Tháng 3/1986, Mỹ quyết định chuyển một số lượng lớn tên lửa Stinger cho tổ chức thánh chiến Islam Afganistan qua đường Pakistan. Loại tên lửa này được đưa đến Afganistan vào tháng 9/1986 đã phá vỡ ưu thế quân sự của Liên Xô, tạo nên sự uy hiếp lớn đối với máy bay Liên Xô. Theo đánh giá của Chính phủ Mỹ, trung bình mỗi ngày có một máy bay của Liên Xô bị bắn rơi. Tháng 12/1987, Reagan và Goocbachôp tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Xô tại Wasinhton, thảo luận về việc giải quyết bằng chính trị vấn đề Afganistan và quá trình rút quân của Liên Xô. Từ đó vấn đề Afganistan đã mất
dần màu sắc xung đột Đông - Tây, mặc dù nội chiến ở đó không vì thế mà chấm dứt.
Với khu vực Trung Cận Đông, Reagan đã tiến hành những biện pháp nhằm giữ vững vị trí của Mỹ ở vùng chiến lược quan trọng này.
1 - Reagan khẳng định lập trường “Một âm mưu của một cường quốc ngoài nhằm nắm quyền kiểm soát Vịnh sẽ bị coi là tấn công vào những quyền lợi sống còn của Mỹ. Mưu toan sẽ bị đẩy lùi bằng mọi biện pháp kể cả bằng quân sự”.
2 - Thiết lập các căn cứ quân sự Mỹ ở ngoài (các nước vùng Vịnh không cho Mỹ lập căn cứ thường trú trên lãnh thổ của họ). Mỹ đã thiết lập các quân sự sau đây ở phía Bắc Incirlik gần Ađana ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ras Basnas (ở Somalia); Mombasa (ở Kênia); ở Đông Nam đảo Diêgô Gaxia, thuê của đảo quốc Môrixo.
3 - Thành lập “lực lượng triển khai nhanh” (RDF), gồm 11 000 người. 4 - Khuyến khích và giúp đỡ các nước vùng Vịnh bị đe doạ từ bên trong (nổi dậy của nhân dân) như Mỹ cung cấp cho ẢRập Xêút các máy bay do thám
“Awac-1” những giàn rađa bay được ngụy trang, nhằm phối hợp với lực lượng
triển khai nhanh của Mỹ.
5 - Để khuyến khích sự đoàn kết giữa các quốc gia vùng Vịnh dưới sự thao túng của Mỹ, ngày 25/3/1981, Mỹ đã giúp các nước vùng Vịnh thành lập
“Hội đồng hợp tác vùng Vịnh” (CCG) bao gồm các nước Ả Rập Xê út, Ôman,
các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Côoét, Baren và Cata. [14,372].
“Học thuyết Reagan” mà người ta thường gọi là “Học thuyết chạy đua vũ
trang, khôi phục lại vị trí đứng đầu quân sự trên toàn thế giới” đã làm cho suốt
nhiệm kỳ I của Tổng thống Reagan (1980 - 1984), cuộc đối đầu Xô - Mỹ thêm căng thẳng và tình hình thế giới thêm phức tạp.
Như vậy, Reagan đã sử dụng những chính sách cứng rắn chống đối toàn diện Liên Xô; vứt bỏ chỉ tiêu chuẩn bị chiến tranh “hai cuộc chiến tranh rưỡi”
và “một cuộc chiến tranh rưỡi” chuẩn bị “phản ứng linh hoạt mới” trên nhiều
mặt trận với các hình thức và quy mô khác nhau; thực hiện việc chạy đua vũ trang nhằm phá thế cân bằng về chiến lược quân sự với Liên Xô, khôi phục lại vị trí đứng đầu về quân sự của Mỹ.
Ở khu vực Châu Á, Reagan chủ trương thực hiện chiến lược “quay lại
bảo vệ quyền lợi chiến lược của Mỹ. Mỹ đã mở rộng những căn cứ quân sự cũ và xây dựng những căn cứ mới ở Philippines, Australia, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Guam. Những căn cứ này cho phép Lầu Năm Góc tăng cường sự có mặt một cách linh hoạt mà không cần tăng số chuyên viên quân sự Mỹ ở nước ngoài. Mỹ tích cực sử dụng viện trợ quân sự, kinh tế như một công cụ quan trọng nhất trong đường lối đối ngoại của mình. Năm 1982, chính quyền Reagan đã tăng chương trình viện trợ quân sự lên 30%. Dự trù ngân sách tài chính năm 1982 – 1983 cho viện trợ quân sự là 4,5 tỉ USD, trong đó tăng viện trợ quân sự cho Thái Lan, Philippin, Inđônexia, Malaixia, Singgapore, Myanmar, Nam Triều Tiên tổng cộng là 338,6 triệu USD. Ngoài ra, Mỹ còn đưa ra các biện pháp nhằm sử dụng ảnh hưởng chính trị ngoại giao và tiềm lực quân sự các nước đồng minh trong khu vực và bảo vệ lợi ích chiến lược của Mỹ. Mỹ tăng cường hợp tác quân sự Mỹ - Nhật, yêu cầu Nhật tăng cường chi phí quân sự, hoàn thiện các lực lượng vũ trang và phải có nghĩa vụ bổ sung, tham gia trực tiếp vào việc thực hiện mục tiêu kế hoạch Mỹ. Với các đồng minh khác như Thái Lan, Singapore, Malaixia, Mỹ dùng mọi biện pháp lôi kéo và thúc ép. Những hành động của Mỹ đã làm cho quan hệ quốc tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới trở nên căng thẳng, phức tạp.
Việc tiêu tốn một khoản ngân sách khổng lồ trong cuộc chạy đua vũ trang đã giúp Mỹ giành được ưu thế, đẩy Liên Xô vào sự suy thoái đến khủng hoảng nhưng mặt khác cũng gây ra những thiệt hại to lớn cho chính nước Mỹ. Nền kinh tế Mỹ suy thoái, ngân sách thâm hụt, nợ nước ngoài tăng… Trong bối cảnh đó, làm xuất hiện những dấu hiệu mới mang tính hoà dịu trong quan hệ Xô - Mỹ.
Từ nửa sau những năm 80, Mỹ đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình, đặc biệt là đối với Liên Xô. Trong cách tư duy của Reagan và các cận thần của ông ta đã có sự thay đổi rõ rệt. Mỹ đã rút khỏi lập trường đối đầu triệt để trong quan hệ với Liên Xô, xuất hiện những nhân tố của chủ nghĩa hiện thực cụ thể. Các mối quan hệ, tiếp xúc song phương giữa hai nước đã trở nên nhộn nhịp hơn so với giai đoạn trước đó. Công thức chung mà cả Liên Xô và Mỹ hướng tới trong các cuộc đàm phán là: “Hai bên đồng ý rằng, chủ đề của các cuộc đàm phán là tổng thể các vấn đề liên quan đến vũ khí vũ trụ và vũ khí hạt nhân, chiến lược cũng như tầm trung, và tất cả các vấn đề đó sẽ được xem xét và giải quyết trong mối liên hệ với nhau. Mục tiêu của đàm phán là
tìm kiếm những thoả ước hữu hiệu nhằm ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ và chấm dứt nó trên trái đất, hạn chế và cắt giảm vũ khí hạt nhân, củng cố
thế ổn định chiến lược” [1, 1100]. Trong các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa những
người đứng đầu hai nhà nước Xô - Mỹ đã xuất hiện những “giao điểm”, nhiều văn kiện về hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật được ký kết, nhưng quan trọng nhất là việc ký kết hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung ở Châu Âu năm 1987 (gọi tắt là IMF, chiếm khoảng 3% kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước). Cũng từ năm 1987, hai nước Mỹ và Liên Xô đã thoả thuận cùng giảm một bước quan trọng cuộc chạy đua vũ trang, từng bước chấm dứt cục diện
“chiến tranh lạnh”, cùng hợp tác giải quyết các vụ tranh chấp và xung đột quốc
tế. Trên cơ sở những chuyển biến trong quan hệ Xô - Mỹ, chính sách của Mỹ đối với một số khu vực khác cũng có những điều chỉnh quan trọng theo hướng hoà dịu hơn. Những cuộc xung đột, can thiệp vũ trang dần lắng xuống.
Như vậy, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Reagan đã không thay đổi những nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng nó đã có không ít những điều chỉnh mang tính “chiến lược” trong từng thời điểm, từng giai đoạn cụ thể, đặc biệt là trong quan hệ với Liên Xô. Từ một cuộc đối đầu quyết liệt, không khoan nhượng, đẩy
“chiến tranh tới các vì sao” đến một sự hạ cánh an toàn với những cái bắt tay
thân thiện trên bàn ngoại giao. Sự điều chỉnh ấy xuất phát từ những khó khăn bế tắc mà Mỹ gặp phải trong thập niên 80. Đó là một bước thụt lùi, biểu hiện sự bị động của Mỹ. Đồng thời, nó cũng góp phần mở đường cho xu thế hoà dịu, chuyển từ đối đầu sang đối thoại trên thế giới, đưa chiến tranh lạnh đến nấm mồ lịch sử của nó.