2. Kho vũ khí chiến lược của Liên Xô
2.2.4 Chính sách đối với Việt Nam
Đối tượng chủ yếu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Reagan là Liên Xô và Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một mục tiêu quan trọng thường xuyên được đề cập đến.
Việt Nam là đối tượng được Mỹ nhòm ngó từ rất sớm ngay khi còn là thuộc địa Pháp. Cho tới khi tên lính Pháp cuối cùng phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam thì Mỹ đã thay chân Pháp, từng bước nhảy vào xâm lược Việt Nam. Cuộc chiến tranh xâm lược này cũng nằm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến lược này của Mỹ nhằm thực hiện tham vọng bá quyền đối với thế giới, ngăn chặn Liên Xô và các nước XHCN, đàn áp phong trào GPDT ở Châu Á, Châu Phi, Mỹ La tinh và chiếm đoạt vùng ảnh hưởng của các nước đế quốc thực dân khác.
Tuy nhiên càng lao sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ càng chuốc lấy những thất bại nặng nề. Vì thế, Việt Nam trở thành “một
gánh nặng không thể chịu đựng nổi” của Mỹ trong thập niên 60, khiến Tổng
thống G. Johnson phải “cay đắng” tuyên bố chấm dứt ném bom phá hoại Miền Bắc Việt Nam, ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam ở Pari và không ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Dưới thời Nixon, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà Mỹ theo đuổi cũng có số phận hết sức bi đát. “Vũng lầy” của cuộc chiến tranh Việt Nam mà Mỹ trót “sa chân” vào đã đưa nước Mỹ bước vào “thời kỳ đen tối nhất
trong lịch sử”. Cuối cùng, Nixon đã phải “cúi đầu” ký kết “Hiệp định về chấm
dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” ngày 27/1/1973.
Sau khi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam kết thúc (năm 1975), chính quyền Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách thù địch đối với Việt Nam như: tiến hành phong toả tài sản của Việt Nam, ngày 15/5/1975 tuyên bố cấm vận thương mại, phủ quyết việc Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc. Tuy nhiên khả năng cải thiện quan hệ với Việt Nam vẫn được Mỹ bỏ ngỏ thông qua việc: tuyên bố không công nhận bất cứ chính phủ lưu vong nào của Việt Nam; nhiều lần gửi thông điệp cho Chính phủ Việt Nam nói Mỹ không thù địch với Việt Nam, tỏ ý sẵn sàng muốn nói chuyện với Việt Nam về quan hệ hai nước, không chống đối việc Việt Nam gia nhập tổ chức y tế và khí tượng thế giới, cấp thị thực cho các đoàn Việt Nam
dự họp ở Liên Hợp Quốc và Quỹ tiền tế quốc tế tổ chức ở Mỹ. Ngay khi lên cầm quyền, Tổng thống Carter đã thi hành một số điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối với Việt Nam. Carter đã đề nghị một kế hoạch bình thường hoá gồm 3 điều: 1. Việt Nam thông báo tin về người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA); 2. Hoa Kỳ chấp nhận Việt Nam vào Liên Hợp Quốc và sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ cũng như bắt đầu buôn bán với Việt Nam; 3. Hoa Kỳ có thể đóng góp vào khôi phục Việt Nam bằng cách phát triển buôn bán, cung cấp thiết bị và hình thức hợp tác khác. [6,313].
Trên cơ sở thúc đẩy quá trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, tháng 3/1977, chính phủ Hoa Kỳ đã cử một phái đoàn sang thăm Việt Nam và cũng trong năm đó hai bên đã tiến hành ba vòng đàm phán tại Paris và một vòng đàm phán tại New York . Qua đó, Mỹ đề nghị bình thường hoá quan hệ không điều kiện và lập phòng liên lạc ở thủ đô hai nước trong khi chưa bình thường hoá quan hệ.
Từ cuối năm 1977, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển quan trọng: Liên Xô mở rộng ảnh hưởng ra nhiều khu vực trên thế giới, quan hệ Xô - Việt ngày càng được tăng cường dẫn tới việc ký kết hiệp ước hữu nghị và hợp tác vào cuối năm 1978. Trong khi đó, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam ngày càng căng thẳng. Quan hệ Việt - Mỹ vì thế có xu hướng ngày càng xấu đi, Mỹ tuyên bố huỷ bỏ vòng đàm phán Hoa Kỳ - Việt Nam dự định vào tháng 2/1978 và phối hợp với các nước, thực hiện chính sách bao vây, cấm vận Việt Nam.
Bước sang thập kỷ 80, dưới thời Tổng thống Reagan, quan hệ Việt - Mỹ có chiều hướng căng thẳng thêm. Việc thực thi chính sách chống cộng quyết liệt, đồng thời tiến hành chạy đua vũ trang với Liên Xô nhằm khôi phục lại vị thế đang suy yếu của Mỹ trên trường quốc tế, thêm vào đó là việc giải quyết vấn đề Campuchia là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên. Trong đó, kể từ năm 1978 trở đi, Mỹ đã gắn việc bình thường hoá quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam với việc giải quyết vấn đề Campuchia và vấn đề MIA, xem đó là những điều kiện cho việc bình thường hoá quan hệ hai nước.
Mỹ, sau thất bại ở Đông Dương, đến thời kỳ này đã nỗ lực nối lại quan hệ với Việt Nam, tuy nhiên vấn đề Campuchia đã trở thành một vật cản, dù rằng vẫn tìm cách hạn chế ảnh hưởng của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Campuchia. Mặt khác, việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam
còn gặp phải sự chống đối của Trung Quốc. Mỹ không ủng hộ Polpot, không ủng hộ Sihanouk mà chỉ muốn thông qua vai trò của ASEAN để tiến tới đối thoại nhằm gạt ảnh hưởng của Việt Nam và Trung Quốc. Về vấn đề Campuchia, Mỹ cùng với các nước phương Tây phản đối hành động của Việt Nam. Các quốc gia này theo đuổi nguyên tắc trong quan hệ quốc tế là không muốn quân đội nước ngoài can thiệp vào nội tình nước khác, trong khi Việt Nam duy trì quân đội quá lâu ở Campuchia. Mục tiêu của Mỹ và các nước phương Tây là kêu gọi mở một hội nghị quốc tế để giải quyết vấn đề Campuchia. Điều này được thể hiện rõ qua lời tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Haig với các ngoại trưởng ASEAN vào tháng 6 năm 1981: “Mỹ hoàn toàn nhất trí với việc tổ chức một hội nghị quốc tế để giải
quyết vấn đề Campuchia. Bản thân tôi cũng có ý kiến tham dự” [22,350]. Do đó
trong thời điểm gay gắt nhất, ASEAN và các nước phương Tây vẫn duy trì đối thoại với Việt Nam, đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Mặt khác, tất cả các nước lớn đều lên án chế độ diệt chủng của Polpot, trừ Trung Quốc.
Về phía Việt Nam, tại Hội nghị ngoại trưởng Đông Dương lần thứ 6, nhằm góp phần ổn định Đông Nam Á và giải quyết vấn đề Campuchia, Việt Nam tuyên bố hàng năm rút một bộ phận quân tình nguyện. Ngày 7/7/1981, một bộ phận quân đội Việt Nam đầu tiên rút về nước. Tính đến mùa khô 1984 - 1985, Việt Nam đã tiến hành 4 đợt rút quân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề Campuchia, loại bỏ được một nhân tố mà lực lượng đối đầu đã lợi dụng gây nên “vấn đề Campuchia” và chứng minh rõ thiện chí của Việt Nam.
Xuất phát từ những diễn biến mới xoay quanh vấn đề Campuchia kể từ đầu năm 1985, việc tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia có bước tiến triển quan trọng. Ngày 12/8/1985, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia họp tại PhnomPenh đã đưa ra lập trường năm điểm làm khung cho một giải pháp, trong đó “Việt Nam sẽ rút hết quân năm 1990, nếu có
giải pháp sẽ rút sớm hơn” [6,330]. Ngày 17/8/1986, Hội nghị ngoại trưởng Việt
Nam, Lào, Campuchia lần thứ 13 tại Hà Nội khẳng định lại: Việt Nam sẽ rút hết quân tình nguyện vào năm 1990. Tiếp đó, ngày 26/5/1988 Bộ ngoại giao và Bộ Quốc phòng Việt Nam ra thông cáo về việc rút quân đợt 7 gồm 50.000 quân và Bộ tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia về nước. Từ cuối năm 1989, Việt Nam đã rút hết quân đội và chuyên gia khỏi Campuchia, nhờ đó Mỹ thay đổi thái độ và có sự điều chỉnh chính sách đối với Đông Dương, chấm dứt
ủng hộ chính phủ liên hiệp ba phái Campuchia, bắt đầu đàm phán với Việt Nam về bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ.
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nhờ đó cũng có những chuyển biến quan trọng theo hướng tích cực. Tháng 2/1986 Trợ lý Ngoại trưởng và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thăm Việt Nam và thảo luận về vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Phía Việt Nam đưa ra chương trình hành động hai năm 1986 -1987 về vấn đề này. Tới ngày 20/1/1988 Tổng thống Reagan tuyên
bố: “Trong khuôn khổ một giải pháp cho vấn đề Campuchia bao gồm việc Việt
Nam rút hoàn toàn quân đội khỏi Campuchia, Hoa Kỳ sẵn sàng bình thường hoá
quan hệ với Việt Nam” [6,505].
Bên cạnh việc giải quyết vấn đề Campuchia, xuất phát từ mối quan hệ căng thẳng giữa hai siêu cường Xô - Mỹ, đặc biệt là chính sách chống cộng quyết liệt nhằm gạt bỏ ảnh hưởng của Liên Xô và các nước XHCN trên thế giới; Tổng thống Reagan đã thực thi những chính sách kinh tế - xã hội khác làm cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển theo chiều hướng xấu. Về kinh tế, Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách cấm vận đối với Việt Nam - chính sách mà Mỹ đã thực hiện kể từ năm 1978. Mỹ đã từng bước hạn chế đi đến cấm hẳn việc buôn bán với Việt Nam, kể cả công ty nhà nước cũng như tư nhân. Chính sách đó đã làm cho quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước Tư bản phát triển giảm sút hẳn, đối với một số nước quan hệ trở nên băng giá. Ngân hàng thế giới và Ngân hàng Châu Á cũng ngừng cấp vốn cho Việt Nam. Về chính trị - xã hội, Mỹ đã dựa vào các thế lực thù địch, kích động dòng người Việt Nam di cư bất hợp pháp sang Mỹ và các nước phương Tây nhằm làm giảm uy tín quốc tế của Việt Nam, phá hoại đoàn kết dân tộc, gây bất hoà giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Từ năm 1988, xuất phát từ những tiến triển trong việc giải quyết vấn đề Campuchia, Mỹ bắt đầu nói đến bình thường hoá quan hệ với Việt Nam mặc dù dưới thời Reagan điều đó vẫn chưa được thực hiện.
Về phía mình, Việt Nam đã tích cực đấu tranh chống lại chính sách bao vây cấm vận của Mỹ. Việt Nam không nêu vấn đề bồi thường chiến tranh, tách các vấn đề nhân đạo khỏi các vấn đề chính trị, hợp tác với Mỹ giải quyết vấn đề HIA, con lai, đoàn tụ gia đình theo chương trình ra đi có trật tự (ODP) và cho phép những người đã từng hợp tác với Mỹ trong chiến tranh được xuất cảnh sang cư trú tại Mỹ hoặc các nước thứ ba. Việt Nam đã tạo điều kiện cho nhiều tổ chức
phi chính phủ lập các văn phòng đại diện ở Việt Nam và một số kinh doanh Mỹ tới Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư. Nhiều cuộc hội thảo về các chủ đề khoa học - xã hội giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã được tổ chức, hai nước đã tiến hành trao đổi sinh viên và học giả. Ngoài ra, Việt Nam còn chú trọng phát triển quan hệ với các nước dân tộc chủ nghĩa và không liên kết, đặc biệt là Ấn Độ, Angieri…; mở rộng quan hệ với các nước Tư bản phát triển và các tổ chức quốc tế. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật với nhiều nước Châu Âu như: Pháp, Thụy Điển, Bỉ và các hợp đồng khai thác dầu khí với các công ty dầu khí lớn của Pháp, Đức, Italia. Từ 1977 đến 1986, hệ thống phát triển Liên Hiệp Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 527,9 triệu USD, trong đó phải kể đến chương trình lương thực thế giới (WFP) với 253 triệu USD.
Tóm lại, đối với Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung, chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Reagan đã có một số điều chỉnh so với những người tiền nhiệm. Mặc dù không đưa các nước này vào quỹ đạo của một cuộc chiến tranh xâm lược như thời Eisenhower (1953 - 1961), Kennedy - Gionxon (1961 - 1968) hay Nixon (1969 - 1975), song những thay đổi đó lại thâm độc, xảo quyệt hơn và đều nhằm mục tiêu thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ.
CHƯƠNG 3