Chính sách đối với một số khu vực khác

Một phần của tài liệu Tìm hiểu chính sách đối ngoại của mỹ dười thời tổng thống ronald reagan (1980 1988) (Trang 66 - 72)

2. Kho vũ khí chiến lược của Liên Xô

2.2.3 Chính sách đối với một số khu vực khác

Trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Reagan là giải quyết mối quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc. Tuy nhiên nó cũng được thực hiện ở nhiều khu vực khác trên thế giới.

Đối với khu vực Trung Đông: Từ lâu Trung Đông đã trở thành miếng mồi

ngon để các cường quốc trên thế giới dòm ngó, xâu xé. Đây là cửa ngõ của các con đường giao lưu Đông - Tây. Đây lại là khu vực có nguồn tài nguyên dầu mỏ nhiều nhất thế giới, chiếm trên 65% trữ lượng dầu của thế giới. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi các nước khác bị suy yếu, kiệt quệ thì Mỹ vươn lên địa

vị “ông chủ” của thế giới Tư bản. Với ưu thế đó, Mỹ đã từng bước gạt các nước

khác ra khỏi Trung Đông và thiết lập phạm vi ảnh hưởng ở khu vực này. Trong cuộc chiến tranh lạnh Xô - Mỹ thì đây là khu vực trọng điểm giành giật giữa hai siêu cường. Có thể nói, tình trạng căng thẳng ở Trung Đông chắc chắn đã không thể kéo dài với những diễn biến phức tạp đến như vậy nếu như khu vực này không có ý nghĩa chiến lược “sống còn” đối với cả hai cường quốc Liên Xô và Mỹ. Đối với Mỹ, để chống lại Liên Xô, Mỹ đã lôi kéo viện trợ cho các nước trong khu vực (Israel, Ả Rập, Sacdhi, Iran…) thành đồng minh của mình. Có 3 yếu tố quyết định chính sách của Mỹ ở Trung Cận Đông sau chiến tranh thế giới thứ hai:

1. Tầm quan trọng của khu vực này trong cuộc đối đầu của Mỹ với Liên Xô và các phong trào giải phóng dân tộc, chống đế quốc.

2. Dầu lửa đóng vai trò hết sức quan trọng trong chính sách của Mỹ ở khu vực này. Những thu nhập từ việc khai thác dầu mỏ ở Trung Cận Đông do các công ty Mỹ tiến hành là một nhân tố quan trọng góp phần ổn định kinh tế Mỹ.

3. Giới tài phiệt Do Thái ở Mỹ: ở Mỹ có 6 triệu người gốc Do Thái sinh sống (chiếm 3% dân số Mỹ), phần lớn trong số này có lập trường ủng hộ Israel và chống Ả Rập. Họ có ảnh hưởng đối với cả hai viện trong Quốc Hội Mỹ và tác động theo hướng có lợi cho Israel trong việc thảo luận các dự án pháp luật ở cơ quan lập pháp tối cao này [22,322].

Từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX, trong các kế hoạch chiến lược của Mỹ, Trung Đông vẫn tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng. Dưới thời Nixon, các nước ẢRập bị lái vào “guồng máy chính trị” của Mỹ, Israel bị biến thành

“viên cảnh sát khu vực” của Mỹ, vương quốc Iran (thời kỳ vua Pahlavi) trở thành

“tên Sen Đầm của phương Tây trong khu vực”.

Bước sang những năm 1980, dưới thời Tổng thống Reagan, vai trò của Mỹ trên sân khấu chính trị Trung Cận Đông được tăng cường, trong khi đó vai trò của Liên Xô ngày càng giảm sút. Trên cơ sở đó, Mỹ tăng cường can thiệp và thực hiện chính sách chia rẽ đối với Trung Đông. Mỹ đã xúi giục Israel gây nên những cuộc xung đột vũ trang ở Li-băng năm 1985. Cuộc xung đột này nhằm những mục đích sau: Một là, làm suy yếu phong trào kháng chiến Palestin, bằng cách đó xoá bỏ chướng ngại làm ảnh hưởng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Trung Cận Đông theo lối Mỹ. Hai là, đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận thế giới và Ả Rập khỏi chính sách “hoà giải từng phần” của Mỹ, chuyển sự chú ý đó sang các sự kiện ở Li-băng và như vậy làm giảm bớt sự cô lập của Tổng thống Ai Cập Sadat, bảo đảm cho quá trình thoả hiệp riêng rẽ tiếp tục phát triển. Ba là, lôi kéo Syria vào các sự kiện ở Li-băng nhằm một mặt làm suy yếu tiềm lực chống đế quốc của nước này.

Trong khi cuộc xung đột ở Li-băng vẫn đang tiếp diễn, một cuộc chiến tranh đẫm máu khác đã nổ ra, đó là cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq, trong đó Mỹ đóng vai trò là đạo diễn. Cuộc chiến tranh này kéo dài 8 năm (1980 – 1988) đã để lại những hậu quả nặng nề cho cả hai phía. Có thể nói, chính sự can thiệp của Mỹ đã làm cho cuộc chiến tranh này kéo dài và khốc liệt. Trong đó, Mỹ thực hiện chính sách hai mặt: Iran sau cuộc cách mạng Hồi giáo bị Mỹ coi là một trong 5 nước thù địch nhất, còn Iraq cũng không phải là nước “hợp khẩu vị” với Mỹ. Trong cuộc chiến tranh này Mỹ không muốn cho ai thắng, mà muốn cả hai đều thất bại, đều suy yếu. Vụ “Irangate” vỡ lở cho thấy: trong khi tỏ vẻ ủng hộ

Iraq, Mỹ vẫn tiếp tục bí mật bán vũ khí cho Iran. Sau sự kiện này, chính quyền Reagan bị dư luận lên án mạnh mẽ.

Có thể nói, những chính sách can thiệp của Mỹ vào Trung Đông đã làm cho khu vực này luôn bất ổn: chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo diễn ra thường xuyên. Hiện nay, vấn đề Trung Đông vẫn đang là một vấn đề nóng bỏng của thế giới.

Đối với khu vực Mỹ La tinh: Từ lâu Mỹ đã coi Mỹ La tinh là láng giềng

thuộc phạm vi quyền lực truyền thống và là “hậu phương”, là “sân sau” của Mỹ. Tới thập kỷ 70, sự thống nhất đất nước và cách mạng thành công ở Việt Nam (1975) đã thổi một luồng gió mới đến nhân dân Mỹ La tinh, làm bùng lên ngọn lửa cách mạng, thôi thúc các dân tộc vùng lên chống lại sự kìm kẹp của Mỹ và chống lại các chế độ thân Mỹ. Cách mạng Cuba, mặc dù bị Mỹ bao vây, cấm vận nhưng vẫn phát triển, qua đó có ảnh hưởng rất lớn đến các nước trong khu vực. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho chính quyền Reagan là phải làm sao để giữ được vị trí của Mỹ ở khu vực này? Để làm được điều đó, Mỹ cam kết sẽ tiếp tục gắn bó với Mỹ La tinh. Tổng thống Reagan tuyên bố: Mỹ sẽ bảo vệ “tự

do và dân chủ trong tất cả các châu lục, từ Afganistan cho đến Nicaragoa”. Theo

đó, Reagan đã tài trợ cho các lực lượng du kích nhằm làm sụp đổ các chính phủ cánh tả trong bốn châu lục, chủ yếu là Angola, Campuchia, Nicaragoa. Trong đó, Reagan nhấn mạnh đến Nicaragoa. Mối lo ngại về cách mạng Nicaragoa đe dọa an ninh Mỹ và thường được gọi là “hiện tượng Nicaragoa”. Reagan lo sợ một làn sóng cách mạng mới sẽ lan vào các nước Mỹ La tinh, do đó Mỹ đã nhanh chóng xây dựng các lực lượng phản cách mạng ở Honduras và Costa Rica để xâm nhập vào Nicaragoa, phá hoại các thành quả của đất nước này. Bằng viện trợ quân sự to lớn và cố vấn quân sự, Mỹ ra sức nắm các tướng lĩnh quân đội để đánh phá phong trào nhân dân đấu tranh chống sự lệ thuộc vào Mỹ như đã làm ở Chile năm 1973. Mặt khác, để xây dựng lòng tin với các nước Mỹ La tinh, Reagan nói: “Nếu Mỹ La tinh sụp đổ thì hậu quả sẽ như thế nào đối với vị trí của chúng ta ở Châu Á và Châu Âu, và ở đồng minh như NATO chẳng hạn? Nếu Mỹ không thể nào phản ứng lại với những mối đe doạ ở gần ngay biên giới nước Mỹ vậy hà cớ gì Châu Âu hay Châu Á lại tin rằng chúng ta quan tâm đến những mối đe doạ đối với họ? Nếu Liên Xô có thể cho rằng chỉ khi nào nước Mỹ bị tấn công

thực sự thì Mỹ mới cảm thấy bị khiêu khích, vậy thì ai, bạn nào, đồng minh nào sẽ

lại tin tưởng chúng ta đây?” [22,374].

Có thể thấy tính chất hai mặt trong chính sách của Mỹ đối với các nước Mỹ La tinh: một mặt giương cao chiêu bài dân chủ, nhân quyền; mặt khác lại ủng hộ lực lượng phản cách mạng chống lại chính quyền, chống lại nhân dân của họ. So sánh chính sách của chính quyền Reagan ở Mỹ La tinh với chính quyền trước đó, có thể thấy rằng: Reagan vẫn kế tục đường lối của các chính quyền Kennedy, Jonhson, Nixon đã tiến hành như cung cấp tài chính cho các tổ chức phản động ở Mỹ La tinh chống lại chính phủ các nước theo “xu hướng tả” và ngăn chặn “nguy cơ cộng sản” trên thế giới.

Đối với Tây Âu: Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước này bị biến

thành “đồng minh cố hữu” của Mỹ, đặc biệt là sau khi Mỹ thực hiện kế hoạch Macssan “phục hưng Châu Âu”. Mỹ đã khống chế các nước Châu Âu về kinh tế và chính trị, thông qua đó thâm nhập và gây ảnh hưởng sang Đông Âu, thực hiện mưu đồ chống Liên Xô, Đông Âu và thế giới XHCN. Đến đầu những năm 70, do bị lún sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tình hình kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng trầm trọng, buộc chính quyền Mỹ phải tìm cách giảm bớt gánh nặng, đồng thời thực hiện trách nhiệm của Mỹ đối với khu vực này. Có thể nói, những sự thay đổi trong “chính sách đồng minh” của Mỹ đối với Tây Âu thời kỳ này đã chứng tỏ sự suy giảm về quyền lực kinh tế của Mỹ.

Đến những năm 80 của thế kỷ XX, đặc biệt là khi nước Mỹ đang dốc toàn lực cho một cuộc chạy đua vũ trang ở mức độ cao hơn với Liên Xô, thì vai trò của đồng minh Tây Âu ngày càng quan trọng và rất được chính quyền Reagan đề cao. Theo Reagan, để đối phó với “mối đe doạ Liên Xô”, Mỹ và các nước đồng minh Tây Âu cần phải thực hiện một chính sách ngăn chặn, cụ thể là phải tạo ra một mối đe doạ tương xứng với Liên Xô. Điều này có nghĩa, Mỹ sẽ tăng cường chạy đua vũ trang hạt nhân và trên thực tế chính quyền Reagan đã chuẩn bị cho việc triển khai tên lửa Pershing-II và tên lửa Cruise ở Tây Âu. Lúc này, Tây Âu đã bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc chạy đua vũ trang Xô - Mỹ. Tây Âu lệ thuộc vào Mỹ, là đồng minh của Mỹ, liên minh chống CNXH và CMTG. Nhìn lại tiến trình lịch sử quan hệ Tây Âu - Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt dưới thời Tổng thống Reagan, Tây Âu lệ thuộc vào Mỹ cả về kinh tế, quân sự, chính trị. Tuy nhiên, cùng với thời gian, Tây Âu ngày càng trưởng thành và lớn

mạnh, giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ, trở thành đối trọng với Mỹ và các cường quốc khác.

Đối với Nhật Bản: Chính sách của Mỹ trong quan hệ với Nhật Bản thời kỳ

sau chiến tranh thế giới thứ hai phản ánh chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm thực hiện cuộc chiến tranh lạnh, mà nội dung chính của nó là cô lập và tiến tới xóa bỏ hệ thống xã hội theo mô hình Xô Viết. Trong chiến lược ấy, Nhật Bản là một mắt xích quan trọng. Tổng thống Reagan đã từng nói: “Xung quanh lòng chảo Thái Bình Dương rộng lớn, nhiều quốc gia và tiềm lực kinh tế của họ đại diện cho

tương lai” [4,256]. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản phát triển nhanh

chóng, kinh tế Nhật đang đuổi kịp hoặc vượt Mỹ. Vì vậy, Nhật Bản vừa là bạn đồng minh của Mỹ, lại vừa là đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Mỹ. Để tiền vốn và kỹ thuật Nhật Bản phục vụ cho chiến lược toàn cầu của Mỹ, Mỹ sẽ lợi dụng điểm yếu của Nhật Bản là muốn cầu cạnh Mỹ để nhanh chóng trở thành nước lớn về chính trị và giải quyết vấn đề bốn đảo ở phía Bắc, ép Nhật Bản hợp tác với Mỹ trong các mặt sau đây:

1- Dùng chính trị ép kinh tế, tức là ép Nhật Bản nhượng bộ khi cọ xát thương mại Mỹ - Nhật để từng bước rút hẹp sự chênh lệch thương mại quá lớn giữa Mỹ và Nhật Bản tạo điều kiện khôi phục kinh tế của Mỹ.

2- Về quân sự, tiếp tục giữ quan hệ đồng minh và dùng quan hệ này làm nền tảng cho lực lượng quân sự Mỹ có mặt ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

3- Hợp tác với Nhật về kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt về kỹ thuật quân sự để giữ chặt Nhật Bản, tránh việc Nhật Bản lợi dụng kỹ thuật tiên tiến của Mỹ rồi độc lập nghiên cứu và chế tạo vũ khí vượt trình độ Mỹ. Việc làm đó nhằm mục đích khống chế Nhật Bản.

4- Đòi hỏi Nhật Bản cung cấp nhiều chi phí hơn cho “sự có mặt ở phía

trước” và hành động quân sự của quân đội Mỹ nhằm bảo vệ sự có mặt của lực

lượng quân sự to lớn của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương [4,260]. Trên thực tế, giữa thập kỷ 80, Nhật Bản bắt đầu cung cấp cho Mỹ trang bị vũ khí và kỹ thuật, tham gia nghiên cứu chế tạo trong kế hoạch “chiến tranh

giữa các vì sao”.

Như vậy, cũng giống như chính sách của các Tổng thống trước đó, những chính sách của chính quyền Reagan đã buộc Nhật phải “chia sẻ trách nhiệm”

“nghĩa vụ” cùng Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chính quyền Reagan vẫn coi Nhật Bản là đồng minh thân cận nhất trong chính sách Châu Á của mình, Nhật cũng muốn lợi dụng “ô che” quân sự của Mỹ để có điều kiện tập trung phát triển kinh tế.

Đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Để tăng cường địa vị của

Mỹ và gạt bỏ ảnh hưởng của Liên Xô ở khu vực địa chính trị quan trọng này, Reagan chủ trương thực hiện chiến lược “quay lại chiến tranh giành thế giới thứ

ba với Liên Xô”, đẩy mạnh các hoạt động quân sự, bảo vệ quyền lợi chiến lược

của Mỹ. Mỹ đã mở rộng những căn cứ quân sự cũ và xây dựng những căn cứ quân sự mới ở Philippines, Australia, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Guam. Những căn cứ này cho phép giới cầm quyền Mỹ tăng cường sự có mặt một cách linh hoạt mà không cần tăng số chuyên viên quân sự Mỹ ở nước ngoài. Mỹ tích cực sử dụng viện trợ quân sự, kinh tế như một công cụ quan trọng nhất trong đường lối đối ngoại của mình. Năm 1982, chính quyền Reagan đã tăng chương trình viện trợ quân sự lên 30%. Dự trù ngân sách tài chính năm 1982 - 1983 cho viện trợ quân sự là 4,5 tỉ USD; trong đó tăng viện trợ quân sự cho Thái Lan, Philippines, Indonexia, Malaixia, Xingapo, Myanma, Nam Triều Tiên tổng cộng là 338,6 triệu USD. Ngoài ra, Mỹ còn đưa ra các biện pháp nhằm sử dụng ảnh hưởng chính trị ngoại giao và tiềm lực quân sự các nước đồng minh trong khu vực và bảo vệ lợi ích chiến lược của Mỹ. Mỹ tăng cường hợp tác quân sự Mỹ - Nhật, yêu cầu Nhật tăng cường chi phí quân sự, hoàn thiện các lực lượng vũ trang và phải có nghĩa vụ bổ sung, tham gia trực tiếp vào việc thực hiện mục tiêu kế hoạch của Mỹ. Với các đồng minh khác như Thái Lan, Xingapo, Malaixia, Mỹ dùng mọi biện pháp lôi kéo và thúc ép. Những hành động của Mỹ đã làm cho tình hình thế giới trở nên căng thẳng phức tạp.

Tóm lại, đầu năm 1980 Reagan bước vào Nhà Trắng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi mạnh mẽ, hệ thống TBCN đang lún dần vào cuộc khủng hoảng. Bản thân nước Mỹ cũng đang bị “mắc kẹt” trong hậu quả của chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước tình hình này, Reagan buộc phải có những điều chỉnh lại “chiến lược toàn cầu” và cho ra đời chính sách đối ngoại mới của mình. Chính sách đối ngoại mới này được thực hiện trên phạm vi toàn cầu, trong đó nổi bật là với Liên Xô, Trung Quốc… Việc thực hiện chính sách đối ngoại dưới thời

Tổng thống Reagan đã có những tác động rất lớn tới tình hình thế giới và đối với chính nước Mỹ.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu chính sách đối ngoại của mỹ dười thời tổng thống ronald reagan (1980 1988) (Trang 66 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w