2.2.1 Chính sách đối với Liên Xô
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, mục tiêu chung nhằm cùng nhau chống lại sự đe doạ của chủ nghĩa phát xít không còn nữa; đồng thời do mâu thuẫn ý thức hệ vốn có từ lâu nên hai đồng minh Xô -Mỹ lại trở về hai trận tuyến khác nhau, đối nghịch nhau. Đứng lên từ trong lò lửa của chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô đã nhanh chóng trở thành cường quốc trong phe XHCN, là trung tâm của phong trào cộng sản quốc tế, trở thành trở ngại chủ yếu của Mỹ trong việc thiết lập bá quyền trên thế giới. Sau chiến tranh, Mỹ vươn lên trở thành
cường quốc đứng đầu thế giới TBCN cả về kinh tế, quân sự, ráo riết thực hiện âm mưu làm bá chủ thế giới. Vì vậy, Mỹ đã triển khai chiến lược toàn cầu với mục tiêu: ngăn chặn Liên Xô, hệ thống XHCN và phong trào cách mạng thế giới do Liên Xô ủng hộ và chi phối, tiến tới xoá bỏ lực lượng này ra khỏi đời sống chính trị thế giới, xác lập vai trò chi phối toàn diện của Mỹ đối với thế giới.
Triển khai chiến lược toàn cầu với mục tiêu đối kháng trước mắt, lâu dài và nguy hiểm là Liên Xô, từ năm 1946 và những năm sau đó, Mỹ đã cắt đứt các mối quan hệ hợp tác vốn được Mỹ và Liên Xô xây dựng trong chiến tranh, đồng thời áp dụng chính sách thù địch với Liên Xô. Ngay sau khi phát xít Đức tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tư lệnh không quân Mỹ Acnôn đã công khai tuyên bố:
“kẻ thù tiếp theo của Mỹ là nước Nga Xô Viết” [2,347]. Trong các văn bản chính
thức của bộ tổng tham mưu quân đội Mỹ năm 1946 cho thấy ý đồ tiến công Liên Xô của Mỹ: “Chính phủ của chúng ta cần phải tăng cường sức ép để buộc Liên Xô phải chấp nhận giải quyết nhanh chóng những vấn đề đang tranh cãi ở Châu Âu bằng các giải pháp chính trị do Mỹ đưa ra; đồng thời chúng ta phải nhanh chóng hoàn tất các công tác chuẩn bị để trong trường hợp ngược lại sẽ chủ động
tấn công Liên Xô bằng quân sự” [2,34].
Thổi phồng mối đe doạ từ Liên Xô, Mỹ giương cao ngọn cờ “ngăn chặn
Liên Xô”, “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản” để tập hợp tất cả các nước TBCN và
các thế lực phản động thế giới vào một “mặt trận” do Mỹ đứng đầu, thực hiện bao vây Liên Xô bằng nhiều cách và về mọi mặt: chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao… Trong suốt 20 năm đầu sau chiến tranh, quan hệ Xô - Mỹ luôn ở trong tình trạng đối đầu căng thẳng. Hai siêu cường Xô - Mỹ đã nhiều lần bước tới bờ vực của chiến tranh, mặc dù cuộc chiến tranh “nóng”, trực tiếp giữa hai siêu cường chưa bùng nổ.
Khi Nixon lên làm Tổng thống (1969); đã xuất hiện sự “hoà dịu” chưa từng có trong quan hệ Xô - Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nixon đã tuyên bố rằng: “Trong quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, sau thời kỳ đối đầu đã đến
thời kỳ thương lượng” [2, 310]. Người kế nhiệm ông là G. Ford và G. Carter về
cơ bản vẫn duy trì những chính sách đối ngoại thời Nixon. Sự hoà dịu đã dần đi vào sự “cáo chung”.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/1980, Reagan - người của Đảng Cộng Hoà đã trúng cử Tổng thống. Reagan lên cầm quyền trong bối cảnh tình
hình chính trị nội bộ của nước Mỹ trở nên phức tạp một cách rõ nét. Đất nước đã sa vào giai đoạn suy thoái mới về kinh tế, tỷ lệ lạm phát cao, thất nghiệp hàng loạt, khủng hoảng về năng lượng và nhiều vấn đề xã hội mang tính kinh niên ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, Mỹ liên tiếp gặp phải những thất bại nặng nề ở Việt Nam, Iran…, địa vị của Mỹ bị giảm sút mạnh mẽ ở nhiều khu vực trên thế giới. Trước việc Liên Xô đưa quân vào Afganistan; Liên Xô hậu thuẫn cho Ba Lan tuyên bố “tình trạng chiến tranh” nhằm trấn áp các thế lực đối lập ở Ba Lan. Trước tình hình đó, để khôi phục lại địa vị của Mỹ trên trường quốc tế, để ngăn chặn Liên Xô, Reagan tỏ ra phản ứng rất mãnh liệt và thực hiện những cuộc phản kích mạnh mẽ.
Nếu như chính quyền Nixon trước đó chú trọng tới sự “hoà dịu” trong quan hệ Xô -Mỹ, thì chính quyền Reagan lại cho rằng “Liên Xô chất chứa trong đó mọi sự bất ổn. Nếu họ không liên quan đến ván cờ domino này thì trên thế giới
sẽ không có điểm nóng nào cả” [22, 327]. Reagan muốn lật lại chính sách đối
ngoại trong vòng 15 năm qua và quay trở lại thời kỳ sau khi mới kết thúc chiến tránh thế giới thứ hai, khi mà Mỹ rõ ràng là kẻ cầm đầu liên minh chống lại khối XHCN. Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố sẽ: “rũ bỏ tấm khăn tang trên đầu” mà Mỹ đã phải bận trong suốt những năm tháng sau chiến tranh Việt Nam.
• Chính sách đối với Liên Xô trong những năm 1980 - 1984
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Reagan (1980 - 1984) quan hệ Xô - Mỹ đã xấu đi một cách nhanh chóng, những hy vọng của ban lãnh đạo Liên Xô đã không có cơ sở. Họ tưởng rằng sau cuộc vận động tranh cử thì thái độ công khai thù địch với Liên Xô của Reagan sẽ được thay thế bằng một thái độ tỉnh táo đối với quan hệ hai nước. Nhưng Tổng thống Reagan nổi tiếng là người bảo thủ cứng rắn và chống cộng quyết liệt. Khi bước vào Nhà Trắng, ngay lập tức Reagan theo đuổi một đường lối đối ngoại chống Liên Xô rất cứng rắn, phục hồi vị thế đang suy yếu của Mỹ trên trường quốc tế, đẩy lùi sự tiến công của Liên Xô trên mặt trận đối ngoại được đưa lên thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Reagan. Ở mọi nơi, mọi lúc, Nhà Trắng luôn mưu toan làm thiệt hại cho Liên Xô, mọi vấn đề quốc tế đều được họ xem xét thông qua lăng kính đối đầu với Matxcơva. Điều đó đã khiến cho chính sách đối ngoại của Mỹ bị bó hẹp vào chủ nghĩa chống Liên Xô một cách thô bạo.
Trên thực tế, ngay sau khi lên cầm quyền, Reagan đã thực hiện việc chạy đua vũ trang mạnh mẽ nhằm phá thế cân bằng về chiến lược quân sự với Liên Xô, khôi phục vị trí đứng đầu về quân sự. Với một thái độ kiên định, Reagan tuyên bố: “Chúng ta sẽ bắt đầu thực thi một kế hoạch phòng ngự trước sự đe dọa ghê gớm của hệ thống tên lửa Liên Xô… chúng ta sẽ làm cho những quả tên lửa đạn đạo chiến lược chưa kịp rơi xuống lãnh thổ của các nước đồng minh của chúng ta thì đã bị huỷ diệt… Bằng sự nỗ lực tập trung toàn diện, xác định một kế hoạch nghiên cứu và phát triển lâu dài, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng
của mình là loại bỏ mối đe doạ do hệ thống tên lửa chiến lược gây ra” [20, 308].
Viện cớ Liên Xô đang cố tìm kiếm một ưu thế đáng kể về quân sự so với những gì họ đã giành được theo Hiệp ước SALT – II, tháng 3/1981, Reagan vận động Quốc Hội Mỹ chấp nhận đưa mức gia tăng chi phí quân sự trong 3 năm đầu cầm quyền của ông lên 40%, tức tăng thêm 5% so với mức tăng đã được Quốc hội chuẩn y trước đó. Reagan thu hồi quyết định ngừng sản xuất bom Newtron và dự án chế tạo máy bay B-1, thúc đẩy việc chuẩn bị triển khai tên lửa Pershing – II và tên lửa Cruise ở Tây Đức, cho phép các nhà sản xuất vũ khí trong nước bán vũ khí ra nước ngoài ở mức độ kỷ lục. Trong bài phát biểu ngày 18/11/1981, Tổng thống Reagan cho rằng: ưu thế vũ khí hạt nhân của Liên Xô cũng như việc tăng cường triển khai loại vũ khí này ở Châu Âu trong thời gian qua là sự đe doạ đối với Mỹ và các nước đồng minh Tây Âu. Theo Reagan, để đối phó với mối đe doạ này, Mỹ và các nước đồng minh cần phải thực hiện một chính sách ngăn chặn, cụ thể là phải tạo mối đe doạ tương xứng với Liên Xô. Điều này cũng có nghĩa, Mỹ sẽ tăng cường chạy đua vũ trang hạt nhân. Reagan cũng cảnh báo rằng Mỹ và các nước đồng minh NATO chỉ từ bỏ kế hoạch tăng cường lực lượng hạt nhân ở Châu Âu khi nào Liên Xô dỡ bỏ các hệ thống tên lửa đã lắp đặt ở các nước Đông Âu dọc theo biên giới với Tây Âu.
Hành động đó của Tổng thống Reagan đã châm thêm dầu vào ngọn lửa phản đối của người dân Tây Âu. Nhiều cuộc biểu tình chống chạy đua vũ trang và triển khai tên lửa Pershing-II và Cruise liên tục diễn ra. Không thể xem thường phản ứng của công luận, chính quyền Reagan đã phải đi vào đối thoại với Liên Xô, tuy không hăng hái và không thực sự có hiệu quả. Ngày 30/11/1981, tại Geneva, Reagan buộc phải tiếp tục cuộc đàm phán về vũ khí chiến lược mà ông ta đã ra lệnh đình chỉ sau khi cầm quyền dù thực tâm không tin vào tiến bộ của
những cuộc đàm phán. Reagan đưa ra một đề nghị mới mang tên “phương án O- O”. Nội dung của phương án này bao gồm: “Mỹ sẽ từ bỏ kế hoạch triển khai các tên lửa Pershing-II và Cruise, đổi lại Liên Xô phải tháo gỡ tất cả các tên lửa SS-
20, loại bỏ các tên lửa SS-4 và SS-5” [22, 328]. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị
Liên Xô khước từ, vì nó không đề cập gì đến số tên lửa mà Anh, Pháp đang có trong kho của mình. Mặt khác, Liên Xô không muốn đem số tên lửa SS-20 đã được triển khai của mình ra thương lượng với các tên lửa tầm trung chưa được triển khai. Ngoài ra, Reagan còn muốn thay hiệp ước SALT bằng hiệp ước START, vì theo Reagan, SALT thực chất là cuộc chạy đua vũ trang trá hình.
Năm 1982, quan hệ Xô - Mỹ khá căng thẳng. “Cuộc thập tự chinh chống
chủ nghĩa cộng sản” do Reagan phát động đã được biểu hiện một cách cụ thể.
Ngày 26/01/1982 tại Giơnevơ đã diễn ra cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng Hâygơ và Grômưcô. Hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề kể cả việc hạn chế vũ khí hạt nhân, tình hình Trung Đông, miền Nam Châu Phi, Châu Á và các khu vực khác. Về vấn đề hạn chế vũ khí hạt nhân tại Châu Âu, hai bên đã ghi nhận sự khác biệt mang tính nguyên tắc, vì vậy đã thoả thuận rằng hai phái đoàn đại biểu trong đàm phán tại Giơnevơ sẽ tiếp tục đàm phán thêm về vấn đề đó. Tuy nhiên, qua hai cuộc gặp gỡ đã cho thấy phía Mỹ chưa sẵn sàng bàn về vấn đề hạn chế vũ khí chiến lược nói chung. Chính Hâygơ đã tuyên bố rằng: “…mục đích của cuộc hội đàm này không phải là nhằm cải thiện quan hệ Xô - Mỹ hay quan hệ Đông - Tây nói chung, mà là phía Mỹ có điều kiện nói lên quan điểm của mình một cách thật rõ ràng về các vấn đề nóng bỏng, trước hết là bày tỏ sự lo ngại của
phía Mỹ trước tình hình diễn ra tại Ba Lan” [13, 957]. Vào đầu tháng 2/1982, khi
Reagan công bố quyết định sản xuất trên quy mô lớn một loại hơi độc làm tê liệt thần kinh, Matxcơva đã lên án một cách rất gay gắt. Đầu tháng 5/1982, sau khi đã trì hoãn rất lâu, chính quyền Mỹ đã soạn thảo xong đề nghị về vấn đề SALT và chuẩn bị công bố, đó là một “động thái tuyên truyền” nhằm “xoa dịu dư
luận”. Ngày 9/5/1982, Reagan đã phát biểu tại thị trấn Inrica (bang Ilinois).
Trong bài diễn văn đó, Reagan đã trình bày đề nghị mới về hạn chế vũ khí chiến lược: hai siêu cường sẽ giảm số lượng đầu đạn hạt nhân từ 7000 xuống còn 5000 và chỉ 2500 trong số này được phép gắn vào các tên lửa đặt trên đất liền, mỗi bên chỉ được phép có 850 tên lửa đạn đạo. Như vậy theo đề nghị đó, Liên Xô sẽ phải huỷ 2/3 số tên lửa của mình, trong lúc Mỹ chỉ phải huỷ phân nửa. Rõ ràng, đề
nghị đó thể hiện tính chất ngoan cố của Mỹ, nghĩa là về thực chất, lập trường có tính nguyên tắc của Mỹ không có gì thay đổi. Những đề nghị của Reagan chỉ có tính chất đơn phương, nhằm phá hoại sức mạnh hạt nhân của Liên Xô. Nếu đề nghị đó được thực hiện thì lực lượng chiến lược của Mỹ sẽ trội hơn của Liên Xô 1,5 lần. Nếu tính số đầu đạn trên các tên lửa đó thì Mỹ còn trội hơn 3 lần. Ngoài ra, các đề nghị của Mỹ không hề đụng chạm đến kế hoạch tái vũ trang của họ và như vậy có nghĩa là cuộc chạy đua vũ trang sẽ được đẩy mạnh theo hướng có lợi cho Mỹ. Đề nghị này của Reagan bị công luận thế giới chỉ trích rất dữ dội, vì nó cho thấy Mỹ không thực tâm muốn giải trừ vũ khí. Ngay tại Mỹ, tỉ lệ người ủng hộ tăng ngân sách quốc phòng giảm từ 71% năm 1980 xuống còn 17% tháng 10/1982.
Về phía Liên Xô, từ nửa sau thập niên 70 của thế kỷ XX, Liên Xô lâm vào tình trạng khó khăn về nhiều mặt. Trong đó, biểu hiện nổi bật nhất là kinh tế rơi vào tình trạng đình trệ, tăng trưởng kinh tế bắt đầu lộ rõ xu thế suy giảm với biên độ lớn, mức sống của người dân giảm sút. Đồng thời với việc đó, nạn sùng bái cá nhân thịnh hành; tầng lớp lãnh đạo lão hoá và thiếu sức sống; tệ nạn tham ô, hối lộ lan tràn trong cả nước và đã ăn sâu vào tầng lớp lãnh đạo tối cao. Liên Xô như một “đầm nước tù”, tư tưởng bất mãn xã hội không ngừng gia tăng, khủng hoảng lòng tin dần trở nên nghiêm trọng. Về vấn đề đối ngoại, Liên Xô cũng rơi vào tình trạng khó khăn, các nước đồng minh trong phe XHCN có nguyện vọng thoát khỏi sự khống chế của Liên Xô, đây là thách thức to lớn đối với Liên Xô. Giới lãnh đạo bắt đầu có vấn đề về mặt tư duy trong đó thể hiện rõ tính bảo thủ. Điều đó cản trở họ vạch ra một đường lối đối ngoại đủ linh hoạt đáp ứng những thay đổi mau chóng trên trường quốc tế. Mặt khác, có thể do giới lãnh đạo Liên Xô quá tin tưởng rằng tình trạng bất đồng giữa người dân và giới cầm quyền ở các nước Tây Âu quanh chiến lược hạt nhân của Mỹ sẽ còn kéo dài và sự chia rẽ này sẽ mang lại cho Liên Xô nhiều thuận lợi hơn so với bất cứ một hiệp ước nào về kiểm soát vũ khí mà chính phủ có thể chấp nhận. Bên cạnh đó, phương sách mà chính phủ Liên Xô dùng để đối phó với tổ chức công đoàn đoàn kết ở Ba Lan trong những năm đầu thập niên 80 đã không tạo được cảm tình của dư luận phương Tây. Trong bối cảnh trên, nhiều sáng kiến của chính phủ Liên Xô đã không mang lại kết quả như mong muốn.
Năm 1983, quan hệ Xô - Mỹ tiếp tục xấu đi. Đây có lẽ là mức xấu nhất kể từ khi bắt đầu có “Chiến tranh lạnh”. Tình hình thế giới nói chung cũng rất căng thẳng, nguy cơ chiến tranh đã tăng lên. Đó là hệ quả tất yếu của việc chính quyền Reagan muốn giành ưu thế về quân sự với Liên Xô, hòng thay đổi tương quan lực lượng trên trường quốc tế theo hướng có lợi cho phương Tây. Chính quyền Mỹ ra sức chuẩn bị cơ sở vật chất nhằm thực hiện mục tiêu trên, trước tiên là tăng cường và hiện đại hoá các loại vũ khí tên lửa hạt nhân và vũ khí thông thường, kể cả các loại vũ khí để giáng những đòn đầu tiên. Ngày 23/3/1983, Reagan đẩy cuộc chạy đua vũ trang lên một quy mô lớn chưa từng thấy. Đây là một kế hoạch mang tính phòng ngự, nâng cao khả năng quân sự của Mỹ đã được