6. Bố cuc của luận văn
3.1.1.2. Vần và hiện tượng hiệp vần
Để thực hiện việc tìm hiểu chức năng của hệ thống vần tiếng Việt trong thành ngữ, tục ngữ và thơ ca, trước hết chúng tôi muốn được trình bày một vài ý kiến về một hiện tượng có vai trò quan trọng trong tổ chức thành ngữ, tục ngữ và thơ ca, đó là hiện tượng hiệp vần. Khi thực hiện hoạt động hiệp vần trong ngôn từ thi ca
hay trong thành ngữ, tục ngữ thì chính các vần tiếng Việt đã thực hiện chức năng liên kết của mình.
Lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm đến hiện tượng hiệp vần trong ngôn từ thi ca, đồng thời đã xác định cách hiểu về vần thơ. Chẳng hạn, học giả Dương Quảng Hàm định nghĩa về vần: Vần (chữ nho là vận) là những tiếng thanh âm hoà hiệp đặt vào hai hay nhiều câu để hưởng ứng nhau [13, 117]. Hai tác giả Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức cho rằng: Vần là sự lặp lại ngữ âm để làm tăng sự nhịp nhàng của câu thơ, làm cho mạch thơ gắn chặt với nhau [30, 14]. Tác giả Võ Bình lại cho rằng: Vần trong thơ chủ yếu là sự hài hoà tạo ra từ vận mẫu của âm tiết, nhưng sự hài hoà đó có sự tham gia có tính chất không kém phần quyết định của các yếu tố khác nhau như phụ âm đầu (thanh mẫu) và thanh điệu [3, 31]. Trong công trình nghiên cứu về vần thơ Việt Nam, nhà nghiên cứu Mai Ngọc Chừ đã đưa ra một định nghĩa cụ thể hơn về vần thơ "dưới ánh sáng ngôn ngữ học": Vần là sự hoà âm, là sự cộng hưởng nhau theo những quy luật ngữ âm nhất định giữa hai từ hoặc hai âm tiết ở trong hay cuối dòng thơ và thực hiện những chức năng nhất định như liên kết các dòng thơ, gợi tả, nhấn mạnh sự ngừng nhịp [10, 12]. Những cách định nghĩa như trên đều có giá trị ở những mức độ nhất định, song có lẽ chưa phải là những định nghĩa có tính khái quát cao, chặt chẽ và đầy đủ. Theo chúng tôi, cách định nghĩa của tác giả Nguyễn Quang Hồng trong bài viết Đọc vần thơ Việt Nam dưới ánh sáng ngôn ngữ học của Mai Ngọc Chừ là thoả đáng hơn cả: Vần là hiện tượng hoà phối, hưởng ứng âm thanh giữa các đơn vị ngôn ngữ trên những vị trí nhất định nhằm liên kết, gắn nối các vế tương đương trong ngôn từ thi ca [22, 61]. Cũng trong bài viết này, tác giả nhấn mạnh ba yếu tố cơ bản của âm luật thi ca tiếng Việt là vần (hiệp vần), nhịp (ngắt nhịp) và điệu (phối thanh). Tác giả còn chỉ rõ: Trên quan điểm ngôn ngữ học thì một ngôn từ thi ca được phân biệt với một ngôn từ văn xuôi trước hết ở chỗ, nếu trong ngôn từ văn xuôi, các đơn vị ngôn ngữ (...) xuất hiện một cách tự nhiên, liền mạch và xuôi chiều thì trong ngôn từ thi ca, chúng được tổ chức thành các vế tương đương, chiếu ứng lên nhau trên những vị trí nhất định. Mỗi vế tương đương nhỏ nhất (ngắn nhất) trong ngôn từ thi ca là một
nhịp (...). Giữa các vế tương đương như thế thường có sự liên kết và chiếu ứng với nhau về mặt âm thanh. Một trong những phương tiện liên kết các vế tương đương trong ngôn từ thi ca chính là gieo vần. Không có sự ngắt nhịp, không chia cắt ngôn từ thành những vế tương đương, không có nhu cầu liên kết các vế tương đương đó về mặt âm thanh thì không thể sản sinh ra hiện tượng gieo vần, dù cho trong ngôn từ có xuất hiện dày đặc các đơn vị âm thanh tương đồng [22, 62]. Một quan điểm như vậy là có sức thuyết phục và chúng tôi lấy nó làm cơ sở lí thuyết cho việc khảo sát hiện tượng hiệp vần cũng như chức năng liên kết của vần tiếng Việt trong thành ngữ, tục ngữ và thơ ca.