7. Cấu trúc của luận văn
2.2. Nhu cầu hạnh phúc riêng tư
Trong việc thể hiện con người cá nhân gắn liền với những nhu cầu hạnh phúc riêng tư của họ, khác với những nhà văn cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, các cây bút tiểu thuyết Việt Nam ở thời kỳ đầu Đổi mới đã có những bước đột phá mới. Họ đã mạnh mẽ đi vào khai thác hiện thực cuộc sống của từng cá nhân cụ thể, qua đó khẳng định sự cần thiết của những nhu cầu hạnh phúc riêng tư. Và qua sự thể hiện này, các nhà văn cũng cho người đọc thấy được thái độ, tình cảm, cũng như cách nhìn nhận, đánh giá của mình về con người, cuộc đời hoàn toàn khác với trước.
Mỗi con người là một cá nhân riêng biệt, có cuộc sống độc lập cũng như những nhu cầu riêng tư khác nhau. Hiện thực này đã được các nhà văn nhìn nhận và phản ánh vào những sáng tác của mình.
Giữa lúc cơ chế thị trường đang lên, nhiều người chạy theo những cái mới, trong đó không loại trừ những nhu cầu vật chất với những tiện nghi hiện đại, thì nhân vật ông Bằng (Mùa lá rụng trong vườn - Ma Văn Kháng) lại muốn giữ lại ngôi nhà xưa cũ của mình. Bởi vì đây là nơi không chỉ lưu lại những kỷ niệm với người vợ đã khuất, mà chính ngôi nhà cũ kỹ đã chứng kiến những buồn vui thăng trầm của cuộc đời ông, của các con ông. Dù chật chội, nhưng ấm cúng. Ở đó có các thế hệ tổ tiên ông bà con cháu sinh sống. Và còn hơn thế nữa, với ông Bằng, chính nếp nhà xưa cũ là nơi lưu giữ lại những giá trị văn hóa cổ truyền, là nơi bao bọc, chở che, nâng đỡ con người. Nhất là khi không còn chỗ nào để bấu víu, nương tựa, khi người bạn đời của mình đã khuất, tương lai là nhìn ngược phía sau, là trông cậy cả vào đám dâu con trong nhà, thì ngôi nhà cũ kỹ là nơi neo giữ lại nhiều kỷ niệm, nhiều giá trị tinh thần, nơi gìn giữ cho ông một sự thăng bằng cần thiết. Vậy nhưng, đối với các con ông Bằng, nhất là Lý, trước nhu cầu ngày càng lớn về cuộc sống mới, thì đấy là một chốn chật chội, bức bối, các thành viên trong gia đình dễ va chạm lẫn nhau.
Có phần gần gũi với người cha, nhân vật Luận lại là người vượt lên trên mọi ham muốn vật chất tầm thường, say mê một đời sống tinh thần lành vững, cao siêu. Luận muốn một gia đình hòa thuận trên kính dưới nhường, anh chị em bao bọc, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, người này truyền kinh nghiệm sống cho người kia. Gia đình thật sự là tổ ấm, là nơi lưu giữ và bảo tồn các giá trị. Nơi đó mọi tính toán vật chất đều vô nghĩa, nơi đó con người được sinh ra và lớn lên, nơi đó vợ chồng thủ thỉ yêu thương.
Cũng là một thành viên của gia đình ông Bằng, nhưng Lý lại là nhân vật độc đáo nhất và được tác giả thể hiện bằng một tình cảm ưu ái hơn cả. Chị đi lại trong tác phẩm như thoi đưa, đụng đến tất cả mọi thành viên trong gia đình, phá vỡ cái bầu không khí trầm tĩnh, nề nếp cổ truyền xưa nay của gia
đình ông Bằng. Chị mạnh mẽ, nổi trội, đáng yêu, và khẳng định được mình ngày từ những trang đầu của cuốn tiểu thuyết. “Lý rực rỡ, lập dị, lạ mắt vô cùng”. Từ lời nói, cử chỉ, hành động, trang phục đến những đường nét xinh xắn, ưa nhìn ở chị đều có một sức cuốn hút vô cùng. Tay làm, miệng nói, nhanh nhẹn, bất ngờ, hoạt bát, gai góc và sắc nhọn lạ. Lý làm “ồn ào, náo động cả căn buồng. Đầy ắp những chặp cười, những lời phiếm luận”. Giọng Lý nổi lên “chanh chua, những âm thanh, giọng điệu, biến thái đột ngột và những thành ngữ, từ ngữ phi lý, lạ tai”, khiến người khác “có cảm giác mình vừa bị cuộn vào, vừa bị đẩy ra, đứng ngoài rìa một vòng xoáy càng lúc tốc độ và sự ồn tạp càng tăng” [42, 27]. Lý đụng chạm đến tất cả mọi người, mọi thành viên trong gia đình và xã hội. Hễ ở đâu có Lý là ở đó ồn ào náo động nhưng lại nằm trong một trật tự im thít, minh bạch, rõ ràng. Đối với việc cơ quan, dù khó khăn đến mấy, hễ chị xắn tay vào là ở đó công việc được hoàn thành nhanh chóng nhất. Làm việc “coi kho”, Lý được thủ trưởng đánh giá “là người năng động” [42, 36]. Điều chị sang một lĩnh vực mới, ở đó chị lại khẳng định và chứng tỏ được mình. “Sang phòng vật tư một tháng, bao nhiêu ách tắc, lưu cữu, cứ là bay” [42, 37]. Hàng “nằm chết dí ở cảng đã nửa năm nay”, bằng tài “thao lược” của mình, Lý chỉ “gióng một tiếng, năm ô tô tải đến”, đích thân chị xuống cảng, “một tuần sau, kho xí nghiệp đếch còn chỗ nào mà nhét nữa” [42, 37].
Con người ấy không chỉ năng động tháo vát, đáng yêu đáng quý ngoài xã hội, mà khi trở về nhà, Lý lại khẳng định được mình là một người đàn bà giỏi, một người nội trợ xuất sắc của gia đình. “Lý quán xuyến mọi việc chi tiêu trong cái gia đình lớn này. Bà quản gia thật là một người có tài nội trợ, gia chánh, nữ công”, “Bà om sòm, vui vẻ sai phái, cắt đặt, thúc giục và cùng làm mọi việc với Phượng” [42, 65]. Chị chuẩn bị cho một cái Tết thật chu đáo. “Căn bếp xếp sắp vốn đã gọn gàng, đồ nào thứ nấy, không thiếu thốn,
chắp vá. Dao to, dao nhỏ, hơn chục con đã thuê mài tinh tươm từ nửa tháng nay. Thịt gà luộc chặt dao pha lưỡi sáng rợn, nhát nào đứt nhát ấy, thẳng như kẻ chỉ. Hạt tiêu, hành mỡ, cà ri, húng lìu, mì chính, bột canh, nước mắm các loại đã sẵn sàng” [42, 65]. Mâm cỗ ngày Tết do một tay Lý đạo diễn: “Tràn trề trên mặt bàn, chạm cả vào cành quất Lý cố tình để sát vào mâm cỗ cho bữa ăn thêm đẹp, thêm sang, là la liệt bát đĩa ngồn ngộn các món ăn. Ngoài các món thường thấy ở cỗ Tết như gà luộc, giò, chả, nem, măng hầm chân giò, miến nấu lòng gà, súp lơ xào thịt bò... - món nào cũng mang dấu ấn tài hoa của người chế biến - là các món khác thường như gà quay ướp húng lìu, vịt tần hạt sen, chả chìa, mọc, vây...”. “Thật là một mâm cỗ quá ư thịnh soạn vào thời buổi đất nước còn rất nhiều khó khăn”... [42, 80] khiến ai cũng phải hân hoan, thán phục tài của cô con dâu đảm. Còn Luận, dù đã biết nhiều tài của người chị dâu, cũng không khỏi ngỡ ngàng thốt lên: “Trời! Bàn tay chị Lý là bàn tay vàng!”. Chính chị không ai khác đã đem đến cái không khí Tết ấm cúng, no đủ, trọn vẹn, trịnh trọng và có vẻ đài các cho gia đình ông Bằng. “...đặc sản nhất, mà có lẽ Lý muốn bộc lộ khiếu năng, cùng tấm lòng mình nhiều nhất ở đó, là các món vịt tần, vây và mọc, nhất là món mọc. Chị đã rất tỉ mĩ và kĩ tính hết sức khi chế biến món này. Miếng thăn được chọn lựa, giã thật nhuyễn nhừ thay cho giò sống được chính tay chị trộn với mộc nhĩ, nấm hương, rồi nặn thành từng viên tròn trĩnh. Nồi nước dùng đảm bảo trong veo. Và chính tay chị vớt, chia đều ra từng bát nhỏ” [41, 81]. Dường như để xứng đáng với cái tài hoa cùng tấm lòng cần được tôn trọng, ủng hộ của chị, tác giả đã tập trung hết bút lực của mình để giành cho Lý những trang văn đẹp nhất, hay nhất, nồng ấm nhất. Tác giả đã để Lý khẳng định được mình trên tất cả mọi phương diện, ở mọi nơi mọi lúc. Cách viết này đã cho độc giả thấy được thái độ đồng tình, ủng hộ của nhà văn đối với việc cần thiết khẳng định nhu cầu cá nhân, cá tính. Đó là một cách nhìn nhận mới mẻ, tiến bộ mà các cây
bút tiểu thuyết giai đoạn 1945 - 1975 chưa có được. Nhân vật Lý nổi lên như là một con người toàn năng của thời đại mới mà nhà văn đặc biệt quan tâm chú ý. Miêu tả sự toàn diện, giỏi giang, tháo vát, sắc cạnh, dễ ưa của Lý đồng thời cũng là để chuẩn bị cho một sự nổi loạn cần thiết sau này cho nhân vật bằng một tấm lòng ưu ái, cảm thông thật sự khác với những cây bút giai đoạn trước đó.
Lý nổi lên như một bông hoa di động thắm nhất, độc đáo, toàn năng và sang trọng nhất tác phẩm. “Cái áo thật đẹp! Áo liền mũ. Vải téc-len, màu sô- cô-la, cao sang từ chất vải tới màu sắc, kiểu cách. Chưa hết! Còn cái khóa. Chưa hết! Khi cái khóa kéo tuột xuống, mắt Phượng lại một lần nữa chói lòa vì những mảng màu đối lập, nóng ấm ở cái áo len buông bó thân hình Lý và Lý lại một lần nữa hiện ra dưới một sắc hình khác hẳn thường ngày. Lý trẻ trung, mới mẻ” [42, 10]. Lý nổi trội. Lý sắc cạnh và gai góc. Lý cần thay đổi, cần vượt thoát. Lý cần một cái gì phải mới hơn, khác hơn trước. Lý thẳng thắn, mạnh mẽ lên tiếng đòi thỏa mãn những nhu cầu cá nhân của mình. “Đây chẳng phải lụy thằng nào con nào hết! Đây tay trắng lập nên cơ đồ. Đây phải có quyền” [42, 235]. “Tôi cần sung sướng, tôi không chịu kém đứa nào! Tôi cần ti vi, tủ lạnh, xe máy! Tôi không phải là vàng để trang trí cho kẻ nào hết. Tôi làm ra tôi phải hưởng” [42, 235]...
Cái giọng cứng cỏi, kẻ cả, chắc nịch ấy chỉ có thể là của cô Lý. Ở tuổi bốn mươi, chị ý thức được vai trò, vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Cô biết năng lực của mình, biết mình nổi trội hơn những người xung quanh về nhiều mặt. Lý cần được hưởng thụ và có ý thức hưởng thụ cá nhân. Chị rủ Phượng đi “ăn bún mọc Hà Nội”. Chị giục Phượng: “Ăn đi! Tội đếch gì mà bóp mồm bóp miệng!” [42, 140]. Lý mạnh mẽ, cá tính và quyền uy. Chị có thể sai phái, quát nạt, quyền thế với kẻ khác. Lý cần được phục tùng, phục vụ đến nơi đến chốn. Chị chỉ cần “đứng ở ngoài rìa đám khách, mặt vênh
vênh, mắt khíp một vệt nhỏ vuốt dài, rồi hất hàm rất quyền thế và thân thuộc: Hai ba mươi nhé!” là đã “có ngay” lời đáp lại: “Các bác thông cảm nhé. Bà chị tôi!” cùng những bát bún “nặng, ù ụ một lớp dò sống viên tròn cùng là tim gan lợn thái mỏng nhưng to bản và bún trắng muốt, nuột nà từng sợi, sâm sấp làn nước dùng...” [42, 138].
Trong lời rủ rê đứa em dâu nhu mì của mình, Lý bảo: “Mà Phượng này, ra giêng, tôi với cô xin phép đi chơi hội hè cho nó sướng cái thân. Tội đếch gì. Khổ mãi rồi! Cái già nó xồng xộc đến sau lưng rồi còn gì” [42, 47]. Qua những lời lẽ đó, người đọc cảm nhận ở Lý là một sự ý thức về nhu cầu cuộc sống, về quyền hưởng thụ cá nhân của kiểu con người thời đại mới. Với Lý, trước hết, sống là phải làm ra nhiều tiền, để thỏa mãn, để hưởng thụ. Lý quan niệm, sống “không thể là suốt đời nghèo đói”, phải tằn tiện, mà sống là cần được chi tiêu thoải mái, chi tiêu chính đáng cho những nhu cầu cá nhân, cho hạnh phúc riêng tư của mình. “Không cần thì một xu cũng bỏ qua. Cần thì bạc nghì cũng quăng” [42, 67]. Quan niệm Sống của Lý bây giờ là phải tân tiến, phải tạo ra những giá trị mới. “Tớ có kế hoạch của tớ. Khác đi, chứ cứ một kiểu mãi à? Lúc nào cũng một điệu nhạc thì ớn xương sườn lắm” [42, 47].
Trong lĩnh vực tình cảm, Lý càng ngày càng ý thức về nó và khát khao được thỏa mãn nó. Nếu như trước đây Lý lấy Đông là “mãn nguyện” thì bây giờ, khi đã ở độ tuổi bốn mươi, rất nhiều lần cô đặt câu hỏi gián tiếp hoặc trực tiếp rằng: “Tại sao tôi lại lấy ông, hả ông Đông?”. Trước đây, Lý - “một cô nữ sinh” - lấy Đông - “chàng sĩ quan, mũ đính sao vàng” - thế là được. Cuộc sống của hai người diễn ra đơn giản. Nàng ở hậu phương, còn chàng nơi tiền tuyến. Chàng đi đánh giặc, nàng ở nhà rất đỗi tự hào. “Chị lanh chanh kể về chồng mình với một thái độ kiêu hãnh, yêu quý không che giấu” [42, 111]. Nhưng bây giờ, trước cuộc sống mới, con người với đủ thứ nhu cầu đòi hỏi và đòi hỏi ngày càng cao, nhất là sự đòi hỏi cần được đáp ứng của thế giới tâm
hồn phong phú, phức tạp bên trong, thì Lý càng thấy sự khập khiễng giữa mình và người chồng. Câu hỏi mà Lý luôn đặt ra rằng: “Tại sao tôi lại lấy ông, ông Đông nhỉ?” là một phát ngôn mà càng về sau, nó không thuộc về tự nhiên vô thức, một câu mắng yêu suồng sã của người vợ yêu chồng nữa, mà là sự ý thức, nhận thức sâu sắc về chính mình, về những nhu cầu hạnh phúc riêng tư cá nhân. Lý muốn thay đổi, muốn một cuộc sống khác, một người khác mới hơn, đẹp hơn, tinh tế và giàu năng lượng hơn, biết khen, biết chê, biết khích lệ động viên cũng như phục tùng mình đúng lúc. Đây chính là lí do khiến Lý “cuốn” lấy “gã trưởng phòng vật tư xấu giai, quá lứa ở xí nghiệp chị” [42, 114]. “Anh ta khen chị đẹp tuyệt trần, anh ta nức nở trước sự khéo léo của chị. Anh ta nâng niu, chiều chuộng chị, cung đốn đủ mọi nhu cầu, kể cả nhu cầu quái ác nhất của chị. Trước mặt chị, anh ta dám mở một chai Martel hơn nghìn bạc. Anh ta đi đôi giày thửa tận Pari. Anh ta mời chị ăn những bữa ăn tốn cả trăm bạc. Anh ta tặng chị chị một cái nhẫn hai đồng cân. Nào có phải anh xa lạ. Anh ta, chính là kẻ đã tung tiền cho chị vay...” [42, 114]. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thỏa mãn về bản năng, về một đời sống vật chất đầy đủ, mà trong sự cần kíp phải thỏa mãn về đời sống tinh thần, Lý ngày càng không thể bứt ra khỏi gã trưởng phòng. Bởi vì, “rời xa hắn trong chốc lát, chị bỗng nhận ra điều trước nay chị chưa hề nhận ra; cuộc sống sao trống vắng, buồn tẻ thế. Thì ra bấy lâu nay chị sống trong khổ ải, gò bó, tẻ nhạt mà không biết, bấy lâu nay chị chẳng được hưởng sự sung sướng, chị chẳng có hạnh phúc mà chị không hay” [42, 114]. Cũng chính vì vỡ lẽ ra những điều như vậy, nên với Lý bây giờ, “cuộc sống đâu chỉ ngày hai bữa no đủ. Cuộc sống còn là hẹn hò nhớ nhung, nuối tiếc còn là những éo le, âu sầu, ao ước và sự thỏa mãn những cảm giác mới lạ nữa chứ!” [42, 114].
Điều đáng nói là, khi viết về những nhu cầu hạnh phúc riêng tư cá nhân, các nhà văn Việt Nam thời kỳ đầu Đổi mới nói chung và Ma Văn
Kháng nói riêng, không phải thể hiện bằng một thái độ kết tội “tư sản hưởng lạc” như những cây bút sáng tác ở giai đoạn trước đó, mà họ xem nhu cầu đó là một sự cần thiết, chính đáng. Họ thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ đồng tình, ủng hộ, cảm thông, chia sẻ hơn là mỉa mai, lên án.
Trong sự cần thiết khẳng định nhu cầu hạnh phúc riêng tư, Hạnh (Bến không chồng - Dương Hướng) cũng được thể hiện là kiểu nhân vật cá nhân “nổi loạn” như Lý. Hạnh đến với Nghĩa theo tiếng gọi của trái tim. Tình yêu ấy đã đụng vào nguyên tắc lời nguyền xưa cổ của hai dòng họ Nguyễn - Vũ: “Nước sông Đình ngàn năm không cạn/ Cầu đã Bạc vạn kiếp trơ trơ/ Bến tình còn đẹp còn mơ/ Mối thù họ Vũ bao giờ cho nguôi”. Nhưng Hạnh đã cùng Nghĩa vượt qua được lời nguyền độc địa cùng những định kiến ích kỷ hẹp hòi của dòng họ để đi đến hôn nhân. Nhưng hạnh phúc không mỉm cười với Hạnh: lấy chồng rồi lại vò võ chờ chồng. Nghĩa từ chiến trường trở về mang