Việc soát xét lại bảng giá trị đánh giá con người từ góc nhìn của

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết việt nam thời kỳ đầu đổi mới( qua một số tác phẩm tiêu biểu) luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 107 - 113)

7. Cấu trúc của luận văn

2.4. Việc soát xét lại bảng giá trị đánh giá con người từ góc nhìn của

của con người cá nhân

Có thể nói, trong Mùa lá rụng trong vườn, Luận được xem là nhân vật lý tưởng của nhà văn, nhân danh nhà văn để nhìn nhận, phát ngôn quan điểm của mình về những triết lí nhân sinh. “Không phức tạp không gọi là cuộc sống. Bản chất con người là vậy. Suốt đời con người chuyển động. Ai cũng có một cái đích lựa chọn để đi tới. Đích đúng, thì hạnh phúc cho mọi người. Còn đích sai thì tai họa, chí ít cũng làm phiền xung quanh. Còn cái xấu, cái tốt thì thời đại nào chả có. Đừng sợ cái xấu, cái xấu cũng là của mình, ở mình thôi! Phải chăm lo cho mọi người. Cá tính mãi mãi tồn tại và đòi hỏi được quan tâm”. Lý đảm đang trong việc nội trợ, Luận thán phục mà thốt lên: “Trời ơi chị Lý, bàn tay chị là bàn tay vàng”, “Hoan hô chị Lý! Bà này cự phách thật. Bằng chiêu đãi quốc tế đây” [42, 84]. Khi Lý thay đổi, có chiều hướng đi

xuống, trong cái giọng lên án của Luận vẫn có sự soi xét, cảm thông: “Anh vốn có thiện cảm với người chị dâu này, chị sống không đơn giản, pha trộn ở chị cả vẻ đẹp sắc sảo của giới tính lẫn những nét thô kệch, phàm trần do thiếu hụt một cơ tầng văn hóa căn bản, và như vậy có thể cảm thông, chấp nhận được” [42,238]. Luận chỉ ra, trong sự đi xuống của Lý, trong đó có nguyên do tại Đông. “Đông bỏ mặc Lý. Trong lúc chị đang rất cần sự nâng đỡ, khích lệ” [42, 257]. Luận phân tích: “Lý khôn ngoan, tỉnh táo, hoàn toàn phân biệt được ranh giới đúng sai, nhưng dục vọng mạnh mẽ ở chị, càng tăng cường độ hơn khi đời sống tinh thần vốn ở chị thấp kém lại không được bồi bổ thỏa mãn. Chị không vượt qua được cái thô tục vốn có của tự nhiên, mà cái đó ở chị tích tụ khá đậm đặc dồi dào”; “Lý không hoàn toàn xấu, không hoàn toàn sai. Lý có thể là người tốt, rất tốt. Tội nghiệp Lý! Thật là thế, như Luận vẫn hằng nói chứ không phải là không khí Tết gợi mở lòng khoan thứ và tình thương yêu” [42,330]. Chị thật đẹp, thật đáng quý, đáng yêu. Lý làm cho mọi người phải thán phục, trầm trồ khen ngợi. “Người phụ nữ này dễ thương biết bao. Người phụ nữ này đáng yêu, đáng quý biết bao, ngay ở công việc bình thường này...” [42, 66]. Chị sáng rực lên, đối lập với Phượng - Người phụ nữ hiền hậu nhưng nhòe mờ. Lý biết mình đẹp (một nhan sắc “làm mê hồn đàn ông” [42, 112]) và biết cách làm đẹp cho mình. Lý lộng lẫy trong bộ trang phục: “Lý lộng lẫy trước hết nhờ ấn tượng trang phục. Cái áo bay Đức màu hạt dẻ có mũ, buông ở phía sau, đồng màu, với cái quần may ống vẩy đúng mốt đang thịnh hành. Chị rất hài lòng về tài tổ chức và sự nổi bật về hình thức của mình. Dưới ánh đèn nê ông, tất cả những đường nét trên gương mặt chị, tất cả màu sắc và kiểu cách, đều bộc lộ hết vẻ đẹp tới tận độ cần thiết và gây một ấn tượng tâm lý mạnh mẽ với mọi người” [42, 81]. Lý nổi bật hơn tất cả. Cô “đẹp và sang như một diễn viên trên sân khấu; chị tỏa ra xung quanh một không khí thơm tho, hơi đài các nhưng đáng yêu” [42, 81]. Hình ảnh này của Lý ở đây khiến ta

liên tưởng đến hình ảnh nhân vật Nguyện (Mảnh trăng cuối rừng - Nguyễn Minh Châu) trong cái đêm chiến tranh năm ấy, ngồi nhờ trên xe của Lãm, lên ngầm Đá xanh để đi gặp người yêu như lời anh kể lại sau đó. “Khung cửa xe phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng... Chốc chốc tôi lại đưa mắt liếc về phía Nguyệt, thấy từng sợi tóc của Nguyệt đều sáng lên. Mái tóc thơm ngát, dày và trẻ trung làm sao! Bất ngờ, Nguyệt quay về phía tôi và hỏi một câu gì đó. Không kịp nghe rõ vì đôi mắt tôi đã choáng ngợp như vừa trông vào ảo ảnh”. “Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên và đẹp lạ thường!” [58, 390] . Nhưng, vẻ đẹp của Nguyệt và Lý khác nhau ở chỗ, Nguyệt mang vẻ đẹp lãng mạn của một thời. Cô được xây dựng trên cơ sở cảm hứng sử thi và không khí lãng mạn cách mạng, phi thực tế. Nguyệt lí tưởng, mang vẻ đẹp có tính chất đại diện, đại diện cho cộng đồng, cho số đông, cho cách mạng, cho tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Còn Lý, chị được xây dựng bằng cảm hứng thế sự, đời tư của tiểu thuyết, nhất lại là tiểu thuyết Việt Nam ở thời kỳ đầu Đổi mới. Lý nổi lên là một cá nhân cá tính. Lý mang vẻ đẹp của cá nhân, cụ thể, không đại diện cho ai hết, là con người của cuộc sống mới, thực tế, đời thường, thời buổi cạnh tranh cá nhân. Lý ngồn ngộn sức sống, đầy vẻ tươi mới của cuộc đời thực. Kiểu nhân vật như Lý trước đó chưa hề có, mà chỉ xuất hiện trong các sáng tác của những nhà văn Việt Nam sau Đổi mới.

Ta thử nghe tiếp một đoạn nhà văn miêu tả, thể hiện nữa về Lý: “Lý tranh lời Phượng, Lý đáp sỗ sàng”; có tiếng Luận về, “Lý phắt đầu lại phía Luận, hất hàm: Tưởng tối mịt mới về! Đậu xanh gói bánh đâu?” [42, 26]; “Há há!... Đẹp mặt chưa! - Vỗ tay đồm độp, Lý cười ha hả - Chị em tôi mà tin ông thì có ngày dã họng!...” [42, 27]. Thật, chỉ có Lý!

Lý làm việc nhanh, hoàn thành công việc gọn, đẹp. Cô làm đươc, ăn được, nói được. Ngôn ngữ bốp chát, mới lạ, hồn nhiên, và sâu sắc lạ. “Cái

thằng cổ châu Á, má châu Phi, răng Thổ Nhĩ Kỳ, dáng đi Ả Rập”. [42, 70], “Vợ anh đẹp như cái tép kho tương. Kho đi kho lại nó trương phềnh”, “thật là

chẳng được miếng thịt miếng xôi, cũng được lời nói cho tôi bằng lòng” [42, 71], làm ở xí nghiệp ấy thì cũng “bỏ công trang điểm má hồng răng đen”, v.v. Lý ít được học hành chu đáo nhưng lại thuộc nhiều, nhớ nhiều những câu nói hay ho, đầy chất văn hoa của những người học nhiều đọc nhiều sách vở kiểu như: “Đói no có thiếp có chàng, còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình”, “Một ngày tựa mạn thuyền rồng, còn hơn chính thất nằm trong thuyền chài!” [42, 45]... Đặc biệt, Lý có khả năng vận dụng một cách nhuần nhuyễn những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, những câu thơ vần vè ý tứ vào trong lời nói khiến cho mỗi lời cô phát ra tưởng như vô tâm vô tình lập tức trở nên sâu sắc và có duyên lạ. “Rõ đau đẻ lại còn chờ sáng trăng”, “trạng chết chúa cũng băng ”, “hoa vô giá, cá vô ngần ông ạ [42, 82].

Tiếng cười của Lý cũng được miêu tả thật độc đáo, tự do và giàu có. Lý “cười khành khạch”, “cười khanh khách”, “cười ha hả”, “cười the thé”, “cười ré lên”, “cười hé hé”, “cười hết cỡ”, “cười nắc nẻ”, “cười rung cả ngực”,... Dường như nhà văn Ma Văn Kháng cố ý cá biệt hóa nhân vật Lý ở những tiếng cười ấy. Trong những tiếng cười đó, các âm sắc thật nhộn, vừa có cái hồn nhiên, vô tư, ít nghĩ, thẳng thắn, lại có cả cái cười của một con người “thiếu hẳn một cơ tầng văn hóa”, mà không ai giận dỗi gì Lý cả. “Lý thật hoạt, thật vui, thật khéo, thật là người làm chủ công việc. Lý cười ha hả, cười hết cỡ và hoàn toàn tự nhiên, không bị ràng buộc, ăn nói bỗ bã, lắm khi bặm trợn mà nghe vẫn không chối tai” [42, 36]. “Trông chị Lý kìa: Lưỡi dao bài mảnh như cái lá lúa, sục vào tảng thịt, rạch rạch, tở từng lát dài gọn như xén trông đã phát thèm. Miếng thịt gói bánh to bản, dày vừa độ, có cả mỡ, cả nạc, ướp muối tiêu... Mắt nhìn, miệng nói mà hai tay mềm mại thoăn thoắt vần chuyển, tăm tắp trong mọi động tác. Tấm lá bọc lau miết, sạch bóng. Hàm

răng nhỏ trắng ngời tước cái cọng lá. Những ngón tay búp măng văn cái lạt giang mềm óng ả. Một tiếng đồng hồ, gói gọn thon lỏn yến rưỡi gạo nếp” [42, 35 - 36]. Nhưng, lắm lúc, chị cũng làm người khác giật mình khiếp sợ, không kịp nói năng bàn bạc gì cả, mà cũng có thể là đem đến cho họ những bất ngờ thú vị. “- Mày có tin không, Phượng? Có lần tao cắt tiết trâu đấy!” [42, 36]; vừa đá múc con mèo ăn vụng bay vọt ra sân như một búi giẻ rách, “Lý đã ngồi thái thịt, điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra” khiến Phượng “run rẩy”, còn Lý, lại nói cười rôm rả, tay làm hàm nhai. Luận về, tham gia vào câu chuyện của hai chị em, Lý bảo: “- Này, có biết làm thịt mèo không? Có con mèo hoang hay vào ăn vụng lắm, bắt làm thịt đi. Tớ làm thịt mèo giỏi từ hồi sơ tán đấy!” [42, 39 - 40] làm “Phượng rùng mình”. Khi bàn luận về vấn đề hôn nhân gia đình, lập tức cô triết lí :“Mười tám, đôi mươi, thật ra chỉ mới biết sơ sơ thằng chồng mình mồm ngang mũi dọc, mắt mọc hai bên thôi... Mười bảy tuổi hồn nhiên thì có, nhưng ai dám đảm bảo là đã lựa chọn đúng người mình sẽ chung sống suốt đời đươc?”, “tất cả những đứa lấy chồng lúc hai mươi tuổi đều là dại, là ngu hết. Cả tôi cũng vậy, cũng ngu, cũng dại” [42, 41, 43] khiến “cả Luận và Phượng cũng sửng sốt, bất ngờ” [42, 41] v.v.. và v.v.. Tất cả, ở Lý toát lên hình ảnh của một người phụ nữ sắc sảo, đảm đang, tháo vát, nhanh nhạy, thẳng thắn, pha chút ngờ nghệch, vô tâm, và... hình như ác độc của một người ít học ít nghĩ. Lý khẳng định được mình, đó là một cá tính mạnh, giàu sức hút; một con người năng động, có khả năng thích ứng nhanh với thời đại mới – thời đại làm ăn theo kinh tế thị trường.

Đối lập với Lý là Đông. Anh ít nghĩ, ít tính toán, và... vô lo. Hình ảnh một người đàn ông lừ đừ ngái ngủ, “suốt ngày tổ tôm tổ tép”, “ngủ như hổ ngủ” và câu nói cửa miệng là “Đời có gì phức tạp lắm đâu!”... thật hoàn toàn trái ngược với Lý. Đông an phận thủ thường. Nhiệm vụ của mình là đánh giặc. Nhiệm vụ hoàn thành. Anh trở về đời thường, bằng lòng với cái hàm

“trung tá”, “không tạo ra một giá trị mới nào, sống giản đơn, bằng lòng với một cuộc sống thường nhật buồn tẻ” [42, 44]. Dường như Đông dửng dưng với tất cả mọi việc, vô tâm với những người xung quanh. Với Đông, thế nào cũng được, bởi “Đời có gì phức tạp lắm đâu!”.

Xây dựng nhân vật Đông như vậy, một mặt, nhà văn muốn hướng người đọc chú ý sang một kiểu người khác trong xã hội, đặc biệt đó lại là những người lính, nhằm khơi gợi trong chúng ta nhiều hướng suy nghĩ mới về con người, trong đó có cả vấn đề tư tưởng và nhận thức của người lính thời chiến và hậu chiến; mặt khác, trong việc khẳng định cá tính cá nhân, tác giả nhằm tô đậm thêm những đường nét sắc sảo cần thiết về Lý.

Chương 3

NHỮNG TÌM TÒI HÌNH THỨC NHẮM THỂ HIỆN CON NGƯỜI CÁ NHÂN TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM

THỜI KỲ ĐẦU ĐỔI MỚI

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết việt nam thời kỳ đầu đổi mới( qua một số tác phẩm tiêu biểu) luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 107 - 113)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(155 trang)
w