7. Cấu trúc của luận văn
2.3. Quyền khẳng định cá tính
Khẳng định cá tính cũng là một nhu cầu của mỗi cá nhân tồn tại trong xã hội. Xã hội ngày càng hiện đại, phức tạp thì nhu cầu khẳng định đó càng trở nên cần thiết, cấp thiết. Bởi vì, mỗi thành viên sống trong xã hội, muốn mình không bị trộn lẫn, hòa tan trong kẻ khác, thì trước hết, anh ta phải khẳng định được cá tính, khẳng định được bản sắc của mình. Suy cho cùng, chính cá tính đã làm nên bản lĩnh, bản sắc riêng của mỗi con người, và đó cũng là điểm mấu chốt nhất để phân biệt giữa người này với kẻ khác, lớn hơn nữa là giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Một quốc gia giàu có thì trước hết đó là quốc gia có một bề dày văn hóa truyền thống, quốc gia đó phát triển trên cơ sở một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Người ta thường nói, đối với một dân tộc, nếu mất về kinh tế thì là mất, nhưng rồi có lúc sẽ khôi phục lại được; nếu mất về chính trị cũng là
mất nhưng rồi có thể lập lại hoặc thay thế bằng một thể chế chính trị khác; nhưng nếu dân tộc đó bị mất về mặt văn hóa nghĩa là anh ta mất tất cả, anh ta chẳng còn gì là riêng mình. Bởi vì, bản sắc văn hóa chính là nền tảng, là cơ sở đầu tiên để phân biệt giữa các đối tượng, các giới hạn với nhau. Tương tự, mỗi con người cá nhân sống trong cộng đồng xã hội ấy cũng vậy, anh ta muốn khẳng định được mình, khẳng định sự tồn tại độc lập của cá nhân mình, trước hết anh ta phải khẳng định được cá tính, khẳng định được bản sắc riêng của mình, vừa giống vừa khác biệt với đồng loại, nhất là trong một xã hội “đổi mới”, hiện đại như ngày nay thì điều đó lại càng cần thiết.
Mặt khác, xã hội ngày càng hiện đại thì hạnh phúc của con người càng được quan tâm chú ý một cách thiết thực hơn. Mỗi thành viên cá nhân trong xã hội đều có quyền khẳng định cá tính cá nhân của mình.
Từ thực tế xã hội, nó được phản ánh vào trong văn học, nhất là ở thể loại tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đầu Đổi mới. Mỗi nhân vật con người cá nhân lại có một kiểu khẳng định cá tính riêng độc đáo của mình.
Cuộc đời của Giang Minh Sài có thể phân chia làm hai giai đoạn. Chúng tôi tạm lấy mốc rời quân ngũ làm “giới tuyến”. Cả hai giai đoạn đó anh đều rơi vào bi kịch, đều phải nhận những thất bại rất đau xót. Nông nỗi đời anh là do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết nó nằm ở chính bản thân anh, đó là việc Giang Minh Sài không biết coi trọng cá tính, coi trọng bản sắc cũng như quyền cá nhân của mình. Anh là kiểu con người phải và quen tuân phục, phục tùng.
Ở giai đoạn thứ nhất, từ tuổi thơ cho đến lúc rời quân ngũ thì đó là một quãng đời “chạy theo”. Anh cứ phải sống theo, nghe theo sự sắp đặt của người khác, cứ làm những điều mà người khác mong muốn, để rồi mình không có quyền quyết định một cái gì. Giang Minh Sài lần lượt để vuột khỏi tay từ cái này đến cái khác, rồi mất luôn cá tính, mất luôn cả quyền làm
người. Dường như Sài không còn là Sài nữa, chẳng còn một cái gì cho riêng anh, kể cả tình yêu cũng không nốt. “Anh biết rằng anh cũng có một nỗi khát khao đối với những người con gái như tất cả bạn bè. Chỉ có khác, anh khác họ ở chỗ anh không có quyền, nói cho đúng anh không được phép có một tình yêu. Hương đã đến với anh như từ trên trời, Hương đến ban cho anh sự linh thiêng của tình yêu rồi lại Hương, tự Hương vứt bỏ không thương tiếc. Hương hoàn toàn có cái quyền ấy. Anh cũng đã ý thức được là một thằng con trai không có quyền ngữa mặt hứng chịu mọi sự nhục nhã để được bố thí một tình yêu” [54, 97 - 98].
Sang đoạn đời thứ hai, từ lúc rời quân ngũ, là người tự do, có tất cả mọi quyền làm người như bao nhiêu kẻ khác, nhưng anh lại sử dụng cái quyền đó một cách thái quá, nên một lần nữa anh lại đánh mất mình, tự đẩy mình rơi vào bi kịch khác. Châu là một cá tính mạnh và đã khẳng định được cá tính đó của mình. Châu - một cô gái “Hà Nội gốc”, thông minh, “xinh đẹp và tràn đầy sức lực”, lại khôn ngoan lọc lõi với đời ; còn Sài nhiều năm ở chiến trường nên thiếu hẳn một kinh nghiệm sống đời thường cần thiết, lại vốn dĩ là một anh nhà quê gốc, “cái mình có thì thừa ra, cái mình không có thì cứ phải ứng xử hàng ngày”. Lúc nào anh cũng bộp chộp, “nhớn nhác”, “sấp ngửa” [54, 272], “hấp ta hấp tấp”, “làm cái gì cũng lau cha lau chau”, luôn luôn phải chỉnh sửa, phải đẽo gọt mình cho vừa ý người khác, phải “chạy theo”, phải “cố” thì mới theo kịp, mà “cứ phải cố lên là mất hết” [54, 230]. Giang Minh Sài lại một lần nữa đánh mất mình, rơi vào bi kịch lần thứ hai, lại không chịu đựng được, đau khổ và ly hôn, nhưng xem ra cái tương lai ở trên cánh đồng đất quê nhà cũng chưa phải là một phương án lâu dài, là chính anh. Nguyên nhân sâu xa cũng chỉ tại mình, tại anh không biết coi trọng cá tính, coi trọng bản sắc của mình. Qua đây, Lê Lựu cũng cho độc giả thấy được sự cần thiết khẳng định cá tính cá nhân.
Cũng trong việc thể hiện con người cá nhân cá tính, khác với Giang Minh Sài của Lê Lựu, nhât vật Lý của Ma Văn Kháng lại vượt lên một cách xuất sắc, mạng mẽ khẳng định cá tính của mình trên tất cả mọi nơi mọi lúc và mọi phương diện. Ở cơ quan, chị nhanh nhạy, tháo vát hơn người. Giữa lúc “cái máy ép nhận từ nước ngoài về nằm ở cảng Hải Phòng đã sáu tháng nay. Càng để lâu càng khó tìm. Và những thủ tục phiền hà trong việc quản lí, giao nhận đã khiến cho xí nghiệp mất hết hy vọng có thể nhận được nó. Trưởng phòng vật tư đích thân đi lại giao dịch gần chục lần mà chưa có kết quả. Lần này giám đốc mời chị đảm nhận”, “Chỉ trong ba ngày sau, vượt qua các hàng rào thủ tục, chị đã lôi ra được cái máy từ dưới một quả núi lộn xộn những hàng hóa... Đúng năm ngày, cái máy to lù lù đã đứng ở trước cửa xí nghiệp trước sự thán phục thật sự của mọi người. Thưởng 1000 đồng! Giám đốc xí nghiệp tuyên bố, kí lệnh” [42, 272 - 273]. Lý quả là “người phụ nữ có một năng khiếu giao thiệp và tài xét đoán tuyệt vời”[42, 272]. Không phải chỉ ở cơ quan, một địa điểm, mà ngay ở một vùng đất mới là Sài Gòn, chị cũng khẳng định được sự thông minh, khôn khéo, nhiệt tâm, và tài “thao lược” của mình. “Chị đã xông pha, đã khôn khéo gạt đi hàng núi khó khăn trong việc mua bán, vận chuyển hàng trăm tấn sắt thép, cao su, kếp, hóa chất quý, đem lại cho xí nghiệp hàng chục nghìn tiền lời”. “Chị đáng được mọi người, kể từ ông giám đốc, kính nể trọng vọng” [42, 272 - 273]. Có lẽ, Lý là một kiểu nhân vật con người mới mà Ma Văn Kháng trong việc thể hiện con người cá nhân cá tính cố ý hướng độc giả chú ý vào. Đó là con người của công việc, con người của sự năng động, nhiệt tâm. Con người này cần biết mấy cho cuộc sống mới của thời buổi hòa bình, cạnh tranh, làm ăn theo cơ chế thị trường.
Không chỉ xuất sắc ở cơ quan, mà về nhà, trong gia đình, Lý cũng khẳng định được cá tính của mình trong vai trò là một người vợ, người mẹ, người, người chị, người con dâu đảm. Chồng đi chiến đấu ngoài mặt trận, Lý
ở nhà nuôi dạy con cái, chăm chút bố mẹ chồng cũng như em chồng một cách chu toàn, không có điều gì gọi là tắc trách. “Mười năm trời, tôi một thân một mình đẻ con, nuôi con, trông nom hai cụ, bảo ban thằng Cừ thằng Cần. Ôi, nuôi cái thằng Dư vất vả quá con cầu tự, ốm đau, sài đẹn đủ kiểu nhưng qua hết. Còn học hành từ cấp một đã không để thua kém ai. Hết thầy dạy âm nhạc, lại vẽ, ngoại ngữ... Tôi không nói ngoa: Con tôi không sướng nhất thì cũng nhì ở đất Hà Nội này” [42, 15]. Kể cả bây giờ, khi Đông đã nghỉ hưu, vợ chồng Luận - Phượng chuyển về công tác tại Hà Nội và cùng sống chung một nhà, chị vẫn giữ vai trò là người “mẹ cả”. Chị lo lắng, quán xuyến và “đạo diễn” tất cả cái Tết của gia đình ông Bằng thật tinh tươm, hoàn hảo. Dường như tất cả linh hồn, tấm lòng, và tài năng tinh túy nhất được chị kết tinh lại thành phẩm là những món ăn tuyệt mỹ mang dấu ấn tài hoa cá nhân. “Lý trút vào công việc tất cả sự sung sướng và kiêu hãnh vì được bộc lộ mình. Mọi việc, dù to dù nhỏ, cũng đều hút hồn chị. Và những gì gọi là vật chất cụ thể đã biểu hiện ra, nhờ bàn tay chị động vào, nhờ con mắt chị soi tới, nhờ ánh tâm hồn chị chiếu xuống, đều óng ánh một linh hồn sống động” [42, 66]. “Thịt gà luộc chặt dao pha lưỡi sáng rợn, nhát nào đứt nhát ấy, thẳng như kẻ chỉ... Các món xào, nấu, hầm, luộc, rán, quay... theo một thứ tự đã định, lần lượt hiện ra trên hai cái mâm đồng đánh sáng choang, với những bát đĩa sứ Giang Tây trắng bong, viền chỉ vàng, cao quý như những đồ mỹ nghệ” [42, 65]. “Chưa ở đâu Lý hiện lên đẹp và toàn vẹn như ở công việc này. Chị thực hiện cái thiên chức cao quý của mình với một sự say mê vô cùng, tận tụy vô cùng. Không một dấu vết của sự cẩu thả, tắc trách. Không một chi tiết tùy tiện, được chăng hay chớ. Tất cả đều phải đạt tới đỉnh điểm của yêu cầu. Không một mảy may nhân nhượng, kể từ cái màu trắng ngọc ngà quý phái của lòng bát đĩa đến cách bày tầng tầng lớp lớp và cách thả những cánh rau thơm...” [42, 65 - 66]. “Con người này hòa quyện toàn năng với công việc, hóa thân vào công việc,
dù là công việc bếp núc. Con người này tạo ra xung quanh mình một lực lôi kéo và một trường hấp dẫn đến mê mẩn” [42, 66]. Rõ ràng trong việc để nhân vật của mình khẳng định tài năng cá tính, tác giả hoàn toàn bộc lộ là một tấm lòng tha thiết ngưỡng mộ, thán phục và tin yêu, từ đó hé lộ cho độc giả thấy được một cách nhìn mới, quan niệm mới về con người và cuộc đời khác với các cây bút sáng tác ở giai đoạn trước.
Cũng có phần sắc sảo như Lý, nhưng nhân vật Đào trong Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường lại khẳng định cá tính của mình ở một lãnh địa khác: nông thôn. Ngay từ nhỏ, đi chăn trâu với chúng bạn, Đào đã bộc lộ là một cô gái ương ngạnh, bướng bỉnh. Con bé “đã mấy lần đánh nhau với đám con trai”, “mà lại đánh được”, đánh thắng, khiến bọn con trai trong làng “vừa thích lại vừa sợ nó” [94, 119]. Lớn lên, tính cách đó ở Đào càng được bộc lộ mạnh mẽ. Biểu hiện rõ nhất là ở thời điểm ông Hàm, tức bố của Đào, bị bắt giải lên xã vì tội đào trộm mộ. Được tin “thày” bị người ta bắt đi, Đào đã “vùng chạy”, “lao đi”... “xem thử ngô khoai thế nào!”.
Đào đang gặt lúa, nhưng “khắp nơi người ta cứ nhìn mình rì rầm”, soi mói. Cô “bỏ gặt, xăm xăm đi về. Tới nhà thấy cái Hoa đang nằm khóc rấm rứt. Đào quát ầm lên, rồi đạp xe lên xã đầy vẻ thách thức”. “Quần sắn ngang dóng chân, chiếc áo với những đốm hoa xanh tươi mát như những hạt mưa rắc trên người, nhưng mặt Đào thì rõ ràng là đang có lửa”. “Cặp mắt rừng rực, nghiêm lạnh”. “Trước bàn dân thiên hạ”, Đào “ném tia mắt chói chói ra xung quanh”, muốn “nhìn rõ mặt những ai đang hí hửng dậu chưa đổ mà bìm đã leo”! “Nào, ai dám khinh thường, ai dám bổ báng thì cứ ra đây! Đây chưa chết đâu mà đã vội múa tay trong bị! [94, 141]. Rõ ràng, “dòng máu bố” đang hừng hực trong Đào, nó “quyết đoán và bạo liệt” [94, 116] vô cùng!
Nếu cứ đanh đá, nanh nọc như vậy, chắc gì ai đã sợ Đào. Vậy nhưng bù lại, ở Đào, lại là sự kế thừa một hình dáng “thon óng, gợi cảm gợi tình của
mẹ”. Một vẻ đẹp tự nhiên, “không son phấn mà vẫn ăn đứt các cô trên phố” [94, 313] khiến kẻ khác như bị “hớp hồn”... Chỉ bằng bấy nhiêu chi tiết, tác giả đã để nhân vật của mình tự khẳng định được cá tính độc đáo của mình. Đào hiện lên như là “một bông hoa đồng nội” [94, 313] sắc sảo, vừa tiềm ẩn những gai góc sắc xiết, vừa lộ ra cái nhụy thơm mát, khỏe khoắn, tinh khôi!
Đặt con người cá nhân trong bối cảnh thời chiến, nhưng khác với cách nhìn của các nhà văn cách mạng giai đoạn 1945 - 1975, Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh nhìn cá nhân như một hằng số tự nhiên. Bất chấp thời gian, không gian và những quy định, chỉ có sự vĩnh viễn của tình yêu, của lòng nhân. Kiên và Phương, hai nhân vật, hai con người, hai cuộc đời hoàn toàn không giống bất kỳ ai. Bước sang tuổi mười bảy Phương “vút lên trở thành một sắc đẹp bừng cháy sân trường Bưởi”. “Đẹp lồ lộ, hừng hực, đẹp một cách liều lĩnh, nổi trội, đã chẳng lẫn đi đâu được lại chẳng có ý nép mình. Còn Kiên thì lầm lì, bướng bỉnh, đầy ương ngạnh” [64, 153 - 154]. Điều đặc biệt là, “cả hai đứa đều hầu như không có bạn, bởi vì bạn bè hầu như bị dạt ra hết” [64, 153]. Hai đứa yêu nhau, yêu bằng “một thứ tình cảm quá kinh khủng ở tuổi đó, một tình yêu non trẻ mà như đã trải qua máu lửa cùng tội lỗi, mà như đã ngậm hờn” [64, 153]. Giữa lúc không khí nhiệt tình yêu nước, các phong trào đang rầm rộ, trong đó có cả phong trào “khoan yêu” nhưng Phương và Kiên vẫn “kệ”, bất chấp tất cả để yêu nhau.
Phương - “cô gái mắt nâu, long lanh bất tử, kiều mỵ và điên rồ” [64, 217]; Phương - người con gái có khả năng thiên bẩm về nghệ thuật, là một nghệ sĩ, “một Thánh nhân, một tiên nữ”, “một sự hoàn mỹ bẩm sinh”, chỉ có thể tồn tại trong môi trường “âm nhạc thượng tầng”, “âm nhạc của những thiên tài” [64, 254] thì cô lại luôn muốn xông ra thách thức với cuộc đời, thách thức với thời cuộc. Phương mặc kệ tất cả. Rất nhiều lần trong tác phẩm, lời nói của Phương xuất hiện từ “kệ”. “Kệ, đừng sợ”; “kệ các anh hùng rơm
hò hét” [64, 154]; “kệ, mà Kiên đừng lo” [64, 200]; “kệ, chúng mình yêu nhau”; “kệ, anh cứ đạp biến đi cho em nhờ” v.v.. Những câu “kệ”đó có thể xem là những phát ngôn của một cá tính mạnh mẽ, dám bất chấp tất cả để làm theo ý mình, sống thực là mình, không sợ một cái gì hết, kể cả chiến tranh. Phương đã “cắt ngang, không thèm vào đại học nữa” để “đi vào chiến tranh xem nó ra sao” [64, 160]. Cả người yêu cũng vậy, cô muốn đưa anh ta “tới cửa chiến tranh xem nó ra sao” [64, 161].
Phương là một cá tính mạnh, một cô gái có “vẻ đẹp lạc thời và lạc loài”, có sự đồng cảm nghệ thuật sâu sắc với cha Kiên - người họa sĩ cũng “lạc thời và lạc loài”. “Tính cách lập dị, vẻ mờ mịt trên khuôn mặt những đêm dài mộng du, nhưng lời lẽ thốt lên từ vô thức, nghĩa là tất cả những nét quái nhân không người nào chịu nổi của ông họa sĩ, hình như lại rất gần gũi với bản chất tâm hồn Phương từ thuở còn thơ” [64, 151]. Hình ảnh Phương ngồi ngắm những bức tranh cha Kiên vẽ với một niềm say mê như một tín đồ thật đẹp. Trong đêm cha Kiên hỏa táng những bức tranh trước khi từ giã cõi đời, đó là “một