Trong nhà trường giáo dục lý tưởng, giáo dục đạo đức là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giáo dục toàn diện cho học sinh, Đạo đức, lý tưởng là một biểu hiện hành vi con người nhưng một mình nhà trường không thể làm được. Ngoài tác động của nhà trường, học sinh còn chịu sự tác động của gia đình và các lực lượng giáo dục khác ngoài xã hội. Vì vậy, giáo dục lý tưởng cho học sinh phải bằng nhiều hình thức, nhiều con đường, trong đó sự phối hợp giữa nhà trường và các lực lượng giáo dục của xã hội là một việc làm quan trọng mang lại nhiều hiệu quả cao. Thực tiễn giáo dục ở nước ta cho thấy ở đâu có sự kết hợp giáo dục chặt chẽ giữa những môi trường trên thì ở đó kết quả giáo dục sẽ tốt đẹp. Bác Hồ đã khẳng định “Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Chính vì vậy, trong công tác giáo dục nói chung, công tác giáo dục lý tưởng nói riêng thì việc giáo dục thế hệ trẻ phải có sự gắn kết của ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
Nhà trường xã hội chủ nghĩa là công cụ chuyên chính vô sản, là cơ quan chuyên môn của nhà nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và chặt chẽ của Đảng, được trang bị đầy đủ quan điểm và đường lối giáo dục, có đội ngũ thầy
giáo - những chuyên gia sư phạm- nên nhà trường phải đóng vai trò chủ động trong việc kết hợp giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội.
Nhà trường phải thực hiện tốt việc giảng dạy và giáo dục học sinh theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng để lôi cuốn gia đình và các tổ chức xã hội tham gia giáo dục. Thực chất việc giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội là tạo sự thống nhất tác động giáo dục, tăng sức mạnh giáo dục, nên nhà trường phải góp phần tích cực làm cho gia đình học sinh và mọi lực lượng xã hội hiểu rõ nhiệm vụ, nội dung, phương pháp giáo dục để họ tham gia tác động giáo dục.
Gia đình là chiếc nôi của mỗi con người sinh ra và lớn lên. Mỗi con người đều có sự tiếp nhận cách giáo dục của gia đình, gia đình là trường học đầu tiên của mọi người, giáo dục các giá trị đạo đức của con người, giáo dục những điều gần gũi nhất đó là chữ hiếu, tình yêu thương gia đình... Cụ thể của vấn đề là tình yêu thương cha, mẹ, sau đó là anh chị em trong gia đình... Từ những tình cảm đó, nhận thức đó, con người lớn dần theo năm tháng và có nhiều mối quan hệ phát sinh tình yêu thương đối với những người xung quanh, yêu xóm làng, yêu quê hương, yêu Tổ quốc... Nhận thức đó phát triển theo từng lứa tuổi
Xã hội là môi trường chứng minh cho những lý thuyết mà các em đã học những năm tháng trong nhà trường
“Trồng người” là sự nghiệp vẻ vang nhưng rất công phu, bền bỉ, khó khăn, phải do sự phối hợp của nhiều lực lượng: nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ mới đạt kết quả tốt. Theo Người:“Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên”. Sự kết hợp giữa ba yếu tố đó không phải chỉ mang tính chất nhất thời mà phải coi đó là nguyên tắc lớn của giáo dục đào tạo. Hồ Chí Minh yêu cầu gia đình, nhà trường, xã hội phải hợp thành sự thống nhất ở mục tiêu giáo dục,
phương pháp giáo dục để tạo ra hợp lực, chứ không phân cực hoặc phản lực triệt tiêu lẫn nhau.
Bác luôn nhắc nhở những người làm công tác giáo dục phải nhận thức đúng đắn “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”, kết quả giáo dục tuỳ thuộc rất nhiều vào sự tham gia của các lực lượng trong xã hội: các ngành,các cấp uỷ Đảng, chính quyền, gia đình và của các lực lượng xã hội. Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới.