Có thể nói “Cái đói” đã làm thay đổi, chi phối đến tận gốc rễ mọi hành vi, cử chỉ, hình hài, bộ dạng của con người. Khi viết về những cái đói Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đã phác họa cho chúng ta những hình hài
bẩn thỉu, lếch thếch, đen đúa, gầy gò, nham nhản đầy rẫy từ các hàng cùng ngõ hẹp, từ thành thị cho tới nông thôn.
Những hình hài đó đang lay lắt, kêu gào, khóc lóc, than vãn làm cho bức tranh hiện thực của xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám phủ lên một màu đen dày đặc, đầy bóng tối ghê sợ. Nhưng cũng chính những hình hài đói khát di dộng đó làm cho truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao vừa có sức tố cáo hiện thực vừa tác động trực tiếp vào lương tri người đọc hơn bất cứ thứ văn chương phù phiến, xa rời thực tại đương thời.
Trong tác phẩm Thằng ăn cắp Nguyễn Công Hoan miêu tả hình hài thằng ăn cắp hiện lên sinh động bằng xương bằng thịt người đọc có cảm giác như sờ được, thấy được trước mắt.
“Hai mặt trắng dã, lấm la lấm lét. Tóc thì bồng lên như tổ quạ. Da đen thui thủi, mặt rạn như men lọ cổ”.
Hai tay thục vào túi cái áo tây tàng, xơ xác như tổ đỉa, nó đứng nhích ra chỗ bóng nắng, dua dẩy cho ấm”.
Qua bộ dạng “đáng sợ thật” của nó, đương nhiên không phải nó muốn, nó thích như vậy. Mà cái nghèo đã biến nó thành con ma đói, con ma ấy biết đi, biết suy nghĩ nhưng nó đói, nó làm càn và nó thành “thằng ăn cắp”. Nguyễn Công Hoan không cố ý tô vẽ thằng ăn cắp thành một hình thù gớm ghiếc như vậy. Mà hiện thực khách quan, nó tồn tại vốn dĩ là vậy và bắt nó làm vậy. Nói chính xác hơn nó là sản phẩm hiển nhiên của một xã hội thối nát .
“Cái đói” làm cho hình hài trở nên dị dạng rồi hành vi cử chỉ nó cũng không còn mang dáng dấp của con người nữa.
“Nó đau quá. Nằm sóng soài, không nói được nữa. Hai mắt lừ đừ, khốn nạn như con chó bị trói giật bốn cẳng ra đằng sau lưng”.
Đúng như Vũ Ngọc Phan kết luận: “Thằng ăn cắp tuy cũng là thằng người, nhưng các bà hàng rong coi nó như một con khỉ ghẻ. Họ ghê tởm nó, họ sợ nó, nhưng nó cũng là một trò giải trí cho họ trong khi họ không thiệt hại gì. Đến khi họ bị thiệt hại, thì dù là vài đồng xu, họ cũng kêu trời kêu đất nhất là họ bị thiệt hại bề một thằng không đáng thiệt hại. Ở đời vẫn thế, chỉ có kẻ giàu mới được ăn người được người ta sẵn lòng để cho ăn, có khi kẻ bị thiệt hại còn lấy làm vinh dự nữa”.[32;67]
Cùng chung hoàn cảnh với “thằng ăn cắp” là hoàn cảnh của thằng Canh trong Bữa no … đòn cũng khốn nạn không kém:
“Cả đời, nó chỉ mặc có thế. Cái quần cháo lòng xoắn lá tọa, ống cao ống thấp, thì bở tơi bời nhưng dày cồm cộp những đất, bùn và ghét. Cái áo dài vải tây đen, nay chỉ còn giữ được màu nước dưa, thì ở lưng, vai, tay, ngực, bước ra, mà nắn khuy thì về hưu trí bốn”.
Ngòi bút miêu tả của Nguyễn Công Hoan miêu tả cận cảnh đến từng chi tiết ông dẫn dắt người đọc quan sát từ cái quần, cái áo. Rồi đến: “… cái thân khẳng khiu, khô đét”, cái “Đầu nó chỉ còn hình cái hộp sọ cắm trên cái cổ ngoách, mà luồng gân kheo khư kéo nổi lên, mấp mô như thớ chiếc kẹo kéo. Da mặt bọc ít thịt quá, thành ra thừa nhiều, nó nhăn nheo lại, mà những đường nhăn chi chít như vết sạn của men cái lọ cổ. Tóc nó chịu nằm ẹp trên đầu, không dậy được, như những ngọn núi bị bão, mà chảy cả xuống, quắp vào trán, vào gáy, vào mang tai”
Lối miêu tả từng chi tiết, từng bộ phận chậm rãi từ từ không phải Nguyễn Công Hoan muốn bới móc, muốn xoáy sâu vào sự thảm hại của thân phận con người. Ông phác thảo nó cẩn thận như vậy để người đọc có thể hình dung ra một lớp người, một thế hệ người của một thời đại, của một giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử dân tộc. Đôi lúc giáp mặt với những hình hài đó qua những trang sách bạn đọc tự hỏi đó còn là hình thù của con người nữa không?
hay là một dị vật quái đản của xã hội củ chỉ vì thiếu ăn, thiếu mặc, mà thân tàn ma dại. Thậm chí cố gắng làm cho mình thành ra thân tàn ma dại, làm cho mình quái đản, gớm nghiếc, để cố kiếm được miếng ăn.
Trong truyện ngắn Cái vốn để sinh nhai hình ảnh người ăn mày tự hủy hoại cơ thể của chính mình. Mãi là hình ảnh ám ảnh khủng khiếp nhất, đáng sợ nhất. Nhưng lại gợi bao nỗi niềm cảm thương, chua xót nhất ở người đọc.
Một cú từ “cây đa to và cao đáo để” đã mang lại cho kẻ ăn xin một hình thù quái gở “nửa tháng sau, nó lại đội nón rách cũ, lại khoác cái khổ tải cũ sơ xác như tổ đỉa , lại ra phố. Nối kiếm ăn.
Trông nó hơn trước thực ! Những vết đau chưa khỏi, nên khi nó bám vào ô tô, lũ ruồi nhặng cũng bám theo sau nó. Tay phải nó què hẳn, không giơ nó lên cao được. Hai chân nó cũng không mang nổi cái mình nó như trước nữa. Nó phải tập tễnh mới đi được. Mặt mũi, mình mẩy nó hom hem xanh rớt. Đố ai không bảo nó là thằng ăn mày”.
Nhờ cái hành động “cải tạo” thân hình lành lặn thành ra tàn tạ đó giúp cái bụng của nó bớt đói hơn, “kiếm bở hơn”. Nhưng rất có thể để có được cái bụng bớt đói, người ăn xin phải đánh đổi cả chính mạng sống của mình. Đằng sau thân hình què quặt, khủng khiếp đó cái chết bi thảm đang chờ đón nó.
Ngược lại, trong truyện ngắn Được một chuyến khách tác giả không đi sâu vào miêu tả từng bộ phận, từng chi tiết. Cụ thể và cận cảnh. Tác giả chỉ phác thảo hình hài của một anh kéo xe, một thân hình hiện thân của sự đói khát, bệnh tật, ốm yếu. Để kiếm được miếng ăn anh phải đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Khép lại câu chuyện ta mừng cho anh được một chuyến khách. Nhưng hình ảnh “Anh chóng mặt như say rượu. Anh ọe khan và điếng nữa, rồi lấy tay quệt nước ở mồm. Quái, cái gì đặc vậy. Anh ghé ra chố sáng, nhìn kỹ. Thì bống anh giật nẩy mình. Mẹ ơi, máu !”.
“Rồi một cơn ho nổi lên. Anh gò lưng, nhăn mặt, há mồm, hộc ra một đống máu tươi nữa”.
Mới thấy cái đói trở thành nỗi khiếp đảm, nỗi sợ kinh hoành với những con người nghèo khó, họ có thể làm mọi việc, bất chấp hết thảy, kể cả tự hủy hoại thể xác của mình miễn là không phải đối mặt với nỗi sợ chết đói.
Khi miêu tả về những hình hài đói khát, từ thằng ăn cắp, kẻ ăn xin, anh kéo xe, đến phận con sen, đứa ở đâu đâu ta cũng thấy sự đói khát, sự thèm ăn, rách nát, thất thểu vật vờ trong từng trang sách của Nguyễn Công Hoan.
Có khi ông chỉ miêu tả có vài dòng “Áo quần nó rách bươm, mặt mũi nó đen đủi, đầu tóc nó bơ phờ. Mà cái áo nit của nó không biết đi đâu mất. Quả đúng như lời ông Dự, nó như thằng cắp chợ” như trong truyện ngắn
Thằng Quýt II. Nhưng có khi ông dùng cả một trang sách để lột tả như ở truyện ngắn Hai cái bụng. Âu cũng là hai hình hài, hai thân phận tương phản, đối lập. Cái bụng của kẻ ăn xin chỉ “đến các chợ, vét những tí bánh còn dính trên lá và gặm những mẩu khoai vứt cong queo trên đất sạn”. Cũng vì cái bụng đó mà nó thành người không ra người, ma không ra ma.
“ Nó là sự đói khát, kinh tởm, kết thành hình. Nó có cái sọ đếm được tóc. không biết một thứ bệnh gì hương hỏa của cha mẹ đã làm cho cả da chỗ ấy nhẵn thín, bóng lộn, đỏ đòng đọc như cái mụn đương
loét, khiến tóc nó chỉ có thể mọc lơ thơ, như vầng cỏ trên tảng đá cằn.
Nó có một cái mặt - mẹ ơi! không biết có gọi được là mặt không đấy! - mặt gì mà mắt lại thế kia, và miệng lại vô dụng thế được. phải, mắt đâu có thứ mắt xung quanh là một hình bầu dục, vẽ bằng vành thịt trơ đỏ lầy nhầy, lúc nào cũng ứa ra một dòng nước vàng và giữa thì lờ đờ một hột nhãn, thứ hột nhãn non choèn, vàng ễnh. Còn cái miệng nó thì dô ra như miệng khỉ, hai hàm răng to tướng, lúc nào cũng cầm cập hục hặc với nhau. nhưng thế không phải để nhai, mà để run. Vì trời rét”.
Những quần áo nó mang vào người chỉ có một mục đích là che cho thân nó không kín. chắc là những thứ giẻ khươm mươi niên, người ta vứt đi, vì bợt quá. Nhưng nay nó buộc miếng nọ với miếng kia, díu mảnh này vào mảnh khác, và vì dùng lâu ngày, nên cũng dày thêm bằng tầng mồ hôi, quện với ghét, và bụi. Đố ai đếm nổi tất cả có bao nhiêu chỗ rách và những chỗ rách ấy hình gì. Đố họa sĩ nào pha đúng được màu quần áo ấy - và nếu có cởi những thứ ấy ra, đem treo lên cho công chúng đoán - đố ai dám nói đó là đồ mặc của người.
Vậy thì, với bộ quần áo xơ mướp ấy, nó biến thành một cái bù nhìn. bù nhìn là cái khung có hai tay và hai chân làm bằng ống tre, thì nó cũng là cái khung có hai tay và hai chân chẳng to hơn mấy. bù nhìn có bộ mặt chẳng thành hình, thì nó có bộ mặt cũng dúm dó, xấu xí như con ma dại.
Nhưng bù nhìn chỉ làm cho chim chóc phải sợ hãi, nhưng nó thì có thể làm cho người ta không dám đến gần. vì đến gần nó, trông thấy nước da đen sạm, dăn deo của nó, người ta tưởng như đó là cái thây ma chưa tiêu hết hiện về. và cũng có mùi hôi thối xông lên. và cũng có ruồi nhặng bám vào để hút chất bẩn. thật thế, một đống rác, chưa đáng sợ, đáng tởm bằng nó. vậy mà nó phải đi hết chỗ này đến chỗ nọ, để kiếm cái nhét vào dạ dày…”
Cái đói nó bòn rút, bào mòn sinh khí của con người. Chỉ để lại những cái xác kiệt quệ sức sống, vứt vưỡng như những bóng ma.
Nguyễn Đăng Mạnh trong Nhà văn, tư tưởng và phong cách từng nhận xét: “Có một đề tài cứ trở đi trở lại luôn trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan: Chuyện ăn cắp, thói ăn cắp. Có lẽ xoay quanh những vụ trộm cắp nhà văn dễ tìm ra những tình tiết ly kỳ hấp dẫn hơn chăng ? Có phần chắc là viết về đề tài này Nguyễn Công Hoan có dịp thuận tiện để đem công lí của người nghèo chọi lại một cách thú vị “công lý” của nhà giàu”.[18; 154]
Chính xuất phát từ quan điểm giàu nghèo “kẻ ăn không hết kẻ lần không ra” cũng với chính sách tàn bạo, khủng bố, bóc lột dân nghèo của bè lũ thực dân phong kiến đã đẻ ra vô số những thằng ăn cắp, những kẻ ăn xin khổ sở, biến dạng vì đói.
Họ là tầng lớp dân đen một tấc đất cắm dùi không có, công lý đối với họ là khái niệm xa vời, bè lũ thực dân tự xưng mình là những kẻ khai sáng văn minh, chỉ biết đến đòn roi tù tội, cắt mọi con đường sống, dồn họ vào chân tường. Đôi lúc, họ chỉ cần “một hào”(Giá ai cho cháu một hào) là đủ để mưu sinh, không phải tha phương cầu thực, không phải ăn cắp, ăn trộm nhục nhã trăm đường và cũng không còn những hình thù nửa người nửa ma, quái dị nữa. Nhưng trong cái xã hội thối nát đó chẳng ai thèm quan tâm, vì thế những sản phẩm kì dị, quái đản do xã hội đó tạo ra ngày càng dài thêm.
Có lẽ khi viết về những người nghèo khổ trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan trước 1945 hầu như không có một nhân vật nào lành lặn, nguyên vẹn mà nếu có nguyên vẹn thì cũng phải tự hủy hoại, phải làm cho mình biến dạng đi. Khi miêu tả về những hình hài dị dạng đó không phải ông cố tình hạ thấp, khinh rẻ, bêu rếu tầng lớp nhân dân lao động nghèo khổ. Ông cũng không lạnh lùng dửng dưng vô cảm, mà đó chính là sự thật khách quan của thời đại ông đang sống. Bởi đề tài sáng tác của ông hầu hết đều được lấy từ trong cuộc sống thực tế, đều được rút ra từ chính cuộc sống đông đặc trước mắt nhà văn. Ông từng viết: “Đề tài truyện ngắn của tôi là những việc, những cảnh xảy ra trước mắt. Thường là một câu nói, một hình ảnh, một chi tiết, một tấm ảnh, một câu thì thào từ miệng người này sang miệng người kia …” [9;110]
Chính bởi cái tài quan sát tinh tế hiện thực, bởi thái độ rõ ràng dứt khoát thiện cảm, ác cảm phân minh, nên nhiều truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan trở thành những bức tranh tràn đầy sức sống về xã hội đương thời.
Trong bức tranh đó có biết bao những cái xấu xa, tàn nhẫn, mục nát, rởm đời, ai oán, bi thương. Cũng đầy đủ cả những hình hài kiệt quệ, thiếu sinh khí, quái đản, di dạng của những con người đói khát, cứ hiện ra tự nhiên, phong phú dưới ngòi bút tài tình của nhà văn. Rõ ràng, đề tài mà nhà văn khai thác không phải không nảy sinh từ những cảm xúc bâng khuâng trước trăng gió, mây nước, trước những bòng hình thướt tha, yểu điệu hay những mối tình si mê đắm đuối thường thấy trong các tác phẩm của khuynh hướng lãng mạn, mà bắt nguồn trực tiếp từ những ngang trái, bất công của những kiếp người lầm than xã hội đương thời.
Văn học đương nhiên là quá trình sáng tạo chứa đựng nhiều yếu tố hư cấu và thậm chí là phóng đại. Nhưng cái quan trọng là nhà văn phải biết hư cấu, phóng đại đúng lúc, đúng chỗ để những hư cấu đó mang lại giá trị cho tác phẩm. Đối với Nguyễn Công Hoan việc hư cấu, tưởng tượng trong quá trình sáng tác cũng là điều chúng ta thường thấy. Nhưng cái tài của ông là biết chắt lọc, lựa chọn, những chi tiết có thực từ cuộc sống để hư cấu, phóng đại nên những hình tượng để đời cho kho tàng văn học Việt Nam, trong đó có những dị hình vì đói khát.
Cũng giống như Nguyễn Công Hoan thế hệ đàn anh đi trước Nam Cao tiếp bước với những hình tượng con người méo mó, dị dạng vì cái đói xuất hiện khá dày đặc trong tác phẩm của mình. Lý giải cho đặc điểm chung này nguyên nhân cốt yếu nằm ở hiện thực xã hội. Nguyễn Công Hoan từng bộc bạch: “Chúng ta lấy tài liệu để sáng tác trong đời sống thực tế. Những tài liệu ấy do ta trải qua, hoặc mắt ta nhìn thấy hoặc tai nghe thấy, đều là những việc thật” [27;329]
Nam Cao cũng từng phát biểu: “nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” (Giăng sáng), Nam Cao muốn nhấn mạnh,
muốn khoét sâu vào hiện thực khốc liệt, tàn bạo của xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám “Sự bế tắc dồn nén, xô đẩy con người vào ngõ cụt của cuộc đời. Nó làm méo mó đi, dị dạng đi cả tâm hồn và thể xác của bao người dân hiền lành lương thiện và vô tội. Chưa bao giờ trong các tác phẩm văn học của nước ta lại xuất hiện nhiều đến thế những gương mặt xấu xí đến mức ghê tởm, những cuộc đời đần độn, ngu ngơ hoặc điên loạn, cuồng dại đến mất hết tính người như ở thời kỳ này (thời kỳ 1939- 1945) với những Thị Nở, Mụ Lợi, Nhi, Thiên Lôi- Trương Văn Rự, Trạch Văn Đoành và cuối cùng là Chí Phèo”