3.1. Sự khác biệt về “người đói” trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoanvà truyện ngắn Nam Cao và truyện ngắn Nam Cao
3.1.1 “Cái đói” và sự khốn cùng của tầng lớp dân nghèo thành thị trong
truyện ngắn Nguyễn Công Hoan
Nếu nhìn nhận về đề tài sáng tác trong số lượng truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao trước 1945. Chúng ta có thể nhận thấy những điểm khác biệt cơ bản. Nếu Nam Cao tập trung thể hiện vấn đề đói khát tập trung chủ yếu ở hai đề tài nông dân và tri thức tiểu tư sản. Thì ở Nguyễn Công Hoan cái đói không chỉ xuất hiện trong các đề tài viết về người nông dân mà còn thể hiện đậm nét ở đối tượng lao động nghèo chốn thị thành. Đó là những kẻ ăn xin, những người đi ở đợ, những anh kéo xe, những nghệ sĩ, những công chức nghèo, anh hát xẩm, người phu phen … hầu hết họ đều thuộc tầng lớp dưới đáy.
Trong số những truyện ngắn viết hai đối tượng này, có lẽ hai truyện ngắn Kép Tư Bền và Người ngựa và ngựa người là đặc sắc và được nhiều nhà chuyên môn đánh giá cao. “Hai truyện đều có cái cười mang dư vị chua chát thấm thía, đi vào những tình huống dở khóc dở cười làm toát lên nỗi cay cực khốn khổ của người nghèo trong xã hội đồng tiền”.[13;364]
Kép tư Bền là một kép hát có tài, một người con hiếu thảo “lúc ấy, ở trên giường bệnh, ông cụ ho xù xụ, rồi thò tay ra cái ghế đẩu kê ở cạnh để với lấy cái ống nhổ, nhưng lật đật cầm không vững, đái rơi ngay xuống sàn gác, đờm rãi nổi lên “lềnh bềnh”.
Anh tư Bền giật mình, chạy lại đỡ cha và nói: - Sao ông không gọi con ?
Rồi anh lấy chổi quét nước lênh láng đi …”
Nhưng anh đã ký hợp đồng biểu diễn cho một ông chủ gánh hát. Mặc dù bố ốm nặng sắp chết, lòng dạ không nguôi: “Ông mệt lắm, im phải ở nhà”, anh vẫn phải ra sức pha trò trên sân khấu để cho đám khán giả có tiền kia được cười thỏa thích. Mặt anh nhăn nhó lo lắng họ cứ nghĩ anh đang cố pha trò và họ yêu cầu anh diễn đi diễn lại. Vì phải kiếm tiền mà những kẻ nghèo như anh tư Bền cũng không được tự do cười khóc theo ý mình. Chỗ đáng khóc thì anh lại không được khóc “Lắm lúc phải rặn ra mà cười ha hả”. Tin người nhà đưa tới mỗi lúc mỗi dồn dập, người cha ở nhà mỗi lúc mỗi nguy nan. Thế mà anh lại phải hò hét, ngâm, cười múa, nhảy, để gượng mua lấy những tràng vỗ tay. Anh muốn khóc khi người cha già của mình sắp tạ thế anh lại phải cười, vì cái cười của anh đã được những kẻ lắm tiền mua, chúng sở hữu, yêu cầu, chúng không biết và cũng không cần biết tình cảnh bi đát của anh.
Người ngựa và ngựa người lại là một câu chuyện trớ trêu khác. Đây là sự gặp gỡ của hai con người đầy bất hạnh trong đêm giao thừa giữa một anh kéo xe “vừa mới ốm dạy, ốm một trận tưởng mười mươi chết, thành ra không những mất một dịp kiếm tiền cuối năm, bao nhiêu tiền dành dụm trong bấy lâu, sạch sành sanh cả”, oái oăm thay gặp ngay một ả giang hồ cũng cố kiếm “một mẻ” vào dịp cuối năm. Nhưng lòng vòng mãi không kiếm đâu ra khách, ả ta đành quỵt tiền công của anh, khốn nạn hơn ả quỵt luôn “hai hào” mà ả mượn để mua thuốc và hạt dưa. Anh bàng hoàng nhận ra mấy giờ đồng hồ đáng lẽ ở nhà quây quần bên vợ con để đón giao thừa, lại vác xe chạy lòng vòng chở một bà khách không công. Mọi hi vọng ước mơ của anh cho dịp làm ăn cuối năm tan tành. Lòng anh chết cay chết đắng, lủi thủi kéo xe về còn đâu cái cảnh “Sáng mai, kéo chuyến kho ra ga, xong rồi, ta đánh bát phở tái, rồi mua cho con cái bánh ga- tô cho nó mừng. Vợ ta thấy trong túi ta có tiền, thì chắc hớn hở, thấy ta làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi cả nhà tất là thương ta lắm”.
Ở những truyện ngắn đó tiếng cười toát lên đầy vè trào phúng, châm chọc. Nhưng ẩn chứa đằng sau tiếng cười đó là niềm cảm thương chân thành của tác giả đối với những kiếp người nghèo khổ. Ý thức về cái nghèo, ý thức về tố cáo chế độ thực dân phong kiến đã đẩy đưa họ tới những cảnh trớ trêu khốn nạn là điều mà nguyễn công hoan muốn nhấn mạnh.
Viết về những người nghèo khổ Nguyễn Công Hoan luôn viết với giọng văn chia sẻ chân tình. Hơn mười năm trong nghề anh Tiêu (Được một chuyến khách), đã chứng kiến không biết bao cảnh trớ trêu của nghề kéo xe:
“Có người mới làm được vài hôm, đã phải một trận ốm thừa sống thiếu chết. Có người mới kéo xe được độ ba bốn năm đành xoay nghề khác nhẹ nhõm hơn. Có người không kiếm đủ ăn, phải chịu bó tay thất nghiệp và đi ăn cắp, ăn trộm. Có người bị những trận đòn ghê gớm của cai xe mà thành ra què quặt, mang tật suốt đời”. Sau mười năm ròng vắt kiệt sức mình với cái càng xe, với cái nắng “sém mày sém mặt” , gặp ngay trận mưa như trút nước rồi lại nắng ngay “nóng như lửa”. Anh ốm bốn hôm cũng phải gượng dậy mà làm. Bởi với anh “mấy hào thuế” mà anh phải đóng, nó khiến “Anh rùng mình khi phải nghĩ đến tiền đền một buồi xe ngày hội” cho nên dù có “hộc ra một đống máu tươi” anh phải vừa kéo xe vừa “chùi máu ở mép” cung phải cố mà kéo. Thân phận những con người nghèo khổ ở chốn thị thành cũng chung một nỗi cơ cực như nhau. Họ lao động như tù khổ sai, cố gắng đến cùng cực mà nghèo đói chưa bao giờ buông tha họ.
Viết về những người lao động nghèo ở chốn thị thành Nguyễn Công Hoan luôn dành cho đối tượng con sen đứa ở sự quan tâm đặc biệt. Có rất nhiều truyện ngắn của ông viết về đối tượng này đặc biệt là những em nhỏ vì sự đói khát ở thôn quê mà ra thành thị làm đứa ở, hay đúng hơn là làm thân trâu ngựa cho nhà chủ. Chứng tỏ ở xã hội mà sự phân hóa rõ rệt giữa kẻ giàu- người nghèo, tạo nên hẳn một hạng người, một lớp người chuyên hầu hạ và
đành cam chịu bị kẻ khác nô dịch, để kiếm miếng ăn. Những miếng ăn có được đồng nghĩa với sự mạt sát, chửi vả, đánh đập, bóc lột đến thậm tệ của những nhà chủ giàu có.
Không chỉ dừng lại chuyện chửi bới đánh đập con sen đứa ở hang ngày, mà còn bóc lột, tước đoạt mọi thứ nó có. Thằng Quýt (Thằng Quýt I, Thằng Quýt II) là nhân vật bi thảm điển hình cho hiện tượng này. Cũng như bao con sen đứa ở khác thằng Quýt cũng phải xa cha mẹ, quê hương lên thành thị ở đợ kiếm tiền về cưới vợ. Để đạt được mục đích chính đáng đó nó chăm chỉ, chịu khó trong suốt tám tháng đi ở hầu ông Dự với toàn bộ được “vừa một chục bạc” tiền công. Nhưng rồi một chục bạc tiền công mà ông Dự trả cho nó cũng được ông lấy lại dù nó đã năm lần bảy lượt đến lấy. Nhưng chẳng thấy chục bạc đâu chỉ thấy những trận đòn máu me bê bết. Và rồi như để kết thúc kẻ đòi nợ dai dẳng ấy, ông chủ mà nó một thời hầu hạ tiễn nó vào tù, không một chút thương xót.
Những tưởng rời xa không gian thôn quê đói khổ tù túng, đã có biết bao nhiêu con người đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi nghề nghiệp lên thành thị kiếm ăn như một giải pháp thoát khỏi cái đói và chết đói ở chốn quê nhà. Nhưng dù ở đâu thân phận của kẻ nghèo cũng rẻ rúng, cũng bị chà đạp. Đôi khi chỉ là với những lý do chẳng đâu vào đâu (Quyền chủ) mà đứa trở thành vật hiến thân cho những cơn bực mình của ông bà chủ. Con Đỏ bị “túm lấy tóc nó, giật nó ngã xuống đất, và đánh nó túi bụi”. Hay “Con Đỏ” (Phành ! Phạch !) cũng thê thảm không kém. Con bé trở thành một thứ nô lệ hầu hạ gia chủ cũng không kể ngày đêm:
“Cả ngày chỉ có việc bế anh” đêm lại tiếp tục quạt hầu cho thân phì nộ của bà chủ ngủ đến nỗi nó”… mỏi lắm rồi, ê ẩm cả người. Nó cố mở mắt ra, mà hai mí cứ muốn cặp dúi lấy nhau. Tay nọ đổi tay kia, nhưng rút cục hai tay
cùng rã rời”, nhưng thế đã yên đâu “bà đưa tay ra, bà giúi giúi vào nó một cái thực mạnh” làm con bé “bàng hoàng”, “luống cuống”.
Thanh ! Dạ ! là một truyện ngắn khác được Nguyễn Công Hoan thể hiện một cách trần trụi chân thực, về một ngày làm việc của thân phận đứa ở. Từ sớm tới tối “con Thanh” vâng vâng, dạ dạ, chạy ngược chạy suôi. Chạy qua, chạy lại làm theo những lời sai khiến của mấy mẹ con bà chủ chẳng khác nào một cái máy. Ấy vậy mà cô Tuyết “tay cầm thanh củi, trỏ vào thau nước, trợn tròn mắt rồi phang vào đầu, vào mặt, vào lưng con Thanh”
Những đứa ở hơn ai hết trở thành đối tượng bị đày đoạ, một cách trực tiếp của cái đói, cái nghèo.
Rất nhiều hiện tượng con sen, người ở trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan cam chịu, nhẫn nhịn, vô tri vô giác trước hoàn cảnh bi đát của mình. Chúng chấp nhận như một cái máy, để đổi lại gia đình chúng ở thôn quê bớt đi một miếng ăn. Các em của chúng nó, bố mẹ của chúng nó biết đâu nhờ phần ăn ít ỏi mà nó bỏ lại có thể cầm cự, kéo dài sự tồn tại qua cơn đói khát.
Bên cạnh tầng lớp thợ thuyền, hình ảnh người công nhân “Sáng, chị phu mỏ” trong truyện ngắn cùng tên. Là một truyện ít ỏi ông viết về đời sống của người công nhân. Nhưng là một truyện ngắn khá đặc sắc viết về đề tài người công nhân, thể hiện chuyển biến tích cực, tiến bộ của Nguyễn Công Hoan.
Từ anh kéo xe, con sen đứa ở, cho đến hình ảnh người công nhân… Đều được Nguyễn Công Hoan đặt trên nền của sự đói khát, nghèo khổ:
“Bu thấy tình cảnh nhà thế này, bu chả muốn thuốc thang tí nào cả. Uống chén nào vào mồm, đeo nợ chén ấy, thì uống làm gì ?”
Nhưng không phải sự nghèo khổ, bóc lột nào cũng làm cho con người ta bị hủy hoại, chính trong hoàn cảnh đó chị Sáng hiện lên với một sức phản kháng quyết liệt, với ý thức về nhân phẩm mạnh mẽ. chị đã cựơng quyết chống lại tên chủ Tây dâm dục.
Tầng lớp tri thức tiểu tư sản công chức nghèo, mặc dù không nhiều nhưng hiện lên trong truyện ngắn của ông, cũng chẳng khá hơn tầng lớp phu phen thợ thuyền là mấy. Hai truyện ngắn có tính liên hoàn Tôi cũng không hiểu làm sao I, Tôi cũng không hiểu làm sao II không những đã thể hiện khá chân thực kiếp làm thuê thảm hại của anh viên chức nghèo trước gánh nặng của cuộc sống, của cơm áo gạo tiền. Đó còn là nỗi tủi nhục của người nô lệ mất nước trước kỷ luật hà khắc của thực dân. Kỷ luật thực dân ép con người ta vào cảnh chết đói “và với thân phận nô lệ, con người không còn có thể tự trọng và có nhân cách. Dù cho nhân phẩm, tri thức của anh có bị xúc phạm thì anh vẫn cứ phải chịu nhục một cách hèn hạ. Không thể tự trọng, giữ nhân cách chăm chỉ làm việc; cũng không thể bằng cách không đi làm”.
Với loại truyện ngắn này Nguyễn Công Hoan đã cho thấy sự tiến bộ trong việc nhận thức về bản chất của xã hội, bản chất của hiện thực. Ở mức độ sâu sắc hơn trong từng đối tựơng của “cái đói” và trãi rộng trong không gian từ thành thị cho tới nông thôn. Với ông dù ở đâu thành thị hay nông thôn, nông dân hay thợ thuyền, công nhân hay trí thức tiểu tư sản, thì những người nghèo khổ bao giờ cũng cơ cực, cũng thê thảm như nhau.