Xét về bản chất cái đáng quý nhất của con người là nhân cách, nhân phẩm. Mọi thứ có thế biến đổi, có thể méo mó, nhưng phẩm chất của con người cần
luôn luôn được giữ vững. Ấy vậy, mà hầu hết các nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao bị tha hóa thảm hại về nhân tính và lương tâm, vì đồng tiền, vì sự tham lam và vì cả miếng ăn. Là công dân của một xã hội đảo điên thối nát, hai ông ý thức rõ nhân tính của con người trong thời buổi suy vi. Họ đã đặt nhân phẩm, lương tâm con người trước những thử thách khốc liệt, mang tính bản năng như miếng ăn và cái đói. Đặc biệt đối tượng được tập trung thể hiện nhiều nhất là tầng lớp nhân dân lao động nghèo khổ, bần cùng bị chà đạp xuống tận bùn đen, xuống tận đáy của xã hội. Họ trở thành nạn nhân thậm chí là nô lệ của miếng ăn, của cái đói. Chính vì thế biết bao chuyện thương tâm, chua xót biết bao nhân cách bị tha hóa cũng chỉ bởi tại cái đói.
Bác khoá Lan (Tôi nói dối bà thì tôi làm kiếp…) từ một anh Khóa Nho học đã từng nghiền ngẫm chữ thánh hiền và cũng có lẽ một thời cũng như ai đua chen ở cửa Khổng xân Trình. Thế rồi thời thế thay đổi, nhân cách, ý thức về bản thân cũng thay đổi, mới đầu bác còn đinh ninh “Không bao giờ bác quên bác là thấy Khóa, cho nên không bao giờ bác làm những việc mà thầy Khóa không nên làm. Đại khái đói thì nhịn, chứ quyết bác không chịu khi nào làm nhục nhà nho” ấy thế mà rồi “năm đói trước bác mới gạt nước mắt mà bán thằng con đi lấy hai hào tám”.
Cốt cách nhà nho không thể làm cho bác dửng dưng trước cái đói, không làm cho bác no bụng được, bác chạy vạy mọi nơi để vay mượn làm vốn sinh nhai nhưng đói vẫn hoàn đói, nghèo vẫn hoàn nghèo. Bây giờ lại đèo bồng thêm nợ nần bí quá, bác gác lại chút cốt cách nhà nho còn sót lại, để chui vào cái cũi chó và chui ra theo cái lỗ của chó thường chui.
Trước cái đói nhân cách bỗng trở nên rẻ rúng đến thảm hại, vì cái ăn, cái đói đôi lúc người ta không còn là chính mình.
Ở truyện ngắn Chuyện chó chết cũng vì miếng ăn mà anh Lý cựu trở thành tay dựng kịch chuyên nghiệp. Anh ta dựng lên một màn kịch có đầy đủ lớp lang, có mở đầu có kết thúc bài bản nhằm đánh lừa chính người vợ của mình. Thế mới biết trong xã hội đó miếng ăn thật khiến cho con người ta suy nghĩ và hành động như một cái máy, miếng ăn có sức mạnh thôi miên kinh khủng. Để thỏa sự thèm thuồng của chính mình người ta hành xử cốt sao để được ăn và khi “chó chết” thì nhân cách cũng chết, chết theo từng miếng thịt đã chui tuột vào bụng.
Nguyễn Công Hoan có hẳn một loạt những truyện ngắn về những kẻ ăn cắp. Như trong truyện ngắn Thằng ăn cắp giá trị nhân phẩm của con người thật rẻ mạt, một bát “bún riêu” đổi lấy một trận đòn nhừ tử, cái đói dồn con người vào vòng luẩn quẩn, đói thì người ta xin, không được người ta tính cách ăn quỵt thậm chí là người ta sẵn sàng cướp để ăn. Thằng Canh trong Bữa no … đòn nó ngắm nhìn những của khoai lang luộc chẳng khác gì một con thú vờn mồi “những củ to, béo nung núc tròn trĩnh, nằm cong queo, ngổn ngang trên mẹt”. Cách nó ăn cũng chẳng ra hình thù con người nữa “Người ta xúm lại, túm ngang lưng nó. Nó không chạy. Nhưng nó vẫn nhai, vẫn nuốt. Rồi biết thế ngay, nó không nhai, trợn mắt lên để nuốt chửng rồi lại hấp tấp ngốn luôn miếng nữa” vừa ăn vừa chịu đòn, chịu nhục để ăn, ăn để duy trì sự sống, duy trì hoạt động, cung cấp năng lượng cho bản thân. Những miếng ăn đó cũng chính tác nhân chôn vùi nhân cách con người.
Ở truyện ngắn Thế cho nó chừa lại thêm một thằng ăn cắp nữa bị cho vào Hỏa Lò cũng vì cái tội ăn cắp “Nó thề với tất cả mọi người rằng vì nó đói quá, nó mới đành liều. Chứ bản chất nó vẫn lương thiện”. Nhưng đâu có ai đếm xỉa tới lời cầu xin của nó. Trong mắt họ những kẻ như nó chẳng qua là thứ cặn bã, rác rưởi mà thôi. Nếu lúc mới bước chân vào nhà tù nó chỉ “đói quá làm liều” sau khi ra khỏi nhà tù thực dân phong kiến bản chất nó biến
dạng hẳn, bây giờ nó không “làm liều” không bột phát nữa mà nó làm một cách chuyên nghiệp. Và bây giờ, nó mới chính thức trở thành một thằng cặn bã thực sự. “Cái đói” đã làm thay đổi bản chất “lương thiện” của nó, biến nó thành tù tội và thành một thằng chuyên nghề ăn cắp.
Trong “Cái vốn để sinh nhai” người ăn xin lại thù ghét chính cơ thể của mình, bởi cơ thể nguyên vẹn đó khiến nó đói. Rồi nó này ra một ý nghĩ, từ ý nghĩ đó, nó có một hành động khủng khiếp có phần tàn bạo nhằm hủy hoại hình hài của chính mình. Nó nhảy từ trên cây xuồng “đánh bộp” thế là nó được “như ý”.
“Lạy các ông các bà, thân con què quặt, con xin các ông các bà đồng cơm bát cháo
Người ra quăng vào rá nó đồng su. Người ta chép miệng, cho nó cái bánh giò ăn dở. Nó vui lắm”.
“Kiếm bở hơn”, có được cái ăn nhiều hơn khiến “nó vui lắm” cái “vui” của một kẻ khốn khổ, chỉ cần lấp đầy cái bụng thì cái thân hình lành lặn ban đầu đâu có xá gì. Hắn vui khi hắn phải phá hoại chính thân thể nguyên vẹn của bố mẹ ban cho hắn để đổi lấy cái bụng được no. Một xã hội đói khát triền miên, dai dẳng đã nhào nhặn con người có những suy nghĩ, hành động và những niềm vui vô cùng quái đãn.
Trong hai truyện ngắn có tính chất liên hoàn được tác giả viết năm 1937 Thằng Quýt I, Thằng Quýt II, quả là một đòn đánh trực diện vào xã hội đểu giả, bỉ ổi đương thời. Thằng Quýt đi ở đợ được “tám tháng mười ngày tiền công” “tính ra được một chục bạc”. Với một chục bạc đó nó ấp ủ bao hi vọng tốt đẹp “đem về cưới cô vợ nhà quê xinh xinh”. Nhưng “một chục bạc” đánh đổi bằng “tám tháng mười ngày” trời lao động cật lực đó chỉ trong một đêm ngủ say ,cái hạnh phúc nhỏ bé, bình dị cưới vợ, lập gia đình đã tan tành. Chua xót thay người tước đi những thứ hạnh phúc nhỏ nhoi của nó lại chính
là người chủ mà suốt tám tháng trời nó tận tâm hầu hạ. Thằng Quýt có lẽ không phải là trường hợp duy nhất trong xã hội đói khổ đó bị cướp công. Bởi có biết bao nhiêu người nông dân cần cù, chất phát, không một tấc đất cắm dùi, quanh năm cày cấy cũng không đủ để nạp tiền xưu, tiền thuế. Cũng như Thằng Quýt họ rời bỏ quê hương làng xóm, lên ở đợ chốn thị thành, vì miếng cơm manh áo họ cam chịu đòn roi, sỉ vả, bóc lột. Bao hi vọng thay đổi cuộc sống khó khăn của mình nằm cả ở những đồng tiền công ít ỏi. Nhưng đau đớn và bi kịch thay: “Thằng Quýt không thể nói hơn được nữa. Tâm sự của nó lúc ấy phải tả bằng hai dòng nước mắt nó khóc nấc lên”
Tai hại hơn cũng vì một chục bạc đó mà bị gia đình ruồng bỏ, bị nghi oan “chẳng nghe lời cha mẹ, lại ăn bùa ăn bả của con đĩ” bị đánh đập “Thầy con trói con lại rồi cứ ngọn cây mà bằng cổ tay giáng mãi vào lưng con”.
Từ chỗ có cha có mẹ mà đáng ra có vợ có con, có gia đình nhỏ của mình thằng Quýt trở thành đứa vô gia cư đầu đướng xó chợ “cái áo trắng bong của nó đã cáu bết những ghét và cáu bẩn. cái mủ nồi của nó không biết đi đâu mất, cái quần thâm của áo đã nhiều chỗ cho hai chẳng được dòm trời”.
Nhưng đói quá hóa liều nó đấu tranh, nó quyết lấy lại những gì thuộc về nó và cái nó có được là những trận đòn máu me bê bết. Khốn nạn cho thân nó hơn sau nhiều lần đấu tranh như vậy, nó bỗng trở thành một thằng ăn cắp có kết án hẳn hoi “ba năm tù, năm năm quản thúc và 1.850 đồng bồi thường cho nguyên đơn”. Số phận bi thảm của kẻ nghèo trong xã hội mục ruồng đó là vậy, đáng ra thằng Quýt phải được hưởng những hạnh phúc nhỏ nhoi cơ bản nhất của một con người đó là có cha có mẹ, có vợ có con. Nhưng than ôi! kết cục của nó thật bi thảm, nó vô sản hoàn toàn không gia đình, không tiền bạc và trở thành tên tù tội bị cách li khỏi cộng đồng.
Có lẽ con đường của thằng Quýt cũng sẽ như con đường của thằng ăn cắp (Thế cho nó chừa) hay Chí Phèo (Chí Phèo) của Nam Cao đã đi. Tuy ở
những hoàn cảnh khác nhau nhưng rất có thể đều giống nhau ở chỗ từ hiền lành chất phác thành những con quỷ dữ giữa đời thường. Con đường đấu tranh của kẻ nghèo để tìm lại những gì của chính mình đều bị xã hội thối nát đó vùi dập, bóp chết biến thành những kẻ méo mó về nhân cách.
Thân phận nhân cách của những người nghèo so với cái đói cái ăn trong xã hội chẳng đáng giá một chinh. Thử quan sát “thằng người” giành ăn với con chó trong truyện ngắn Răng con chó tư sản chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:
“Lúc ấy, hai con mắt người ăn xin chòng chọc nhìn vào đĩa cơm của con chó. Hắn thèm quá. Nước dãi chảy ròng ròng, không nuốt kịp. Muốn vào ăn trộm một miếng, nhưng chỉ sợ con chó cắn cho một miếng thì chết! Hắn thấy con chó cứ đứng gần đĩa cơm mà không ăn, thì không hiểu ra làm sao. Hắn tưởng con chó chê cơm nhạt, không thèm ăn, thì hắn muốn đánh đổi số phận hắn cho con chó nhà giàu!
Giá con chó biết tiếng người, hẳn hắn đã lân la đến gần để đánh bạn, rồi kể lể nỗi đói khát, có lẽ, chỗ anh em, con chó cũng động tâm mà lấy tình "nhân đạo" nhường cho hắn đĩa cơm ấy. Hay là vì hắn xù xù ngồi đó, cho nên con chó phải đứng canh chăng? Hắn liền lẩn ra sau cái cột cổng để dòm vào. Một lúc, quả hắn thấy con chó lừ lừ ra nằm chỗ khuất bóng ở cạnh tường.
Được dịp may, người ăn mày đánh liều dồ ra, tiến gần lại mấy bước. Nhưng con chó lập tức đứng dậy, cũng tiến gần lại mấy bước, vừa đi vừa gừ. Thằng người giương hai mắt nhìn con chó, con chó cũng giương hai mắt nhìn lại thằng người. Thành ra đĩa cơm ở giữa, người tiến thì chó cũng tiến, người lui thì chó cũng lui. Hai bên hầm hè nhau, người lườm chó, chó lườm người đều cùng giữ miếng nhau, như hai kẻ thù không đội trời chung vậy.
Cứ như thế, không bên nào chịu bên nào. Độ hơn mười phút, người ăn mày cùng thế, nghĩ ngay được một kế. Tay hắn vớ được hòn đá to tướng, thu
thu đằng sau, chạy tọt lại đĩa cơm, rón một miếng rõ nhanh, đút tỏm vào mồm.
Nhưng con chó nhanh hơn. Nó cũng chồm vọt lại, nhẩy xổ lên, há mồm, nhe răng ra cắn. Người ăn mày giơ thẳng cánh tay, nhằm giữa mồm con chó, ụych hòn đá một cái rõ mạnh. Con chó ẳng lên một tiếng, rồi nhanh như chớp, nó vật được kẻ thù xuống đất, giơ hai chân ra cào mặt và móc mồm. Nhưng nó bị ngay một cái đấm nữa vào đầu. Nó chịu buông thằng người ra, nằm sóng soài, ẳng rầm lên.”
Trong cuộc chiến giành giật miếng ăn đó thằng người và con chó như hai đấu thủ cùng đồng loại. Hay chính xác hơn vì cái đói, vì miếng ăn, kẻ ăn mày cam chịu làm thân phận của một con chó, ước được làm một con chó, nhưng khốn nạn thay nó vẫn mang hình thù của một “thằng người”. Nguyễn Công Hoan, ông không cố tình hạ thấp con người hay “vật hóa” con người. Mà chính bằng bút pháp khách quan của một người quan sát ngoài cuộc ấy, ông đã tăng thêm giá trị tố cáo xã hội nô dịch tàn bạo, biến con người thành những “con vật”, thậm chí không bằng một con vật. Hai cái răng của con chó nhà giàu bị gãy rất sẽ dẫn tới cái chết của người ăn mày, trong xã hội đầy rẫy bất công đó cái giá của một sinh mạng chỉ đáng giá ba chục bạc.
“- À, mày đánh gãy chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng !”.
Bên cạnh những người ăn xin, đi ở, những thằng ăn cắp… là những người vì nghèo đói mà làm kiếp “ngựa người”. Trong truyện ngắn Người ngựa và ngựa người hình ảnh anh kéo xe tranh thủ những thời khắc cuối cùng để hi vọng kiếm được một chuyến khách khép lại một năm thất bát, ốm đau, bất hạnh, gặp ngay một khách ăn sương cũng tranh thủ thời khắc cuối cùng của một năm để làm “một mẻ”. Cả hai gặp nhau mỗi người một việc, một suy nghĩ, một hi vọng riêng nhưng cuối cùng chẳng có “mẻ” nào cả. Số phận
khốn nạn này lại gặp số phận khốn nạn khác, cả hai càng kéo nhau đi sâu hơn vào con đường bất hạnh.
Tất cả sự quẩn quanh, bế tắc, cay đắng của hai số phận cứ diễn ra từ từ: “Người đọc cảm thông với những lời than thở của anh phu xe: “Tôi thật nợ nần gì cô kiếp trước hay sao mà nay tôi khổ với cô thế này. Đầu năm mà đã rấp. Rắc rối” thì cũng xót thương cho cô gái giang hồ, khi nghe cô năn nỉ “anh đừng nói thế, ai muốn thế này làm gì” và tác giả viết tiếp “Bất đắc dĩ, con ngựa người lại phải kéo con người ngựa vậy” và cả hai trong cảnh thảm hại: “Anh xe càng đi, càng thấy phố vắng tanh vắng ngắt. Nỗi đau của nhà văn trước cái cảnh thê thảm ấy như thấm trong từng câu, từng chữ và sau khi đọc thì cái hay của truyện lại gây cho người đọc một sự thương cảm về số phận của người trong truyện và cả trong cuộc đời”[9;118]
Vì cái đói, cái nghèo nhiều khi nhân cách của con người bị chà đạp, sỉ nhục thậm tệ. Bác thợ nhuộm trong truyện ngắn Mày ngu lắm đã hết sức nhuộm đi nhuộm lại cái áo của “Bà lớn” tới bốn lần, lần nào cũng bị mắng té tát vào mặt “mày ngu lắm”. Trong con mắt của kẻ giàu thân phận, nhân phẩm của tầng lớp nghèo khổ chẳng qua là thân phận trâu ngựa mà thôi. Rồi những Thanh (Thanh ! Dạ !), Con Đỏ (Quyền chủ), (Phành Phạch)… chỉ toàn thấy đòn roi, xỉ vả, khinh bỉ của nhà chủ. Nhưng những con người đó buộc phải cam chịu, buộc phải chấp nhận cho gia chủ chà đạp lên thân thể, danh dự của mình. Để đổi lại cái ăn của bản thân và thậm chí là cái ăn của những đứa em và những người khác nữa trong gia đình vốn đã đói khát của mình.
So với Nam Cao, Nguyễn Công Hoan ít viết về hình tượng tri thức tiểu tư sản nghèo, nói như vậy không có nghĩa là ông hoàn toàn không có thiên truyện ngắn nào viết về đối tượng này. Trong hai truyện ngắn cùng mang tên
Tôi cũng không hiểu tại làm sao, tác giả mô tả rất thực cái tâm trạng tủi nhục của những người tiểu tư sản tri thức nghèo, vốn biết tự trọng, có nhân cách,
nhưng chỉ vì lo không có việc làm, lo cho những miếng cơm manh áo của bản thân và gia đình. Mà trong một lúc nào đó đã đánh mất nhân cách, phải phục tùng uy quyền và sự đe dọa của lũ “xếp” thực dân.
Cái tư tưởng ban đầu “Anh không sợ xếp bằng dư luận. Mà không sợ dư luận bằng lương tâm. Anh muốn tự trọng không chịu để người trên nói động đến mình. Người trên đó không thể trách mắng anh về một lẽ gì, hẳn anh không phải lấy lòng và xu nịnh ai nữa. Anh muốm làm việc một cách