3.2.3.1. Kể chuyện bám sát vào cốt truyện, theo trật tự thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan
Trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan “Cái đói” thực sự đã trở thành một đề tài có tính hệ thống. Mảng đề tài này luôn ám ảnh bạn đọc bởi sức tàn phá, hủy diệt ghê gớm mà cái đói gây ra thật khủng khiếp. Để tạo
được ấn tượng đó ngoài óc quan sát hiện thực, sự nhạy cảm tinh tế qua việc chọn lựa tình huống, xây dựng sắp xếp các chi tiết của một nhà văn hiện thực hàng đầu. Còn phải kể đến nghệ thuật kể chuyện có hồn, giàu hình ảnh về cái đói. Để mỗi trang văn ông viết về đề tài này thực sự đã đóng đinh trong lòng bạn đọc.
Xuất phát từ quan điểm phân cực giàu- nghèo. Nguyễn Công Hoan đã chọn lựa những tình huống đắt nhất, giàu mâu thuẫn về cái ăn, cái đói và chết đói của những thân phận nghèo hèn trong xã hội để kể, để trần thuật. Chính vì thế cách kể chuyện của ông cũng thường bám sát vào cốt truyện, theo tuyến tính thời gian và khéo léo dấu kín mâu thuẫn, xung đột đến phút chót mới tiết lộ nhằm gây ấn tượng sâu sắc. Chẳng hạn ở truyện ngắn Tôi nói dối thì tôi làm kiếp tác giải đã kể lại theo thứ tự các sự kiện, thậm chí là chính xác đến từng ngày về sự bần cùng hóa của bác Khóa Lan. Từ khi bác túng quá bác bán con, rồi việc bác mất việc gõ đầu trẻ, cho đến việc vay tiền bà Lý Tư, ra Hà Nội bán câu đối vừa ế ẩm, lại bị mưa làm cho “ướt cả giấy, nhòe cả chữ” và cuối cùng là bác phải chui vào cũi cho rồi chui ra bằng lỗ của chó thường chui để trông nợ.
Từ các tình huống có sẵn tác giả sắp xếp theo trình tự, lớp lang và kể lại bám sát vào nó để dựng truyện. Bản thân người kể luôn giữ một khoảng cách với nhân vật tạo nên sự khách quan như nó vốn có. Người đọc luôn có cảm giác “bịa mà như thật” trong truyện ngắn của ông, chính cảm giác đó nó gây tác động mạnh và trực tiếp vào lý tứ người đọc. Tạo nên sự đồng cảm chân thành với những kiếp người nghèo đói ở chính đối tượng tiếp nhận.
Trong Răng con chó tư sản câu chuyện cũng được bắt đầu kể vê một gia đình tư sản giàu có: “cứ trông buồng khách, cũng đủ đoán tất ông chủ nhà này là một nhà giàu, ăn chơi lịch thiệp” cho đến tên tuổi, lai lịch của “con chó Lu” “giống d’Auvergne” với giá trị “Ba trăm bảy mươi đồng”. Rồi kể đến hình
dáng “lúc đi như thế, cái mắt nó đưa đưa, cái mũi nó ngửi ngửi, trông đẹp đáo để”, trí khôn, tài năng của con chó “không những nó săn giỏi, mà giữ nhà, tìm đồ đánh mất cũng tài” cách chăm sóc con chó chủ nhà cũng vô cùng cẩn thận, chu đáo “không dám cho nó ăn dưới đất”. Cho tới tình huống nhân vật người ăn mày xuất hiện vừa mở miệng xin đã dọa “đá cho một cái thì chết ngay bây giờ”. Rồi người ăn xin phát hiện và nhìn “chòng chọc” vào đĩa cơm của con chó. Ước ao được làm kiếp chó, vật lộn, tranh giành quyết liệt đĩa cơm cùng với con chó, cuối cùng đánh gãy hai cái răng của nó và tiếng xe không đèn phóng nhanh trong đêm của gã tư sản.
Giọng kể khách quan có phần lạnh lùng theo diễn biến của cốt truyện tạo nên sự đối lập khập khiễng giữa một bên là thân phận con người, một bên là con chó của nhà giàu. Khoảng cách giữa hai đối tượng này tưởng chừng chẳng ăn nhập gì vào nhau cả. Lại được đan xen bởi những mối liên hệ có tính bản năng. Đều được phơi một trực tiếp không hề dấu diếm trên từng trang sách.
Nguyễn Công Hoan luôn tỏ một thái độ khách quan điềm tĩnh, luôn tạo tâm thế của con người đứng ngoài cuộc mà quan sát. Cũng có lúc là quan sát khách quan từ xa, cũng có lúc quan sát cận cảnh. Nhưng bao giờ ông cũng tuân thủ theo trình tự tuyến tính, theo diễn biến của cốt truyện.
Các truyện ngắn ông viết về số phận của những kẻ ăn cắp vì đói quá hóa liều cũng được diễn giải theo trình tự nhất định của sự việc, bao giờ cũng vậy bắt đầu là quá trình thăm dò, đánh giá về cái ăn rồi nghĩ tới cách ăn:
“Nó chòng chọc nhìn, những củ to, béo nung núc, tròn trĩnh, nằm cong queo, ngổn ngang trên mẹt.
Khoai không bóc vỏ, ăn càng khỏi tốn, cứ thế kia, tọt vào mồm, trôi qua họng, xuống dạ dày”.
Rồi kết thúc bằng một trận đòn nhừ từ. Trong cách kể của ông về những trận đòn thường cận cảnh, chi tiết, chân thực, sự chân thật đó không nằm ngoài mục đích giúp độc giả nhìn nhận, đánh giá một cách chính xác nhất về giá trị của thận phận con người bị chà đạp, khinh rẽ và bị coi thường một cách khủng khiếp.
Trước cái đói con người dám làm tất cả và quan điểm của ông là thuật lại một cách đầy đủ nhất nó. Chuyện những người ăn xin dám thực hiện một cú nhảy từ trên cao xuống, tàn phá cơ thể lành lặn của mình để kiếm miếng ăn (Cái vốn để sinh nhai). Về chuyện những cặp vợ chồng vì không đủ bạc nộp tiền cưới mà dẫn đến cảnh vợ một nơi chồng một nơi (Vợ). Về những anh kéo xe vừa kéo khách họ vừa ọe ra máu mà vẫn phải chấp nhận để kiếm cái ăn. Rồi những em bé như Thằng Quýt (Thằng Quýt), con Thanh (Thanh ! Dạ !)
con Đỏ (Quyền chủ, Phành ! Phạch) bị đầy đọa, bóc lột, thậm chí là cướp bóc trắng trợn và bị đẩy vào chốn lao tù, rất nhiều và rất nhiều chuyện bi, hài xung quanh cái đói mà Nguyễn Công Hoan lột tả, trong truyện ngắn của mình một cách có thứ tự.
Truyện ngắn Hai cái bụng (1939) một trong những truyện ngắn thể hiện rõ quan điểm về nghệ thuật kể chuyện theo diễn biến tuyến tính của sự việc. Vào đầu ông cũng giới hình dáng, ngoại hình từng bộ phận của kẻ ăn mày “nó có một cái sọ đếm được tóc”, “nó có một cái mặt” đến cái miệng, hàm răng, đôi mắt cho đến tổng thể hình dáng tổng thể là “một đống rác chưa đáng sợ, đáng tởm bằng nó”. Đối diện với hình hài đói khát của thằng bé ăn mày là thân hình phì nộ, thừa mứa thức ăn, tới phát bệnh của những người giàu có.
Điều đáng chú ý ở truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan đôi lúc có những câu truyện mà cốt truyện của nó thực chất chẳng có gì để viết, đáng viết, chuyện về một thằng bé ăn xin và một con người thừa mứa thức ăn là một chuyện bình thường. Thậm chí là nhan nhản trong xã hội sự giàu nghèo,
sang hèn thể hiện rõ nét. Nhưng với cách kể chuyện dẫn dắt câu chuyện trong những cảnh xuống có sự đối lập, tương phản, tạo nên sự lệch pha nhằm gây tiếng cười, trào phúng châm biếng, mỉa mai. Cốt truyện thật không có gì khác thường, không có gì đáng cười. Nhưng với cách kể chuyện khách quan, bình thản của mình đã làm cho cốt truyện từ chỗ bình thường, trở nên khác thường, từ chỗ không đáng cười, thành đáng cười. Tiếng cười cảm thông, chia sẻ trước cái thực trạng đầy chua xót “nên dường như có một nụ cười lắng sâu, lẵng vào tiếng thở dài não ruột” của tác giải.[18,tr.389]
3.2.3.2. Kể chuyện men theo tâm lý của nhân vật trong truyện ngắn Nam Cao
Nếu Nguyễn Công Hoan khai thác tối đa cốt truyện, và kể chuyện theo diễn biến của cốt truyện, theo tuyến tính thời gian thì Nam Cao lại sử dụng lối kể chuyện gắn liền với tâm trạng, tâm lý nhân vật, không tuân thủ sự tuyến tính của thời gian, sự thứ tự lớp lang của các tình huống, chi tiết. Đó là giọng kể chủ đạo trong các truyện ngắn của Nam Cao và trong truyện ngắn khai thác về đề tài cái đói, cái ăn cũng không phải là một ngoại lệ.
Một trong những mảng của đề tài về cái đói, cái nghèo là những truyện ngắn của ông viết về tầng lớp tri thức tiểu tư sản nghèo. Những tầng lớp nhạy cảm và ý thức rõ nhất cái sức ì, cái gánh nặng cơm áo gạo tiền. Họ luôn dằn vặt, luôn trăn trở về thân phận của con người trước cái ăn cái đói. Chính vì vậy giọng kể men theo tâm lý của nhân vật gắn liền với ngôn ngữ đa thanh, mỗi nhân vật một ngôn ngữ riêng, giọng điều riêng không thể trộn lẫn. Đồng thời giảm bớt vai trò của người kể chuyện giúp người đọc gần hơn với nhân vật, những trang viết về tầng lớp tri thức tư sản như:
Trăng sáng, Đời thừa, Nước mắt, Cười, Sống mòn.. là những minh chứng cho một cuộc sống nghèo khổ, vất vả, túng thiếu. Hình ảnh những anh tri thức nghèo vật lộn với sinh kế gần như kiệt cả sức, để rơi vào cảnh ngộ
được coi là “Sống mòn” hoặc “Chết mòn” được kể lại bằng giọng văn giàu chất tâm lý và cả triết lý.
Hầu hết những nhân vật tiểu tư sản trong truyện ngắn của Nam Cao trước cách mạng họ có thể làm nhiều nghề khác nhau, có thể là nhà văn, nhà báo, nhà giáo … nhưng họ đều có một điểm chung là đều bị miếng cơm manh áo ghì sát đất. Họ ý thức rõ điều đó và cố mọi cách để chống lại nó. Nhằm tìm cho mình lối thoát riêng. Nhưng khốn nạn thay trong cuộc vật lộn với miếng cơm manh áo họ đều bị thất bại, đó đều là những thất bại thảm hại, đầy bi kịch. Cho nên trong dòng trần thuật men theo tâm lý nhân vật chất chứa đầy sự trăn trở, day dứt đó. Thỉnh thoảng ta thấy những sự sáo động, sự thay đổi trong cách kể của Nam Cao.
Nó làm đánh mất đi sự điềm tĩnh, khách quan, triết lý vốn có của tác giả “Thôi thế là hết ! Ta đã hỏng ! Ta đã hỏng mất rồi” (Đời thừa). Đó là những lời than vãn, uất ức nghẹn ngào, cũng có thể là sự cáu gắt buông suôi đầy thất vọng không chỉ của Hộ (Đời thừa) mà của rất nhiều nhân vật chung số phận trong đó không loại trừ chính bóng hình của tác giả. Nhưng đấy là sự thay đổi cách kể, hay chính xác là sự thay đổi của tâm trạng, như một kết cục tất yếu của những nỗ lực chống lại sự bùa vây của nghèo đói, túng bấn của những con người nghèo khổ nhưng đều thất bại.
Bên cạnh những truyện ngắn viết về người tri thức nghèo, những truyện ngắn viết những con người nông dân nghèo khổ, bần hàn. Nhìn chung Nam Cao vẫn giữ nguyên cách kể chuyện bám sát vào sự vận động của tâm lý. Từ anh đĩ Chuột (Nghèo), Lão Hạc (Lão Hạc) cho tới Chí Phèo (Chí Phèo) giọng kể chuyện của Nam Cao Vẫn tuân thủ dòng chảy của tâm lý. Những dòng chảy đó sẽ được dồn nén, cô đọng lại ở những thời điểm nhất định để tạo nên những hậu quả vô cùng khốc liệt do cái đói, cái nghèo gây ra. Tâm trạng bế tắc, vô vọng, túng quấn đã dẫn anh đĩ Chuột tìm đến một cái chết bi thảm.
Tâm trạng đau đớn của Lão Hạc khi phải bán “Cậu vàng” và ý thức về phẩm giá, lòng tự trọng của bản thân cũng đã đưa lão tới một cái chết đầy vật vã, quằn quại như là một sự giải thoát cho mình khỏi cái đói, khỏi phải đánh mất lòng tự trọng. Đặc biệt sự thay đổi, vận động của ý thức, đã thắp sáng lương tri trong một kẻ được xem là một con quỷ như Chí Phèo.
Với lối kể chuyện không tập trung khai thác xoáy sâu vào chủ đề, vào cốt truyện, không tập trung bám sát hành động của các nhân vật. Mà cách kể chuyện thực chất là kể tâm trạng của Nam Cao luôn đem lại cho người đọc sự cảm nhận có chiều sâu bên trong vừa xót thương vừa căm phẫn lại cay đắng. Cách kể chuyện đó dẫn dắt người đọc tiếp nhận cốt truyện, các hành động, các xung đột một cách tự nhiên như là quy luật tất yếu, một sản phẩm hiển nhiên của những quá trình ý thức về bản thân của nhân vật. Một anh thanh niên thất nghiệp (Xem bói). Một người bố thèm thịt chó (Trẻ con không được ăn thịt chó) luôn tự vấn chính mình sau một quá trình nghiền ngẫm, so đo giữa cơm và phở, anh ta lại lựa chọn “xem bói” một hành động trên thực tế nó chẳng tỉ lệ thuận với cơn đói đang hành hạ anh ta tí nào. Nhưng xét kỹ lại là một hành động có lý của một con người luôn bị vùi dập trong cảnh tối tăm dai dẳng của cái đói. Cũng sau một quá trình phân tích lợi và hại của việc nuôi con chó ông bố quyết định giết thịt nó như là một lẽ tự nhiên trước hoàn cảnh nghèo khó của gia đình.
Trước cái đói Nam Cao không tô vẽ là một tay chép chuyện theo trình tự tuyến tính mà luôn để nhân vật nói lên nỗi lòng, tâm trạng, suy nghĩ của mình qua trang sách. Chính điều đó nó làm giảm khoảng cách giữa người đọc và nhân vật trong truyện, với lối kể chuyện như vậy giúp bạn đọc như đang đối thoại trực tiếp với nhân vật, dằn vặt khổ đau, cay đắng cùng những kiếp người lầm than, nghèo khổ.
KẾT LUẬN
1.Việt Nam thuộc các nước Đông Á chịu sự ảnh hưởng rất lớn của tư tưởng nho giáo. Có thể nói cây nho giáo đã bén rễ đâm chồi nảy lọc, chi phối hầu như hoàn toàn hệ tư tưởng trong suốt hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc.
Tư tưởng nho giáo hiện hữu ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội. Từ việc thi cử khoa bảng, cho tới lời ăn tiếng nói hàng ngày của tầng lớp bình dân cũng mang nặng tư tưởng nho giáo. Vậy thì, ắt hẳn không chỉ riêng những kẻ sĩ tri thức nho giáo xem trọng khí tiết coi thường vật chất mà ngay
cả tầng lớp dân đen đói khổ cũng đều ý thức được “Miếng ăn là miếng nhục” “miếng ăn là miếng tồi tàn”. Nhưng miếng ăn vốn dĩ tự thân nó không hề chứa đựng mặt tiêu cực, mà là bản năng bình thường và tối thiểu nhất của mỗi con người. Chỉ có phương thức tìm ra miếng ăn và cách ăn trong những hoàn cảnh nhất định mới chứa đựng những yếu tố tiêu cực.
2. Trong văn học dân gian, văn học trung đại, vấn đề cái ăn và cái đói không phải và chưa bao giờ là vấn đề trung tâm. Có chăng hai dòng văn học này chỉ tập trung vào sự giáo dục con người luôn biết giữ vững khí tiết trước miếng ăn. Nghèo mà thanh sạch, nghèo mà đùm bọc yêu thương nhường cơm sẻ áo, có trước có sau, trên kính dưới nhường. Nhưng bước vào những năm đầu thế kỷ XX cái ăn và đặc biệt là “cái đói” trở thành một vấn đề nổi cộm trong xã hội thực dân phong kiến áp bức, bóc lột và đầy rẫy bất công. Trở thành một vấn đề, một hiện tượng lớn cho nhiều cây bút tập trung khai thác. Nếu dòng văn học lãng mạn quan tâm tới con người chủ yếu ở mặt khẳng định sự tồn tại của cái tôi cá nhân, thì dòng văn học hiện thực phê phán lại thâm nhập sâu sát vào đời sống túng quấn, bế tắc trong nghèo đói của tầng lớp nhân dân lao động và tri thức nghèo. Những cây bút lão thành như Hồ Biểu Chánh, Ngô Tất Tố, Phạm Duy Tốn, cho tới Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân … đều hướng ngòi bút của mình vào những lớp người lầm than dưới đáy. Họ quan tâm tới mọi cảnh sống tủi nhục của dân nghèo, trong đó có cả cái ăn và cái đói. Tuy không nhiều, và chưa xem xét vấn đề này như một hiện tượng, có tính chất độc lập chi phối tới mọi mặt của đời sống con người. Nhưng dù sao cũng đã tạo nên được một bức tranh khá đầy đủ về cuộc sống của những con người “đói ăn”, như một hành động tố cáo trực tiếp chế độ thực dân phong kiến đương thời và thể hiện trách nhiệm, lương tri của người cầm bút trước cảnh lầm than đói khổ của đồng loại.