Học tập ở phòng học bộ môn không đơn thuần là hoạt động tự học một cách tự phát của HS mà phải đặt dưới sự tổ chức hướng dẫn của giáo viên. Trong dạy - học ở phòng học bộ môn đòi hỏi người GV phải gia công rất nhiều để chỉ đạo các hoạt động nhận thức của học sinh. Hoạt động của người thầy bao gồm: định hướng phát triển tư duy cho HS, lựa chọn nội dung của vấn đề và đảm bảo tính vừa sức của HS, tổ chức HS trao đổi trên lớp, chuẩn bị các phương tiện trực quan cần thiết…Hoạt động chỉ đạo của GV như thế nào để cho mọi thành viên trong lớp đều trao đổi, tranh luận tích cực. Đó là việc làm không dễ dàng đòi hỏi người giáo viên đầu tư công phu vào thiết kế bài dạy.
Trong việc tổ chức dạy-học ở phòng học bộ môn, HS tiếp thu các tri thức khoa học thông qua con đường nhận thức: từ tri thức của bản thân thông qua hoạt động hợp tác với bạn để hình thành tri thức có tính chất xã hội của cộng đồng lớp học. Giáo viên kết luận về cuộc đối thoại, đưa ra nội dung của vấn đề làm cơ sở cho học sinh tự kiểm tra, tự điều chỉnh tri thức của bản thân tiếp cận với tri thức khoa học của nhân loại.
Học sinh có khả năng tự điều chỉnh nhận thức góp phần tăng cường tính mềm dẻo trong tư duy và năng lực tự học. Đó chính là nhân tố quyết định sự phát triển bản thân người học. Việc tổ chức học tập ở phòng học bộ môn sẽ phát huy được nội lực của học sinh, tư duy tích cực - độc lập - sáng tạo trong quá trình học tập. Góp phần giải quyết thành công các vấn đề là động cơ trí tuệ kích thích trực tiếp lòng say mê học tập của học sinh. Đó chính là động lực của quá trình dạy học.
Ngoài ra, học tập ở phòng học bộ môn sẽ giúp HS biết hợp tác với bạn trong quá trình học tập. Từng bước hình thành kỹ năng lao động hợp tác trong xã hội hiện đại. Học sinh biết tự đánh giá, tự điều chỉnh vốn tri thức của bản thân là cơ sở hình thành phương pháp tự học, tạo nên động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân trong cuộc sống.
Giải quyết các vấn đề nhỏ vừa sức với HS được tổ chức thường xuyên trong quá trình học tập là phương thức để HS tiếp cận với kiểu dạy học hình thành và giải quyết các vấn đề có nội dung khái quát hơn. Qua đối thoại trò - trò, thầy - trò sẽ tạo ra bầu không khí học tập sôi nổi, tích cực góp phần hình thành mối quan hệ giao tiếp trong cộng đồng xã hội.
Phương pháp học tập ở phòng học bộ môn dựa trên cơ sở tâm lý học cho rằng nhân cách của trẻ được hình thành thông qua các hoạt động chủ động, thông qua các hành động có ý thức. Trí thông minh của trẻ phát triển nhờ sự “đối thoại” giữa chủ thể hoạt động với đối tượng và môi trường. Mối quan hệ giữa học và làm đã được nhiều tác giả nói đến, “suy nghĩ tức là hành động” (J.Piagiê), “Cách tốt nhất để hiểu là làm” (Kant). “Học để hành; học và hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích; hành mà không học thì hành không trôi chảy” [17].
Phương pháp học tập ở phòng học bộ môn, học sinh - chủ thể của hoạt động học - được cuốn hút vào những hoạt động học tập do giáo viên tổ chức và chỉ đạo. Thông qua đó HS được tự lực khám phá những cái mình chưa biết chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức đã sắp đặt sẵn. Được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, HS trực tiếp quan sát, thảo luận, làm thí nghiệm, giải quyết vấn đề đặt ra theo cách suy nghĩ của mình. Từ đó, HS vừa nắm được kiến thức, kỹ năng mới, vừa nắm được phương pháp “làm ra” những kiến thức, kỹ năng đó, không nhất thiết rập theo những khuôn mẫu sẵn có, được bộc lộ và phát huy tiềm năng sáng tạo.
Học tập ở phòng học bộ môn không chỉ đơn giản là tự chiếm lĩnh tri thức mà còn là quá trình hành động. Khả năng hành động là một yêu cầu được đặt ra không phải chỉ đối với từng cá nhân mà cả ở cấp độ tập thể, cộng đồng. Phương pháp giảng dạy sẽ giúp cho từng HS biết hành động và tích cực tham gia các chương trình hành động của tập thể, của cộng đồng. Trong phương pháp dạy-học ở phòng học bộ môn, học chữ và học làm gắn quyện với nhau.
“Từ học làm đến biết làm, muốn làm và cuối cùng muốn tồn tại và phát triển như nhân cách một con người lao động, tự chủ, năng động và sáng tạo”.