Ở Việt Nam ước tính có hơn 11000 loài côn trùng, cho đến nay mới mô tả được 5383 loài, theo kết quả điều tra đã phát hiện được 583 loài gây hại chủ yếu mà trong đó có 295 loài gây hại tiềm tàng đối với cây trồng, 139 loài gây hại kho tàng và 419 loài côn trùng truyền nhiễm nguy hiểm cho người và gia súc. Các kết quả điều tra về thành phần loài côn trùng gây hại trong kho ở Việt Nam không nhiều và ít được điều tra cập nhật.
Theo đánh giá của GS. TS. Lê Doãn Biên thì thiệt hại do côn trùng gây ra cho ngũ cốc bảo quản trong kho là 10%, đối với củ quả tươi bảo quản là 20%. Mặc dầu chúng ta chưa có thống kê đầy đủ về tổn thất nông sản cất giữ trong kho do sâu mọt gây nên tuy nhiên sau đây là một số dẫn liệu về tình trạng gây hại của sâu mọt hại kho gây nên.
Đối với hàng hoá xuất khẩu và bảo quản trong kho, Viện bảo vệ thực vật - Bộ nông nghiệp năm 1966 - 1969 điều tra trên 113 mặt hàng để trong kho ở các tỉnh phía Bắc đã thu thập được 78 loài côn trùng, trong đó có 51 loài gây hại kho, có 5 loài côn trùng và một số loài nhện có ích, số còn lại chưa rõ.
Trong cuốn sâu hại nông sản trong kho và phòng trừ của Vũ Quốc Trung (1978) [25], ông đã mô tả 67 loài côn trùng, trong đó có 5 loài côn trùng có ích thuộc 3 bộ (Hymenoptera, Hemiptera, Coleoptera) và một loài nhện có ích trong kho.
Hoàng Văn Thông - Nguyễn Thị Giáng Vân (1986) [16] đã công bố kết quả điều tra trong hơn 80 kho trên 20 loại nông lâm sản phẩm cất giữ ở các tỉnh phía Bắc đã thu thập được 42 loài côn trùng.
Ngoài ra còn có một số nghiên cứu khác như: Kết quả điều tra côn trùng hại kho là đối tượng của kiểm dịch thực vật (Dương Quang Diệu, Nguyễn Thị Giáng
Vân, 1976); Thành phần hại côn trùng hại dược liệu bảo quản (Nguyễn Thị Giáng Vân, 1982).
Các nghiên cứu về thành phần sâu mọt trên hàng nông sản xuất nhập khẩu còn rất nhiều hạn chế. Mới chỉ có một số nghiên cứu như kết quả theo dõi thành phần côn trùng trong các mặt hàng xuất khẩu trong 30 năm (từ 1960 - 1990) của Nguyễn Thị Giáng Vân (1991) [16]. Kết quả đã thu thập, phát hiện được 130 loài, thuộc 9 bộ, 46 họ côn trùng hại trên hàng hoá xuất nhập khẩu và bảo quản.
Báo cáo về thành phần loài vê côn trùng hại thóc dự trữ tại Hà Nội của Nguyễn Thị Bích Yên (1998) [17] cho thấy tác giả đã ghi nhận được 9 loài côn trùng gây hại thuộc 8 họ của 3 bộ, trong đó có 3 loài thuộc nhóm gây hại sơ cấp và 6 nhóm gây hại thứ cấp.
Kết quả điều tra của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VI năm 1998 cũng đã thu thập được 41 côn trùng hại kho ở 4 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, thuộc 25 họ và 3 bộ. Trong 41 loài đã thu thập được, có 5 loài mới phát hiện ở lần điều tra này của 5 họ thuộc hai bộ (Coleoptera, Lepidoptera). Thành phần côn trùng có ích là 6 loài, trong đó bắt mồi ăn thịt là 4 loài, ký sinh là 2 loài. Báo cáo 5 năm hoạt động Kiểm dịch thực vật nội địa Chi cục bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết chưa phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật ở Nghệ An. Các dịch hại chủ yếu là các đối tượng sâu mọt hại kho thông thường, trong đó có mật độ cao là mọt gạo và mọt thóc đỏ (mật độ trên 200 con/kg) [3].
Theo Hoàng Trung (1999) [8], thành phần côn trùng hại kho ở 9 tỉnh phía bắc Việt Nam có 60 loài của 30 họ thuộc 7 bộ. Trong số này tập trung chủ yếu ở bộ cánh cứng 45 loài thuộc 22 họ.
Số liệu công bố gần đây về thành phần côn trùng trong kho thóc dự trữ đổ rời ở vùng Hà Nội và phụ cận của Bùi Minh Hồng và Hà Quang Hùng (2004) cho thấy đã ghi nhận được 15 loài côn trùng thuộc 11 họ của 3 bộ [2].
Thành phần côn trùng trong kho thóc dự trữ đổ rời ở miền Bắc Việt Nam (Dương Minh Tú, 2004) [4] đã thu thập được 32 loài côn trùng thuộc 20 họ của 5 bộ. Trong đó có 25 loài côn trùng gây hại (4 loài gây hại sơ cấp, 21 loài gây hại
thứ cấp) 7 loài côn trùng có ích (4 loài bắt mồi, 3 loài ong ký sinh) 3 loài côn trùng lần đầu tiên được bổ sung vào danh sách côn trùng trong kho thóc dự trữ là
Liposcelis entomophila E., Liposcelis bostrychophila B. và Cortcaria japonica R. Nghiên cứu về thành phần sâu mọt hại kho đã được công bố thời gian qua đều đã xác định là thành phần loài rất phong phú và đa dạng, thời gian phát dục ngắn, nhiều loài có sức sinh sản nhanh, tấn công phá hoại nông - lâm sản cất giữ trong kho khá nặng nề và gây thiệt hại đáng kể.