10 Thói quen sử dụng dịch vụ của khách hàng 0,0 92 0,18 Đe dọa
3.3.1.2. Phát triển và quản lý tổng tài sản có
Tổng tài sản có của Ngân hàng bao gồm tiền mặt, tài sản cố định và các khoản đầu tư sinh lãi. Tổng tài sản có của ngân hàng có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó thể hiện quy mô hoạt động của ngân hàng. Thu nhập của ngân hàng là thu từ các nghiệp vụ sử dụng vốn mà phát triển việc sử dụng vốn thì đòi hỏi ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn huy động. Từ đó cho thấy, tổng tài sản có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Cùng một mức vốn cổ phần như nhau, ngân hàng nào có tổng tài sản có lớn hơn sẽ tạo được lợi nhuận nhiều hơn, hiệu quả sẽ cao hơn.
Vốn điều lệ là cơ sở quyết định tổng tài sản có. Cụ thể dựa trên vốn điều lệ mà ngân hàng tăng cường khả năng huy động cũng như tăng khả năng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Mục tiêu của việc tăng tổng tài sản là nâng cao vị thế cạnh tranh của ngân hàng cũng như tăng cường hoạt động kinh doanh tạo ra hiệu quả cao nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay của ngân hàng. Cũng như đã phân tích trong chương trước, tổng tài sản của Eximbank còn rất khiêm tốn, đặc biệt trong năm 2009 tốc độ tăng của tổng tài sản thấp hơn tốc độ tăng của vốn điều lệ. Do vậy, Eximbank cần nỗ lực trong việc tăng tổng tài sản có trong giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn tiếp theo nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động từ việc tăng vốn theo như mục tiêu đề ra.
Mục tiêu cụ thể của Eximbank đến năm 2015 đưa tổng tài sản đạt 500.000 tỷ đồng, tương đương 20 tỉ đô la Mỹ. Để đạt được mục tiêu này, Eximbank nên sử dụng biện pháp nâng cao mức vốn điều lệ, vì đây là cơ sở để ngân hàng có khả năng huy động khối lượng vốn lớn từ các tổ chức kinh tế, dân cư trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, các giải pháp về huy động vốn, phát triển các khoản đầu tư sinh lãi cũng cần được chú ý.
Mục tiêu của Eximbank là phát triển thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu trong nước và khu vực. Tuy nhiên, các sản phẩm huy động hiện nay của Eximbank không phù hợp với việc phát triển sản phẩm bán lẻ. Các sản phẩm huy động cá nhân quá ít, các chương trình khuyến mãi, tặng thưởng chỉ áp dụng với các cá nhân,
doanh nghiệp gửi số tiền lớn, không thu hút được doanh nghiệp nhỏ, cá nhân nhỏ, lẻ gửi tiền vào Eximbank. Các chương trình gửi tiền, chuyển tiền, các dịch vụ thanh toán qua Internet Banking đã được Eximbank nghiên cứu, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để người dân cũng như doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ này đòi hỏi Eximbank phải đưa ra các chính sách Marketing. Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dịch vụ nhằm đa dạng hóa danh mục sản phẩm cũng là vấn đề kích thích tăng huy động vốn. Chính điều này sẽ giữ chân được những khách hàng truyền thống và mở cửa đón tiếp những khách hàng tiềm năng.
Trong lĩnh vực ngân hàng thì uy tín được xem rất quan trọng, dựa trên cơ sở này mà Eximbank có thể giao dịch liên ngân hàng một cách tốt nhất, các dịch vụ thanh toán chuyển khoản, thanh toán quốc tế được các Ngân hàng bạn ưu tiên thực hiện, thu hút sự quan tâm của các đối tượng khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Đồng thời, có thể thu hút đầu tư của các đối tác chiến lược (đầu tư công nghệ, kỹ năng quản lý…). Do vậy Eximbank cần khẳng định vị thế của mình trên thị trường tài chính. Một điều cốt lõi mà ngân hàng nào muốn thành công thì phải chứng tỏ khả năng hoạt động kinh doanh hiệu quả, ngày càng phát triển để tạo niềm tin cho khách hàng khi đặt mối quan hệ với ngân hàng.
Như vậy, ngoài các nội dung trên có tác động đến tổng tài sản có, Ngân hàng cần xây dựng chiến lược kinh doanh, đề ra các sản phẩm phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể. Các công cụ hỗ trợ như công nghệ thông tin, chất lượng nhân sự, cơ cấu tổ chức cần được quan tâm, đầu tư, phát triển nằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng, thu hút sự quan tâm, sử dụng dịch vụ của khách hàng, thu hút đầu tư của các đối tác chiến lược.
Ngoại trừ tiền mặt và tài sản cố định, tài sản có đều là những khoản đầu tư sinh lời mỗi ngày. Do đó, việc quản lý Tổng tài sản có cần được quản lý chặt chẽ nhằm giúp Ngân hàng ổn định, có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thanh khoản để xây dựng chiến lược kinh doanh tốt, mang lại lợi nhuận tối ưu cho Ngân hàng.
Như đã đánh giá thực trạng hiệu quả hoạt động của Eximbank ở chương trước, cùng với tình hình thị trường tài chính hiện nay, Eximbank cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, giảm thiểu đầu tư vào các danh mục ít hiệu quả, xem xét lại tỷ lệ
gia tăng của các khoản đầu tư nằm trong danh mục tổng tài sản có nhằm đảm bảo cho Eximbank phát triển bền vững, an toàn theo mục tiêu đã đề ra.
Trong các khoản mục của tổng tài sản thì cho vay là khoản đem lại lợi nhuận chủ yếu cho ngân hàng nhưng không phủ nhận một điều là hoạt động này có tỷ lệ rủi ro khá cao. Do vậy, Eximbank cần phát triển đầu tư tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh ở mức thấp nhất. Các phương thức cụ thể được tác giả luận văn nêu lên ở phần sau (phần 3.3.1.3).
Theo xu hướng chung của ngành thì tỷ lệ đầu tư vào tín dụng ngày càng thu hẹp, Eximbank cũng không nằm ngoài trường hợp này. Hiện nay tỷ lệ sử dụng vốn của Eximbank trên 100% là quá cao, cần điều chỉnh tỷ lệ này xuống còn 60% theo mục tiêu đến năm 2015 nhằm hạn chế rủi ro từ hoạt động tín dụng đồng thời nâng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi vay (bao gồm thu từ hoạt động đầu tư, từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, hoạt động trên thị trường liên ngân hàng, các khoản thu dịch vụ và thu khác) trở thành nguồn thu ổn định đóng góp vào tổng thu nhập của ngân hàng. Như trước đây nguồn vốn sử dụng để đầu tư tín dụng, nay giảm tỷ lệ sử dụng vốn để cho vay xuống thì ngân hàng quan tâm đến các khoản đầu tư bên ngoài bằng cách tăng tỷ lệ đầu tư vào các tài sản có sinh lời khác như đầu tư chứng khoán, góp vốn mua cổ phần, kinh doanh ngoại tệ… nhằm hạn chế rủi ro phát sinh quá cao từ hoạt động tín dụng. Đây là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận tương đối cao nhưng tỷ lệ rủi ro cũng không kém gì hoạt động tín dụng. Do vậy ngân hàng cần phân tích kỹ các loại chứng khoán, ngoại tệ trước khi đầu tư để có thể kiểm soát được mức độ rủi ro. Nên phân tán rủi ro bằng cách đa dạng hóa các loại chứng khoán, ngoại tệ trong danh mục đầu tư.
Như vậy, việc gia tăng các khoản mục đầu tư đem lại hiệu quả hoạt động cao nếu như ngân hàng quản lý tốt được những rủi ro phát sinh, đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh theo luật định, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trên 8%.