Quy định về quản lý hạch toán kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn đang có giá trị hiện hành, qua thực tiễn áp dụng đã bộc lộ những bất hợp lý, cần phải điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp để nâng cao hiệu lực quản lý, phối hợp thị trường và chủ động kinh doanh của các đơn vị:
- Chuyển hẳn cơ chế đặt hàng sang mua hàng. Các công ty thành viên xác định nhu cầu hàng quý đặt mua với Tập đoàn, Tập đoàn tổ chức nhập khẩu và giao bán cho các đơn vị tổ chức kinh doanh.
- Cơ chế giao các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm cần sớm thoát khỏi cơ chế hành chính, áp đặt, mà để tự đơn vị xác lập và hoạch định các chỉ tiêu trong năm tài chính. Việc điều lợi nhuận về tập trung tại Tập đoàn và phân phối lại là cách làm thiếu công bằng, không kích thích từng đơn vị tăng cường tích lũy và hạn chế sự nỗ lực các đơn vị.
- Xác lập chiến lược phát triển và xây dựng mô hình phát triển Tập đoàn xăng dầu Quốc gia mạnh của Việt Nam để chuẩn bị bộ máy, nguồn lực, vật lực cho cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt với các đối thủ trong nước ngày càng mạnh và với các Tập đoàn nước ngoài trong tương lai gần vào kinh doanh ở Việt Nam.
Tóm tắt chương 3
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là tất yếu, là động lực nhưng đồng thời cũng là khó khăn thách thức. Muốn tổ chức kinh doanh có hiệu quả, Công ty Xăng dầu Đồng Nai cần phải có các giải pháp kinh doanh đột phá, đánh giá đúng hiệu quả dự án đặt trong mối quan hệ thị trường tương lai nhiều biến động. Mặt khác, phải có chiến lược Marketing-mix, đảm bảo tăng trưởng ổn định bền vững. Vấn đề đặt ra Công ty Xăng dầu Đồng Nai phải biết khai thác lợi thế riêng về khách hàng, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, mạng lưới, khả năng linh hoạt của quy mô hoạt động để có những biện pháp thích ứng kịp thời.
Trong chương 3, tác giả tập trung vào các nhóm giải pháp nhằm phần nào nâng cao hiệu quả các chiến lược Marketing-mix tại Công ty Xăng dầu Đồng Nai hiện nay, bao gồm: Nhóm giải pháp chiến lược sản phẩm, nhóm giải pháp chiến lược giá, nhóm giải pháp chiến lược phân phối và nhóm giải pháp chiến lược chiêu thị, giúp cung và cầu hiểu nhau, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho khách hàng và tăng cường việc tối đa hoá lợi nhuận cho công ty. Đồng thời giúp các cấp lãnh đạo của Công ty Xăng dầu Đồng Nai có cái nhìn khái quát về các chiến lược Marketing-mix để từ đó có những giải pháp điều chỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng ưu thế đang có của công ty, giúp Công ty Xăng dầu Đồng Nai ngày càng phát triển xa hơn.
KẾT LUẬN
Trước xu thế toàn cầu hoá và hội nhập, để tiếp tục phát triển ổn định và kinh doanh có hiệu quả, Công ty Xăng dầu Đồng Nai cần xây dựng các chiến lược Marketing phù hợp trên cơ sở áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật, đưa ra các dịch vụ hiện đại để phục vụ khách hàng. Đặc biệt, phải luôn có quan niệm đặt khách hàng là trung tâm trong chiến lược phát triển để tạo được niềm tin và uy tín trong hoạt động kinh doanh.
Công tác hoạch định, nghiên cứu các chiến lược Marketing-mix tại các doanh nghiệp nói chung và Công ty Xăng dầu Đồng Nai nói riêng đòi hỏi các chuyên gia xăng dầu phải có trình độ chuyên môn cao, không chỉ nắm vững công cụ phân tích hiện đại mà còn có bản năng nghiệp vụ cao. Hy vọng với trình độ khoa học tri thức, công nghệ ngày càng phát triển, những hạn chế trong hoạt động Marketing nói riêng và công ty nói chung ngày càng có giải pháp khắc phục.
Có thể nói rằng, với thị phần từng bước tăng trưởng, Công ty Xăng dầu Đồng Nai là một đơn vị lớn, khá ổn định trong tổ chức hệ thống và bài bản trong hoạt động điều hành. Mặc dù xuất thân từ một doanh nghiệp vận hành theo cơ chế kế hoạch, bao cấp nhưng Công ty Xăng dầu Đồng Nai đã nhanh chóng theo kịp diễn tiến của thị trường, trưởng thành đầu tàu trong ngành xăng dầu trên địa bàn. Đây là những thành tựu hết sức lớn lao và rất có ý nghĩa nếu chúng ta chú ý tới những điều kiện còn hạn chế của cơ chế kinh doanh do cơ chế quản lý cấp trên chi phối và những trở lực từ cơ chế của một doanh nghiệp Nhà nước, nơi mà quá nhiều yếu tố tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và nằm ngoài khả năng giải quyết của công ty.
Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng chiến lược có ảnh hưởng rất nhiều đến các ngành kinh tế khác nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nước nhà nói chung. Do đó, thị trường xăng dầu luôn luôn sôi động và cạnh tranh gay gắt. Công ty Xăng dầu Đồng Nai với những thành tựu nêu trên thật đáng tự hào, nhưng so với các đối thủ cạnh tranh đang ngày càng lớn mạnh thì thật đáng lo ngại. Công ty không những cần phải thực hiện theo định hướng đã hoạch định mà còn phải tận dụng khai thác hết mọi tiềm lực sẵn có để có thể khắc phục các điểm yếu, tăng cường năng lực cạnh
tranh nhằm đạt mục tiêu chung của công ty, của toàn ngành và đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung của cả nước.
Thông qua việc nghiên cứu đề tài “Một số giải pháp hoàn thiện Marketing-mix tại Công ty Xăng dầu Đồng Nai”, tác giả muốn nhấn mạnh lợi
ích của hoạt động Marketing là thực sự lớn lao và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của công ty. Tác giả tin tưởng rằng, những giải pháp hoàn thiện chiến lược Marketing-mix, bao gồm: Giải pháp hoàn thiện chiến lược sản phẩm, giải pháp hoàn thiện chiến lược giá, giải pháp hoàn thiện chiến lược phân phối và giải pháp hoàn thiện chiến lược chiêu thị, mà tác giả đề nghị mang tính thực tiễn cao, rất thiết thực và khả thi cho Công ty Xăng dầu Đồng Nai. Công ty có thể xem đây là một hướng đi cho hoạt động Marketing của mình để khắc phục những tồn tại, phát huy những điểm mạnh, không ngừng cải tiến, xây dựng các chiến lược Marketing, khai thác hiệu quả các nguồn lực sẵn có, để hiệu quả kinh doanh của công ty ngày càng tốt hơn.
Tuy có nhiều cố gắng trong nghiên cứu và trình bày luận văn, song khó tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của Quý Thầy, Cô, các đồng nghiệp và các cơ quan có quan tâm đến đề tài này.
Cuối cùng tác giả xin chân thành cảm ơn sự tận tình của Thầy hướng dẫn khoa học, sự quan tâm của tập thể Quý Thầy, Cô phòng sau đại học - Trường Đại học Lạc Hồng, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã giúp tôi hoàn thành tốt bài luận văn này.