3.2.3.1. Mục tiêu của biện pháp
Trong các nhà trường, vai trò quản lý của TTCM là rất lớn. Họ chính là người chịu trách nhiệm trước HT về điều hành toàn bộ hoạt động của TCM vì vậy tăng
cường quyền tự chủ cho TTCM sẽ là điều kiện quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy học - giáo dục trong nhà trường.
Giúp TTCM chủ động, sáng tạo trong quản lý điều hành hoạt động của tổ chuyên môn, tạo động lực phấn đấu và cống hiến của đội ngũ TTCM.
3.2.3.2. Nội dung của biện pháp
* Khái niệm tính tự chủ: Theo Từ điển tiếng Việt - Viện ngôn ngữ học, “Tính tự chủ” được hiểu là: "tự điều hành, quản lý mọi công việc của mình, không bị ai chi phối" [30,1075], còn tính năng động được giải thích: "sự hoạt động tích cực do bản thân tự thúc đẩy mình" [30, 660]. Đối lập với tính tự chủ là sự lệ thuộc, ngược lại với tính năng động là rập khuôn, máy móc, xơ cứng. Tính tự chủ và tính năng động có quan hệ hữu cơ với nhau. Đã có tính tự chủ thì bao giờ cũng năng động; ngược lại, thiếu tự chủ thì làm việc thường máy móc, trì trệ.
* Xây dựng cơ chế tự chủ và năng động cho tổ trưởng chuyên môn
Tính tự chủ của TTCM vừa là một yếu tố có tính nội tại, vừa là kết quả của một cách quản lý tích cực từ bên trên (HT). "Hằng số" về tính tự chủ của các TTCM không giống nhau, bởi điều này tuỳ thuộc vào phẩm chất trí tuệ và nhất là cung cách quản lý điều hành của TTCM. Nhưng tính tự chủ của các TTCM sẽ có những thay đổi (tích cực hoặc tiêu cực) bởi sự tác động của một cách quản lý. Thực tế đã chứng minh rằng, có những tổ trưởng chuyên môn vốn hoạt động theo kiểu máy móc, rập khuôn dưới thời HT cũ, nhưng lại trở nên linh hoạt, năng động hơn dưới thời HT mới. Và cũng có không ít trường hợp, sự biến chuyển theo chiều hướng ngược lại. Tất cả đều phản ánh năng lực, trình độ quản lý của HT. Gia tăng tính tự chủ chính là một biện pháp để phát huy cao nhất năng lực của TTCM.
3.2.3.3. Tổ chức thực hiện
Thứ nhất, Hiệu trưởng cần thể hiện sự tin tưởng đối với các TTCM.
Trong mục 3.2.2, chúng tôi đã trình bày vấn đề lựa chọn và bồi dưỡng đội ngũ TTCM. Ở đây, xin phân tích khía cạnh khác: sự tin tưởng của Hiệu trưởng đối với tổ trưởng - yếu tố không thể thiếu trong việc gia tăng tính tự chủ của tổ chuyên môn.
Có một sự thực là, không phải TTCM nào cũng đều thoả mãn các tiêu chí của sự lựa chọn. Người ta thường nói: "trong bó đũa chọn cột cờ", nghĩa là trong một đội ngũ nào đó, dù không có người thật nổi bật, nhưng không thể không chọn người đứng đầu điều hành công việc. Vậy nên, một khi đã giao việc cho ai, HT phải thể hiện thái độ tin tưởng ở họ. Trong cuộc sống cũng như trong công việc quản lý chuyên môn, khi được tin tưởng, người ta sẽ nỗ lực cố gắng vượt bậc, khắc phục những tồn tại, non yếu để gánh vác trách nhiệm được giao. Nếu sự cố gắng này được duy trì bền bỉ, năng lực của người tổ trưởng sẽ được nâng lên, cung cách làm việc sẽ ngày càng vững vàng, chững chạc, dần dần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Sự tin tưởng chân thành đi đôi với sự bồi dưỡng thường xuyên sẽ giúp TTCM tự tin hơn, và theo đó, tính tự chủ trong công việc cũng được nâng cao. Ngược lại, nếu không được tin tưởng, người ta dễ nhụt chí, mất tự tin, làm gì cũng sợ sai, hạn chế khả năng tìm tòi, sáng tạo và khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Cũng cần phải thấy, những tổ trưởng giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, dễ bộc lộ cá tính của mình, thậm chí có khi có biểu hiện "cứng đầu". HT phải tránh độc đoán, biết chấp nhận sự đa dạng về mặt tính cách của con người, thể hiện niềm tin tưởng, tôn trọng cách điều hành của họ. Chính sự bao dung, chấp nhận được nhiều cá tính khác nhau cũng là một "chỉ số" thể hiện cái tâm và cái tầm của HT.
Thứ hai, khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động của TTCM.
Hằng năm, mỗi trường đều có kế hoạch hoạt động do HT xây dựng, được trình bày trong Hội nghị công chức đầu năm. Trên cơ sở đó, các tổ trưởng chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ mình. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là chất lượng của bản kế hoạch. Nếu không đầu tư suy nghĩ tìm, tòi để nâng chất lượng hoạt động của tổ, các bản kế hoạch sẽ là sự lặp lại các đầu việc quen thuộc của những năm trước đó. Một bản kế hoạch có định hướng mới mẻ sẽ buộc các tổ viên ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình, để trước hết, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường; sau đó, đáp ứng những đòi hỏi của giáo dục địa phương ở thời điểm hiện tại.
Thứ ba, yêu cầu các tổ trưởng chuyên môn phải đa dạng hoá hình thức và nội dung sinh hoạt chuyên môn.
Tổ chuyên môn sinh hoạt định kì (2 tuần 1 lần) theo qui định của Điều lệ trường trung học. Thông thường, những vấn đề lớn cần giải quyết trong mỗi lần sinh hoạt TCM đều do HT nêu ra trong cuộc họp liên tịch giữa BGH và các tổ trưởng trước đó. Tuỳ tình hình cụ thể của nhà trường tại thời điểm đó mà các đầu việc cần giải quyết ở TCM được HT nêu ra cho phù hợp. Chẳng hạn:
- Yêu cầu rà soát tiến độ thực hiện chương trình dạy học của tổ chuyên môn (căn cứ vào bản Phân phối chương trình của Bộ);
- Bố trí dạy thay cho giáo viên đau ốm hoặc đi công tác đột xuất; - Chọn giáo viên thao giảng, thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp tỉnh; - Nhận xét, góp ý giờ thao giảng của giáo viên trong tổ;
- Chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém;
- Trình bày kết quả nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến kinh nghiệm đúc rút trong năm học;
- Dự chuyên đề bồi dưỡng giáo viên hoặc chuyên đề thay sách giáo khoa; v.v... Nhìn chung, các việc như thế là cụ thể và cần thiết, thuộc trách nhiệm giải quyết của TCM. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì sinh hoạt chuyên môn của TCM thiên về hành chính sự vụ do đó dễ gây nhàm chán. GV tham dự một cách miễn cưỡng, chiếu lệ, không thu được ích lợi gì.
Hiệu trưởng phải nhận thức đúng thực trạng để có phương hướng chỉ đạo thay đổi hình thức và nội dung sinh hoạt của các TCM. Trước hết, những phần việc có tính chất hành chính như phân công dạy thay, nắm tiến độ thực hiện chương trình, bố trí nhân lực vào các việc cụ thể... chỉ nên thông báo lên bảng của nhà trường, không cần đưa vào nội dung các cuộc họp. Thay vào đó, định hướng cho các TTCM dẫn dắt các cuộc họp, sinh hoạt của tổ đi sâu giải quyết những những tồn tại hoặc những vấn đề thời sự, cấp thiết đặt ra đối với chuyên môn. Cụ thể:
- Thảo luận những vấn đề mới và khó trong chương trình (nhất là đối với bộ SGK mới hiện nay);
- Phổ biến những tri thức cập nhật liên quan đến bộ môn (qua tài liệu tham khảo, qua mạng internet...);
- Giáo viên trình bày hướng chọn đề tài nghiên cứu, hướng đúc rút sáng kiến kinh nghiệm trong năm học;
- Thảo luận về việc đổi mới cách ra đề, cách kiểm tra (chẳng hạn kiểu đề mở đang phổ biến hiện nay).
- Trao đổi về vấn đề đổi mới PPDH ở trường THPT gắn với bộ môn cụ thể do tổ phụ trách;
- Tìm hiểu về các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và những vấn đề thời sự của giáo dục hiện đại;
- Trao đổi về cách khai thác, sử dụng các công nghệ, phương tiện, kỹ thuật phục vụ cho công việc giảng dạy, giáo dục (tìm tài liệu trên mạng, soạn bài giảng điện tử, sử dụng các phần mềm dành cho dạy học...);
- Bàn thảo, phối hợp biên soạn các tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy bộ môn, trước hết dùng trong nội bộ trường, sau đó nếu có điều kiện thì xuất bản, phổ biến rộng rãi.
- Bàn việc tham gia các Hội thảo khoa học về dạy học bộ môn do các trường Đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức...
Thứ tư, tránh áp đặt, can thiệp sâu vào công việc chuyên môn của tổ.
Xuất phát từ mục đích quản lý sâu sát, toàn diện các hoạt động của nhà trường, trong đó có TCM, không ít HT thường xuyên can dự sâu vào các công việc cụ thể của các TCM. Chẳng hạn, tham gia góp ý về những kiến thức trong một giờ thao giảng, đánh giá về một nội dung khoa học trong giáo án, nhận xét về đề ra cho các kỳ kiểm tra... Không thể phủ nhận HT là giáo viên giỏi, có kinh nghiệm trong việc dạy học ở một bộ môn nào đó. Tuy nhiên, dù sao, HT cũng không phải là một bộ
óc bách khoa, có thể hiểu biết sâu sắc mọi lĩnh vực, do đó, rất nên tránh đi sâu vào những vấn đề hóc búa trong tri thức của các bộ môn. Can thiệp sâu vào chuyên môn sẽ dễ rơi vào một trong hai tình huống không hay: hoặc bộc lộ những lỗ hổng kiến thức về môn học mà mình không được đào tạo; hoặc gây sức ép nặng nề đối với GV. Người lãnh đạo giỏi không phải là người thích đặt ra những quy tắc chặt chẽ và khắt khe trong việc điều hành, ngược lại, phải biết phát huy cao nhất năng lực của các đơn vị cũng như các cá nhân trong trường. Muốn tăng cường tính tự chủ của TTCM, phát huy tính năng động của GV, cần tránh áp đặt và can thiệp một cách không cần thiết vào lĩnh vực chuyên môn của từng tổ.
Thứ năm, tôn trọng sự tìm tòi, thể nghiệm của tổ trưởng chuyên môn, dù có khi những tìm tòi, thể nghiệm ấy chưa đạt kết quả mong muốn.
Cái mới, cái hay không bao giờ có được một cách dễ dàng. Tất cả đều phải là kết quả của sự mày mò, tìm tòi, thể nghiệm. Trong lĩnh vực dạy học, điều này càng thể hiện rõ.
Phải nói rằng, dạy học là một trong những công việc dễ dẫn người ta đi vào lối mòn nhất. Đó là một sự thực không thể hoàn toàn phủ nhận. Muốn vượt qua tình trạng "lối mòn", không có con đường nào khác là phải nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu nội dung bài học, tham khảo thêm những tài liệu có liên quan, nhất là không ngừng đổi mới cách thiết kế giáo án, PPDH, cách kiểm tra, đánh giá... Cái mới ban đầu thường dễ gây "dị ứng", bởi vì nó tỏ ra khác biệt so với những gì người ta quen làm. Những người bảo thủ lại thường khó chấp nhận cái mới. Tổ chuyên môn là nơi kiểm nghiệm tốt nhất những gì liên quan đến chuyên môn hẹp, do vậy, phải nâng đỡ những nhân tố mới, cần có sự đánh giá tích cực, thiện cảm đối với việc tìm tòi, thể nghiệm, cho dù những thể nghiệm ấy chưa phải ngay lập tức được khẳng định.