3.2.4.1. Mục tiêu của biện pháp
Hoạt động của TCM là hoạt động trung tâm của nhà trường, chất lượng giáo dục - đào tạo phụ thuộc rất lớn vào chất lượng hoạt động của TCM. Đảm bảo các
điều kiện hoạt động cho các TCM chính là biện pháp tối ưu để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chuyên môn, tiến tới nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục trong các nhà trường.
3.2.4.2. Nội dung của biện pháp
Vấn đề phương tiện được đề cập đến ở đây bao gồm hai khía cạnh: cả các phương tiện dạy học dùng cho mỗi GV, cả các phương tiện cần thiết cho sinh hoạt, nghiên cứu chuyên môn của các TCM.
Đối với GV, phương tiện dạy học là "toàn bộ những trang thiết bị, đồ dùng, dụng cụ phục vụ việc giảng dạy và học tập. Trong thời đại cách mạng khoa học và công nghệ, việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại vào việc dạy và học, đặc biệt là máy vi tính, internet sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về phương pháp giảng dạy và học tập" [14,323].
Phương tiện dùng cho GV trong giờ lên lớp là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường. Nhưng đó mới chỉ là những gì liên quan đến hoạt động của cá nhân. Để TCM hoạt động thực sự có hiệu quả, việc cung ứng các phương tiện cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho TCM trong từng hoàn cảnh cụ thể của nhà trường là đỏi hỏi phải được đặt ra.
Do đặc thù của từng bộ môn, các TCM cần có những phương tiện khác nhau. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu những cơ sở vật chất, các phương tiện, điều kiện chung, thiết yếu mà bất cứ TCM nào cũng cần phải được trang bị.
3.2.4.3. Tổ chức thực hiện
* Xây dựng phòng sinh hoạt chuyên môn cho từng tổ chuyên môn
Tìm hiểu thực tế các trường THPT trên địa bàn Nghi Xuân, chúng tôi nhận thấy chỉ có 1 trong số 3 trường có các phòng dành riêng cho sinh hoạt chuyên môn của TCM. Mỗi lần họp, phần lớn các tổ phải sử dụng phòng học của các lớp. Sở dĩ như vậy là bởi, điều kiện CSVC của các trường còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên cho việc xây phòng học và các phòng chức năng khác. Còn một thực tế nữa không thể không nói
đến: dường như không ít HT quan niệm phòng sinh hoạt của các TCM chưa phải là một nhu cầu bức thiết. Hai tuần sinh hoạt một lần thì họp tạm đâu đó cũng được, không ảnh hưởng gì lắm đến chất lượng và nội dung cần giải quyết.
Đó là một quan niệm lệch lạc. Nếu chất lượng chuyên môn là yếu tố tạo nên "thương hiệu" của một trường THPT, thì TCM là "đội quân chủ lực" đóng vai trò quyết định chất lượng của "thương hiệu" ấy. Xây dựng phòng chuyên môn cho xứng với vai trò không thể thay thế của các TCM là một cách đề cao vai trò của "đội quân chủ lực", và cũng để cho mọi người (cả trong và ngoài trường) thấy sự ưu tiên của nhà trường cho hoạt động chuyên môn. Đây không đơn thuần là vấn đề hình thức, mà là tiện nghi hết sức cần thiết cho hoạt động của một tập thể.
Một phòng chuyên môn được bài trí ngăn nắp, khoa học, được trang bị những đồ dùng và các phương tiện kĩ thuật tối thiểu, rất phổ biến hiện nay (bàn ghế, tủ đựng tài liệu, điện thoại, máy vi tính nối mạng internet...) sẽ tạo không khí nghiêm túc mà ấm áp trong các buổi sinh hoạt. Có phòng sinh hoạt khang trang, các tổ sẽ tìm cách trang trí cho nổi bật màu sắc riêng của bộ môn mình. Ví dụ: treo chân dung các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học (tuỳ đặc trưng bộ môn); giới thiệu các thông tin khoa học liên quan đến bộ môn; trưng bày những thành quả mà các thành viên của tổ đạt được (các bài báo, các sáng tác, sáng kiến kinh nghiệm, các tài liệu do tổ biên soạn...). Làm việc trong một không gian như thế, mọi thành viên của tổ sẽ cảm thấy có không khí chuyên môn và gắn bó với nhau hơn trong tập thể của mình. Chất lượng của các buổi sinh hoạt chuyên môn cũng nhờ vậy mà sẽ được nâng lên rõ rệt.
* Xây dựng tủ sách, bộ tài liệu tham khảo và trang bị các thiết bị kĩ thuật cho tổ chuyên môn
Mỗi trường THPT đều có thư viện chung. Thông thường, các loại sách báo, tài liệu dành cho mọi đối tượng trong trường (GV,HS) đều được phục vụ bởi nhân viên phụ trách thư viện của trường. Sách báo, tài liệu phong phú hay nghèo nàn là tuỳ thuộc vào quan điểm của người lãnh đạo và khả năng tham mưu của người thủ thư.
Cách tổ chức thư viện theo hình thức như trên là hết sức phổ biến. Cách làm ấy có điểm tiện lợi là quy tất cả về một mối, dễ quản lý tài sản chung. Tuy nhiên, một
nhân viên thư viện không thể bao quát và biết được hết nhu cầu cụ thể về tài liệu tham khảo của các TCM, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin và thị trường sách có phần bát nháo như hiện nay. Để khắc phục tình trạng ấy, HT cần giao cho TCM xây dựng tủ sách và bộ tài liệu tham khảo.
Nếu mỗi tổ tự xây dựng bộ tài liệu tham khảo riêng, chắc chắn những gì được mua về sẽ xứng đáng với đồng tiền mà nhà trường bỏ ra, vì nó sát hợp với nhu cầu sử dụng. Vấn đề cần quan tâm thêm là kinh phí và cơ chế quản lí. Về kinh phí, hằng tháng, HT cần cân đối nguồn ngân sách, hợp lý, đúng quy định, để đáp ứng số tiền cần thiết cho việc mua tài liệu mà các TCM đề xuất. Về quản lý, tủ sách được đặt trong phòng TCM, mỗi tổ cử tổ phó đảm trách thêm chức năng công tác thư viện của tổ. Thực ra, với số thành viên không nhiều như thực trạng các tổ hiện nay, công việc này không có gì là nặng nề. Việc giao và thu lại sách, tài liệu tham khảo nên thực hiện định kỳ theo lịch sinh hoạt TCM.
Thực tế hiện nay, ở nhiều trường THPT có hai hiện tượng trái ngược xảy ra: hoặc quá thiếu các thiết bị cần thiết một phần do khả năng tài chính eo hẹp, một phần do người lãnh đạo chưa thấy hết tầm quan trọng của phương tiện dạy học; hoặc bỏ ra không ít tiền mua sắm thiết bị, nhưng để lãng phí do ít sử dụng. Những vấn nạn ấy có thể giải quyết được nếu HT yêu cầu TCM phải gia tăng trách nhiệm trong lĩnh vực này.