8 Những đóng góp khoa học của đề tài
2.1.3 Về tình hình giáo dục
Vĩnh Lộc, Thanh Hoá từ xa xưa đã là vùng đất “Địa linh- Nhân kiệt” của xứ Thanh. Cha, Ông của những người con Vĩnh Lộc đã không ngừng hun đúc nên truyền thống yêu nước, anh dũng, bất khuất chống giặc ngoại xâm và dày công kiến thiết đất nước từ nhiều thế kỷ trước...
Ngay từ cuối Thế kỷ 14, Vĩnh Lộc xuất hiện tướng tài Trần Khát Chân danh nhân đất Việt, người đã có công giúp vua Trần dẹp giặc Chiêm Thành.
Cũng trong thời gian đó khi nhà Trần suy yếu có Hồ Quý Ly (tức Lê Quý Ly) con nuôi của gia đình Họ Lê xứ Đại Nại (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) xây dựng Thành Nhà Hồ (Thôn Tây Giai) chống giặc Minh, phế triều Trần lập nên triều Hồ và đổi tên nước Đại Việt thành nước Đại Ngu. Hồ Quý Ly có nhiều cải cách kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá canh tân đất nước, được sử sách ghi lại như một Danh nhân, anh hùng dân tộc thời Hậu Trần.
Đầu thế kỷ 15, khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh, trong hội thề Lũng Nhai (19 người) tại rừng núi Lam Sơn lịch sử, Vĩnh Lộc cũng có 2 người con anh hùng là tướng tài của Lê Lợi tham gia đó là Trịnh Khả (Vĩnh Hoà) và Vũ Uy (Vĩnh Yên) sau này được phong tặng ấn, kiếm sắc phong và là Công thần dựng nước của Triều Hậu Lê.
Thời Lê Trung Hưng có Trịnh Kiểm (người Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc) là võ quan anh dũng kiệt xuất đã có công cùng Nguyễn Kim giúp vua Lê dẹp giặc Ai Lao, đánh tan Triều Mạc lấy lại giang sơn gấm vóc cho Nhà Lê sau hơn 60 năm Nhà Mạc nắm giữ. Sau này lập lên phủ Chúa Trịnh phò Vua Lê truyền đến 11 đời Chúa, kéo dài gần 200 năm trong lịch sử Việt Nam.
Thời Lê sơ, Vĩnh Lộc có 8/49 người đỗ tiến sĩ của lộ Thanh Hoá ; Cuối Triều Nguyễn ở Vĩnh Tân có thôn 18 ông Nghè (Tiến sỹ) cống hiến cho Triều
Nguyễn nhiều Danh nhân văn hoá. Vĩnh Lộc cũng là quê hương của Trịnh Huệ (tức Trịnh Tuệ), vị Trạng nguyên cuối cùng của chế độ khoa cử nước ta thời phong kiến.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp có các anh hùng được lịch sử ghi danh như Tống Duy Tân (Vĩnh Hùng), một lãnh tụ trong phong trào cần vương chống Pháp; Du kích đầu tiên ở Chiến khu Ngọc Trạo có Phạm Văn Hinh (Vĩnh Long), Lê Trọng Quỷnh (Thổ phụ-Vĩnh Tiến), Đặng Văn Hỷ (Vĩnh Thành)…
Kháng chiến chống Mỹ có các anh hùng: Vũ Ngọc Đỉnh (Vĩnh Yên), Lê Hữu Hãnh, Mai Xuân Điểm (Vĩnh Tân),....
Và trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam XHCN ngày nay Vĩnh Lộc cũng không thiếu những người con ưu tú trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, Khoa học kỹ thuật, Văn hoá - Xã hội, điển hình như: Trung Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, NSND Tiến Thọ, NSƯT Kim Cúc, Quốc Anh, Nhà văn Phạm Hoa và hàng chục Tiến sỹ khoa học khác đã có nhiều công lao đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam XHCN hôm nay.
Tên tuổi của họ không chỉ được sử sách ghi lại cho muôn đời con cháu mai sau học tập mà còn là tên đường, tên phố, tên trường trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, ngay sau khi giành được chính quyền Cách mạng tháng 8 năm 1945, nhân dân Vĩnh Lộc tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia phong trào "Diệt giặc dốt, xoá mù chữ". Ngày 17-6-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76/SL tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng bào và cán bộ Vĩnh Lộc, vì đã xoá nạn mù chữ trước thời hạn quy định và sớm nhất trong các huyện miền Bắc.
Hiện nay huyện Vĩnh Lộc có 3 trường THPT, 1 Trung tâm GDTX huyện, 1 Trung tâm dạy nghề huyện, 16 trường THCS, 17 trường Tiểu học và
16 trường Mầm non. Tổng số trường chuẩn quốc gia toàn huyện: 26 trường (6 trường THCS, 15 trường Tiểu học, 5 trường Mầm non). Huyện đã xây dựng xong kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011-2015, đã và đang tiến hành điều tra, lập hồ sơ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đúng theo qui định; Huyện cũng đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS.
2.1.3.1. Về giáo dục Mầm non
Tính đến năm học 2010 2011, toàn huyện có 16 trường Mầm non (mỗi xã, thị trấn có 1 trường) với 163 nhóm, lớp. Trong đó nhà trẻ có 58 nhóm với 1073 cháu ra lớp, tỷ lệ huy động đạt 43,4%; mẫu giáo có 105 lớp, tỷ lệ huy động đạt tỷ lệ 99,9%. Tổng số lớp mẫu giáo 5 tuổi là 36 lớp với số cháu 948, tỷ lệ huy động đạt 100%. Hiện nay Vĩnh Lộc là huyện điểm của tỉnh Thanh Hoá về công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Chất lượng giáo dục mầm non luôn được quan tâm và ngày càng được nâng cao. Toàn huyện có 16/16 trường mầm non tổ chức ăn bán trú trẻ - tỷ lệ trẻ bán trú đạt tỷ lệ 81%; 100% trẻ ra lớp đều được cân đo và theo dõi sức khoẻ trên biểu đồ phát triển. Năm học 2010-2011, số trẻ phát triển ở kênh bình thường là 93%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng là 6,8%; 100% trẻ đến trường đảm bảo an toàn thân thể và an toàn thực phẩm.
Về CSVC các trường mầm non của huyện có nhiều thuận lợi: tất cả các trường mầm non đều đã được xây mới, trường lớp khang trang, đủ cơ số phòng học, phòng làm việc, phòng chức năng theo yêu cầu; có sân chơi chơi ngoài trời rộng rãi, thoáng mát, nhiều đồ chơi đa dạng, phong phú, diện tích đảm bảo theo hướng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Các phòng học đạt tiêu chuẩn về diện tích, thoáng mát, ánh sáng mặt trời tốt, thiết bị dạy và học được trang bị đầy đủ, mang tính giáo dục cao, phù hợp với từng độ tuổi. Mỗi phòng học đều được trang bị Tivi, đầu DVD hỗ trợ cho việc dạy và học đạt hiệu quả. Các phòng chức năng như phòng âm nhạc, tin học,...được trang bị hiện đại giúp trẻ được tự do phát triển năng khiếu, đam mê, tự do khám phá,
sáng tạo. Toàn huyện có 5/16 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 1 trường được công nhận chuẩn quốc gia giai đoạn 2.
2.1.3.2. Về giáo dục Tiểu học
Toàn huyện có 17 trường tiểu học (mỗi xã, thị trấn có 1 trường, riêng xã miền núi Vĩnh Long có 2 trường) với 197 lớp, tổng số học sinh 5081 (năm học 2010- 2011). Có 15/17 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 88,2%, trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2, đạt tỷ lệ 11,8%. CSVC tương đối đầy đủ. Đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và cơ cấu, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 100%, trong đó trên chuẩn là 71%.
Chất lượng học sinh luôn đạt mức cao kể cả chất lượng mũi nhọn và đại trà. Chất lượng mũi nhọn: chất lượng học sinh giỏi Tiểu học của huyện luôn xếp thứ 3 hoặc 4 trên 27 huyện, thành phố (thuộc Bảng A). Về chất lượng đại trà: về hạnh kiểm, có 99,9% xếp loại thực hiện đầy đủ về hạnh kiểm, chưa đủ: 0.1%; Về học lực, 99,9% đạt yêu cầu trở lên về học lực ( Môn Toán: Giỏi: 45%, Khá: 39.5%, TB: 15.4%, Yếu: 0.1%; Môn Tiếng Việt: Giỏi: 45.6%, Khá: 40%, TB: 14.3%, Yếu: 0.1%).,tỷ lệ HS đạt danh hiệu HS giỏi là 45% và tỷ lệ HS đạt danh hiệu HS tiên tiến là 39,6%. Huy động trẻ 6 tuổi ra lớp 1 đạt tỷ lệ 100%, huy động tối đa trẻ khuyết tật ra lớp; Trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; 17/17 trường đều tổ chức cho HS học 2 buổi/ngày với 100% HS tham gia; phong trào giữ vở sạch, chữ đẹp luôn được duy trì và có nhiều tiến bộ được Sở GD&ĐT Thanh Hoá đánh giá cao. 16/16 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi đạt tỷ lệ 100%; duy trì sĩ số 100% (không có HS bỏ học).
2.1.3.3. Về giáo dục THCS
Toàn huyện có 16 trường THCS (mỗi xã, thị trấn có 1 trường) với 145 lớp, 4244 HS (năm học 2010- 2011). Có 6/16 trường THCS đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 37,5%, trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 đạt tỷ lệ 12,5%. CSVC ở các trường THCS của huyện còn gặp nhiều khó khăn như thiếu phòng học, phòng làm việc, phòng học bộ môn và các phòng chức năng;
một số trường chưa có khu phòng học cao tầng, các phòng học đều là phòng cấp 4 đã xuống cấp, một số trường còn thiếu diện tích đất theo quy định. Đội ngũ cán bộ, GV đủ về số lượng, tương đối hợp lý về cơ cấu các bộ môn. Tỷ lệ GV đạt chuẩn là 100%, trong đó trên chuẩn là 51,2%.
Về chất lượng giáo dục: Chất lượng HS giỏi của cấp học luôn xếp ở tốp cao của tỉnh với hơn 100 giải các môn văn hoá mỗi năm. Chất lượng đại trà: xếp loại hạnh kiểm có 98,5% đạt yêu cầu trở lên (trong đó loại tốt 84.7%, khá: 13.8%, TB: 1.5%, không có hạnh kiểm yếu); về học lực có 97,4% đạt yêu cầu trở lên ( trong đó loại giỏi: 9,3%, loại khá: 43,2%, loại TB: 44,9%, loại yếu: 2,5%, loại kém: 0,1 %). Huy động trẻ (lớp 5) hoàn thành chương trình tiểu học ra lớp 6 đạt 100%. Duy trì sĩ số, chống HS bỏ học, giảm tỉ lệ HS bỏ học xuống dưới: 0.5%. Trẻ 14 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 96.5% .16/16 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục THCS.
2.1.3.4. Về giáo dục THPT
Trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc hiện nay có 03 trường THPT hệ công lập với 66 lớp, 3107 HS (năm học 2010-2011), bao gồm: Trường THPT Vĩnh Lộc; Trường THPT Tống Duy Tân; Trường THPT Trần Khát Chân.
- Tổng số phòng học: 81 phòng, trong đó có 69 phòng học kiên cố và 12 phòng học bán kiên cố. CSVC các trường về cơ bản đảm bảo cho dạy và học, tuy nhiên chưa có trường nào có CSVC đạt chuẩn quốc gia, các nhà trường còn gặp nhiều khó khăn về CSVC như:
+ Trường THPT Tống Duy Tân, nguyên là phân hiệu 2 của trường THPT Vĩnh Lộc tách ra thành trường THPT Tống Duy Tân đã được 20 năm. Hiện nay nhà trường có 2 dãy phòng học cao tầng với 27 phòng; hiện nhà trường chưa có khu Hiệu bộ, chưa có nhà tập đa năng, chưa có phòng học bộ môn - ban giám hiệu nhà trường và các phòng ban chức năng của nhà trường đang phải sử dụng hệ thống phòng học cấp 4 đã xuống cấp để làm phòng làm việc.
+ Trường THPT Trần Khát Chân mới được thành lập từ năm 2001, là trường THPT bán công mới được chuyển thành trường công lập từ năm 2010. Là trường mới thành lập, nhà trường đã nhận được sự quan tâm, đầu tư của các sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng với chủ trương tập trung đầu tư của Huyện uỷ, UBND huyện nhà trường đã được đầu tư xây dựng 1 khu phòng học cao tầng với 15 phòng học, khu hiệu bộ cao tầng khang trang với diện tích sân chơi, bãi tập đảm bảo diện tích đạt chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay nhà trường chưa có nhà tập đa năng, chưa có phòng học bộ môn.
+ Trường THPT Vĩnh Lộc là một trong số ít trường của tỉnh Thanh Hoá được thành lập trong những năm đầu của thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc. Thành lập tháng 9/1961, đến nay nhà trường vừa tròn 50 năm. Nhân dịp 50 năm thành lập trường, các học sinh cũ của nhà trường đã kêu gọi vốn đầu tư trích từ nguồn phúc lợi xã hội của các Tổng công ty, đầu tư xây dựng cho nhà trường 1 khu hiệu bộ 3 tầng đầy đủ các phòng chức năng cùng với trang thiết bị hiện đại đã đưa vào sử dụng từ tháng 12/2010, 1 khu phòng học bộ môn 3 tầng với 8 phòng học bộ môn cùng trang thiết bị đạt chuẩn Quốc gia dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2011. Sau khi khu phòng học bộ môn được đưa vào sử dụng, nhà trường sẽ có CSVC đảm bảo theo hướng trường đạt chuẩn Quốc gia, đảm bảo lộ trình hoàn thành công nhận chuẩn Quốc gia giai đoạn I vào năm 2013.
- Tổng số cán bộ, GV, nhân viên của các nhà trường THPT hiện nay là 171 người, trong đó có 156 biên chế, 15 hợp đồng. Đội ngũ cán bộ, GV đủ về số lượng và hợp lý về cơ cấu bộ môn. Tỷ lệ GV đạt chuẩn là 100%, trong đó trên chuẩn là 11,2%.
- Về chất lượng đào tạo:
+ Chất lượng mũi nhọn: Chất lượng HS giỏi của các nhà trường đều xếp ở mức khá trở lên trong khối THPT toàn tỉnh với tổng số học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh là 216; tỷ lệ đỗ Đại học, Cao đẳng hàng năm trên 50%. Năm 2008, trường THPT Vĩnh Lộc có điểm bình quân thi đại học xếp thứ
173/top 200 trong tổng số trên 2.500 trường THPT toàn quốc. Năm 2009, trường THPT Tống Duy Tân có 1 học sinh đậu thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội.
+ Chất lượng đại trà: Xếp loại hạnh kiểm khá, tốt hàng năm trên 90%. HS giỏi toàn diện luôn ở mức 5%, khá trên 60%.Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 95%. Huyện Vĩnh Lộc là một huyện nghèo, dân số ít, số trường THPT trên địa bàn huyện ít nhất trong số các huyện miền xuôi của tỉnh Thanh Hoá nhưng với tinh thần hiếu học từ ngàn đời nay của một vùng đất "địa linh-nhân kiệt", giáo dục Vĩnh Lộc đã và đang là điểm sáng của giáo dục xứ Thanh. Quy mô đào tạo các bậc học tương đối ổn định, kỷ cương nề nếp được thiết lập và duy trì, đội ngũ cán bộ GV được nâng cao về trình độ đào tạo, CSVC - TBDH được tăng cường, công tác nghiên cứu thực hành thí nghiệm đã có những tiến bộ đáng kể, chất lượng đào tạo và vị thế của các nhà trường đối với địa phương, với ngành, với xã hội được khẳng định. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, các trường THPT trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục, trong đó việc giải quyết sự bất cập giữa yêu cầu về chất lượng đào tạo ngày càng tăng với sự hạn hẹp về CSVC - TBDH là điều mà lãnh đạo nhà trường, UBND huyện và các phòng, ban chức năng của Sở GD&ĐT luôn trăn trở.
Để đáp ứng nhu cầu được đào tạo của người học trên địa bàn huyện, bản thân các trường THPT trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, Huyện uỷ, UBND huyện Vĩnh Lộc, Sở GD&ĐT Thanh Hoá cần phải có những định hướng chiến lược để đầu tư xây dựng, phát triển về CSVC, mạng lưới trường, lớp, chất lượng đội ngũ, công tác quản lý của các nhà trường.