DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TIÊU BIỂU
2.1.2. Nguồn gốc lịch sử
Đình Hậu là công trình kiến trúc đời Nguyễn, lớn và nổi tiếng ở Nghệ An, được khởi công xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 21 (1840) xây nhà hạ đình; đến năm Tự Đức thứ 10 (1857) xây thêm thượng cung cách hạ đình 5m; năm Tự Đức thứ 34 (1881) tu sửa lại nhà hạ đình và xây thêm hai nhà tả vu hữu vu, hệ thống cột nanh, cổng đình. [ 27; 2]
Đình Hậu được nhân dân làng Hậu, xã Kim Thành cũ xây dựng lên để làm nơi thờ cúng và hội họp của làng. Hàng năm có nhiều ngày cúng tế như: Tế giao
thừa (1 - 1 Âm lịch), Khai hạ, Tháng 8, tháng 9 là lễ Thường tận. Đặc biệt là lễ Đại điền tổ chức vào ngày 10 - 2 Âm lịch hàng năm được tổ chức linh đình kéo dài ba ngày ba đêm, có tổ chức lễ rước rầm rộ, vui vẻ.
Nội dung bia đá đặt ở đình cho biết người có công xây dựng đình Hậu là ông Nguyễn Đăng Thiện. Nguyễn Đăng Thiện là người có công đầu trong việc khai khẩn đất hoang lập nên làng Hậu và xây dựng làng này thành một vùng đông đúc, trù phú. Khi Nguyễn Đăng Thiện qua đời, dân làng Hậu tôn ông làm thần Hoàng, rước về thờ tại đình làng. Ông được triều đình nhà Lê phong sắc “Thụy Lĩnh triệu cơ, chiêu dân lập ấp, khai canh tôn thần, dực báo trung hưng Mỹ hiệu tôn thần”. [27; 1]
Trong thời kỳ cách mạng 1930 - 1931, đình Hậu là nơi sinh hoạt của Chi bộ Đảng xã Kim Thành. Sau cách mạng tháng 8 - 1945, đình được dùng làm địa điểm tổ chức bình dân học vụ của xã. Về sau đình được sử dụng làm nơi hội họp của các đoàn thể, sinh hoạt văn hóa của làng xã.
Trong chiến trang chống Mỹ (1967 - 1968), ngôi đình làng Thượng và hai ngôi chùa trong vùng bị phá hỏng, nhân dân tập trung đồ tế khí và thượng phật về bảo quản và thờ tự tại đình. Như vậy, hiện nay ngoài việc thờ thần hoàng làng (Ông Nguyễn Đăng Thiện), trong đình Hậu còn thờ các vị: Đức Phật Thích Ca, Thánh Đệ Tam, Thiên Sơn Dáng Ứng Công chúa.[27;1]