DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TIÊU BIỂU
3.2.1. Giá trị kiến trúc điêu khắc
Chúng ta có thể thấy được một thực tế là kiến trúc, kĩ thuật xây dựng đã biến đổi rất nhanh theo thời gian, số lượng ngôi nhà xây dựng theo phong cách hiện đại, tây phương chiếm phần lớn trong thời đại này. Trong khi đó, những cách thức xây dựng cổ thì hầu như chỉ bắt gặp ở các đền, chùa, đình làng,… Chính vì thế mà sự tồn tại của các di tích lịch sử là một điều rất đáng quý, đó là cơ sở để chúng ta tìm hiểu truyền thống xây dựng của người xưa, đồng thời tìm ra tinh hoa, học hỏi kinh nghiệm xây dựng và nhất là lưu giữ những bản sắc, nét tinh xảo của cha ông cho hậu thế.
Một điểm đáng chú ý là hầu hết các di tích thắng cảnh ở Yên Thành dẫu không có niên đại cổ xưa như các di tích ở phía Bắc nước ta nhưng bù lại vẫn có những di tích rất đồ sộ với những đường nét điêu khắc, kết cấu, chạm trổ tinh xảo và công phu trong một nét nghệ thuật chung của Việt Nam.
Ví dụ đầu tiên có thể nói đến là Đình Hậu ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành. Có thể nói rằng đình làng nói chung và đình Hậu nói riêng là thiết chế văn hoá đặc biệt của cộng đồng người Việt. Đình làng là điển hình của kiến trúc gỗ dân gian, do công sức của cộng đồng và những người thợ tài hoa dựng nên. Đình làng không chỉ là nơi thờ cúng vị thần Hoàng làng, các vị tướng tá có công trạng đối với làng mà nơi đây còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng, là nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng, là niềm tự hào, là nơi gửi gắm mọi tâm tư, tình cảm, là nơi giải toả tâm linh của mỗi cư dân trong cộng đồng người Việt. Đình Hậu được xây dựng trên một khoảng không gian thoáng đãng, có một dáng vẻ đồ sộ nhưng vẫn giữ được nét thanh toát mà chắc chắn đó là nhờ kết cấu bộ khung gỗ của đình. Điều đó chứng tỏ kỷ thuật mộc truyền thống, trình độ kiến trúc, xây dựng của người dân làng Hậu khi xưa đã đạt đến mức tinh xảo. Mặt khác nghệ thuật tạo hình, tạo dáng với việc vận dụng các yếu tố như lực giằng, lực kéo, lực đẩy, độ nén của các chất liệu xây dựng của người xưa rất cao. Ở các cột trụ hay ở
thanh ngang còn đó các nét điêu khắc gỗ như câu đối, phù điêu rồng làm nên nét uy nghi, tôn kính của khu đình.
Di tích có điêu khắc gỗ tinh xảo và độc đáo còn phải kể đến Chùa Gám ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành với hệ thống mảng chạm khắc ở bộ phận ván ấm hay còn gọi là ván gió phía trước nhà bái đường. Kéo dài suốt 5 gian là các mảng chạm lộng với nhiều hình nổi cao thấp, gồm nhiều đồ án, mô típ hoa văn trang trí như: rồng, phượng, cá chép vượt vũ môn, các chép hoá rồng…Đặc biệt, trước ván ấm gian giữa nhà bái đường được trang trí mặt rồng lớn giống như mặt hổ phù, với chiều cao của bức chạm là 60 cm, dài 140 cm, khuôn mặt giữ tợn, hai chân giang rộng, mắt sáng, miệng ngậm chữ thọ. Song hành xen vào các linh vật là thấp thoáng hình ảnh sinh hoạt của con người như: thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, chơi đàn trên mây, trúc lâm thất hiền, nam sơn tứ hải, sĩ nông công thương…Những cảnh này rất hiếm được chạm khắc ở chùa song lại hết sức phổ biến ở các làng thế kỷ XVIII. Hệ thống mảng chạm khắc ở đây được thể hiện rất sinh động, tỉ mỉ, mềm mại, uyển chuyển, khoẻ khoắn với các đề tài được trang trí khá cân đối và hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
Đền thờ Đức Hoàng và phủ thờ Trần Đăng Dinh được dựng với với những kiến trúc, điêu khắc đá đồ sộ nhưng hết sức tinh xảo và xuất sắc. Đã từng được xem như là “Đông Thành bát cảnh” (tức là một trong tám cảnh đẹp ở đất Đông Thành) và đã được nhiều sử gia có tên tuổi trước đây như Ngô Trí Hợp trong “Đông Thành phong thổ ký”; Bùi Dương Lịch trong “Nghệ An ký”; Ngô Sỹ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi chép lại, đền thờ Đức Hoàng may mắn vẫn tồn tại hầu như là nguyên vẹn đến thời điểm hiện nay với hệ thống cổng, nhà hạ điện, trung điện và thượng điện. Ngôi đền có dáng vẻ linh thiêng, tôn nghiêm nhờ được xây dựng có bố cục hợp lý, kết cấu, kiến trúc đẹp, chắc chắn. Nghệ thuật trang trí, đắp phù điêu, tạc tượng ở di tích đã đạt đến một trình độ cao trong sáng tác nghệ thuật thần sắc, phong thái, trang phục của các hình tượng được lột tả, thể hiện một cách cụ thể, sinh động, màu sắc trang nhã, tạo dáng thanh thoát, … Hơn nữa, còn có số lượng đồ tế khí phong phú, trong đó có nhiều cái được đục chạm, điêu khắc tỉ mỉ, công phu, có giá trị nghệ thuật cao như kiệu hương
án, bia đá, toà cửu long sơ sinh, các chậu hương gỗ, một số mâm chè, tượng phật Thích Ca…Quả thực,với những giá trị về lịch sử, văn hóa to lớn, đền Đức Hoàng thật xứng đáng với danh hiệu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Trong khi những kết cấu cơ bản của đền Đức Hoàng vẫn tồn tại thì phủ thờ Trần Đăng Dinh lại không may mắn như thế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hình dung được nét đồ sộ của di tích thời trước nhờ vào nét oai vệ, uy nghi của cổng Tam Quan còn sót lại. Tam Quan nổi bật lên giữa một khoảng không gian đồng quê rộng lớn và có thể nhận thấy từ xa. Đó không những là nơi để vào ra mà còn là nơi lưu giữ các mảng điêu khắc, các loại hình trang trí tiêu biểu như voi, ngựa, nghê chầu, hoa văn,… Tam quan đền như là tấm bình phong che chắn gió bão, làm tăng thêm vẻ linh nghiêm của ngôi đền, trên mảnh đất miền trung khắc nghiệt và thơ mộng.
Trên đây chỉ là những ví dụ tiêu biểu về điêu khắc, kiến trúc của các di tích ở huyện Yên Thành nhưng cũng đã làm chúng ta thấy rõ được sự tài hoa của các nghệ nhân thời xưa. Đó là những tư liệu vô giá về nghệ thuật, kiến trúc để chúng ta lưu giữ và học hỏi.