Khảo tả di tích

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện yên thành, tỉnh nghệ an (Trang 92 - 98)

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TIÊU BIỂU

2.7.2.Khảo tả di tích

Di tích Phan Đăng Lưu là ngôi nhà gác 3 gian lợp ngói, xây tường, do cụ thân sinh đồng chí xây dựng năm 1929.

Ngôi nhà Phan Đăng Lưu nằm trên khu vườn bằng phẳng có diện tích 1205m2, phía Đông – Tây – Bắc giáp nhà dân, phía Nam giáp cánh đồng xã Hoa Thành. Ngôi nhà tương đối vuông vắn, hiện nay do ông Quanh đứng chủ mua lại sau cải cách ruộng đất.

Trước đây, khi sinh thời Phan Đăng Lưu, cụ Phán (bố Phan Đăng Lưu) sống trong khu vườn này. Phan Đăng Lưu sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà tranh ba gian, vách bằng ván, cửa ván giật, gian giữa và gian bên trái đặt giường thờ và hương án, gian bên trái sát vách nhà phía sau đặt một cái bục gỗ, trên bục gỗ đặt hai tủ sách sơn đen cao 1m, phía trước tủ sách đặt bộ phản gỗ sung, sù sì nơi ba anh em (Phan Đăng Lưu, Phan Đăng Tài, Phan Đăng Kỳ) thường ngủ và làm việc.Năm 1925, ngôi nhà này đã bị đổ đi và ông thân sinh

xây dựng lên đó ngôi nhà hiện nay. Cũng trong năm 1929, bà Lưu (vợ Phan Đăng Lưu) làm thêm một ngôi nhà ba gian lợp ngói, cột bằng lim cột vuông, cửa ván giật. Phần mái kết cấu theo kiểu giáo nguyên, không có kèo, đấu hồi với ngôi nhà tầng. Kết cấu nội thất được bài trí như sau: phía sau gian bên trái sát với ngôi nhà tầng được thưng lại làm buồng trong đặt vài cái chum, một ít đồ dùng và quần áo. Sát vách phía sau gian giữa đặt một cái giường để bà cụ Phán (mẹ Phan Đăng Lưu) nằm. Phía trước buồng đặt cái tủ chạm, trước tủ chạm là cái sập dùng để nằm, trong đựng tiền và tài sản trông ra cửa sổ phần thềm nhà, Trước thềm bên phải gian này đặt một cái quạt tàu. Phần cuối của ngôi nhà này là chạn bếp, là nơi để cối xay, cối giả và nông cụ, nhà đựng thóc, chuồng lợn được kéo dài ra hướng nam. Phía trước của hai ngôi nhà này là cái sân rộng trước bằng đất, từ năm 1929 được lát gạch.

Ở phía bên trái của ngôi nhà chính là ngôi nhà ngang của bà nội với cột gỗ, kèo tre, lợp tranh thùng phên nứa có diện tích 47,25m2. Gian đầu hồi phía nam là buồng ngủ của bà nội, gian cuối phía bắc là nơi làm bếp, đặt bể nước, ổ rơm và trổ một cửa nhỏ ra phía Tây, trước cửa đặt một cái chum đựng nước. Kề gian đầu hồi phía nam nơi làm buồng của bà nội là xưởng dệt được xây dựng năm 1928 lúc đồng chí Phan Đăng Lưu bị khâm sứ Trung Kỳ đuổi về quê. Nhà dệt này được làm bằng tre ba gian lợp tranh săng, rộng 10 thước nam trong lòng, phía trong đặt một bàn mắt và 4 khung dệt. Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo và cung cấp kĩ thuật ươm tằm tơ. Đến năm 1929, đồng chí Phan Đăng Lưu thoát li hoạt động nên xưởng dệt phải giải tán. Kề sân là con đường trâu đi vào chuồng theo hướng từ ngõ vào. Ngõ trổ về phía tây. Trước sân là khu vườn của gia đình. Trong vườn có nhiều cây ăn quả, cây thuốc và cây xanh, nhưng đáng lưu ý nhất là trong vườn có một cái ao nằm bên phải phía trước góc vườn, sát với hàng rào phía nam. Bên cạnh bờ ao phía bắc (từ phía trong nhà ra) có hai cây sung là nơi đồng chí Phan Đăng Lưu thường ra đó đọc sách và nói chuyện với các em nhỏ trong mùa hè. Ở góc ao bên phải phía bắc có một cái cây nhãn to bằng người, thân ngã xuống ao, sinh thời đồng chí Phan Đăng Lưu thường trèo lên trùm lồng

vào chùm nhãn và bè nhãn. Dưới gốc nhãn có một đống rơm là nơi Phan Đăng Lưu thường đứng rình để bắn dơi lén về ăn nhãn (loại dơi rất to thịt ngon).[23;2]. Hiện nay, cây cối trong vườn không còn nữa, chỉ còn lại ngôi nhà do cụ thân sinh đồng chí Phan Đăng Lưu xây dựng năm 1929. Ngôi nhà do bà Lưu làm, nhà bà nội, nhà dệt đã được ông Quánh (hiện đang ở hiện nay) mua lại trong thời kỳ cải cách.

Nhìn chung, khu di tích này chỉ còn ngôi nhà chồng diêm là tương đối nguyên vẹn. Trong khu vườn này xã chia ra cho ba căn hộ ở. Gia đình thứ nhất là chủ hộ ngôi nhà chồng diêm ở về phía sau bên phía phải, trái khu vườn. Gia đình thứ hai ở về phía Đông, đấu hồi với ngôi nhà chồng diêm, ngôi nhà này được làm trên nền nhà của của bà Lưu làm năm 1929. Trước ngôi nhà chồng diêm là gia đình thứ ba mới chuyển đến sau này ở góc bên phải, phía trước khu vườn là ao cá rộng khoảng 70m2. Cảnh quan trước đến nay không còn gì nữa, chỉ còn lại ngôi nhà chồng diêm, áo cá là những di tích liên quan đến đồng chí Phan Đăng Lưu còn nguyên vẹn.

Ngôi nhà chồng diêm dài 8m rộng 6,8m gồm ba gian xây tường bật nóc, kiến trúc theo kiểu chữ nhất chồng diêm. Tường xây bằng gạch đá, vôi vữa, mái lợp ngói âm dương. Từ ngoài vào nhà chỉ có một cửa chính cao 2,01m rộng 1,73m. Mặt trước hai gian kề bên có hai cửa sổ, cửa phía tây cao 1,2m rộng 0,94m, cửa phía đông cao 0,54m rộng 0,46m. Thềm nhà rộng 1,79m, trên thềm dựng hai cây cột hiên dài 2,61m, đường kính 0,18m, bắc kèo lợp ngòi làm mái thềm. Hai đầu hồi có hai cửa sổ thông gió cao 0,58m rộng 0,46m. Hồi nhà phía tây có một cửa nách cao 1,5m rộng 0,66m, ở gian phía tây mặt sau tường có cửa sổ cao 0,58m rộng 0,46m. Mặt trước tầng trên có ba cửa sổ bằng nhau cao 0,9m rộng 0,62m.

Cấu trúc trong nhà đơn giản, tầng dưới xây tường dày 34cm, không có cột mà chỉ xây bốn trụ bằng gạch cao 3,03m có chu vi 40 – 46cm. Trên mỗi trụ đều bắc một đường xà vượt chính dài 8m rộng 0,27m dày 0,16m chia nhà làm ba gian, gian phía đông rộng 2,4m, gian giữa rộng 2,65m, gian phía tây rộng 2,37m.

Gian phía đông và phía tây được gác thêm hai đầm phụ, gian giữ một cái, kích ỡ các đầm đều bằng nhau dài 5m rộng 0,2m dày 0,15m bằng gỗ Lim.

Tầng gác trên kết cấu vì kèo, trên hai xà vượt chính dựng hai cây cột lim làm trụ dài cao 3,26m đường kính 0,17m. Từ hai cột này được bắc hai đường ha, gác lên tường phía trước dài 2,3m rộng 2m dày 0,06m. Trên đường ha này cách tường phía trước 1,45m dựng một cột bồng, từ đầu cột bồng này đến đầu cột chính gác trên được đấu với nhau bằng một đường khấu đầu dài 1,93m rộng 0,2m dày 0,08m. Trên hai đầu cột chính và cột bồng là kèo dài 3,12m rộng 0,2m dày 0,06m. Sàn gác trên được ghép bằng ván dổi và ván tấm, hiện nay không còn. Gian giữa tầng trên làm nơi thờ cúng, mặt tường phía sau gian giữa đắp nồi làm đại tự có hoa văn xung quanh, giữa đắp 3 chữ “kỉ niệm đường” làm bằng chữ hán. Hai cột trụ hai bên đắt hai đôi câu đối.

2.7.3. Các hiện vật trong di tích

Hiện vật trong di tích hiện nay không còn gì nữa. Một số mất mát thất lạc, những thứ khác trong cải cách đem chia đều cho nông dân. Những hiện vật này được sưu tầm trong dân gồm:

- 1 rương gỗ ngoài bọc kẽm dài 1m rộng 0,55m cao 0,36m trước đây đồng chí Phan Đăng Lưu dùng để đựng sách với quần áo. Hiện nay, rương này thuộc quyền sở hữu của ông Phan Xuân Tụ xóm Phan Đăng Lưu.

- Hương án: chất liệu bằng gỗ có chạm trổ sơn son thiếp vàng cao 1,17cm dài 1,17m rộng 0,55m. Chủ nhân là ông Phan Đăng Hồ, xóm Phan Đăng Lưu.

- Yên thư: chất liệu bằng gỗ, đặt trên giường thờ dùng để hoa quả thờ cúng, không chạm trổ, chân lượn cong dài 0,9m rộng 0,45m cao 0,49m. Hiện trạng có thủng một lỗ vuông trên mặt, phần còn lại tốt. Chủ nhân là ông Phan Đăng Hồ, xóm Phan Đăng Lưu.

- Tủ sách: bằng gỗ lim cao 1,55m dài 0,6m rộng 0,36m dùng đựng sách vở, tài liệu. Có hình chữ nhật không có chân. Trên hai mặt ở phía trên hai cánh có hai hình bầu dục, bỏ gương phía trong, tủ được chia làm 5 ngăn chủ yếu để đựng sách của đồng chí Phan Đăng Lưu. Hiện nay tủ thuộc quyền sở hữu của bà Tuyên, xóm Phan Đăng Lưu.

- Sập gỗ: bằng gỗ lim dài 1,6m rộng 1,16m cao 0,39m dùng để nằm và đựng tiền của, quần áo. Hiện nay đang còn tốt. Tủ thuộc quyền sở hữu của chị Hoàng Thị Toàn, xóm Phan Đăng Lưu.

2.7.3. Kết luận

Trong di tích hiện nay chỉ có ngôi nhà chồng diêm là tương đối nguyên vẹn, mức độ hư hại không đáng kể. Sau cải cách ruộng đất, ngôi nhà này được chia cho dân ở. Ngôi nhà ngói ba gian phái đông bà Lưu làm năm 1929 chia cho dân ở đã dỡ đi nơi khác, sau bị bom đánh hỏng. Ngôi nhà bà nội, nhà dệt, sau đó cũng dỡ đi và nay không còn gì nữa.

Ao cá hiện nay vẫn còn, tuy hình dáng có thay đổi chút ít do mưa lũ làm xói lở.

Ngôi nhà gác chồng diêm vẫn ở trên nền nhà cũ, chưa tu bổ hoặc di chuyển lần nào.

Phan Đăng Lưu là một chiến sĩ cách mạng ưu tú của Đảng, đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong Trung Ương của Đảng ta trong thời kì còn hoạt động bí mật. Đồng chí đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta. Tên tuổi của đồng chí là niềm tự hào, là sự cổ vũ đối với toàn thể nhân dân huyện Yên Thành. Mảnh đất, ngôi nhà là nơi đồng chí đã cất tiếng khóc chào đời và lớn lên. Nó gắn bó với đồng chí, không những trong tuổi thơ mà cả những năm tháng gian truân của cuộc đời hoạt động cách mạng. Vì vậy, nó là chứng cứ lịch sử cho cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Phan Đăng Lưu và có tác dụng hết sức to lớn trong việc giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên noi gương, học tập tinh thần cách mạng kiên cường của nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng, người đã phấn đấu, hi sinh cho thắng lợi của cách mạng. Thấy được giá trị của di tích hết sức quan trọng, bảo tàng tỉnh Nghệ An, Ủy Ban Nhân Dân huyện Yên Thành và Đảng ủy, Ủy Ban Nhân Dân xã Hoa Thành đã quyết định thành lập tổ bảo vệ, chuyển các gia đình ở trong khu di tích ra khu vực khác, đồng thời xây dựng nhà truyền thống của xã nằm trong khu vực tổng thể di tích, phục hồi là ao cá, trồng lại một số cây như cây sung, cây nhãn là nơi liên quan đến đồng chí Phan Đăng Lưu. Di tích đã được

vinh dự xếp hạng di tích Quốc gia (Quyết định số 309 VHQĐ), và cũng là nơi nhân dân trong xã và các vùng phụ cận, du khách đến tham quan và nghe về thân thế sự nghiệp của đồng chí Phan Đăng Lưu, về quá trình trưởng thành của Đàng bộ và nhân dân xã Hoa Thành nơi đồng chí Phan Đăng Lưu được sinh ra, để phấn đấu lao động và học tập.

Tiểu kết chương 2

Yên Thành là một địa phương có nhiều công trình văn hoá lịch sử, kiến trúc được xây dựng từ trước đến nay, mật độ di sản trên địa bàn khá dày, có khoảng 400 di tích lịch sử và danh thắng, hiện đã có 30 di tích được xếp hạng các cấp (17 di tích được xếp hạng Quốc gia và 13 di tích được xếp hạng cấp tỉnh). Di tích ở Yên Thành không chỉ có sự đậm đặc về số lượng mà còn có sự đa dạng về loại hình trong đó phổ biến là các loại hình di tích lịch sử và di tích kiến trúc nghệ thuật với các nhóm di tích khác nhau như đình, đền, chùa, phủ, nhà thờ dòng tộc, …

Trải qua bao thăng trầm và biến cố của lịch sử, sự tàn phá của thời gian, của chiến tranh và thời kỳ cải cách văn hoá hệ thống các công trình đã không còn giữ nguyên được diện mạo và bề thế ban đầu đặc biệt là các di tích kiến trúc nghệ thuật. Tuy nhiên, quá trình hình thành, diện mạo và sự tồn tại của các công trình này đã khẳng định và lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật truyền thống của cư dân Yên Thành, nó cũng là nguồn tiềm năng đặc biệt có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành, phát triển của huyện và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Chương 3. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TRÙNG TU, TÔN TẠO CÁC DI TÍCH.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện yên thành, tỉnh nghệ an (Trang 92 - 98)