Nhà thờ Hồ Tông Thốc

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện yên thành, tỉnh nghệ an (Trang 68 - 69)

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TIÊU BIỂU

2.4. Nhà thờ Hồ Tông Thốc

2.4.1. Địa điểm

Nhà thờ trạng nguyên Hồ Tông Thốc hay còn gọi là nhà thờ Hồ Tông Thốc đặt ở làng Tam Đông (Kẻ Cuồi), xã Thổ Thành, huyện Yên Thành, nay thuộc làng Tam Thọ, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Từ thành phố Vinh, theo quốc lộ 1A, đến km 50 Cầu Lồi, thuộc xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, rẽ tay trái theo đường huyện lộ 533, khoảng 4 km sẽ đến trung tâm xã Thọ Thành, tiếp tục rẽ tay phải 400m sẽ đến làng Tam Thọ, di tích nằm khu vực trung tâm của làng. Nếu xuất phát từ huyện lỵ Yên Thành thì đi theo con đường tỉnh lộ 538, đi xuôi theo hướng Đông Nam đến xã Hợp Thành, ở đó có ngã tư lớn, rẽ trái theo đường 33, đi 2 km qua xã Phú Thành sẽ đến làng Tam Thọ, xã Thọ Thành.

Dưới thời Trần, mảnh đất này là một ngọn đồi thoai thoải, dân địa phương gọi là gò Tràm, nổi lên giữa đồng trũng rộng hàng ngàn mẫu. Đến thời vua Trần Minh Tông. (1314 – 1329) mới được khai phá, xây dựng thành làng. Xung quanh làng có nhiều hồ, ao, đầm, đìa. Nhân dân lúc bấy giờ thường trồng một giống khoai nước gọi là khoai cuồi. Thân cây khoai cuồi giống cây mùng nhưng cây cao to hơn, lá to bằng cái nón, ở giữa lá có một chấm to. Củ màu tím, củ loại to có thể nặng đến 1 kg. Củ khoai cuồi lúc còn sống thì rất ngứa, khi luộc chín rồi, bổ ra thấy màu trắng đục, gọt hết vỏ, ăn thấy dẻo, ngon, có mùi thơm, vị

ngọt. Giống khoai cuồi này ngày nay vẫn còn. Nhân dân lấy tên một giống khoai đặc sản trồng trên mảnh đất mình ở để đặt tên cho nơi chôn rau cắt rốn của mình là Cuồi. Dưới thời Trần, gọi là Kẻ Cuồi (hay Trang Cuồi). Đến khi đất Kẻ Cuồi có ba người họ Hồ là Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn và Hồ Tông Thành đậu trạng nguyên thì Kẻ Cuồi đổi thành làng Tam Công. Theo Hồ Sĩ Tạo - tác giả tập Hồ Tông Gia Phả Nghi Xuân cũng viết: “Ông Hồ Tông Thốc đi thi trúng trạng nguyên…sinh ra con là Hồ Đốn, cháu là Hồ Thành đều đã đỗ trạng nguyên (Tam Công). Bởi thế người đời mới truyền câu: Họ Hồ Tam Công. Họ Hồ có ba ông Trạng là vậy đó”. Nhưng cũng có thuyết nói tên làng gọi là Tam Công vì làng được xây dựng nên bởi công lao của ba người đầu tiên đến khai khẩn chiêu dân, lập làng là Hồ Cao, Nguyễn Đạo Huyền và Trần Yết Tâm.

Đến thời Lê Mạt, sau một trận binh hỏa tàn phá hết, làng được xây dựng lại. Tên làng Tam Công được đổi thành Tam Thọ, thể hiện ước vọng của dân làng muốn quê hương mình được tồn tại bền vững, lâu dài mãi mãi.

Nhà thờ trạng nguyên Hồ Tông Thốc được xây dựng sau khi ông qua đời (năm 1804) trên nền nhà ông ở. Đó là một vị trí đẹp, ở đầu phía đông nam làng Tam Thọ. [25;3]

Tại nhà hạ điện của di tích, phía bên phải có đôi câu đối:

“Tiên cố triệu bồi danh thắng địa, Đông nam khai tạo lập dân cư”

Nghĩa là: “Người trước điểm tô nền cảnh đẹp, Đông nam mở đất lập thành làng.”

Phía bên trái có câu:

“Chích Thủy Cùi sơn thiên cổ miếu, Triệu cỏ Trạch địa ức niên từ”.

Nghĩa là: “Lấy nước ở núi rừng Cùi Trạch, miếu tạo từ đường đã có từ xa xưa”.[25;2-3]

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện yên thành, tỉnh nghệ an (Trang 68 - 69)