Nhóm giải pháp vĩ mô

Một phần của tài liệu 337 giải pháp về nguồn nguyên liệu nhằm phát triển xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường nhật bản ( lấy tổng công ty thương mại hà nội làm đơn vị nghiên cứu) (Trang 46 - 49)

4.3.1.1 Hoàn thiện chính sách và cơ chế khuyến khích phát triển nguồn nguyên liệu.

Hiện nay, vai trò của các chính sách và cơ chế khuyến khích xuất khẩu chưa được thực hiện nghiêm túc. Các chính sách trước đây nhiều khi còn chưa đồng bộ, thiếu tính minh bạch do đó Nhà nước cần đưa ra một số biện pháp cụ thể như sau: - Chính phủ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chuẩn mực của WTO, thể hiện tính minh bạch và ổn định, chính phủ thông qua Bộ ngành ban hành các văn bản về vấn đề khuyến khích đào tạo, cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường cung cấp thông tin…và các giải pháp ưu đãi không trái quy định của WTO trong việc phát triển xuất khẩu.

Có chủ trương tài trợ cho vay ưu đãi các dự án phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, tạo điều kiện cho các đơn vị thủ công mỹ nghệ mở rộng và phát triển hàng thủ công mỹ nghệ. Có vay tín chấp với các đơn vị đã có hợp đồng xuất khẩu, tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp thu mua nguyên liệu thực hiện hợp đồng (có thể thông qua sự giới thiệu của hội).

Có chế độ thuế riêng đối với nguyên liệu đầu vào của ngành thủ công mỹ nghệ, chú ý đến tính đặc thù của từng loại nguyên liệu, đặc biệt không bắt buộc phải có hoá đơn tài chính đối với các nguyên liệu thuộc phế liệu, thứ liệu, chất thải từ nông sản sau thu hoạch hoặc chế biến được thu mua hoặc thu gom từ nông dân. Nếu sợ thất thu thuế thì nên có chế độ cho phép đơn vị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thu mua

nguyên liệu nộp thuế thay người bán, để doanh nghiệp yên tâm thu mua nguyên liệu tập trung sản xuất tránh để doanh nghiệp vừa làm vừa sợ bị xuất toán chi phí giá thành nguyên liệu, ảnh hưởng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tài trợ cho các giải sáng tác mẫu mã kiểu dáng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, để khuyến khích thiết kế sáng tạo, phát triển các mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, phù hợp với nhu cầu thị trường để khẳng định và tăng cường khả năng cạnh tranh sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đối với thị trường thế giới.

Nếu chúng ta có chính sách khuyến khích phù hợp, sẽ giúp doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ có điều kiện đầu tư phát triển, tăng cường khả năng sản xuất, tạo ra các sản phẩm có mẫu mã riêng, kiểu dáng đẹp, chất lượng phù hợp, hữu ích với giá cả hợp lý có khả năng tiếp nhận các đơn hàng lớn, mở rộng thị trường xuất khẩu.

4.3.1.2 Tạo nguồn nguyên vật liệu

Thị trường cung ứng nguyên vật liệu cho các làng nghề phần lớn là thị trường địa phương tại chỗ, tuy nhiên trong những năm gần đây, việc cung ứng đã gặp nhiều khó khăn. Nguồn nguyên liệu tại chỗ như chỉ đủ duy trì các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ chứ không đủ để mở rộng quy mô sản xuất. Nguồn nguyên liệu này cũng chỉ là một trong nhiều loại nguyên liệu cần có của các cơ sở sản xuất. Vì vậy sản xuất nhiều làng nghề lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên liệu tại các địa phương khác và thị trường quốc tế. Trên phương diện tổng thể, Nhà nước cần thực hiện một số công việc như sau:

Xây dựng kế hoạch sản xuất gắn liền với kế hoạch khai thác và cung ứng nguyên vật liệu.

Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung trên cơ sở thực hiện phân công lao động và chuyên môn hóa sản xuất, đồng thời phải tiêu chuẩn hóa các loại nguyên liệu để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiết kiệm sản xuất.

Bên cạnh đó, cần kịp thời tiến hành điều tra nghiên cứu, tìm cách phát triển nguồn nguyên liệu đang có hoặc tạo ra các loại nguyên liệu thay thế cho nguồn nguyên liệu đang bị cạn kiệt.

Xúc tiến nghiên cứu, điều tra về sản phẩm thủ công truyền thống.

Mở rộng nghiên cứu trao đổi, đổi mới công nghệ, kỹ thuật, khai thác, mẫu mã, nguyên vật liệu mới cho các mặt hàng truyền thống.

Để tạo điều kiện thuận cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng TCMN tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn nguyên liệu khai thác trong nước, nhất là một số nguyên liệu như gỗ, song, mây tre lá…Nhà nước cần áp dụng một số biện pháp sau:

Đối với nguyên liệu được khai thác từ các rừng tự nhiên được các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh thành phố giao cho các đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm gỗ mỹ nghệ thuộc ngành, địa phương quản lý thì đề nghị ưu tiên cho các đơn vị có hợp đồng xuất khẩu sản phẩm gỗ mỹ nghệ.

Đối với nguyên liệu khác như: song, mây, tre lá…các đơn vị khai thác cho sản xuất hàng xuất khẩu, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng vùng trồng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu( giao đất, giảm tiền thuê đất hoặc tiền thuê sử dụng đất…). Điển hình như việc quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất mây tre đan. Cần có chương trình quy hoạch vùng sản xuất và khai thác nguyên liệu cho các làng nghề. Kết hợp vừa khai thác nguyên liệu rừng sẵn có, vừa lên kế hoạch trồng rừng, tái tạo vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo cho sản xuất lâu dài. Để tăng tính chủ động cho doanh nghiệp sản xuất mây tre đan trong sản xuất và thu gom hàng chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc. Về quy hoạch nguyên liệu cho ngành mây tre đan: tại Trung Quốc một số doanh nghiệp muốn xuất nhập khẩu mây tre đan phải có giấy chứng nhận khả năng trồng và khai thác nguyên liệu. Theo đó, Trung Quốc sẽ giao cho các doanh nghiệp tự chủ động nguồn nguyên liệu của mình. Bên cạnh đó, còn có các công ty chuyên cung cấp nguyên liệu cho ngành mây tre đan phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu nguyên liệu. Chính vì thế các doanh nghiệp mây tre đan của Trung Quốc luôn đảm bảo đáp ứng các đơn hàng lớn, nguồn nguyên liệu rất ổn định với giá rẻ. Đây là kinh nghiệm quý báu để Việt Nam học tập, tự xây dựng cho mình nguồn nguyên liệi ổn định phục vụ phát triển bền vững và lâu dài.

4.3.1.3 Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng nguồn nguyên liệu hàng thủ công mỹ nghệ

Thị trường Nhật Bản là thị trường đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu vì vậy cần có chính sách kiểm tra chất lượng nguồn nguyên liệu để đảm bảo cho lượng hàng xuất khẩu sang thị trường này không bị lỗi và đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng của người dân các nước trong khối này. Bằng cách thực hiện sau:

Ban hành rộng rãi hệ thống các chất bị cấm sử dụng trong việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Đảm bảo rằng nguyên liệu khi cho vào hoạt động sản xuất phải đạt đúng tiêu chuẩn chất lượng.

Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật kiểm tra chất lượng hàng thủ công mỹ nghệ đáp ứng được về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng của thị trường Nhật Bản.

Áp dụng các phương pháp kiểm tra chất lượng hàng thủ công mỹ nghệ có hiệu quả bằng việc sử dụng công nghệ tiên tiến có độ chính xác cao.

Một phần của tài liệu 337 giải pháp về nguồn nguyên liệu nhằm phát triển xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường nhật bản ( lấy tổng công ty thương mại hà nội làm đơn vị nghiên cứu) (Trang 46 - 49)