II- Các chính sách hỗ trợ XNK cho SME ở Việt Nam hiện nay
2. Chính sách thuế trong việc hỗ trợ SME
Trong hơn mười năm thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế, chính sách thuế luôn là một trong những vấn đề trung tâm. Một trong những đạo luật đầu tiên được ban hành và áp dụng khi chuyển sang cơ chế thị trường trong điều kiện mở cửa thương mại là luật thuế (năm 1990). Hệ thống thuế có sự cải cách cơ bản chuyển từ ba hệ thống thu sang một hệ thống thuế thống nhất cho tất cả những thành phần kinh tế, làm cho thuế trở thành một công cụ
chính trong việc thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và SME nói riêng, làm công cụ khuyến khích các ngành nghề phát triển.
Việc hỗ trợ các SME trong hoạt động xuất khẩu của chính sách thuế
trong thời gian qua được thể hiện như sau:
2.1 Các chính sách thuế
a. Chính sách thuế trong việc khuyến khích đầu tư trong sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Luật khuyến khích đầu tư nước ngoài năm 1998, đã sửa đổi theo hướng dành những ưu đãi cao cho sản xuất hàng xuất khẩu. Theo luật này, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu thuộc diện khuyến khích sẽ được hưởng ưu đãi về thuế xuất, thuế thu nhập doanh nghiệp (25% hoặc thấp hơn), được miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu còn được hưởng thêm một trong các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
Được giảm 50% số thuế phải nộp cho phần thu nhập có được do xuất khẩu của năm đầu tiên thực hiện xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu mặt hàng mới, xuất khẩu ra thị trường mới.
Được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp cho phần thu nhập tăng thêm do xuất khẩu trong năm tài chính đối với nhà đầu tư có doanh thu xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước.
Được giảm 20% thuế thu nhập phải nộp cho phần thu nhập có được do xuất khẩu trong năm tài chính đối với trường hợp: có doanh thu xuất khẩu đạt tỷ trọng trên 50% tổng doanh thu và duy trì thị trường ổn định liên tục trong ba năm trước đó.
b. Tuỳ từng trường hợp, từng ngành nghề mà trong thời gian qua Nhà nước đã hỗ trợ cho doanh nghiệp như hoàn thuế giá trị gia tăng, không thu thuế thu nhập doanh nghiệp, kéo dài thời hạn nộp thuế, miễn thuế, áp dụng mức thuế thấp nhất. Cụ thể trong trường hợp ngành dệt may, để tạo vốn đầu tư cho doanh nghiệp dệt may, Nhà nước hỗ trợ miễn giảm thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, cho vay vốn ưu đãi từ 12 đến 15 năm, ghi nợ thuế xuất nhập khẩu từ 3 đến 9 tháng; thoái thu thuế nhập khẩu nguyên liệu gia công.
Đối với ngành chế biến thuỷ sản xuất khẩu thì chính sách thuế hỗ trợ thuế
khấu trừ 5% đối với đầu vào nguyên liệu, không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với doanh nghiệp nếu xuất khẩu trên 50% sản phẩm hoặc có giá trị xuất khẩu chiếm 50% doanh thu.
c. Hoàn thuế doanh thu cho doanh nghiệp sản xuất ra nguyên vật liệu, phụ liệu và bán thành phẩm cho các đơn vị khác để sản xuất ra hàng xuất khẩu. Đây là một biện pháp có tích cực nhất trong chính sách thuế hỗ trợ
SME, bởi vì các SME do yếu kém về công nghệ sản xuất hàng xuất khẩu, thị
trường tiêu thụ, nên SME chủ yếu sản xuất phục vụ làm đầu vào cho các SME sản xuất ra hàng xuất khẩu.
d. Kéo dài thời hạn nộp thuế nhập khẩu vật tư, nguyên vật liệu, phụ
liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu (hiện nay thời hạn là 9 tháng). áp dụng thuế suất thấp nhất (0%) cho một số mặt hàng.
2.2 Đánh giá việc thực hiện các chính sách thuế đối với SME
Tuy nhiên, chính sách thuế ưu đãi ở Việt Nam vẫn chủ yếu hướng vào vùng, sản phẩm và thành phần kinh tế (đặc biệt là nước ngoài và trong nước). Chính sách này không khuyến khích theo quy mô doanh nghiệp, và như vậy hoàn toàn chưa khuyến khích được SME. Thuế xuất nhập khẩu còn chiếm tỷ
trọng tương đối cao đã làm cho tổng thu ngân sách lệ thuộc quá nhiều vào kim ngạch xuất nhập khẩu. Khi thị trường thế giới biến động, nguồn thu ngân sách giảm, một mặt ảnh hưởng đến nguồn lực hỗ trợ SME đồng thời, mặt khác các cơ quan tài chính sẽ tìm cách để tăng thuế hoặc thêm các hình thức thu mới, làm cản trở các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là SME. Bên cạnh đó, theo Luật Thuế GTGT, mọi hàng hoá nhập khẩu đều phải nộp thuế
GTGT trong vòng 30 ngày sau khi nhập cảng. Mặc dù, về nguyên tắc Thuế
GTGT là loại thuế thu trước, song trong tình hình hiện nay, khi các doanh nghiệp, đặc biệt là các SME, đang khó khăn về vốn thì cùng một lúc phải thanh toán tiền mua hàng, thuế nhập khẩu và thuế GTGT là một trở ngại hết sức lớn cho công cuộc kinh doanh xuất nhập khẩu của các SME. Trong suốt thời gian thực hiện Luật Thuế GTGT vừa qua, một trong những khó khăn lớn nhất đối với các SME là công tác hoàn thuế. Trước hết, nhiều SME đã gặp khó khăn trong việc có được hoá đơn thuế GTGT khi nhập khẩu. Việc này đã
được Bộ tài chính xử lý bằng cách khấu trừ 3% giá trị vật tư đầu vào4. Tuy vậy, thời gian khấu trừ quá dài, gây khó khăn về vốn cho các SME. Một khó khăn nữa là, trong khi các doanh nghiệp khác, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị thì các SME ngoài quốc doanh, vốn đã ít nhưng vẫn phải nộp thuế nhập khẩu trang thiết bị cho đổi mới công nghệ. Như vậy, chính sách thuế trong thời gian vừa qua vẫn chưa hỗ trợ các SME khuyến khích đổi mới công nghệ. Một điều dễ
nhận thấy rằng trong thời gian vừa qua Chính phủ Việt Nam ưu đãi các DNNN hơn là SME ngoài quốc doanh. Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện
nay, để khuyến khích SME xuất khẩu thì một sự hỗ trợ về chính sách thuế là rất cần thiết.