II. CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG
TÀI: ĐỀ KIỀU
Người thực hiện: Vũ Thị Quỳnh Vân
Lớp: A3K18 I. TIỂU SỬ
Đề Kiều tên thật là Hoàng Văn Thúy, sinh năm 1855 tại làng Cát Trù, tổng Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Hưng Hóa (nay là tỉnh Phú Thọ). Ông là con trai thứ 13 trong số 43 người con trai đời thứ bảy của vị thủy tổ là Quận công Hoàng Đắc Lộc.
II. CUỘC ĐỜI
Ông sinh ra vào thời nước mất nhà tan, sẵn mang trong mình dòng máu của bậc danh tướng nhiều đời làm quan trong triều nên tuy chỉ là một viên Chánh tổng, song ông cũng đã ý thức được cái ý nguyện của mình là: “Nước độc lập - dân tự do”. Ông đã tìm cách xây dựng một lực lượng võ trang để khi cần sẽ dùng đến.
Ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, người ta thấy vị Chánh tổng trẻ, mới 27 tuổi này thật khác người, chẳng sợ nguy nan trước lũ giặc cướp hung tàn. Có lần ông đã sai tuần đinh bắn chết hai tên giặc Pháp để bảo vệ tính mạng và tài sản của dân.
Năm 1888, vua Tự Đức băng hà, triều đình không chống đỡ được sự tấn công của Pháp đành phải đầu hàng. Nguyễn Quang Bích được vua Hàm Nghi phong là: “Hiệp thống Bắc Kỳ Quân vụ đại thần” giương cao ngọn cờ Cần vương giúp vua cứu nước. Đề Kiều trở thành một trong những tướng giỏi cận vệ của Nguyễn Quang Bích, đâu cần thì ông được phái đến, đâu khó thì có mặt ông.
Trước tình thế quân Pháp với vũ khí hiện đại, tấn công ồ ạt, biết không giữ được thành Hưng Hóa, ông đã khuyên chủ tướng rời thành rút ra ngoài xây dựng lực lượng lớn mạnh
để kháng chiến lâu dài. Ông đã dẫn quân về xây dựng căn cứ “Rừng già” - nơi ông sinh ra và lớn lên. Đây vừa là nơi che chắn cho đại bản doanh của phong trào vừa là hậu phương cung cấp người và của cho kháng chiến. Nhân dân theo ông tham gia lực lượng vũ trang rất đông.
Lúc này nghĩa quân có bốn căn cứ: - Thanh Mai do Bố Giáp chỉ huy - Rừng Già do Đề Kiều chỉ huy
- Kim Anh - Đa Phúc do Đốc Kết chỉ huy
- Yên Lạc - Vĩnh Tường do Đốc Khoát - Lãnh Giang chỉ huy, còn Nguyễn Quang Bích đóng tại bản doanh ở Tiên Động.
Thực dân Pháp tiếp tục công cuộc bình định, chúng xây dựng đồn Ngọc Lập (Yên Lập) rồi tiến đánh căn cứ Tiên Động và căn cứ Rừng Già. Nghĩa quân chống trả quyết liệt khiến quân Pháp phải rút lui. Để ngăn cách nghĩa quân ở Thanh Mai và nghĩa quân ở Rừng Già, địch xây dựng đồn Phong Vực, tiếp đó chúng tiến đánh Thanh Mai giải tán nghĩa quân của Bố Giáp. Cùng khi ấy, Đề Kiều cho quân đánh tan đồn Phong Vực giải thoát cho dân.
Dưới sự chỉ huy tài tình của Đề Kiều, nghĩa quân đã có rất nhiều trận đánh lớn như năm 1886 phục kích tại đèo Gồ - Vân Hồi bắn trọng thương tên quan tư Gô-banh, giết nhiều lính, buộc chúng phải rút về căn cứ; trận Đèo Ách, trận phục kích ở Trịnh Tường gây cho địch nhiều tổn thất. Năm 1887 trận chống càn khi địch đánh úp vào đại bản doanh ở Nghĩa Lộ và năm 1888 là trận đèo Ách lần thứ hai. Các trận đánh của nghĩa quân đều là những chiến công oanh liệt.
Năm 1887, Hiệp đốc Quân vụ Nguyễn Văn Giáp qua đời, nhận thấy Đề Kiều trí - dũng - nhân - nghĩa, chủ tướng Nguyễn Quang Bích phong Đề Kiều làm Chánh Đề đốc thay Phó tướng Nguyễn Văn Giáp chỉ huy căn cứ Thượng Bằng La. Trong hai năm 1888 - 1889 nhân dân các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc thuộc các tổng Đại Lịch, Sơn A, Thạch Lương, Phú Nham đã nô nức ủng hộ nghĩa quân. Căn cứ Thượng Bằng La đã đứng vững qua các trận càn của địch với những chiến công lớn ở Đồng Bồ, đèo Cao Phạ, Giốc Đỏ, Ba Khe...
Ngày 5-1-1890 Chủ tướng Nguyễn Quang Bích tạ thế, trước khi mất ông đã trao quyền chỉ huy nghĩa quân cho Đề Kiều. Ông liền rút quân từ Thượng Bằng La về xây dựng và củng cố lại căn cứ Rừng Già. Lúc này nghĩa quân của Nguyễn Quang Bích chỉ còn lại Đề Kiều và Đốc Ngữ (là một tướng tài của Nguyễn Quang Bích).
Năm 1890 cùng với hai trận đánh của Đốc Ngữ vào Thạch Khoán, Quảng Nạp và thị xã Sơn Tây trên trận tuyến sông Hồng, Đề Kiều đánh đồn Phong Vực lần thứ hai giết được tên quan Đồn trưởng cùng nhiều lính, thu nhiều vũ khí. Tiếp sau đó ông cho quân tập kích đánh đồn Ngọc Lập.
Tháng 3-1891, giặc Pháp điên cuồng đánh vào Sơn Hùng, Thục Luyện nhằm cô lập Đốc Ngữ với Đề Kiều, nhưng cả tháng trời không làm gì nổi nghĩa quân Đốc Ngữ.
Năm 1892, chúng lại tập trung hai cánh quân đánh vào căn cứ Rừng Già của Đề Kiều. Ông bố trí quân phục kích và thắng lớn ở trận Đồng Lốc. Cùng lúc đó Đốc Ngữ đánh úp đồn Tiên Lãng giết tên quan ba Đồn trường. Pháp phải thú nhận: “Tất cả phía tây chợ Bò, Sơn Tây - Hưng Hóa đến Yên Bái ngày càng rối loạn, Đốc Ngữ và Đề Kiều làm chủ tuyệt đối vùng này”. Giặc Pháp điên cuồng tìm mọi cách giải tán nghĩa quân, cuối cùng do sơ hở, Đốc Ngữ đã bị tay sai Pháp hạ sát, lực lượng của ông cũng tan rã theo, chỉ còn lại nghĩa quân của Đề Kiều. Trước tình hình đó, Đề Kiều quyết định rời căn cứ Rừng Già lập trận tuyến phòng ngự ở núi Đọi Đèn, cách Rừng Già không xa.
Quân Pháp tấn công liên tiếp trong bốn tháng ròng, lần nào cũng bị tên bắn, lao phóng, đá lăn từ trên sườn núi xuống nên thiệt hại rất nhiều. Do đó, chúng sinh ra mệt mỏi và khiếp sợ nghĩa quân của Đề Kiều.
Biết dùng vũ lực không được, lại do biết Đề Kiều là người hiếu thuận, giặc Pháp và tên Tuần phủ Hưng Hóa Lê Hoan đã dùng thủ đoạn hèn hạ. Chúng bắt mẹ của ông và các cụ già có con cháu tham gia nghĩa quân, dọa đốt làng và giết hết dân Cát Trù nếu Đề Kiều không ra hàng!
Sợ làng bị triệt hạ, dân làng đã cử các vị bô lão đi lại nhiều lượt khuyên ông ra đầu thú.
Trước tình thế cấp bách thân cô, thế cô, lại với tấm lòng hiếu thuận, nhân nghĩa, biết không thể tiếp tục kháng chiến được nữa, ông cử con trai là Hoàng Văn Tập ra dàn xếp, nêu ba điều kiện với quân Pháp và Lê Hoan:
- Phải tha tất cả nhân dân thuộc ba tổng, cung cấp lương thực và thuốc men để họ trở về sum họp với gia đình.
- Quân Pháp và Lê Hoan phải rút khỏi ba tổng Điêu Lương, Trương Xá, Phú Khê, trả lại ba tổng này để ông cùng nhân dân quản lý, đáp lại ân nghĩa của nhân dân đã cùng ông khởi sự.
Trở về làng, ông từ chối chức quan Lãnh binh mà cùng dân làng làm ăn, bảo vệ quyền lợi cho ba tổng.
Đề Kiều đã lợi dụng mảnh đất khá tự do của mình để giúp đỡ, che chở cho nhiều nhân vật lãnh đạo kháng chiến như: cung cấp rất nhiều tiền bạc giúp nghĩa quân Hoàng Hoa Thám ở vùng Yên Thế (1893); hai lần bảo lãnh cho Nguyễn Quang Đoan là con trưởng của Nguyễn Quang Bích thoát khỏi sự truy sát của giặc. Đồng thời lo chu cấp tiền bạc và phương tiện cho đoàn xuất dương của Nguyễn Quang Đoan với Phan Bội Châu sang Nhật. Ông bỏ tiền bạc xây dựng ấp Tam Lộng phía Tam Đảo, giáp thị xã Vĩnh Yên, sau là căn cứ gặp gỡ giữa Nguyễn Quang Đoan với những cán bộ của Việt Nam Quốc dân Đảng (1930). Năm 1903 vua Thành Thái ra kinh lý Bắc Hà mời Đề Kiều về thành Thăng Long hội kiến ba ngày, Vua sắc phong cho Đề Kiều: “Minh nghĩa Đô úy” danh hiệu “Anh dũng Tướng quân” hàm “Tam phẩm”.
Pháp biết để ông sống ngày nào chúng còn mất ăn mất ngủ ngày đó, Chánh sứ Rô-bin tỉnh Phú Thọ (sau là Toàn quyền Đông Dương) và Chánh Mật thám Gertbert đã đầu độc mưu sát ông ngày 14-7-1915.
Khi ông chết, chúng còn sang tận nhà ông bắt nậy nắp quan tài để nhận diện xem ông chết thật hay giả! Trước lúc mất, ông còn dặn lại các con cháu: “Hãy trả thù cho nước, rửa hận cho cha”.
Đề Kiều sinh ra từ một làng quê Việt, được nhân dân che chở, bảo vệ trải qua mười năm kháng chiến, do tình thế ép buộc ông phải hạ mã là vì dân vì mẹ. Hơn thế nữa, còn là sự tự do của ba tổng quê hương ông. Đề Kiều sáng danh mãi trong gia phả dòng họ, cũng như trong phong trào đấu tranh chống xâm lược của dân tộc ta nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng. Tên ông còn được nhắc nhiều trong gia phả họ Nguyễn Giáp và họ Ngô.
Noi gương cha, ông Hoàng Mẫn Tuệ đã là người có công đầu trong xây dựng căn cứ cách mạng của tỉnh Phú Thọ. Từ quê hương ông, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Thọ đã ra đời. Nối tếp là những chiến khu vũ trang Minh Hòa, Vạn Thắng đã góp phần quan trọng trong việc giành chính quyền năm 1945. Rất nhiều con cháu của Đề Kiều đã
tham gia cuộc kháng chiến của dân tộc làm rạng danh trang sử vẻ vang của quê hương và dòng tộc.
III. TƯỞNG NHỚ
Tấm lòng nhân nghĩa của ông khi còn sống chuyện dân gian kể sao cho xiết. Ở Thượng Bằng La, người ta gọi ông là “Thánh nhân giáng thế”. Còn ở làng Phong Vực, người ta đã lập đền thờ sống ông, tôn ông làm Thành hoàng làng.
Khi ông mất, các làng ba tổng nơi quê hương ông đều lập đền thờ, nhân dân Cát Trù tôn ông làm Hậu thần thờ ở đền làng. Nhà thờ ông đặt tại làng Cát Trù, trong kháng chiến chống Pháp đã bị tàn phá, nay con cháu đã xây cất lại nhà thờ tại Đông Phai (chân núi Đọi Đèn - Rừng Già - căn cứ cuối cùng của phong trào Cần vương vùng Tây Bắc do ông chỉ huy) thuộc xã Văn Khúc - Cẩm Khê - Phú Thọ.
Hàng năm vào ngày 15-6 âm lịch con cháu ở khắp nơi lại tề tựu đông đủ để làm giỗ tưởng nhớ công lao của ông đối với dòng họ, đối với quê hương, đất nước.