TÀI: LƯƠNG NGỌC QUYẾN

Một phần của tài liệu Bài soạn Lịch sử Việt Nam P.3 (Trang 55 - 59)

III. CHỦ TRƯƠNG CÁCH MẠNG

TÀI: LƯƠNG NGỌC QUYẾN

Người thực hiện: Đỗ Quỳnh Trang Lớp: A3K18

Lương Ngọc Quyến, hiệu là Lập Nham, sinh năm 1885 tại Hà Nội trong một gia đình khoa cử khá giả, có truyền thống yêu nước nồng nàn. Lương Ngọc Quyến là con trai của cụ Cử Ôn Như Lương Văn Can, thân sinh ra ông là cụ bà Lê Thị Lễ. Tổ quán là làng Nhị Khê, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (quê hương Nguyễn Trãi) nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Lương Ngọc Quyến là con thứ hai trong gia đình ba người con.Trước ông là anh trai Lương Trúc Đàm. Sau ông là em trai Lương Nhị Khanh.

II. CUỘC ĐỜI

Sinh ra trong thời buổi loạn lạc, đất nước bị giặc ngoại xâm giày xéo, ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Lương Ngọc Quyến đã mang trong mình lòng yêu nước và mối căm thù giặc sâu sắc.

Mặc dầu được cha là cụ cử Lương Văn Can, người sáng lập ra Đông kinh nghĩa thục, kèm cặp chữ thánh hiền song cậu bé Quyến vẫn chuộng võ hơn văn.Tuy vậy, Ngọc Quyến dùi mài kinh sử, miệt mài với chồng sách cũ, dũa vần gọt chữ để mong có ngày tranh khôi đoạt giáp cùng các bạn.Khóa thi Hương năm Canh Tý (1900) vừa tròn 15 tuổi ông hăm hở lều chõng lên đường.

Bị hỏng việc công danh thi cử vì bài phú, ông liền tỉnh ngộ, nhận ra lối học khoa cử từ chương là hủ bại. Chính nó đã làm cho dân mình hèn, nước mình mất.Rồi ông tìm đọc sách tân học của Trung Quốc, rất tâm đắc với tư tưởng duy tân cách mạng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu.

Qua việc đọc sách Tân học và Tân thư của Trung Quốc, Lương Ngọc Quyến đã sớm nhận ra thanh niên Việt Nam phải mau học tập binh cơ võ bị tân thời mới mong đánh đuổi được kẻ thù, giành lại quyền tự do độc lập cho đất nước.

Tháng 10 năm 1905, khi nhà yêu nước Phan Bội Châu phát động phong trào Đông du, ngay lập tức, Lương Ngọc Quyến lên đường, trở thành một trong bốn học sinh có mặt tại Nhật. Ngày ra đi, ông cúi đầu lạy từ cha mẹ, gạt nước mắt phân ly, làm giấy cho phép người vợ hiền cải giá, để lại nhà đứa con thơ dại, chỉ mang một số tiền vừa đủ đến Yokohama (Nhật Bản). Lương Ngọc Quyến cùng em ruột là Lương Nhị Khanh được Phan Bội Châu gửi học ở Trường Chấn Vũ.

Tháng 5 năm 1906, Lương Ngọc Quyến được Phan Bội Châu bố trí vào học quân sự tại Chấn Võ Học hiệu (Simbu Gakku), một trường quân sự của chính phủ Nhật Bản đào tạo sĩ quan cho Trung Quốc. Nhưng đến ngày 10 tháng 6 năm 1907, Pháp và Nhật bắt tay nhau, nên ngày 8 tháng 3 năm 1909, Phan Bội Châu cùng toàn bộ du học sinh Việt Nam bị chính phủ Nhật trục xuất. Cụ Phan cùng Lương Ngọc Quyến và một số đồng chí phải sang Quảng Đông, nương náu ở nhà Chu Bá Linh, một nữ giáo viên Trung Quốc có cảm tình với các nhà cách mạng Việt Nam.Ông tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu.

Bấy giờ, phong trào cách mạng trong và ngoài nước đều gặp nhiều khó khăn. Cụ Phan phải đi bán sách để sinh nhai, tối về lại cùng Lương Ngọc Quyến uống rượu giải sầu. Muốn thoát khỏi cảnh cùng

quẫn, Lương Ngọc Quyến tìm đường về nước để vận động tài chính. Cụ Lương Văn Can đã gom góp được 250 đồng để Quyến mang sang Trung Quốc. Tháng 10 năm 1910, cụ Phan đã dùng số tiền ấy để đưa một số đồng chí sang Xiêm cày cấy, chờ đợi thời cơ. Năm 1911, cha Lương Văn Can lại đứng ra hỏi cưới và tổ chức cho Nguyễn Thị Hồng Đính, con gái thứ hai của chí sĩ yêu nước Nguyễn Hữu Cương (làng Động Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) sang Đông Hưng, Trung Quốc để thành hôn với Lương Ngọc Quyến. Sau đó, với tư cách là một học viên đã tốt nghiệp Chấn Võ Học hiệu, Lương Ngọc Quyến được vào học trường Quân nhu học hiệu ở Quảng Đông và trường Sĩ quan học hiệu Bắc Kinh, rồi trở thành thiếu tá trong quân đội cách mạng Trung Hoa. Đang tuổi thanh xuân, ý chí giết giặc cứu nước luôn sôi sục nên ông lao vào học tập và thực hành sở học ngay trên chiến địa Trung Hoa.

Tháng 6 năm 1912, nhân cách mạng Tân Hợi (1911) thành công ở Trung Hoa, Phan Bội Châu đã thành lập Việt Nam quang phục Hội, lấy chủ nghĩa dân chủ cùng mục tiêu “khu trục Pháp tặc, khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam cộng hoà dân quốc” làm tôn chỉ.Lương Ngọc Quyến đóng vai trò là Quân vụ uỷ nhiệm.Khi ấy, số hội viên tập hợp ở Quảng Đông lên đến cả trăm người. Để có lương thực nuôi quân, đầu năm 1913, Lương Ngọc Quyến về nước lần thứ 2. Tại nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Hữu Cương, Lương Ngọc Quyến đã bàn với con cháu các chí sĩ tiến hành hai cuộc tập kích vào Ty rượu Thanh Ba và Dinh tuần phủ Phú Thọ Chế Quang Ân. Rất tiếc, hai trận đánh này đều thất bại, nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh anh dũng. Đến tháng 4 năm 1913, Lương Ngọc Quyến lại đưa Phan Bội Châu đến tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) gặp người bạn đồng học cũ là Trương Huy Toản, đang giữ chức sư trưởng của quân đội Trung Hoa Dân quốc ở Hồ Nam để nhờ tài trợ.

Giữa năm 1914, nhân cơ hội ở Châu Âu sắp xảy ra đại chiến, Lương Ngọc Quyến lên đường vào Sài Gòn, tìm xuống Long Xuyên gặp gỡ Dương Bá Trạc để trù tính việc đưa người sang Xiêm để khẩn ruộng, luyện quân, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ khởi nghĩa. Biết giặc Pháp sẽ tra xét kỹ ở biên giới Miên – Xiêm, Lương Ngọc Quyến thay đổi lộ trình, đi Hương Cảng để từ đó vòng sang đất Xiêm.Trên đường đi Xiêm, ông lén ghé thăm cha già, Cụ Lương Văn Can đang an trí tại Nam Vang, và em trai Nghị Khanh vừa học ở Nhật lẻn về. Tại đây ông mới được tin nhà cho biết anh đang bị kết án tử hình vắng mặt và truy tầm ráo riết. Thì ra hành tung của ông đã bị bại lộ do mấy tên bạn phản trắc đã bán đứng Lập Nham cho giặc để mưu cầu phú quý vinh hoa! Ông đành bỏ dở kế hoạch được giao, tức tốc về Sài Gòn rồi xuống tàu trốn sang Hương Cảng.Nhưng số phận thật khắt khe.Tại Hương Cảng, ông đã bị cảnh sát Anh phục bắt rồi giao cho nhà cầm quyền Pháp ở Quảng Châu Loan. Khoảng tháng 3 năm 1915, ông bị giải về Hà Nội, ra toà án binh Cao Bằng rồi lần lượt bị chuyển sang các nhà lao Hoả Lò (Hà Nội), Nam Định, Sơn Tây, Phú Thọ và lại quay về Hoả Lò. Tại đây, địch đã dùng những đòn tra tấn dã man nhất, cả những ngón nghề mua chuộc xảo quyệt song vẫn không làm lung lạc được ý chí sắt đá, nghị lực phi thường của người chiến sĩ cách mạng Lương Ngọc Quyến.

Ngay trong địa ngục Hoả Lò, Lương Ngọc Quyến còn tìm mọi cách tuyên truyền, giác ngộ lòng yêu nước, căm thù giặc trong các bạn tù, kêu gọi họ nổi dậy chống thực dân. Biết không thể khuất phục được Lương Ngọc Quyến, ngày 25 tháng 7 năm 1916, thực dân Pháp bèn phạt ông án tù chung thân và đưa ông lên Thái Nguyên.Ở đây, ông tìm được người đồng chí mới là Đội Cấn, một viên đội khố xanh yêu nước. Sau một thời gian, ông đã bí mật kết giao được với nhiều người có cùng chí hướng trong đơn vị. Lấy tư cách là Uỷ viên quân vụ thuộc Bộ chấp hành của Việt Nam quang phục hội, Lương Ngọc Quyến đã kết nạp Đội Cấn vào Hội.

Sau đó, một Ban chỉ huy khởi nghĩa đã được thành lập gồm: Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến, Đội Giá, Đội Xuyên, Đội Nam, Đội 935 và một người đội văn thư. Kế hoạch tấn công đã được vạch ra: huy động lực lượng lính khố xanh ở trại tỉnh lỵ, các đồn lân cận (175 lính), các tù chính trị và tù thường phạm giác ngộ đánh chiếm tỉnh lỵ Thái Nguyên làm căn cứ. Khi cuộc bạo động nổ ra, sẽ có quân của Việt Nam quang phục hội từ bên ngoài vào tiếp ứng. 22 h ngày 30 tháng 8 năm 1917, ban chỉ huy hạ lệnh khởi sự. Đội Trường dẫn quân đi diệt tên giám binh Noel và các tên tay sai là Phó quản Lạp và Đội Hành. Đội Giá dẫn quân phá đề lao, diệt tên giám ngục Lô-ép, giải phóng 203 tù nhân, trong đó có Lương Ngọc Quyến. Tiếp đó, Đội Cấn tập hợp thành đội ngũ hùng mạnh, lấy đại nghĩa “giết thù cứu nước” để hiểu dụ anh em. 131 lính khố xanh đã đồng lòng hưởng ứng. Mọi người nhất trí bầu Đội Cấn làm Thái Nguyên Quang phục Quân Đại đô đốc và cử Lương Ngọc Quyến làm quân sư. Ngay đêm đó, nghĩa quân đã toả ra đánh chiếm các công sở như toà sứ, toà án, nhà đoan, kho vũ khí, kho bạc, nhà dây thép và bao vây trại lính Pháp. Khi phá kho vũ khí, nghĩa quân đã thu được 167 súng trường và 62.175 viên đạn.

Sáng ra, nghĩa quân trương trước cửa thành lá quốc kỳ nền vàng năm sao đỏ do Việt Nam quang phục hội chế định và quân kỳ nền đỏ năm sao trắng của Việt Nam Quang phục Quân cùng bức trướng đề bốn chữ “Nam binh phục quốc”. Dùng loa tuyên bố Thái Nguyên độc lập, đặt quốc hiệu là “Đại hùng đế quốc”. Trước đó, từ ngay nửa đêm, nghĩa quân đã công bố bản “Tuyên ngôn thứ nhất” do ông Tú Nguyễn Gia Cầu khởi thảo, Lương Ngọc Quyến chỉnh sửa. Bản tuyên ngôn kể rõ tội ác của thực dân Pháp kể từ khi chúng xâm chiếm nước ta, nhấn mạnh dã tâm vơ vét của cải, đưa dân ta đi làm bia đỡ đạn ở chiến trường Châu Âu. Phần cuối, nhân danh Đại đô đốc Quang phục Quân Trịnh Văn Cấn, bản tuyên ngôn kêu gọi nhân dân đứng lên khởi nghĩa, đồng tâm hiệp lực diệt trừ giặc Pháp, dành độc lập cho tổ quốc.

Hưởng ứng lời kêu gọi, hơn 300 người dân địa phương đã tình nguyện gia nhập nghĩa quân nâng tổng số quân lên đến 623 người với võ khí tương đối đầy đủ. Cân nhắc tương quan lực lượng giữa ta và địch, Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn đã chọn phương án cố thủ Thái Nguyên để chờ ngoại viện. Toàn thể nghĩa quân được tổ chức thành 8 đội, chia nhau đào công sự và ngăn giữ các hướng ra vào tỉnh lỵ. Lương Ngọc Quyến chỉ huy tuyến phòng thủ bên ngoài. Đội Cấn lo giữ phía trong.

Hốt hoảng trước việc tỉnh lỵ Thái Nguyên bị nghĩa quân chiếm đóng, ngày 31 tháng 8 năm 1917, thực dân Pháp cấp tốc điều quân từ Hà Nội và Đáp Cầu lên giữ đồn Gia Sàng. Sáng 2 tháng 9, bắt đầu mở cuộc tấn công với lực lượng hùng mạnh gồm 2.000 quân, có pháo binh, tàu chiến yểm trợ. Nghĩa quân đã kháng cự rất quyết liệt, tiêu diệt được 107 tên, sát thương 17 tên. Song trước kẻ địch mạnh gấp bội, nghĩa quân cũng bị tiêu hao, chỉ còn 250 tay súng nên buộc phải rút lui. Chính trong lần rút chạy ấy, Lương Ngọc Quyến đã anh dũng hy sinh.

Trưa ngày 5 tháng 9, Đội Cấn ra lệnh rút quân khỏi tỉnh lỵ để toả ra các vùng rừng núi xung quanh. Bị giặc Pháp truy đuổi ráo riết, nghĩa quân phải di chuyển suốt 4 tháng ròng từ Hùng Sơn (huyện lỵ Đại Từ), Quán Chu đến Vĩnh Yên, Phúc Yên rồi quay lại Thái Nguyên, đèo Nứa. Ngày 21 tháng 12, lực lượng của Đội Cấn tại căn cứ núi Pháo chỉ còn 30 tay súng nhưng đã đánh bật nhiều đợt tấn công liên tiếp của địch. Bị trọng thương và bị bao vây, vào lúc 21h ngày 5 tháng 1 năm 1918, Đội Cấn đã tự sát để khỏi sa vào tay giặc.

Tuy chỉ dành được độc lập vỏn vẹn có 7 ngày rồi bị địch dìm trong biển máu nhưng cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên vẫn là điểm son rực rỡ nhất của phong trào yêu nước theo đường lối bạo động. Điểm son ấy đã kết thúc một cách oanh liệt phong trào yêu nước trong hai thập niên đầu thế kỷ 20. Sau này, khi viết Phan Bội Châu niên biểu, cụ Phan một lần nữa, lại dành những lời hay nhất để ca tụng Lương Ngọc Quyến: “Việc Thái Nguyên Quang phục 7 ngày, ông thiệt là tướng tiên phong cho quân cách mệnh. Thế mới biết, người ta chỉ sợ không chí khí, không sợ không một ngày biểu hiện được. Xem ở ông Lương mà càng đáng tin lắm”. Còn học giả Nguyễn Hiến Lê, cũng không tiếc lời ca ngợi khi viết Đông kinh nghĩa thục: “Trong lịch sử cách mạng của dân tộc ta, hai cái chết đó oanh liệt và cảm động bậc nhất”.

Một phần của tài liệu Bài soạn Lịch sử Việt Nam P.3 (Trang 55 - 59)