TÀI: LƯƠNG VĂN CAN

Một phần của tài liệu Bài soạn Lịch sử Việt Nam P.3 (Trang 52 - 55)

III. CHỦ TRƯƠNG CÁCH MẠNG

TÀI: LƯƠNG VĂN CAN

Người thực hiện: Đồng Thị Thu Trang Lớp: A3 K18

Lương Văn Can, hiệu là Ôn Như; sinh năm 1854, mất năm 1927; là người làng Nhị Khê (nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây).

Năm 1871, khi 17 tuổi, Lương Văn Can đỗ thi Hương, vào tới Tam trường. Năm Giáp Tuất (1875), ông thi đỗ Cử nhân (nên thường gọi là ông cử Can), nhưng do bố mất, năm sau ông không đi thi Hội nữa. Dù được triều đình Huế bổ làm giáo thụ và thực dân Pháp cử làm Uỷ viên Hội đồng thành phố Hà Nội, song ông đều từ chối, ở lại quê nhà mở trường dạy học.

II. CUỘC ĐỜI

Đầu thế kỷ XX, Pháp hầu như đã hoàn thành quá trình bình định, dẹp yên các cuộc khởi nghĩa yêu nước bên trong Việt Nam. Cùng với việc mở rộng quá trình thực dân hoá, tư bản hóa nhằm khai thác thuộc địa một cách hiệu quả nhất, những cơ sở đầu tiên của kinh tế tư sản bắt đầu phát triển trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Song song với sự phát triển kinh tế, những tư tưởng tư bản cũng du nhập và phát triển ở Việt Nam. Các nhà nho có tư tưởng tiến bộ nhận thức được sự yếu kém của Khổng giáo, chứng kiến nước Nhật Bản duy tân mà thắng đế quốc Nga đã quyết định phải thay đổi tư tưởng, cách thức học tập trong nước nhằm mục đích tự cường, hy vọng một cuộc đổi mới. Là nhà nho yêu nước, Lương Văn Can đã học hỏi theo sách của các nhà tư tưởng tiến bộ của phương Đông như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu,... và phương Tây như Voltaire, Montesquieu,... nhằm tìm con đường canh tân đất nước. Khi thấy cuộc cải cách Minh Trị thành công trên đất Nhật Bản, học tập người Nhật, ông cùng bạn bè sáng lập một trường học theo kiểu trường Khánh Ưng nghĩa thục của Phúc Trạch lập ở Nhật Bản, để làm cuộc cách mạng về văn hóa, đồng thời tuyên truyền lòng yêu nước, tinh thần chống Pháp trong dân chúng Việt Nam. Tháng 3 năm 1907, Trường Đông Kinh nghĩa thục ra đời ở số 10 Hàng Đào − Hà Nội. “Đông Kinh” vốn là Thăng Long, Đông Đô ngày trước; “Nghĩa Thục” là trường làm việc nghĩa.

Với cách tổ chức theo mô hình mới và có sự tham gia của những trí thức yêu nước tiến bộ đương thời, từ trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, phong trào Đông Kinh nghĩa thục lan đi rất nhanh và sâu rộng tới các tỉnh như: Hà Đông, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Nam,... Nhận thấy đây có thể là một mối nguy đối với chế độ thuộc địa, tháng 12 năm 1907, nhà trường bị cấm hoạt động. Năm 1908, nhân vụ chống thuế Trung kỳ và vụ lính Pháp bị đầu độc ở Hà Nội, thực dân Pháp bắt Lương Văn Can và hầu hết giáo viên để khai thác nhưng chúng đã thất bại. Không có lí do gì để bắt giữ ông lâu, chúng buộc phải tha. Nhưng đến năm 1913, sau vụ đánh bom khách sạn Hà Nội (23-4) của Việt Nam quang phục hội, thực dân Pháp cho là nhóm Đông

Kinh Nghĩa Thục cầm đầu, chúng đã bắt giam ông, kết án biệt xứ đầy ra Côn Đảo, rồi đi an trí 10 năm ở Phnôm Pênh (Campuchia). Mãi đến năm 1924, ông mới được trở về nước, rồi mất tại Hà Nội năm 1927.

Lương Văn Can có ba con tham gia tích cực phong trào yêu nước đầu thế kí XX : Lương Trúc Đàm tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, Lương Ngọc Quyến tham gia phong trào Đông Du (1905) học ở Nhật, sau trở thành người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên (1917), Lương Nghị Khanh cũng tham gia phong trào Đông Du của Phan Bội Châu.

Lương Văn Can là một nhà giáo mẫu mực, một trí thức lớn, một người yêu nước thiết tha, một nhân sĩ nổi tiếng vì có nhãn quan chính trị mới mẻ, sâu rộng, ông vừa dạy học, vừa tuyên truyền tư tưởng đánh Pháp cứu nước trong quần chúng. Ông còn là một nhà thơ, tuy số lượng sáng tác không nhiều nhưng được đánh giá là một trong những tác giả tiêu biểu của dòng văn học yêu nước và cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX (1900 − 1930). Thơ ông bộc lộ tư tưởng, chính kiến của một người đã quyết trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, cứu nước. Hai bài thơ "Khuyến trung" và "Cảm tác" ông viết đều nêu cao tấm lòng trung với nước.

“KHUYẾN TRUNG”

Áo cơm lộc nước đã bao lâu Một tấm lòng trung trả nghĩa sâu Mưa gió giữ gìn bền chí mãi Non sông gánh vác ghé vai vào Rửa hờn gia quốc theo Lê tướng Xong nợ công danh học Phạm hầu Sự nghiệp quân dân là bổn phận Thân này quan trọng dám quên đâu

Điều đặc biệt là Lương Văn Can còn rất quan tâm đến việc phát triển công thương, một ngành sản xuất quan trọng mà người Việt còn rất yếu kém. Ông đã làm một bài thơ chỉ ra thực trạng sản xuất công thương đương thời:

“Một là mình không có thương phẩm Hai là không có thương hội

Ba là không có chữ tín Bốn là không có cái tâm Năm là không có nghị lực Sáu là không biết trọng nghề Bảy là không có thương học Tám là không biết giao thiệp rộng Chín là không biết tiết kiệm Mười là khinh bỉ nội hóa”.

Bài thơ tóm tắt mười điều hệ trọng, liên quan đến việc phát triển công thương nghiệp, trong đó, ông chỉ ra chín điều ta không có hoặc không biết, hoặc giả có biết nhưng không cố gắng thực hiện thành ra thua kém thiên hạ; còn một điều ta có, thì buồn thay, lại là điều hoàn toàn không nên có (khinh bỉ hàng nội hóa, tức là người Việt phủ nhận hàng Việt).

Lời cảnh báo của Lương Văn Can thực sự là “chén thuốc đắng” nhưng có thể góp phần chấn hưng nền kinh tế của đất nước. Ông là người đi trước thời gian, biết lo cả việc kiến quốc chứ không chỉ lo riêng việc đánh đuổi kẻ thù xâm lược.

III. ĐÁNH GIÁ

Lương Văn Can là một danh nhân lịch sử đã có rất nhiều cống hiến cho dân tộc Việt Nam. Ông là tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc sâu sắc, người đã khai trí, mở đường cho những người con đất Việt biết vươn tới ánh sáng của tương lai, hạnh phúc, độc lập và tự do.

Quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu về Lương Văn Can, ta càng thấu hiểu hơn biết bao nhiêu một con người không chỉ mang trong mình ý thức giữ nước mà còn trăn trở sao cho xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh và văn minh. Biết ơn ông, chúng ta,những thế hệ sau phải biết tiếp nối và phát huy, sống sao cho không phải hổ thẹn khi nhìn lại thành quả mà cha ông đi trước đã dày công vun đắp.

Một phần của tài liệu Bài soạn Lịch sử Việt Nam P.3 (Trang 52 - 55)