Một số lý thuyết liên quan đến phát triển vùng

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế xã hội vùng tam giác phát triển việt nam – lào campuchia (Trang 37 - 41)

Về tăng trưởng vùng có khá nhiều lý thuyết, tuy nhiên nghiên cứu này chỉ đề cập đến những lý thuyết mà VLCDT có thể tham khảo hoặc vận dụng.

Lý thuyết tăng trưởng nội sinh vùng:

Lý thuyết này hình thành trên cơ sở các kết quả quan sát thực nghiệm của C.Clark (1940) và B.Fisher (1939) [38]. Nói chung sự tăng thu nhập bình quân đầu người trong các khu vực lãnh thổ khác nhau theo thời gian gắn liền với sự phân bố thực tế các nguồn tài nguyên, với sự giảm tỷ lệ lực lượng lao động được sử dụng trong các hoạt động sơ cấp, khai thác các hoạt động thứ cấp (chế biến) và các hoạt động tam cấp (dịch vụ). Tốc độ của sự dịch chuyển và sự tiến triển bên trong của chuyên môn hóa vùng và phân công lao động xã hội được xem như là các nguồn cung cấp động lực chủ yếu cho sự tăng trưởng vùng. Lý thuyết tăng trưởng nội sinh nhấn mạnh đến năng lực sản xuất bên trong của vùng, đến khả năng cung cấp các yếu tố đầu vào như tài nguyên thiên nhiên, vốn, lao động và công nghệ để xác định năng lực sản suất của vùng.

Điều này có nghĩa là một vùng muốn tăng trưởng thì trước hết nên quan tâm đến những nguồn lực sẵn có của chính mình để làm cơ sở cho phát triển vì chỉ có làm cho năng lực sản xuất bên trong mạnh lên mới có thể thúc đẩy sự phát triển. Sự phát triển cũng phụ thuộc vào khả năng phân bổ hợp lý nguồn nhân lực trong vùng cũng như điều hòa dòng luân chuyển hàng hóa tiêu dùng trong vùng. Điều này đúng với những vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực dồi dào như CLVDT. Lý thuyết này được áp dụng trong những nền kinh tế mang nhiều tính tự cung tự cấp của nền kinh tế, khi mà dòng luân chuyển nguồn lực đầu vào và sản phẩm đầu ra giữa các vùng chưa phát triển. Ở Việt Nam đã có một thời gian dài nền kinh tế vùng được vận hành theo lý thuyết này. Và từ kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như một

số nước thì lý thuyết này chỉ nên áp dụng có sự kết hợp với những lý thuyết khác với mục tiêu tăng cường sức mạnh bên trong để củng cố cho sự phát triển chung.

Lý thuyết về các giai đoạn tăng trưởng vùng

Lý thuyết này do E.M.Hoover đề xướng năm 1984 với giả thiết phát triển vùng trước hết là một quá trình tiến hóa nội sinh, bao gồm các giai đoạn sau [54]:

Giai đoạn một là giai đoạn của nền kinh tế tự cung, tự cấp với sự đầu tư và buôn bán nhỏ; bộ phận dân cư nông nghiệp được phân bố tương ứng với sự phân bố của nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Giai đoạn hai là giai đoạn mà giao thông vận tải được cải thiện, vùng mở mang thương mại và tiến hành chuyên môn hóa sản xuất. Một bộ phận dân cư bắt đầu xúc tiến các ngành công nghiệp giản đơn phục vụ các hộ nông dân, các trang trại.

Giai đoạn ba là giai đoạn gia tăng thương mại nội vùng, vùng tiến triển thông qua các chuỗi mùa vụ nông nghiệp từ quảng canh lương thực đến chế biến nông sản và phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả.

Giai đoạn thứ tư là giai đoạn gia tăng dân số và suy giảm lợi tức nông nghiệp, buộc vùng phải đẩy mạnh công nghiệp hóa.

Giai đoạn thứ năm là giai đoạn mà các ngành công nghiệp lãnh thổ, các ngành chế biến, xuất khẩu của vùng đã phát triển. Các vùng đã phát triển tới mức có thể xuất khẩu vốn, kỹ thuật và các dịch vụ, đặc biệt đến các vùng chậm và kém phát triển hơn.

Các giai đoạn phát triển của vùng cũng được Thompson và Jacob đưa ra dựa vào quan sát sự phát triển của các vùng. Dù sử dụng các thuật ngữ khác nhau nhưng về cơ bản quan điểm của hai ông khá giống với quan điểm của E.M.Hoover.

Như vậy, theo mô hình các giai đoạn tăng trưởng, các vùng ban đầu đều có ít sản phẩm xuất ra khỏi vùng, suốt các giai đoạn tiếp theo của quá trình tăng

trưởng, nền kinh tế trở nên đa dạng và phức tạp hơn, vùng dần trở thành một mắt xích có vai trò nhất định trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Theo Thompson, khi đã phát triển, vùng sẽ có khả năng thu hút những nguồn lực mới để duy trì sự tăng trưởng kinh tế của vùng. Còn theo Jacob, bổ sung công việc mới cho các công việc cũ là yếu tố then chốt trong quá trình vận động giữa các giai đoạn phát triển.

Lý thuyết tăng trưởng nội sinh dựa trên lý thuyết ngành và sự mở rộng của nó vào lý thuyết về các giai đoạn tăng trưởng vùng nhấn mạnh đến sự cần thiết của công nghiệp hóa, đưa đến sự rập khuôn. Đồng nhất sự phát triển thực tế vốn rất phong phú đa dạng của các vùng. Lý thuyết về các giai đoạn tăng trưởng vùng không cho ta hiểu biết một cách sâu sắc về quan hệ ngoại sinh của vùng. Hơn nữa với cách tiếp cận khái quát không cho ta thấy rõ nguyên nhân tăng trưởng và các động lực của sự thay đổi.

Tuy nhiên, cách tiếp cận về các giai đoạn tăng trưởng vùng giúp ta có được bức tranh tổng thể về các giai đoạn tăng trưởng của vùng và nêu được các điều kiện chuyển dịch từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Với CLVDT là một vùng hình thành chưa lâu và hình thành trong điều kiện kém phát triển có thể vận dụng lý thuyết này để nhìn rõ quá trình phát triển của mình để đưa ra những lựa chọn phát triển phù hợp.

Lý thuyết điểm trung tâm của W.Christaller - (Mỹ 1933) gọi tắt là lý thuyết trung tâm.

Có thể nói lý thuyết này được hoàn thiện trên những ý tưởng và mô hình của V.Thunen và Weber cũng như những luận điểm cơ bản của Niutơn về lực hấp dẫn. Ông cùng với A.Losch đã góp phần to lớn vào việc tìm kiếm những tích luỹ quy luật của sự phát triển sản xuất và lĩnh vực phi sản xuất theo không gian trong điều kiện kinh tế thị trường.

W.Christaller cho rằng, không có nông thôn nào lại không chịu chỉ đạo của một cực hút, đó là thành phố. Ông quan điểm thành phố như những cực hút, hạt nhân của sự phát triển. Chúng là các đối tượng để đầu tư có trọng điểm

trên cơ sở nghiên cứu mức độ thu hút và mức độ ảnh hưởng của một trung tâm; để xác định bán kính vùng tiêu thụ các sản phẩm của trung tâm. Trong thời hạn bán kính vùng tiêu thụ, xác định giới hạn thị trường, ngoài ngưỡng giới hạn không có lợi trong việc phục vụ hàng hóa của trung tâm. Thành phố là một trung tâm cho tất cả các điểm dân cư khác của vùng, đảm bảo cho chúng về các hàng hóa của trung tâm. Các trung tâm tồn tại theo nhiều cấp, từ cao tới thấp. Các trung tâm cấp cao có khả năng lựa chọn hàng hóa và dịch vụ còn các trung tâm cấp thấp ít có khả năng lựa chọn hơn. Lý thuyết Trung tâm của W.Christaller đã được nhà bác học người Đức A.Losch đưa thêm vào nội dung của lý thuyết trung tâm vấn đề mức độ phụ thuộc cao hơn. Từ đó ông cho rằng có một điểm trung tâm chung.

Điểm trung tâm này cho rằng thành phố quan trọng nhất, là đầu mối của toàn bộ hệ thống các điểm dân cư; vai trò trong buôn bán và phục vụ của nó khống chế với các vùng phụ thuộc. Công lao của W.Christaller và A.Losch ở chỗ 2 ông đã khám phá quy luật phân bố không gian từ tương quan giữa các điểm dân cư, phát hiện một trật tự được tính toán trong sự phân bố các thành phố và nông thôn, sau khi nhận thức được quy luật khách quan, sẽ áp dụng nó khi quy hoạch các điểm dân cư trên những lãnh thổ mới khám phá, nghiên cứu các hệ thống không gian cơ sở để xác định các nút trọng điểm. Về mặt thực tiễn, lý thuyết này là cơ sở để bố trí các điểm đô thị mới cho những vùng còn trống vắng đô thị.

Hình 1.1: Lý thuyết trung tâm của W.Christaller – 1833 [41]

Trong sơ đồ trên A và B là 2 điểm đô thị R và r là bán kính chi phối tiêu thụ hàng hóa của đô thị A và B, X là điểm đô thị mới cần phát triển.

Lý thuyết này rất hữu ích ở các nước đang trong quá trình phát triển và có sự chuyển dịch nhanh chóng của đô thị hóa như CLVDT. Trong khi quy hoạch các điểm đô thị, các nhà quy hoạch cần có những cân nhắc điểm đặt khu trung tâm dựa trên cơ sở Lý thuyết của W.Christaller. Tuy nhiên việc khó khăn nhất ở đây là phải xác định được phạm vi tầm ảnh hưởng của R và r thì mới có thể xác định được điểm X.

Đối với những lý thuyết phát triển vùng này cần có những sự vận dụng kết hợp vì không có lý thuyết nào hoàn toàn đúng cho vùng CLVDT. Khi nghiên cứu phải vận dụng các lý thuyết một cách khá linh hoạt cho phù hợp với điều kiện, đặc thù phát triển thực tế của vùng với những lĩnh vực cụ thể.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế xã hội vùng tam giác phát triển việt nam – lào campuchia (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w