Lợi ích của sự hợp tác tại Tam giác phát triển Việt Nam – Lào-

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế xã hội vùng tam giác phát triển việt nam – lào campuchia (Trang 72 - 74)

Lào - Campuchia

Việc xây dựng CLVDT trên vùng biên giới giáp ranh giữa ba nước bao gồm 10 tỉnh ban đầu và 13 tỉnh sau khi mở rộng thuộc khu vực có tiền năng về phát triển nhưng thực tế tình hình kinh tế - xã hội của khu vực này phát triển chưa cao. Vì thế việc xây dựng CLVDT dựa trên một cơ sở chung là lợi ích thu được từ hợp tác phát triển tiểu vùng sẽ lớn hơn so với lợi ích có thể thu được từ những hoạt động độc lập nhằm thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội tại vùng tam giác.

- Về kinh tế, CLVDT sẽ giúp thúc đẩu mối quan hệ hợp tác khu vực. Trong trường hợp sự hội nhập rộng rãi là khó đạt được thì những quan hệ mang tính song phương hay tiểu vùng có thể là những bước tiến đầu tiên mở rộng quan hệ hợp tác giữa các quốc gia. Thường thì các tam giác phát triển sẽ cho phép các quốc gia khắc phục được những hạn chế về lao động, công nghệ, tài nguyên, đất đai, cơ sở hạ tầng thông qua việc tiếp cận dễ dàng hơn với các yếu tố đầu vào này trong phạm vi tiểu vùng.

- Về xã hội, cùng với phát triển kinh tế thì yếu tố xã hội sẽ là một trong những trọng tâm của tam giác phát triển, điều này khác với các tam giác tăng trưởng khác (trong các tam giác tăng trưởng thì yếu tố tăng trưởng với những chỉ tiêu về kinh tế được coi trọng mà không quan tâm nhiều đến những chỉ tiêu xã hội như đối với tam giác tăng trưởng). Qua đó đời sống của người dân được nâng cao về mặt vật chất, các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục được chú trọng. Những vấn đề xã hội như phụ nữ, trẻ em, tội phạm xuyên biên giới được hạn chế và kiểm soát chặt hơn.

- Về chính trị, an ninh, CLVDT có ý nghĩa trong việc củng cố hòa bình và an ninh trong khu vực. Để vận hành tam giác phát triển thì sự hợp tác này không chỉ dừng lại ở tầm quốc gia mà còn phải phát triển theo chiều sâu với sự liên kết phát triển giữa các địa phương, các ngành nghề. Bằng cách tạo ra sự liên kết, phụ thuộc lẫn nhau mà sự hợp tác giữa các tỉnh biên giới sẽ chặt chẽ hơn, qua đó củng cố hơn về vấn đề an ninh, quốc phòng tại vùng biên giới. Tam giác phát triển cũng giúp gìn giữ an ninh trong nội bộ các quốc gia nhờ lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Ở ba quốc gia, vùng biên giới là vùng sinh sống của các dân tộc ít người. Lợi ích kinh tế thu được từ việc mở rộng thương mại qua biên giới và đầu tư sẽ giúp phát triển vùng biên, nơi khó có được sự tập trung chú ý của các chiến lược phát triển quốc gia và đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Cải thiện mức sống người dân và đem lại thu nhập cao hơn cho họ sẽ giúp giải quyết được phần lớn tranh chấp bắt nguồn từ kinh tế.

- Về văn hóa, sự phát triển của tam giác cùng với việc tăng cường giao thương kinh tế sẽ tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hóa thuận lợi hơn. Với đặc điểm dân cư khá tương đồng tại khu vực các tỉnh biên giới, phát triển văn hóa tương đồng sẽ quay trở lại là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực, từ đó góp phần không chỉ cải thiện đời sống vật chất mà còn giúp cải thiện đời sống tinh thần cho người dân ở đây.

Như đã trình bày ở trên, tam giác phát triển đang là một mô hình hợp tác mới nổi của các nước có địa lý liền kề. Một tam giác phát triển sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng hiệu suất sử dụng tiềm năng kinh tế như lao động, tài nguyên, vốn, công nghệ mà không phụ thuộc vào biên giới quốc gia. Các nỗ lực đều hướng tới tăng các luồng chu chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động và vốn giữa các quốc gia để phát triển sản xuất và giải quyết các vấn đề xã hội. Động lực đằng sau việc hình thành các tiểu vùng hay tam giác là nhận thức về lợi ích thu được từ sự hợp tác tiểu vùng hay khu vực sẽ lớn hơn so với lợi ích thu được từ những hoạt động độc lập.

Tam giác phát triển cũng có ý nghĩa trong việc củng cố hòa bình và an ninh trong khu vực; giúp gìn giữ an ninh trong nội bộ các quốc gia nhờ lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Phát triển giao lưu kinh tế nhờ các hoạt động thương mại và đầu tư qua biên giới sẽ làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, từ đó cải thiện an ninh biên giới. Chất lượng sống của những người dân sinh sống trong khu vực biên giới cũng theo đó được nâng lên, giải quyết được những vấn đề xã hội và do đó an toàn xã hội được cải thiện. Bên cạnh những lợi ích cụ thể mang lại cho từng quốc gia và vùng lãnh thổ trong tam giác, tam giác phát triển còn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế khu vực như chúng ta có thể thấy trong các trường hợp của các tam giác khác ở ASEAN.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế xã hội vùng tam giác phát triển việt nam – lào campuchia (Trang 72 - 74)