23 Nếu DOC hoãn ban hành phán quyết cuối cùng, nhưng ITC không hoãn thì quyết định của họ phải ban hành trong vòng 120 ngày sau khi phát hành phán quyết cuối cùng của DOC.
ĐỊNH HƯỚNG VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ ĐIỀU TRA CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ
Pháp lệnh chống bán phá giá của Việt Nam được ban hành vào năm 2004, văn bản pháp luật đầu tiên về chống bán phá giá của Việt Nam được ra đời trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước đã và đang từng bước hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, các chính sách đối ngoại về kinh tế - chính trị đang được phát triển dồn dập. Trong điều kiện chính phủ Việt Nam phải thực hiện khá nhiều công việc để “nội luật hóa” các Hiệp định song phương đã được ký kết như: Hiệp định Thương mại Việt Mỹ; Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA),… Bên cạnh đó, là quá trình đàm phán để gia nhập WTO của Việt Nam đang ở giai đoạn “nước rút”, công tác chuẩn bị
soạn thảo, ban hành các văn bản pháp luật, chính sách để phục vụ cho việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO. Trong điều kiện khó khăn và áp lực như vậy, ngoài những lĩnh vực như đầu tư, thương mại, sở hữu trí tuệ.v.v…Việt Nam đã ban hành được các văn bản pháp luật điều chỉnh về các biện pháp phòng vệ thương mại, cụ thể như pháp lệnh về chống trợ cấp, pháp lệnh về tự vệ, pháp lệnh về chống bán phá giá và các văn bản hướng dẫn thi hành…Điều này cho thấy, việc ban hành được các văn bản này đã thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam về hoạt động lập pháp.
Sự thiếu hoàn thiện, thiếu chi tiết và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của Pháp luật chống bán phá giá ở Việt Nam cũng có những nguyên do của nó, cụ thể: (i) Nguyên nhân thứ nhất, như đã phân tích ở trên, hoàn cảnh ra đời của pháp lệnh chống bán phá giá và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành gấp rút để gia nhập WTO. Với khối lượng “khổng lồ” các vấn đề cần phải đàm phán và cam kết đa phương và song phương, cụ thể như: cam kết về chính sách bao gồm 28 lĩnh vực (chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư, nông nghiệp, trợ cấp…); Cam kết về thương mại hàng hóa bao gồm 13 lĩnh vực (nông sản, dầu khí, gỗ…); Cam kết về trợ cấp, chống bán phá giá; Cam kết về mở cửa dịch vụ bao gồm 11 lĩnh vực (dịch vụ kinh doanh, viễn thông, phân phối…) [152, truy cập lần cuối ngày 12/12/2012], hàng loạt văn bản pháp luật đã được ban hành trong giai đoạn này để nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết; (ii) Nguyên nhân thứ hai là kinh nghiệm về nội luật hóa các điều ước quốc tế và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại quốc tế của Việt Nam còn chưa nhiều; (iii) Nguyên nhân thứ ba là, nếu so với lịch sử pháp luật chống bán phá giá hàng trăm năm của Hoa Kỳ và EU và quá trình đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, cùng với bề dày kinh nghiệm về hoạt động chống bán phá giá. Do vậy, sự hoàn thiện của pháp luật chống bán phá giá hiện hành ở các quốc gia này là chuyện dễ hiểu. Trong khi đó, pháp luật chống bán phá giá của Việt Nam mới ra đời chưa đủ mười năm. Ngoài ra, thời điểm đó chính sách kinh tế, cũng như sức ép của nền kinh tế cũng chưa đủ mạnh để buộc các nhà lập pháp phải ưu tiên hoàn thiện hơn các quy định về pháp luật chống bán phá giá.
Tuy nhiên, sau khi gia nhập WTO, bên cạnh sức ép phải hoàn thiện pháp luật chống bán phá giá nói chung và điều tra chống bán phá giá nói riêng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, bảo vệ nền kinh tế. Việt Nam còn phải chịu sức ép lớn hơn nữa
là phải “nội luật hóa” các cam kết về chống bán phá giá cho phù hợp với Hiệp định ADA, các nguyên tắc của GATT/WTO và các cam kết riêng của Việt Nam khi gia nhập WTO, cũng như một số cam kết có liên quan đến chống bán phá giá trong Hiệp định song phương khác. Nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về chống bán phá giá phải bảo đảm được sự hài hòa giữa bảo vệ ngành sản xuất trong nước, người tiêu dùng, lợi ích của xã hội và các cam kết quốc tế.