NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BÁN PHÁ GIÁ, CHỐNGBÁN PHÁ GIÁ VÀ ĐIỀU TRA CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ

Một phần của tài liệu Điều tra chống bán phá giá dưới góc độ luật so sánh (Trang 25 - 31)

2.1. Khái niệm, phân loại hành vi và tác động của bán phá giá

2.1.1. Khái niệm bán phá giá

Khi nghiên cứu về chủ đề bán phá giá, có rất nhiều cách hiểu và lý giải khác nhau. Các chuyên gia kinh tế có những lý giải dưới góc độ kinh tế, các chuyên gia pháp lý có cách lý giải dưới góc độ pháp luật và các chuyên gia ngôn ngữ đương nhiên lại có cách hiểu riêng… Tuy nhiên, điểm chung của các học giả khi định nghĩa về bán phá giá là đều nói đến “sự phân biệt giá giữa các thị trường khác nhau”.

Một cách kinh điển, JacobViner định nghĩa phá giá là “sự phân biệt giá giữa thị trường các quốc gia” [100, tr.6]. Trong Thương mại quốc tế phá giá được xem là đã xảy ra khi bán một sản phẩm xuất khẩu ở mức “giá thấp hơn giá bán cho người tiêu dùng nội địa, có tính đến điều kiện về bán hàng”[100, tr.6]. Theo một số tác giả khác, định nghĩa một cách mở rộng hơn, Hoekman, Bernard M. and Michael P. Leidy cho rằng “bán phá giá xảy ra khi một sản phẩm tương tự được doanh nghiệp bán ở

thị trường nước xuất khẩu với mức giá rẻ hơn ở thị trường nội địa. Ngoài ra, phá giá có thể xảy ra nếu giá xuất khẩu của sản phẩm ít hơn tổng số chi phí trung bình hoặc chi phí cận biên”[74]; James Devault: “hiện tượng bán phá giá xảy ra khi một doanh nghiệp bán sản phẩm ra nước ngoài với giá thấp hơn giá trị công bằng của nó”[60]; Finger, J. Michael: “phá giá là bất cứ những gì mà bạn làm dẫn đến chính phủ có hành động chống lại theo luật chống bán phá giá”[70].

Về mặt ngôn ngữ, theo từ điển kinh tế: bán phá giá là hàng hóa xuất khẩu ở mức giá thấp hơn mức giá ở thị trường nội địa, trong việc bán phá giá về giá (in price-to-price dumping), nhà xuất khẩu sử dụng giá thị trường nội địa cao hơn để bù vào thâm hụt lợi nhuận cho việc xuất khẩu giá thấp. Trong việc bán phá giá về chí phí (in price-cost dumping), nhà xuất khẩu được trợ cấp bởi chính phủ của họ bằng cách hoàn thuế, ưu đãi tiền mặt (lãi suất cho vay…)[124, truy cập lần cuối ngày 1/8/2012].v.v…Từ điển kinh tế học hiện đại định nghĩa “việc bán một hàng hóa ở nước ngoài ở mức giá thấp hơn so với mức giá ở thị trường trong nước”[35, tr.282], hay như Đại từ điển Trung Việt định nghĩa “bán phá giá là bán với giá thấp hơn giá chung của thị trường để nhằm cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường”[27, tr.96]. Bên cạnh đó còn có tài liệu khác cũng định nghĩa tương tự: bán phá giá là việc bán một sản phẩm ở nước ngoài thấp hơn giá bán ở thị trường trong nước [26, tr.282].

Trong các cuộc đàm phán Hiến chương Havana và sau đó được quy định tại điều VI của GATT 1947, bán phá giá được khái niệm là: các nhà xuất khẩu bán hàng hóa ra nước ngoài với giá thấp hơn giá tại thị trường trong nước, và điều này có thể gây ảnh hưởng có hại cho ngành công nghiệp ở nước nhập khẩu sản xuất sản phẩm tương tự. Hiện nay, định nghĩa về bán phá giá được các quốc gia thống nhất tại Hiệp định thực thi điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại năm 1994 (Hiệp định chống bán phá giá – ADA) của WTO: Một sản phẩm bị coi là bán phá giá (tức là được đưa vào lưu thông thương mại của một nước khác với giá thấp hơn trị giá thông thường của sản phẩm đó) nếu như giá xuất khẩu của sản phẩm được xuất từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường [2, điều 2.1].

Trên cơ sở quy định khung của Hiệp đinh ADA, các nước thành viên WTO ban hành các nội luật của mình cho phù hợp với Hiệp định. Theo đó, quy định của EU: Một sản phẩm bị xem là bán phá giá nếu giá xuất khẩu vào khối cộng đồng ít hơn so với mức giá đối với sản phẩm tương tự theo tiến trình thương mại thông thường được thiết lập ở nước xuất khẩu [8, điều 1.2]; Tương tự, pháp luật Hoa kỳ cũng quy định: bán phá giá là việc bán một sản phẩm ở thị trường Hoa Kỳ với một mức giá thấp hơn giá của sản phẩm đó được bán ở thị trường nội địa (giá trị thông thường), sau khi điều chỉnh những khác biệt về hàng hóa, số lượng mua, điều kiện bán. Trong trường hợp không có giá bán ở thị trường nội địa thì giá của sản phẩm được bán được thay thế (surrogate) ở nước thứ ba có thể được áp dụng. Nếu ở thị trường nội địa và nước thứ ba thay thế không xác định được giá thì sử dụng “giá xây dựng” để áp dụng [4, mục 771(34)].

Nhìn chung, các định nghĩa nêu trên đã góp phần xác định khái niệm bán phá giá hàng hóa trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, không đề cập đến việc bán hàng hóa dưới mức chi phí (price-cost dumping), một yếu tố vốn được xem là nội hàm của việc bán phá giá. Ở đây, yếu tố then chốt để xác định hành vi bán phá giá là sự so sánh biên độ chênh lệch giữa giá được bán tại nước nhập khẩu với giá thông thường của sản phẩm tại nước xuất khẩu. Việc so sánh phải được tiến hành đối với sản phẩm cùng loại hoặc đối với sản phẩm tương tự (like product). Theo điều 2.6 của Hiệp định ADA, “sản phẩm tương tự” trong trường hợp bán phá giá được hiểu theo nghĩa rất hẹp là sản phẩm phải giống hệt, tức là có tất cả các yếu tố tương đồng với sản phẩm đang được xem xét, hoặc nếu không có sản phẩm nào như vậy thì phải sử dụng sản phẩm có những đặc tính rất giống (closely resembling) với sản phẩm đang được xem xét. Sản phẩm tương tự tại điều 2.6 của Hiệp định ADA bảo gồm mang ý nghĩa sản phẩm tương tự ở nước xuất khẩu khi xác định để tính giá trị thông thường hoặc nước thứ ba trong trường hợp quốc gia xuất khẩu là thuộc quốc gia có nền kinh tế phi thị trường (None Market Economy - NME) và sản phẩm tương tự mang ý nghĩa đối với sản phẩm ở quốc gia nhập khẩu khi xác định đối tượng điều tra.

Trong hoạt động thương mại quốc tế, hành vi bán phá giá được thể hiện ở nhiều hình thức, mục đích khác nhau. Vì thế, các nhà nghiên cứu đã phân loại bán phá giá theo cách nhìn nhận ở nhiều góc độ.

2.1.2.1. Phân loại bán phá giá theo Hiến chương Havana

Hiến chương Havana được các bên ký kết vào năm 1948, trong thời gian đàm phán và đi tới việc ký kết Hiến chương Havana về quan hệ thương mại quốc tế, những nước tham gia đã thống nhất phân chia bán phá giá thành 4 loại:

Thứ nhất, phá giá về giá: Đây là hành vi đã được quy định định trong điều VI của Hiệp định GATT (“sản phẩm của một nước được đưa vào kinh doanh trên thị trường của một nước khác với giá thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm”).

Thứ hai, phá giá dịch vụ: Đây là hành vi tạo ra lợi thế về giá do có phá giá cung cấp dịch vụ vận tải biển.

Thứ ba, phá giá hối đoái: Đây là hành vi dựa trên cơ sở khống chế tỷ giá hối đoái để đạt được lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.

Ví dụ: chính sách kiềm chế sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ để tăng lợi thế cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã làm chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia khác phản đối kịch liệt ở các diễn đàn của WTO trong những năm gần đây.

Thứ tư, phá giá xã hội: Đây là hành vi xuất phát từ việc nhập khẩu hàng hoá với giá thấp do các sản phẩm có nguồn gốc từ các hoạt động mang tính chất đạo đức xã hội, ví dụ: các sản phẩm do tù nhân hay lao động khổ sai sản xuất hoặc do bóc lột trẻ em…

2.1.2.2. Phân loại bán phá giá căn cứ vào động cơ và mục đích

Khi phân loại theo động cơ và mục đích, Jacob Viner chia ra ba loại bán phá giá:

Thứ nhất, bán phá giá không thường xuyên, mục đích, động lực của việc bán phá giá là sắp xếp lại hàng hóa trong một giai đoạn ngắn hạn để nhằm tránh khỏi sự dư thừa của hàng hóa, là hình thức phá giá này được sử dụng để bán hết các sản phẩm tồn kho. Đây là một hình thức tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và là hành động cần thiết phải thực hiện để thu hồi vốn. Tuy nhiên,

hành vi này lại làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất kinh doanh khác cũng như ảnh hưởng đến thị trường nói chung. Vì thế, đây cũng là một hành vi không được khuyến khích trong hoạt động thương mại quốc tế.

Thứ hai, bán phá giá ngắn hạn hoặc bán phá giá gián đoạn, mục đích của việc bán phá giá này là nhằm tham gia vào thị trường mới, duy trì thị phần hoặc đẩy các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường, vì khi thâm nhập vào một thị trường mới, hoặc mở rộng thị phần thì doanh nghiệp phải thực hiện các hành vi này ở thị trường nước nhập khẩu, trong khi ở thị trường nội địa doanh nghiệp vẫn bán hàng hóa ở mức giá đúng theo giá thị trường.

Thứ ba, bán phá giá dài hạn hoặc liên tục bán phá giá nhằm mục đích để đạt được hoặc duy trì sự sản xuất quy mô lớn trong toàn bộ nền kinh tế. Hành vi bán phá giá này còn được gọi là “phá giá độc quyền hay còn gọi là phá giá hủy diệt”. Jacob Viner cho rằng chính sách chống bán phá giá là rất cần thiết để chống lại hành vi phá giá hủy diệt (predatory dumping) và bảo vệ quyền lời người tiêu dùng trong nước. Khi áp dụng trường hợp này các công ty hoặc tập đoàn nước ngoài nỗ lực để đẩy các đối thủ cạnh tranh nội địa ra khỏi thị trường, sau đó thiết lập một cơ chế độc quyền và sử dụng quyền lực thị trường của mình để sẽ tăng giá bất hợp lý, khi đó người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác là phải chấp nhận mức giá này. “Giá hủy diệt” thực tế được xem là việc sử dụng phương thức giảm giá trong giai đoạn ngắn hạn nhằm nỗ lực để loại bỏ các đối thủ (exclude rivals) hơn là nhằm mục đích đạt được hay là bảo vệ quyền lực thị trường…Phá giá hủy diệt là một hình thức phức tạp của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Để đạt được mục đích độc quyền thị trường như trên, nó đòi hỏi các doanh nghiệp này phải chịu thiệt hại đáng kể hoặc ít nhất là từ bỏ lợi nhuận hiện tại để hy vọng rằng những tổn thất này có thể được bù lại nhiều hơn trong tương lai thông qua việc thực hiện quyền lực thị trường từ việc độc quyền. Do đó, thị trường đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xác định “giá hủy diệt”, là một thủ đoạn mà các doanh nghiệp có thể sử dụng. Các công ty bán phá giá hủy diệt phải chiếm một thị phần rất đáng kể trên thị trường hoặc ít nhất là năng lực của công ty để thâu tóm được thị phần [99, tr.81].

Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, một số nhà kinh tế học không hoàn toàn đồng ý với sự xuất hiện của bán phá giá có tính hủy diệt. Bởi lẽ, họ cho rằng không thể tin

được một công ty lại có thể chịu thua lỗ trong một thời gian dài để đạt được mục đích này, và hơn nữa một công ty muốn thực hiện được việc bán phá giá hủy diệt thì công ty đó phải là một công ty độc quyền trên toàn cầu, điều này là không khả thi và quá khó để xảy ra trong hầu hết các ngành công nghiệp. Hoekman và Leidy cho rằng:

ngay cả việc thực nghiệm trong phòng thí nghiệm của Isac và Smith đã không tìm ra được bất kỳ bằng chứng nào về giá hủy diệt [76]. Mặt khác, các trường hợp giá cướp đoạt cũng hiếm khi xảy ra. Do đó, Báo cáo của OECD đã đề cập ở trên kết luận rằng: "các trường hợp phá giá hủy diệt có thể xảy ra nhưng hầu như là rất hiếm".

Theo Hoekman and Leidy, bán phá giá mang tính hủy diệt chỉ xảy ra khi thị trường tồn tại các vấn đề sau: (i) Thị trường phải được phân khúc do đó thị trường nội địa của nhà xuất khẩu được đóng so với bán hàng thứ cấp, (ii) Công ty xuất khẩu có được sức mạnh thị trường đầy đủ trong ít nhất một thị trường để cho phép nó tác động đươc đến giá, và (iii) Nhu cầu thị trường xuất khẩu co giãn nhiều hơn thị trường nội địa, tức là đáp ứng được việc bán hàng với giá thấp hơn. Một vấn đề đặt ra là, liệu phân khúc như vậy có thể có trong thị trường quốc tế hay không? “Trong thực tế, phân khúc thị trường thường sẽ trở thành các điều kiện cần thiết chủ yếu cho việc bán phá giá xảy ra. Vấn đề sau đó phát sinh là: việc phân khúc thị trường quốc tế có phổ biến không? Đối với nhiều sản phẩm và ngành công nghiệp câu trả lời là có. Sự khác biệt của sản phẩm, sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, chính sách thương mại và quy định của chính phủ, sự khác nhau về tiêu chuẩn sản phẩm, vv…, tất cả việc làm đó để tạo ra phân khúc thị trường. Kết quả là môi trường kinh doanh sẽ luôn luôn thuận lợi cho hành vi cố ý và vô ý bán phá giá” [50].

Phân loại bán phá giá theo động cơ có ý nghĩa rất lớn cho việc xác định và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá cho phù hợp với từng biểu hiện của loại hành vi này. Bên cạnh đó, điều tra, xem xét hành vi bán phá giá theo động cơ, mục đích cũng cho kết quả chính xác, rõ ràng hơn.

2.1.2.3. Một số biến tướng của bán phá giá

Khái niệm về hành vi bán phá giá đang được các chuyên gia, nhà nghiên cứu tiếp tục hoàn chỉnh, để nhằm giải quyết một thực tế là có những hành vi bán phá giá, nhưng bề ngoài biểu hiện là không có sự phá giá theo đúng khái niệm đã được công nhận của Hiệp định ADA. Nhưng, một nhà sản xuất lại có những hành vi khác có thể

dẫn đến những hậu quả tương tự. Đó chính là những biến tướng của bán phá giá. Các loại biến tướng của phá giá được phân chia chi tiết hơn, bao gồm:

Bán phá giá ẩn (hidden dumping): Phá giá ẩn, được định nghĩa trong bản phụ lục của điều VI của Hiệp định GATT, là nhà nhập khẩu bán hàng với giá thấp hơn giá ghi trên hoá đơn của nhà xuất khẩu có mối liên kết với nhà nhập khẩu, đồng thời giá cũng thấp hơn giá ở nước xuất khẩu. Đây là hành vi có sự cấu kết giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu để thực hiện các hành vi gian lận thương mại.

Bán phá giá gián tiếp (Indirect dumping): Phá giá gián tiếp là việc nhập khẩu thông qua một nước thứ ba mà tại đó sản phẩm không bị coi là bán phá giá. Đây có thể được coi là một dạng lẩn tránh thuế chống bán phá giá thông qua nước thứ ba.

Bán phá giá thứ cấp (secondary dumping): Phá giá thứ cấp là việc xuất khẩu sản phẩm có chứa đựng các bộ phận được nhập khẩu với giá thường được xem là phá giá.1

2.1.3. Ảnh hưởng của bán phá giá đối với nền kinh tế

2.1.3.1. Ảnh hưởng của bán phá giá đối với nền kinh tế nước xuất khẩu

Các công ty xuất khẩu chỉ có thể tiến hành phân biệt giá quốc tế khi họ có thể bán sản phẩm của mình ở thị trường nội địa với mức giá cao để bù đắp cho giá xuất khẩu thấp. Các quốc gia có thị trường đàn hồi ít hơn và mô hình phân biệt giá quốc tế, thị trường đàn hồi ít hoặc sự tập trung của quyền lực thị trường là sự hạn chế của các hoạt động kinh doanh, sẽ có xu hướng đẩy giá lên cao hơn và đương nhiên là ảnh

Một phần của tài liệu Điều tra chống bán phá giá dưới góc độ luật so sánh (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w