I. BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ TRONG NƯỚC, THÁCH THỨC VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ
1. Bối cảnh trong nước và quốc tế
Trên thế giới, kinh tế phục hồi dần và sẽ sớm trở lại chu kỳ tăng trưởng mới. Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo, được nhiều nước coi là quốc sách. Thế giới đang hướng tới kỷ nguyên sinh thái, năng lượng tái tạo, năng lượng mới được nhiều nước chú trọng phát triển, có khả năng thay thế dần nhiên liệu hóa thạch. Đàm phán toàn cầu về cắt giảm phát thải khí nhà kính khó đạt kết quả khả quan trong thời gian gần nên biến đổi khí hậu sẽ ngày càng mạnh hơn. Nhiều báo cáo khoa học gần đây đã nhận định mực nước biển có thể dâng khoảng 1m và nhiệt độ trung bình của trái đất dự kiến có thể sẽ tăng hơn 4oc cho đến cuối thế kỷ.
Suy thoái đất, hoang mạc hóa diễn tiến nhanh hơn. Tài nguyên khoáng sản ngày càng khan hiếm và đắt giá. Nhiều nơi trên thế giới thiếu nước nghiêm trọng; xung đột, bất ổn trong việc chia sẻ nguồn nước gia tăng. Biển và đại dương ngày càng bị ô nhiễm; tranh chấp, xung đột giữa các quốc gia về tài nguyên biển ngày càng gay gắt. Chất lượng môi trường suy giảm, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng. Rừng tiếp tục bị suy giảm mạnh, các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích. Nhiều loài hoang dã bị tuyệt chủng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao.
Ỏ trong nước, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục được đẩy mạnh hướng tới mục tiêu đưa nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 nên nhu cầu khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên tăng mạnh. Kinh tế tăng trưởng chậm lại trong một thời gian gần nhưng sẽ sớm trở lại chu kỳ tăng trưởng mới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc các ngành kinh tế sẽ được thúc đẩy hệ thống hạ tầng được quan tâm đầu tư, thể chế được hoàn thiện, nguồn nhân lực phát triển một bước.
Nước biển dâng, sụt lún vùng ven biển do khai thác nước ngầm quá mức, ảnh hưởng từ các hoạt động khai thác nước trên thượng nguồn các sông quốc tế làm cho triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn diễn ra mạnh hơn, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và một số địa phương ven biển khác. Thiên tai như bão lũ, hạn hán diễn biến thất thường, cực đoan hơn. Tài nguyên tiếp tục bị khai thác mạnh hơn, nhất là tài nguyên không tái tạo. Các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu khí có xu hướng giảm dần. Đất đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng, phát triển cây công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản tăng nhanh; nhiều vùng đất bị thoái hoá, bạc màu, hoang mạc hoá gây nên áp lực lớn lên đất canh tác nông
nghiệp, đất úng. Nhu cầu về nước tăng mạnh29, Tây Nguyên, Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương ven biển đối mặt với tình trạng thiếu nước gay gắt vào mùa khô; an ninh về nước tiếp tục bị chi phối mạnh bởi hoạt động của các quốc gia thượng nguồn sông quốc tế. Độ che phủ của rừng tiếp tục tăng nhưng chậm lại, chất lượng rừng tiếp tục suy giảm. Ô nhiễm môi trường diễn ra trên diện rộng, vẫn trong xu thế tăng30 nhưng chậm hơn, có thể được kiểm soát, đảo chiều trong một vài thập kỷ tới. Không gian đất liền ngày càng trở nên chật hẹp, nhiều nước chủ trương hướng ra biển, khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế biển dẫn đến xung đột, tranh chấp chủ quyền biển đảo nổi lên gay gắt. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó, nhiều rào cản kỹ thuật được dựng lên, nhất là các rào cản về môi trường, biến đổi khí hậu, cản trở thương mại của các nước yếu thế, trình độ phát triển thấp. Ngoài ra, những nước này còn đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ, máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, thậm chí cả chất thải từ phần còn lại của thế giới.
Những dự báo tình hình trên đây đặt nước ta trước những vấn đề không thể xem nhẹ như ngập lụt, triều cường, xâm nhập mặn, thiên tai cực đoan, tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường gia tăng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế, công cuộc xóa đói nghèo, đòi hỏi phải có chủ trương, giải pháp phù hợp, kịp thời.