Thời kỳ trước đổi mới (197 6 1985)

Một phần của tài liệu lịch sử thuế (Trang 27 - 30)

III- Giai đoạn cả nước có chiến tranh và đấu tranh giải phóng miền Nam,

1-Thời kỳ trước đổi mới (197 6 1985)

Đây là thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau khi thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, chúng ta lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới (ở phía Bắc và Tây Nam) cùng với sự cấm vận, bao vây kinh tế của chủ nghĩa đế quốc. Phương hướng, nhiệm vụ của tài chính quốc gia giai đoạn này gắn liền với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980), xác định việc thống nhất chính sách thuế trong cả nước phải được tiến hành dần từng bước, gắn với công cuộc cải tạo XHCN và xây dựng CNXH, với quá trình thống nhất các chính sách về giá cả, tiền tệ, thị trường.

a- Nội dung, những điều chỉnh chủ yếu của từng thứ thuế và thu:

*Thuế công thương nghiệp:

Ở miền Bắc đến năm 1980, vẫn thi hành các chính sách thuế đã ban hành từ trước. Ở miền Nam sau ngày giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã có chỉ thị cho tạm thời thi hành có cải tiến một số sắc thuế của chính quyền cũ.

Đầu năm 1979, sau khi miền Nam đã thực hiện được một bước cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, Nhà nước đã cho vận dụng chính sách thuế công thương nghiệp đang áp dụng ở miền Bắc vào miền Nam, với một số cải tiến theo hướng hỗ trợ kinh doanh nhỏ, thu nhập thấp.

*Thuế nông nghiệp

Ngày 25/9/1976, Hội đồng Chính Phủ ban hành Điều lệ thuế nông nghiệp (sửa đổi, bổ sung) để thi hành thống nhất tại các tỉnh miền Nam. Cách tính thuế theo biểu luỹ tiến giống như Điều lệ thuế nông nghiệp ở miền Bắc, có 20 bậc thuế, thuế suất thấp nhất là 8% áp dụng cho các hộ nông dân có mức hoa lợi bình quân nhân khẩu 200kg thóc, thuế suất cao nhất là 33% cho hộ có mức hoa lợi bình quân nhân khẩu từ 1.500kg thóc trở lên. Căn cứ tính thuế dựa vào sản lượng thường niên, tức là sản lượng ước định có thể thu hoạch được hàng năm trên từng khoảnh ruộng, nhằm khuyến khích thúc đẩy sản xuất thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Sản lượng thường niên được giữ cố định đến năm 1980. Mức đóng góp qua biểu thuế được điều chỉnh trên tinh thần chiếu cố hơn đối với hộ có thu nhập thấp, phù hợp tình hình mới ở nông thôn đang đẩy mạnh việc xoá bỏ tàn tích phong kiến, đưa sản xuất nông nghiệp lên sản xuất lớn XHCN. Điều lệ còn quy định những biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích phát triển đối với đất trồng mầu, vùng trồng cây công nghiệp, vùng kinh tế mới, đối

với vùng miền núi nói chung và đồng bào dân tộc nói riêng, định lại nội dung về cách tính nhân khẩu nông nghiệp và chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp.

Từ năm 1977, các tỉnh miền Nam đều đã triển khai thực hiện chính sách mới về thuế nông nghiệp thống nhất cho toàn Miền. Các địa phương đã triển khai công tác lập sổ thuế trên cơ sở kiểm kê, xác định lại diện tích chịu thuế và diện tích được miễn thuế, nên việc thu thuế đã bảo đảm được yêu cầu công bằng, hơp lý hơn. Đồng thời, thông qua việc tính thuế, các địa phương đã từng bước giải quyết tình hình sử dụng, lấn chiếm trái phép ruộng đất của HTX, góp phần tăng cường quản lý ruộng đất và bảo vệ kinh tế tập thể. Việc phát hiện và đưa thêm một số lớn diện tích đang canh tác vào diện tính thuế theo đúng chính sách và ước tính sản lượng thường niên tính thuế hợp lý đã làm cho nội bộ nông dân đoàn kết, phấn khởi sản xuất, không còn suy bì, tị nạnh lẫn nhau trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế nông nghiệp.

*Thu đối với khu vực quốc doanh:

Để góp phần tăng cường quản lý kinh tế-tài chính, đầu năm 1978, Bộ Tài chính đã chủ trương áp dụng rộng rãi và thống nhất chế độ thu quốc doanh đối với tất cả các xí nghiêp sản xuất (Trung ương và địa phương) trong phạm vi cả nước (Thông tư số 05-TC/TQD ngày 30/3/1978 của Bộ Tài chính). Đối tượng áp dụng chế độ thu quốc doanh bao gồm: tất cả các sản phẩm công nghiệp do các xí nghiệp quốc doanh sản xuất và bán ra, có thu nhập thuần tuý, thuộc các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Các hoạt động lưu thông, phân phối kinh doanh phục vụ, ăn uống, vận tải, công vụ, đại lý... chưa áp dụng chế độ Thu quốc doanh mà vẫn áp dụng chế độ thuế công thương nghiệp nhưng các xí nghiệp này được tính gộp cả số tiền thuế, chênh lệch giá và phần lợi nhuận phải nộp ngân sách để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước qua hình thức "trích nộp lợi nhuận".

Mức thu quốc doanh được xác định căn cứ vào mức chênh lệch giữa giá bán buôn công nghiệp và giá bán buôn xí nghiệp của từng sản phẩm. Tuỳ tính chất, đặc điểm của từng xí nghiệp và từng sản phẩm, mức thu quốc doanh được ấn định theo 1 trong 3 hình thức sau:

- Định mức thu cố định trên từng sản phẩm (áp dụng cho sản phẩm đơn chiếc hoặc sản xuất hàng loạt).

- Số chênh lệch tuyệt đối giữa giá bán buôn công nghiệp và giá bán buôn xí nghiêp (áp dụng cho những xí nghiệp có cơ cấu mặt hàng khác nhau tương đối đơn giản và đã xác định được giá bán buôn công nghiệp và giá bán buôn xí nghiệp).

- Định một tỷ lệ (%) trên giá bán buôn công nghiệp hay giá bán lẻ của từng loại sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm (áp dụng đối với các xí nghiệp có cơ cấu mặt hàng phức tạp, nhiều kích cỡ, nhiều mặt hàng có phẩm cấp khác nhau).

Giá bán buôn công nghiệp được Hội đồng Chính Phủ quy định là giá bán lẻ hệ thống I trừ (-) chiết khấu thương nghiệp toàn ngành theo nhóm hàng (Nghị định 235/CP ngày 4/2/1969 của Hội đồng Bộ trưởng).

Giá thành được dùng làm căn cứ tính giá bán buôn xí nghiệp là giá thành hợp lý, bao gồm tương đối đầy đủ các hao phí lao động xã hội cần thiết đối với từng loại sản phẩm; sản phẩm nào chưa có giá thành hợp lý, được tạm thời dùng giá thành kế hoạch năm 1978 đã được cấp trên xét duyệt (Chỉ thị 206/TTg ngày 13/8/1974 của Thủ tướng Chính phủ).

Lợi nhuận định mức được Bộ Tài chính quy định bằng 3% đến 8% giá thành hợp lý hoặc giá thành kế hoạch năm 1978 được duyệt (Thông tư số 377-TC/CNKT ngày 16/11/1971 của Bộ Tài chính).

Đối với các tỉnh phía Nam, xí nghiệp nào đã có điều kiện tính được giá thành, giá bán buôn công nghiệp hoặc giá rẻ và có định mức lợi nhuận thì áp dụng thu quốc doanh theo 1 trong 3 hình thức nêu trên. Nếu xí nghiệp chưa có đủ điều kiện thì áp dụng mức thu quốc doanh theo tỷ lệ (%) trên tổng doanh thu của sản phẩm hàng hoá bán ra, thay cho cách tính gộp các thứ thuế phải nộp trước đây.

b. Tổ chức bộ máy quản lý thu các loại:

Ngày 18/11/1978, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định 90-CP sửa đổi tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính. Riêng Vụ thuế tập thể, cá thể được tách ra thành 2 Vụ thuế mới: Vụ thuế công thương nghiệp và Vụ thuế nông nghiệp để có điều kiện chỉ đạo, quản lý, thu thuế theo chuyên ngành đạt hiệu quả cao hơn.

Ngày 10/11/1980, Chính phủ ban hành Quyết định 120/CP quy định tổ chức ngành thuế Công thương nghiệp thống nhất ở cơ quan tài chính các cấp từ Trung ương đến địa phương (Cục thuế công thương nghiệp- Chi cục thuế công thương - Phòng thuế công thương nghiệp- Trạm, đội thuế).

1.2- Giai đoạn 1981 - 1985:

Bước sang những năm đầu thập kỷ 80, các mặt mất cân đối trong nền kinh tế chưa được khắc phục, công tác cải tạo XHCN có nơi, có lúc bị buông lỏng. Do đó, hệ thống chính sách thuế phải được cải tiến để góp phần thực hiện chủ trương mở rộng và củng cố vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, thúc đẩy hợp tác hóa, xóa bỏ kinh tế tư nhân, chuyển hoạt động kinh doanh buôn bán của hộ cá thể sang sản xuất…

Bộ máy quản lý thu các loại:

Giai đoạn này, ngành thuế công thương nghiệp, ngành thu quốc doanh được tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến quận, huyện (Cục thuế công thương nghiệp, Cục thuế quốc doanh- Chi cục Thuế công thương nghiệp, Chi cục thuế quốc doanh hoặc Phòng thu quốc doanh- Phòng thuế công thương nghiệp- Trạm, đội thuế, “Ủy nhiệm thu thuế”).

Trong khi 2 ngành thuế trên được tổ chức theo hệ thống dọc, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 49 TC/TCCB ngày 31/12/1983 quy định về tổ chức bộ máy thuế nông nghiệp ở cơ quan tài chính các cấp. Vụ thuế nông nghiệp thuộc Bộ Tài chính- Ban thuế nông nghiệp nằm trong phòng tài chính- Ban thuế nông nghiệp nằm trong UBND ( Uỷ ban nhân dân).

1.3. Khái quát về tình hình thu trong 10 năm (1976 - 1985):

Nhìn chung, đến cuối năm 1980 cả nước đã áp dụng chính sách động viên tài chính thống nhất ở cả 2 miền đối với các thành phần kinh tế ngòai quốc doanh và quốc doanh. Trong 5 năm 1976 - 1980, số thu các loại đã tăng lên đáng kể so với 10 năm trước, cụ thể: thuế công thương tăng 2,76 lần, thu từ kinh tế quốc doanh tăng 1,76 lần, thuế nông nghiệp tăng 1,52 lần (Lịch sử tài chính Việt Nam- Tập II- trang 95).

Trong giai đoạn 1981 - 1985, chính sách thuế và thu khác cho NSNN đã có nhiều thay đổi. Đối với kinh tế ngòai quốc doanh, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều về thuế công thương nghiệp, thuế hàng hóa và Pháp lệnh thuế nông nghiệp. Đối với kinh tế quốc doanh, đã thực hiện chế độ Thu quốc doanh cùng với chế độ thu lợi nhuận, thu chênh lệch giá đối với tất cả các loại sản phẩm do xí nghiệp quốc doanh sản xuất kể cả xí nghiệp Trung ương và địa phương.

Các nguồn thu trong khu vực kinh tế quốc doanh mặc dầu vẫn tăng về số tuyệt đối nhưng đã giảm về tỷ trọng trong cơ cấu: từ 75,3% năm 1981 đã giảm xuống còn 66,9% năm 1985. Trong thời kỳ 1976 - 1980 số thu từ kinh tế quốc doanh chiếm 79% tổng số thu trong nước thì đến thời kỳ 1981 - 1985 giảm xuống còn 72,8%. Khu vực kinh tế ngòai quốc doanh chiếm tỷ trọng 21% đã vượn lên 27,2%. Tỷ trọng thu đối với khu vực quốc doanh bị giảm do hiệu quả hoạt động giảm sút, đặc biệt do có nhiều biến động về giá cả, sản xuất kinh doanh có nhiều khó khăn, giá thành phải tính đủ chi phí, tích lũy tiền tệ bị giảm. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu lịch sử thuế (Trang 27 - 30)