Tài nguyên du lịch nhân văn

Một phần của tài liệu Thực trạng và phương hướng phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020 (Trang 33 - 38)

4. Sự cần thiết tăng cường phát triển du lịch vùng Tây Nguyên

1.4. Tài nguyên du lịch nhân văn

1.4.1. Lịch sử

Vùng đất Tây Nguyên từ xưa vốn là địa bàn sinh sống của các bộ tộc thiểu số. Từ thời vua Lê, chúa Nguyễn, Pháp thuộc, vùng đất Tây Nguyên gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên lịch sử phát triển của vùng cũng mang đậm nét văn hóa, truyền thống của con người nơi đây. Hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên vẫn còn nhiều di tích lịch sử - văn hóa truyền thống như tháp Yang Prong – ngôi tháp Chàm duy nhất trên đất Tây Nguyên thuộc huyện Ea Sup tỉnh Gia Lai, ngôi nhà sàn 100 tuổi của tộc trưởng Mnông, khu mộ cổ của vua săn voi ở Bản Đôn thuộc huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk, cùng nhiều địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc như ngục Kon Tum, nhà tù Pleiku, nhà đày Buôn Ma Thuột…

Xưa kia, vùng đất Tây Nguyên vốn là địa bàn sinh sống của các bộ tộc thiểu số. Do đất rộng, người thưa, các bộ tộc thiểu số ở đây thỉnh thoảng trở thành nạn nhân trước các cuộc tấn công của quốc vương Chăm Pa hoặc Chân Lạp nhằm cướp bóc nô lệ.

Sau khi Chúa Nguyễn Hoàng xây dựng vùng cát cứ phía Nam, các Chúa Nguyễn ra sức loại trừ các ảnh hưởng còn lại của Chămpa và cũng phái một số sứ đoàn để thiết lập quyền lực ở khu vực Tây Nguyên. Các bộ tộc thiểu số ở đây dễ dàng chuyển sang chịu sự bảo hộ của người Việt, vốn không không có thói quen buôn bán nô lệ. Tuy nhiên, các bộ tộc ở đây còn manh mún và mục tiêu của các chúa Nguyễn nhằm đến, trước hết là

các vùng đồng bằng, nên chỉ thiết lập quyền lực rất lỏng lẻo ở đây. Trong một số tài liệu được viết vào thế kỷ 16 - 17 có ghi nhận về một số bộ tộc như Mọi Đá Vách (hiện nay được gọi là Hré), Mọi Hời (Hrroi, Brru. Ktu và Pacon), Mọi Đá Hàm (Djarai), Mọi Bồ Nông (Mnong) và Bồ Van (Rhadé Epan), Mọi Vị (Raglai) và Mọi Bà Rịa (Mạ) để chỉ các bộ tộc thiểu số sinh sống ở vùng Nam Tây Nguyên ngày nay.

Tuy sự ràng buộc lỏng lẻo, nhưng về danh nghĩa, vùng đất Tây Nguyên vẫn thuộc sự bảo hộ của các chúa Nguyễn. Thời Tây Sơn, rất nhiều chiến binh thuộc các bộ tộc thiểu số Tây Nguyên đã gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, đặc biệt là đội tượng binh nổi tiếng trong cuộc hành quân của vua Quang Trung tiến quân ra Bắc vào xuân Kỷ Dậu (1789).

Sang đến triều Nguyễn, quy chế bảo hộ trên danh nghĩa dành cho khu vực Tây Nguyên vẫn không hay đổi nhiều, mặc dù vua Minh Mạng có đưa phần lãnh thổ Tây Nguyên vào bản đồ Việt Nam (theo Đại Nam nhất thống toàn đồ - 1834). Nguời Việt vẫn chủ yếu khai thác miền đồng bằng nhiều hơn, đã đẩy các bộ tộc thiểu số bán sơn địa lên hẳn vùng Tây Nguyên.

Sau khi người Pháp nắm quyền kiểm soát Việt Nam, họ đã thực hịên hàng loạt cuộc thám hiểm và chinh phục vùng đất Tây Nguyên. Năm 1891, bác sĩ Alexandre Yersin mở cuộc thám hiểm và phát hiện ra cao nguyên Lang Biang. Ông đã đề nghị với chính phủ thuộc địa xây dựng một thành phố nghỉ mát tại đây. Nhân dịp này, người Pháp bắt đầu chú ý khai thác kinh tế đối với vùng đất này.

Năm 1900, toàn quyền Paul Doumer đích thân thị sát Đà Lạt và quyết định chọn Đà Lạt làm thành phố nghỉ mát. Vùng đất cao nguyên Trung kỳ (Tây Nguyên) hoàn toàn thuộc quyền cai trị của chính quyền thực dân Pháp. Năm 1907, tòa đại lý ở Kon Tum đổi thành tòa Công sứ Kon Tum, cùng với việc thành lập các trung tâm hành chính Kon Tum và Cheo Reo. Những thực dân người Pháp bắt đầu lên đây xây dựng các đồn điền đồng thời cũng ngăn cấm người Việt lên theo, trừ số phu họ mộ được. Năm 1917, tại đó, thị xã Đà Lạt được thành lập.

Hiện nay, thành phố Đà Lạt còn hiện diện rất nhiều biệt thự cổ kiểu Pháp, dinh Bảo Đại, có giá trị cao về kiến trúc và cảnh quan du lịch.

Trải qua nhiều thăng trầm, giờ đây Tây Nguyên chứa đựng cả kho lịch sử phát triển hào hung, oanh liệt với những giá trị văn hóa tinh thần lớn lao đối với dân tộc.

- Sử thi Tây Nguyên:

Cũng như thần thoại Hy Lạp, sử thi Tây Nguyên gắn liền với tên tuối những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên, từng được nhiều thế hệ ngưỡng vọng như Đam San, Dăm Ri, Dyrông Dư… Điều thú vị và hấp dẫn ở sử thi Tây Nguyên là những giá trị lịch sử, giá trị văn hoá của nó với những cứ liệu lịch sử đầu thuyết phục về một giai đoạn lịch sử của dân tộc, mà theo một số nhà nghiên cứu, sử thi Tây Nguyên có thể ra đời vào khoảng thế kỷ 16, khi xã hội Tây Nguyên có những thay đổi to lớn do các cuộc chiến tranh của các buôn làng. Xét ở góc độ vĩ mô, cho đến nay, sử thi Tây Nguyên được biết là có đến hơn 200 bộ đã được sưu tầm, ghi chép và đang được tổ chức biên soạn. Số còn lại đã được biết đến nhưng chưa có kịp ghi chép cũng có đến hàng trăm bộ nữa. Đây là kho tàng văn hoá dân gian khổng lồ, một kho lịch sử văn hoá vô giá có thể so sánh với kho thần thoại Hy Lạp nổi tiếng nhưng nhiều hơn hẳn về dung lượng. Những bộ sử thi ngắn cũng có tới mấy trăm câu (sử thi H'Điêu có 570 câu) và những bộ sử thi dài thi lên tới hàng ngàn câu (sử thi Đam San có 2 077 câu, sử thi Khinh Dú có 5.880 câu), và cũng có bộ sử rất dài có tới hàng vạn câu (có lẽ bộ sử thi dài nhất trong số những sử thi được biết đến nay là sử thi Ot Nrông của người M'Nong có khoảng 30.000 câu)… Có lẽ trong văn học dân gian thế giới, sử thi Tây Nguyên được xếp vào loại có dung lượng lớn nhất. Nhưng điều quan trọng hơn là dù ngắn hay dài, sử thi Tây Nguyên đã phản ánh một cách trung thực, sinh động đời sống sinh hoạt cộng đồng, cuộc đấu tranh vì nhữung ý tưởng nhân văn cao cả mà trung tâm là hình ảnh những người anh hùng - các M'tao qua các cuộc chiến đấu dũng cảm, với tài năng phi thường đưa đến hình thành những cộng đồng mới, đông đúc, giàu mạnh… Một trong những hình ảnh tiêu biểu ấy là Đam San, người anh hùng của các buôn làng Tây Nguyên.

Ngoài ra, cái độc đáo của sử thi Tây Nguyên là ở cách kể sử thi. Dù văn bản có độ dài hàng trăm, hàng ngàn câu, nhưng đều được người kể sử thi thuộc lòng. Họ là những nghệ nhân, là "kho tàng sống", góp phần lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá của người Tây Nguyên. Đêm đêm bên bếp lửa nhà rông, các nghệ nhân trầm ngâm kể cho con cháu nghe, thường phải kể hàng chục đêm mới xong… Có lẽ vì được sáng tác theo một loại văn vần đặc biệt của người Tây Nguyên nên người ta dễ thuộc, dễ nhớ đến như vậy.

Nhưng còn một lý do quan trọng hơn là tình yêu tha thiết và lòng say mê đối với vốn văn hoá vô giá của dân tộc. Với họ, mỗi lần kể sử thi (người Ê Đê gọi là kể khan) là mỗi lần được nhập cuộc, được sống lại không khí cuộc sống cộng đồng cách đây hàng trăm năm… Ai đã được nghe kể khan Ê Đê thì hẳn không quên được ấn tượng của những đêm Tây Nguyên khi bên bếp lửa bập bùng và bên ché rượu cần giữa nhà rông nghệ nhân ngồi kể sử thi và xung quanh con cháu, buôn làng nghe như nuốt từng lời, như hoà vào không khí huyền ảo, lung linh.

Ngoài cách kể trên, còn một cách kể độc đáo hơn. Đó là nằm kể. Nghệ nhân nằm trên chiếc ghế chỉ dành cho khách quý và là chỗ của cồng chiêng trong các ngày lễ hội lớn. Họ nằm đấy đầu gối lên một chiếu gối cao, tay gác lên trán, trang nhã và đẹp như một vị tiên. Và có điều rất kỳ lạ, trong lúc nằm kể sử thi, nghệ nhân nhắm mắt lại mà kể. Đây cũng chứa đựng điều bí ẩn tuyệt diệu nhất của sử thi Tây Nguyên.

Như vậy, với những giá trị văn hoá tinh thần vô giá, sử thi Tây Nguyên đã góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc ở một vùng đất huyền thoại và nhiều tiềm năng. Cho nên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Tây Nguyên, trước hết là tiếp tục sưu tầm, tổ chức biên soạn, cũng như việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy tác dụng và truyền lại cách kể khan hay kể sử thi nói chung là việc làm cấp thiết và có ý nghĩa to lớn cả về khía cạnh văn hoá và trên phương diện phát triển kinh tế.

- Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên:

Ngày 25/11/2995, văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Giá trị nổi bật của văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là nơi đây chứa đựng những giá trị sáng tạo mang tầm kiệt tác của nhân loại. Chủ nhân của văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tuy cư dân Tây Nguyên không tự đúc được cồng chiêng, nhưng với đôi tai và tâm hồn nhạy cảm họ đã nâng giá trị của một sản phẩm hàng hoá thành một nhạc cụ trình diễn tuyệt vời. Trong tay các nghệ sĩ dân gian tài hoa ở cộng đồng, mỗi chiếc chiêng giữ nhiệm vụ một nốt nhạc trong giàn nhạc, để biểu diễn các bản nhạc chiêng khác nhau. Đồng thời, tuỳ theo từng dân tộc, họ đã sắp xếp, định biên thành các dàn nhạc khác nhau.

Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ truyền thống văn hoá và lịch sử rất lâu đời. Từ xa xưa, cộng đồng cư dân Tây Nguyên đã biết thổi hồn và tiếp thêm sức sống cho công chiêng Tây Nguyên để những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hoà quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng Tây Nguyên, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên.

Cồng chiêng Tây Nguyên giữ vai trò là phương tiện để khẳng định cộng đồng và bản sắc văn hoá chung các dân tộc Tây Nguyên cũng như của từng tộc người trên lãnh mảnh đất muôn màu muôn sắc Tây Nguyên. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên có cách chơi cồng chiêng khác nhau. Người dân bình thường ở Tây Nguyên tuy không phải là những chuyên gia âm nhạc, nhưng chỉ cần nghe tiếng chiêng là họ phân biệt được đó là dân tộc nào.

Âm nhạc của cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và kỹ năng chế tác. Từ việc chỉnh chiêng đến biên chế thành dàn nhạc, cách chơi, cách trình diễn, những người dân trong các p'lei, p'lơi, buôn, bon… dẫu không qua trường lớp đào tạo vẫn thể hiện được cách chơi điêu luyện tuyệt vời.

Cồng chiêng Tây Nguyên là những bằng chứng độc đáo, là nét đặc trưng truyền thống văn hoá các dân tộc Tây Nguyên. Nó là một loại hình sinh hoạt gắn liền với đời sống văn hoá, tinh thần và tín ngưỡng của con người từ lúc sinh ra cho đến khi trở khi trở về đất trời, với vũ trụ. Trong khi đa số các dân tộc ở Tây Nguyên, chơi chiêng phải là nam giới, thì cũng có một số dân tộc phụ nữ là nghệ nhân trình diễn chiêng. Điều ấy không chỉ minh chứng cho truyền thống lâu đời của cồng chiêng Tây Nguyên mà còn cho thấy tính độc đáo văn hoá của nó. Đây cũng chính là động lực cuốn hút các nhà văn hoá, các du khách trong và ngoài nước đến với Tây Nguyên để hoà mình với một nét văn hoá đẹp.

Cồng chiêng Tây Nguyên đã gắn bó với cuộc sống của người Tây Nguyên từ ngàn đời nay, nhưng nay đang đứng trước nguy cơ bị mai một rất cao do rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là những nguyên nhân bắt nguồn từ những biến đổi hết sức lớn lao trong đời sống vật chất tinh thần của cư dân, cùng với những biến đổi của môi trường tự nhiên và xã hội mà cư dân Tây Nguyên sinh sống. Như những thay đổi trong phương

thức canh tác, sự thay đổi trong mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên và thiên nhiên Tây Nguyên, sự bùng nổ công nghệ thông tin… Những sự biến đổi ấy dẫn đến sự thờ ơ của một bộ phân dân cư, nhất là trong lớp trẻ đối với văn hoá cồng chiêng.

- Nhà rông Tây Nguyên:

Nhà rông được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu của núi rừng Tây Nguyên như là tranh, tre, gỗ, lồ ô… và được xây cất trên một khoảng đất rộng. Chức năng của nhà rông truyền thống là nơi thực thi luật tục, nơi tiếp khách, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của buôn làng, nơi già làng tập hợp dân làng để bàn “việc làng, việc nước”, nơi thể hiện các lễ hội - tâm linh cộng đồng và là nơi các thế hệ nghệ nhân già truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hoá truyền thống… Ngôi nhà chung ấy còn là nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống như công, chiêng, trống, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong các ngày lễ. Độ cao của ngôi nhà rông truyền thống có khi cao đến 18m và mái nhọn, cao vút, người thợ thủ công tài tình, khéo léo chỉ bằng vật liệu của núi rừng mà tạo nên lối kiến trúc độc đáo, bền vững với nhiều loại hoa văn phong phú mà gam màu chủ đạo là màu đen, trắng và nâu đậm.

Nhà rông hay còn được gọi là nhà văn hoá là một biểu tương văn hoá rất đáng tự hào của đồng bào các tỉnh Tây Nguyên - Trường Sơn. Nhà rông là một di sản văn hoá đáng trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị của nó trong việc bảo tồn và gìn giữ văn hoá dân tộc.

Một phần của tài liệu Thực trạng và phương hướng phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020 (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(63 trang)
w