4. Sự cần thiết tăng cường phát triển du lịch vùng Tây Nguyên
1.3. Tài nguyên du lịch tự nhiên
1.3.1. Các hệ sinh thái điển hình
Tây Nguyên là vùng còn nhiều diện tích rừng nhất Việt Nam với thảm sinh vật đa dạng chứa đựng những tiềm năng du lịch lớn. Hệ sinh thái rừng tại Tây Nguyên là một trong những hệ sinh thái độc đáo, có sức cuốn hút lớn đối với các nhà nghiên cứu khoa học và cả khách du lịch với 3 loại hình, bao gồm: hệ sinh thái rừng khô hạn, hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm và hệ sinh thái núi cao.
- Hệ sinh thái rừng khô hạn (rừng khộp):
Với đặc điểm khí hậu 2 mùa rõ rệt: mùa mưa tập trung, mùa khô kéo dài tạo cho Tây Nguyên một hệ sinh thái rừng nhiệt đới với ưu thế là rừng khô hạn hay còn gọi là rừng khộp kéo dài từ cao nguyên Gia Lai qua Đắk Lắk đến Tây Ninh. Nơi có diện tích rừng khộp tập trung lớn nhất là vùng Easup (Đắk Lắk) rộng khoảng 400.000 ha.
Hệ sinh thái rừng khô hạn hay còn gọi là rừng khộp là nơi tồn tại và phát triển nhiều nguồn gien động, thực vật quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với quốc tế. Trong số 51 loại động vật quý hiếm ở Đông Dương thì trong hệ sinh thái rừng khộp ở Việt Nam đã phát hiện có 39 loài như voi (elephas maximus), bò tót (bos gaurus), bò rừng (bos banteng)… đặc biệt từ năm 1996, các nhà khoa học đã phát hiện dấu vết loài bò xám (bos sauveli) là loài động vật quý hiếm, thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học, khách du lịch sinh thái trong và ngoài nước. Tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng khô hạn ở Tây Nguyên là vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk). Đây cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam có sự tồn tại của 3 loài bò rừng quý.
Ngoài tác dụng lưu giữ các nguồn gien động, thực vật quy hiếm, rừng nhiệt đới Tây Nguyên được coi là mái nhà ở Miền Trung, có chức năng phòng hộ rất lớn. Tuy nhiên, nạn phá rừng, huỷ hoại tài nguyên thiên nhiên và khai thác lâm sản bừa bãi chưa ngăn chặn được tại Tây Nguyên có thể dẫn đến nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên rừng và thay đổi môi trường sinh thái.
- Hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm:
Ngoài hệ sinh thái rừng khô hạn, Khu vực Tây Nguyên còn tồn tại hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm. Là hệ sinh thái phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao
đều trong năm. Tại các rừng nhiệt đới ẩm ở Khu vực Tây Nguyên, các nhà khoa học đã tìm ra một số loài thú mới như cầy Tây Nguyên (vikilka taynguyennensis).
- Hệ sinh thái núi cao:
Đây là hệ sinh thái tương đối đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên mà tiêu biểu là ở các khu bảo tồn tự nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) với đỉnh cao 2 598m và Bidóup - Núi Bà (Lâm Đồng) với đỉnh cao 2 167m.
Là hệ sinh thái phát triển trong điều kiện khí hậu và địa hình đa dạng, hệ thực vật ở đây rất phong phú gồm trên 300 loài, trong đó số loài thông đất (lypocodium), dương xỉ (pteridopluyta), quyển bá (selaginella) chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số loài có mặt ở Việt Nam. Trên các sườn dốc và đỉnh núi trên 1.800m còn bắt gặp dương xỉ thân gỗ. Sự có mặt của các họ nắp ấm (nepenthaeae), mây nước (flagellariaceae)… đã biểu hiện tính cổ nhiệt đới thực vật quý hiếm và đặc hữu như sâm Ngọc Linh, thông hai lá dẹp (pinolya kremfii) - là loại di lưu (được coi là “hoá thạch sống”) của hệ thực vật sót lại từ Kỷ Đệ Tam, thông năm lá (pinoplyta datatensis), thông đỏ trên đá granite (taxus chenensis rehn). Đây được coi là những loài đã tuyệt chủng hoặc chỉ còn dưới dạng hoá thạch. Đặc biệt là loài lan (orechidaeace) rất phát triển với khoảng 180/250 loài lan có mặt tại Việt Nam.
Hệ sinh thái này cũng cho phép duy trì một hệ động vật phát triển với khoảng trên 400 loài thú, 34 loài chim trong đó có nhiều loài quý hiếm như hổ, voọc ngũ sắc, nai cà toong, sói lửa, mi lang biang, khướu đầu đen…
Có thể nói hệ sinh thái rừng tại Tây Nguyên là một trong những hệ sinh thái độc đáo, có sức cuốn hút rất lớn đối với các nhà nghiên cứu và cả các du khách yêu thích thiên nhiên.
1.3.2. Các cảnh quan thiên nhiên đặc sắc
Tây Nguyên có một số địa điểm có khí hậu ôn đới và điều kiện tự nhiên lý tưởng cho nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch trên vùng cao nguyên như tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Kon Plông (Kon Tum). Đà Lạt đã được xây dựng trở thành thành phố nghỉ mát từ những năm đầu thế kỷ 20. Hiện nay, thành phố Đà Lạt còn rất nhiều biệt thự cổ kiểu Pháp, dinh Bảo Đại, có giá trị cao về kiến trúc và cảnh quan du lịch.
Vùng đất Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, núi, sông, thác, hồ... và có hệ động thực vật hết sức phong phú, trong đó có nhiều
khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia... và khuất giữa núi rừng hoang sơ hùng vĩ là những dòng sông mang nặng phù sa như sông Đắk Bla, Pa Cô (Kon Tum), Sê Rê Pôk, Krông Ana, Krông Nô (Đắk Lắk), Đa Nhim (Lâm Đồng), các hồ lớn và đẹp như hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), hồ Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ (Gia Lai), các hồ thủy điện... Sự hoà hợp giữa núi đồi, sông suối đã tạo ra nhiều cảnh quan, thác nước hoang sơ, thơ mộng như thác Dray Sap, Trinh Nữ, Diệu Linh, Cam Ly, Pren... Tất cả những cảnh quan thiên nhiên ấy đều có thể trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng hết sức lý tưởng.
Tại Tây Nguyên cũng có nhiều nguồn nước nóng, có suối nước nóng đến 55oC như suối Ram Phia, suối Kon Nit… tập trung ở Kon Đào, Ngọc Tụ (huyện Đắk Tô, Kon Tum), Đắk Ring, Ngọc Tem (huyện Kon Plông, Kon Tum); Đạ Long (huyện Đam Rông, Lâm Đồng)... là những suối có chứa rất nhiều khoáng chất có tác dụng chữa bệnh hiệu quả.