Giải pháp về kinh tế

Một phần của tài liệu “Đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo Nghị quyết 30a2008NQCP tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La”. (Trang 94 - 95)

Về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cần tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: chuyển từ trồng cây hàng năm sang trồng cây công nghiệp, thay trồng chè, cà phê, ca cao, cao su, hồ tiêu, điều, cây nguyên liệu sinh học và cây ăn quả lâu năm hoặc đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su theo quy hoạch; chuyển đổi cơ cấu giống trong nhóm cây ngắn ngày (lúa, ngô, lạc, đậu, bông giống mới, khoai tây, rau hoa, cây thức ăn gia súc). Chú trọng công tác giống và phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là bệnh long mồm lở móng và tụ huyết trùng ở gia súc và bệnh dịch ở cá.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án trồng rừng, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Tăng cường đầu tư cho việc xây dựng nhiều các mô hình chuồng trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Đối với diện tích sản xuất nông, lâm ngư nghiệp cần phải quy hoạch lại và sử dụng hiệu quả, hợp lí hơn như đề án giảm nghèo bền vững của huyện đã nêu ra. Quy hoạch đất sử dụng theo hướng ưu tiên cho diện tích sản xuất nông nghiệp. Cán bộ lãnh đạo lập các bản kế hoạch và cùng phối hợp với người dân để thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Do địa hình huyện gồm nhiều loại đất như: đất vàng xám, đất phù sa, đất đỏ và đất nâu vàng, đất mới biến đổi, đất glây, trong đó đất vàng xám chiếm diện tích nhiều nhất trong tổng diện tích đất tự nhiên, mà đất này phân bố nhiều ở sườn dốc đến đỉnh vì vậy phải có biện pháp canh tác thích hợp tăng năng suất, đồng thời chon giống cây trồng phù hợp với từng loại đất.

Đối với vốn sản xuất thì chính quyền địa phương cần quán triệt sâu sắc hơn trong công tác, vừa giúp người dân sử dụng vốn sản xuất hiệu quả, vừa giúp người dân có thể trả được nợ ngân hàng đúng thời hạn. Đồng thời phải có những biện pháp dăn đe với những hộ dân còn có thái độ trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, không chịu khó làm ăn, vay vốn ngân hàng mà không phát triển sản xuất được và không trả được nợ, tích đọng từ năm này sang năm khác. Cần phải tuyên truyền về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất cho người dân để người dân có thể biết và hiểu rõ chính sách, đồng thời nâng cao tư tưởng nhận thức, không còn tự ti, cam chịu số phận mà chịu khó vay vốn làm ăn.

Đối với thu nhập của người dân thì để nâng cao thu nhập cho người dân cần đẩy mạnh hơn việc thực hiện các chính sách nông, lâm, ngư nghiệp. Không chỉ đẩy mạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp hay nuôi trồng thủy sản, mà tập trung nhiều hơn vào công tác khoán chăm sóc bảo vệ rừng và trồng rừng để có thể thu lợi nhuận từ việc trồng rừng của các hộ gia đình. Đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp sau khi đã thực hiện hỗ trợ, để đốc thúc người dân chăm chỉ làm ăn, tăng thu nhập, đồng thời thành lập ban kiểm tra giống cây trồng, vật nuôi để xem giống cây trồng, vật nuôi có đảm bảo kích thước hay chất lượng được hỗ trợ như đã nêu trong chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Thường xuyên đi kiểm tra, giám sát tình hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được hưởng hỗ trợ để có gặp khó khăn, vướng mắc gì còn kịp thời đưa ra những biện pháp xử lí thích hợp.

Một phần của tài liệu “Đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo Nghị quyết 30a2008NQCP tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La”. (Trang 94 - 95)