II. CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
2.4.3.3. Thị trường mở
Theo định nghĩa của NHNN: “Nghiệp vụ thị trường mở là việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua, bán ngắn hạn các loại giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng thông qua hỡnh thức đấu thầu”. Như vậy công cụ thị trường mở là chỉ việc Ngân hàng trung ương mua bán các giấy từ có giá trên thị trường tài chính nhằm điều chỉnh lượng tiền trong lưu thông. Nếu Ngân hàng trung ương muốn gia tăng lượng tiền trong lưu thông thì Ngân hàng trung ương sẽ mua vào một lượng giấy tờ có giá nhất định. Khi Ngân hàng trung ương tiến hành động thái trên thì tiền trung ương sẽ đi vào trong lưu thông và các giấy tờ có giá sẽ nằm lại ở Ngân hàng trung ương. Ngược lại, khi Ngân hàng trung ương thấy cần phải giảm lượng tiền trong lưu thông thì Ngân hàng trung ương lại tổ chức bán các giấy tờ có giá mà mình đang nắm giữ ra thị trường tài chính, thu bớt tiền trong lưu thông về cất trữ.
Ở nhiều nước ví dụ như Nhật Bản chỉ cho phép các GTCG ngắn hạn và những người tham gia chỉ bao gồm các tổ chức tín dụng, trong khi đó nhiều nước khác như Mỹ hoặc Đức cho phép giao dịch cả các GTCG dài hạn. Ở Việt Nam, đối tượng được tham gia OMO là các tổ chức tín dụng được cấp phép, các loại GTCG được phép lưu hành trên OMO là:
(1) Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.
(2) Trái phiếu Chính phủ, bao gồm: Tín phiếu Kho bạc; Trái phiếu Kho bạc; Trái phiếu công trình Trung ương; Công trái xây dựng Tổ quốc; Trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trước đây là Quỹ Hỗ trợ phát triển) được Thủ tướng Chính phủ chỉ định phát hành.
(3) Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, bao gồm: Trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn.
(4) Trái phiếu Chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát hành.
(5) Riêng đối với giao dịch mua có kỳ hạn. Ngân hàng Nhà nước chỉ giao dịch đối với: Công trái xây dựng Tổ quốc; Trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn; Trái phiếu Chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát hành
Như vậy có thể thấy cả giấy tờ có giá dài hạn cũng được giao dịch trên OMO tại Việt Nam.
Đánh giá
Ưu điểm:
Thứ nhất, Ngân hàng trung ương thông qua nghiệp vụ này kiểm soát toàn bộ thị trường
tự do. Mà việc kiểm soát này là không thể thực hiện được thông qua công cụ tái chiết khấu vì với tái chiết khấu, Ngân hàng trung ương chỉ khuyến khích việc chiết khấu của các ngân hàng thương mại hay không mà thôi chứ không kiểm soát được lượng giấy tờ có giá đem chiết khấu.
Thứ hai, đảm bảo độ chính xác cao, tác động nhanh và an toàn. Khi NHTƯ quyết định
muốn thay đổi cơ số tiền tệ, NHTƯ điều chỉnh bằng khối lượng GTCG và ngoại tệ được thực hiện giao dịch trên thị trường mở. Đối với các thành viên tham gia, OMOs có tính an toàn cao bởi lẽ giao dịch trên thị trường mở hầu như không có rủi ro khi mà các GTCG trên thị trường mở đều có cơ sở đảm bảo, thành viên tham gia đều phải đảm bảo những quy định mới được cấp giấy phép tham gia, quá trình tham gia thị trường mở phải tuân thủ đầy đủ các quy định của OMOs do NHTƯ đề ra. Ngoài ra, OMOs do NHTƯ trực tiếp quản lý, xây dựng quy trình thực hiện, do vậy, có thể được vận hành nhanh chóng, không gây chậm trễ về mặt hành chính.
Thứ ba, thị trường mở là công cụ mềm dẻo nhất trong các công cụ của CSTT. Khối
lượng GTCG và ngoại tệ được giao dịch trên thị trường mở nhiều khi vượt ra khỏi sự mong đợi của NHTƯ trong việc điều chỉnh lượng tiền cung ứng. Do đó, khi NHTƯ can thiệp vào thị trường là quá mạnh hoặc quá yếu gây ra những phản ứng chưa phù hợp, NHTƯ hoàn toàn có thể ngay lập tức đảo ngược tình thế.
Nhược điểm:
Công cụ thị trường mở yêu cầu quốc gia phải có thị trường tài chính phát triển, đặc biệt là thị trường thứ cấp, các công cụ GTCG đa dạng và có tính thanh khoản tốt, điều này thường hiếm gặp tại các quốc gia mới phát triển.
Tóm lại, thị trường mở là công cụ chính sách tiền tệ mạnh mẽ và hữu hiệu nhất, thường được sử dụng nhiều nhất tại các nước phát triển do những ưu điểm vượt xa nhược điểm của nó.