Chính sách tái cấp vốn

Một phần của tài liệu lý thuyết tài chính tiền tệ - nhóm 5 - nhtw và cstt (Trang 53 - 55)

II. CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

2.4.3.2. Chính sách tái cấp vốn

Khi tiến hành kinh doanh trong điều kiện cơ chế thị trường không phải ngân hàng nào cũng có thể hoạt động một cách trôi chảy do điều kiện cạnh tranh giữa ngân hàng này và ngân hàng khác. Nhiều khi có những biến động bất thường mà các ngân hàng chưa hoặc không thể xoay sở kịp vốn hoặc dự trữ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng lúc đó các ngân hàng này buộc phải đi tìm nguồn vốn bổ sung từ các ngân hàng khác hoặc từ Ngân hàng Trung ương để bảo đảm kinh doanh.

Khái niệm

Điều 11 (Tái cấp vốn) trong Luật NHNN năm 2010 quy định:

“1. Tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng.

2. Ngân hàng Nhà nước quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức sau đây:

b) Chiết khấu giấy tờ có giá;

c) Các hình thức tái cấp vốn khác.”

Như vậy có hai hình thức cơ bản trong nghiệp vụ tái cấp vốn là chiết khấu giấy tờ có giá và cho vay bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định nghĩa “Chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá của các ngân hàng là nghiệp vụ Ngân hàng Nhà nước mua ngắn hạn các giấy tờ có giá còn thời hạn thanh toán, mà các giấy tờ có giá này đã được các ngân hàng giao dịch trên trên thị trường sơ cấp hoặc mua lại trên thị trường thứ cấp.” (quyết định 12/2008/QĐ-NHNN)

Nếu giấy tờ có giá (GTCG) mới chỉ được tổ chức tín dụng chiết khấu lần đầu thì đó là nghiệp vụ chiết khấu, còn nếu GTCG đã được chiết khấu trước đó giữa NHTM với khách hàng của mình thì được gọi là nghiệp vụ tái chiết khấu. NHTW mua lại các GTCG này trước hạn với một mức giá chiết khấu nhất định thấp hơn mức giá thực tế, khoản chênh lệch ấy gọi là lãi suất chiết khấu/tái chiết khấu (sau đây gọi chung là lãi suất chiết khấu). NHTW còn đưa ra cửa sổ chiết khấu (hay còn gọi là hạn mức chiết khấu) dành cho mỗi ngân hàng, quy định “số dư tối đa mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện chiết khấu đối với các giấy tờ có giá cho một ngân hàng tại mọi thời điểm trong quý” (NHNN). Về hình thức, có hai loại là chiết khấu toàn bộ thời hạn còn lại của giấy tờ có giá và chiết khấu có kỳ hạn. Hình thức chiết khấu có kỳ hạn yêu cầu ngân hàng cam kết mua lại toàn bộ giấy tờ có giá đã chiết khấu sau một thời gian nhất định, tối đa là 91 ngày.

Trong khi đó, vay có bảo đảm bằng cầm cố GTCG “là hình thức cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là NHNN) đối với các ngân hàng trên cơ sở cầm cố GTCG thuộc sở hữu của ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ”. “Lãi suất cho vay cầm cố: là lãi suất tái cấp vốn mà NHNN áp dụng khi thực hiện cho vay cầm cố đối với các ngân hàng tại thời điểm giải ngân khoản vay và duy trì trong suốt thời hạn cho vay. Lãi suất tái cấp vốn được NHNN công bố trong từng thời kỳ” (NHNN).

Như vậy chiết khấu hay tái chiết khấu là giao dịch mua bán GTCG giữa NHTM và NHTW, còn vay bảo đảm là hoạt động vay vốn của NHTM tại NHTW dựa trên GTCG. Thường thì NHTM chỉ xin được vay bảo đảm bằng giấy tờ có giá tại NHTW khi đã lâm vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản trầm trọng mà không thể vay vốn từ các nguồn khác thậm chí là thị trường liên ngân hàng. Lãi suất tái cấp vốn thường cao hơn lãi suất chiết khấu vì rủi ro của khoản cho vay bảo đảm cầm cố bằng GTCG cao hơn (NHNN chỉ quản lý, giữ GTCG chứ không sở hữu chúng).

Tác động

Khi lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn tăng lên, các ngân hàng thương mại sẽ bất lợi nếu vay vốn của Ngân hàng trung ương. Trong điều kiện như vậy, các ngân hàng thương mại sẽ không có khả năng mở rộng cho vay tín dụng. Ngược lại, khi lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn giảm, các ngân hàng thương mại do được lợi trong việc chiết khấu lại với Ngân hàng trung ương nên sẽ có điều kiện mở rộng khả năng cho vay tín dụng. Ngoài ra chính sách này cũng cú hiệu ứng thông báo đối với các ngân hàng khi Ngân hàng Trung ương đưa ra mức lãi suất chiết khấu của mình. Nhìn vào mức lãi suất và điều kiện tái chiết khấu, các ngân hàng có thể dự đoán được mục tiêu sắp tới, hướng điều hành của chính sách tiền tệ trong thời gian tới, nó sẽ tự điều chỉnh hoạt động của mình để tránh những khó khăn có thể vấp phải trong tương lai.

Đánh giá

Ưu điểm:

Lợi điểm chủ yếu của công cụ này chính là thông qua nó mà Ngân hàng trung ương thực hiện vai trò người cho vay cuối cùng. Đây là công việc thể hiện rõ nét vai trò của Ngân hàng trung ương trong nền kinh tế và là yêu cầu cực kỳ quan trọng để tiến hành chính sách tiền tệ thành công. Thông qua công cụ này thì Ngân hàng trung ương sẽ giúp nền kinh tế tránh khỏi các cơn sụp đổ tài chính bởi mỗi khi các ngân hàng thương mại bị đe doạ phá sản thì dự trữ lập tức được điều đến ngân hàng cần vốn.

Ngoài ra công cụ này còn có ưu điểm là việc vay mượn được thực hiện trên nền của các loại giấy tờ có giá, nên thời hạn thanh toán tương đối rõ ràng tạo điều kiện cho việc hoàn trả. Đồng thời, qua biện pháp này thì tiền vay sẽ vận động phù hợp với kinh tế thị trường.

Nhược điểm:

Thứ nhất, khi Ngân hàng trung ương ấn định một mức lãi suất chiết khấu đặc biệt nào

đó thì sẽ gây ra chênh lệch lớn giữa lãi suất chiết khấu và lãi suất thị trường.

Thứ hai, công cụ này còn có những hạn chế kỹ thuật và cứng nhắc. Ngân hàng trung

ương cấp tiền cho các ngân hàng thương mại một cách máy móc; việc điều chỉnh lãi suất chiết khấu là một quyết định quan trọng của chính sách tiền tệ thì lại ít được thực hiện; cùng với nghiệp vụ tái chiết khấu thì Ngân hàng trung ương chỉ có thể cấp tiền cho các ngân hàng thương mại nhưng không thu lại được.

Một phần của tài liệu lý thuyết tài chính tiền tệ - nhóm 5 - nhtw và cstt (Trang 53 - 55)