Giao tiếp với đồng nghiệp

Một phần của tài liệu communication skills handout (Trang 47 - 49)

Đồng nghiệp là những người ngang cấp với bạn. Họ có thể làm cùng phòng với bạn hay thuộc các phòng ban khác. Để “sống chung” với đồng nghiệp được hòa thuận, bạn cần tôn trọng, cởi mở, chia sẻ, biết góp ý và vui vẻ đón nhận góp ý.

- Tôn trọng

Tập thể là tập hợp sự khác biệt. Không ai giống ai. Chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt về:

Tuổi tác: Không chỉ tôn trọng người lớn tuổi hơn ta, người nhỏ tuổi hơn, bạn cũng cần tôn trọng.

Kinh nghiệm: Mỗi người có kinh nghiệm khác nhau về công việc, về cuộc sống, về quan điểm. Hãy trân trọng kinh nghiệm của người khác và góp nhặt kinh nghiệm của người khác thành kinh nghiệm của bản thân.

Trình độ, kiến thức, sự hiểu biết: Không phải người có trình độ hơn thì mình mới kính trọng. Cần đối xử công bằng với mọi người dù trình độ, kiến thức và sự hiểu biết họ không bằng ta. Mỗi người có một sở trường nhất định, do đó, cần tôn trọng sự hiểu biết của họ.

Ý kiến: Không phải tất cả ý kiến đều không có giá trị. Cần lắng nghe từng ý kiến và suy xét khả năng ứng dụng vào thực tế.

Giá trị công việc: Mọi công việc, mọi nghề nghiệp đều cao quí. Chúng ta không nên tỏ thái độ khinh miệt anh bảo vệ hay chị tạp vụ bởi vì mức lương của họ thấp hơn ta và họ phải làm việc trong điều kiện không được như ta.

Cuộc sống riêng tư: Mỗi người là một thế giới. Chúng ta cần tôn trọng cuộc sống riêng tư của họ. Không nên chỉ trích chị A vì chị vừa ly dị chồng, hay phê phán anh B vì anh đã hơn 40 mà chưa có vợ.

Thói quen, sở thích: Mỗi người một thói quen, sở thích, không ai giống ai. Cần tôn trọng tự do cá nhân của người khác. Đừng vội kết luận tính cách một người chỉ vì thói quen hay sở thích của họ không giống ai.

Tuy nhiên, trong công sở, chúng ta cần loại bỏ một số sở thích không lành mạnh, làm xấu hình ảnh của bản thân và ảnh hưởng đến người khác như: hút thuốc, bấm bút bi, nói xấu người khác, nhịp chân, rung đùi, cắn móng tay, hay cựa quậy, cắn môi, bẻ đốt tay, nghiến răng, xoáy tóc, cười to hay cười rúc rích, xoay cổ, thở dài,...

- Cởi mở

Cởi mở là một tính cách tốt, giúp hình thành những mối quan hệ và tình cảm tốt đẹp nơi công sở. Bạn hãy tưởng tượng chúng ta dành một ngày 8 tiếng tại cơ quan, giam mình trong một căn phòng mà không nói chuyện với ai, tất cả mọi người trong tổ chức đều giao dịch qua mạng thì thế giới này sẽ như thế nào? Theo tôi, bạn hãy thoát khỏi những căn phòng “trống vắng”, bước ra thế giới buồn tẻ, gặp mọi người đang làm việc, hỏi thăm, tán gẫu vài câu sau đó tiếp tục làm việc, chắc chắn rằng bạn sẽ cảm thấy yêu đời hơn và làm việc hiệu quả hơn.

Hãy làm bài tập trắc nghiệm này để biết bạn cởi mở đến mức độ nào. Hãy khoanh tròn cho các đáp án từ 1 đến 5 sau đây:

Phát biểu 1 Hoàn toàn sai 2 Sai 3 Trung bình 4 Đúng 5 Hoàn toàn đúng

1. Bạn bè đánh giá tôi là người rất vui vẻ và có óc khôi hài 1 2 3 4 5

2. Tôi thích cùng ăn và trò chuyện với người khác 1 2 3 4 5

3. Theo tôi, cố gắng hòa hợp với những người không hợp tính với tôi là việc cần làm

1 2 3 4 5

4. Trong những buổi tiệc, tôi thích hòa nhập và vui đùa với mọi người

1 2 3 4 5

5. Tôi sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm của người khác nếu người ấy biết hối lỗi

1 2 3 4 5

6. Tôi cố gắng hòa nhập vào cuộc nói chuyện với người khác mặc dù đề tài của họ chẳng thú vị đối với tôi

1 2 3 4 5

7. Chủ động làm quen với người khác là việc dễ dàng đối với tôi

1 2 3 4 5

Mỗi phát biểu, bạn cho điểm từ 1 đến 5 (tương ứng các câu trả lời). Sau đó cộng tất cả số điểm lại ở cả 7 phát biểu.

Sau đây là đáp án:

• 30-35 điểm. Bạn là người năng động và cởi mở. Bạn có khả năng thích nghi với những thay đổi.

Nhiều người rất thích bạn. Bạn cần phát huy ưu điểm của mình.

• 21-29 điểm. Bạn là người có tính hướng ngoại nhưng đôi lúc bạn hơi rụt rè. Hãy chủ động hơn

trong giao tiếp, bạn sẽ được nhiều người yêu mến.

• Dưới 21 điểm. Bạn hơi bảo thủ và cứng nhắc. Bạn cần cởi mở hơn và chủ động giao lưu với mọi

người khi ấy việc giao tiếp sẽ tiến triển tốt.

- Không phải việc cởi mở, chủ động giao lưu với người khác là điều dễ dàng đối với tất cả mọi người. Điều này tùy vào bản tính của chúng ta. Nếu bạn là người ít nói, nhút nhác, thậm chí rụt rè thì để cởi mở với đồng nghiệp là một điều rất khó. Một lời khuyên cho các bạn là: muốn người khác mỉm cười với mình, hãy mỉm cười với họ trước. Để mỉm cười được, bạn phải biết tôn trọng, chia sẻ, vị tha và hãy tập mỉm cười với mọi người ở mọi hoàn cảnh. Dù bạn đang vui hay đang buồn, đừng bộc lộ tâm trạng buồn bã của bạn cho người đối diện biết. Đừng than vãn, thở dài và trách cho số phận. Không ai thích giao lưu với một người với gương mặt luôn cau có, âu sầu, và bạn cũng thế.

- Chia sẻ

Chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp là việc nên làm. Giúp đỡ người khác không nên nghĩ đến sau này bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ ngược lại. Hãy giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp một cách chân thành, không vụ lợi.

Khi bạn nhận được sự giúp đỡ bạn nên nhớ ơn và tìm cách báo đáp. Chia sẻ còn có nghĩa là không đùn đẩy trách nhiệm, tránh nhiệm vụ và không ngại khó khăn.

Đồng nghiệp là đối tượng dễ cho chúng ta những lời khuyên, những lời động viên khi chúng ta gặp chuyện buồn, những trắc trở trong công việc hay bị cấp trên khiển trách. Tuy nhiên, chúng ta nên khéo

léo lựa chọn đối tượng để “gửi gắm tâm sự” vì không phải ai cũng giữ kín bí mật của chúng ta. Nếu họ truyền miệng sẽ dẫn đến hậu quả không lường. Dưới đây là một bài học để bạn tham khảo.

- Góp ý và đón nhận góp ý

Góp ý để đồng nghiệp cải thiện công việc được tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả của tổ chức là việc nên làm. Tuy nhiên, chất lượng của ý kiến đóng góp không bằng cách bạn góp ý. Nếu bạn góp ý với thái độ vui vẻ, trân trọng, mong muốn đồng nghiệp tốt hơn, bạn sẽ nhận được lời cảm ơn và thấy được sự thay đổi của họ theo chiều hướng tốt. Nhưng bạn góp ý với lời lẽ cáu gắt, trách móc, có thể bạn sẽ không nhận được sự quan tâm thậm chí họ còn tìm cách trả đũa bạn.

Ngược lại, khi nhận được ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp, bạn cần trân trọng, vui vẻ lắng nghe và cảm ơn vì họ đã giúp bạn cải tiến. Có như thế bạn mới tạo được mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, xây dựng tinh thần cộng tác cùng phát triển và hoàn thiện bản thân

Một phần của tài liệu communication skills handout (Trang 47 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(60 trang)