- Ghi nhớ được họ tên và những người bạn từng gặp.
9.1. PHÂN BIỆT GIỮA TRÍ NHỚ VÀ HỒI ỨC
Khi mọi người nói rằng trí nhớ của họ đã giảm sút là thực ra họ đang nói về hồi ức, vì khi đó họ khó hồi tưởng lại những thông tin đã có trong đầu. Trí nhớ lưu giữ tất cả, nhưng chỉ có khả năng nhớ lại được những gì cần thiết và có ý nghĩa trong cuộc đời. Dan Mikels tin rằng nhiều người dường như mất khả năng ghi nhớ khi tuổi càng cao vì đối với họ cuộc sống đã đi vào ổn định, không còn nhiều biến đổi lớn và nhiều dấu ấn như thời còn trẻ. Theo Mikels, mỗi một dấu ấn là một sự kiện mới mẻ, khó quên, và có sự liên kết với những bit thông tin khác đã có trong đầu.
Chẳng hạn, ký ức về ngày đầu tiên bạn đi làm. Bạn có thể nhớ rất rõ những người đã gặp, nơi đã ăn trưa, thời tiết như thế nào và không khí làm việc ở nơi đó ra sao. Có thể về những đặc điểm như thời tiết bạn không nhớ lắm, nhưng về ngày tháng chắc chắn bạn sẽ nhớ rất rõ vì bản thân nó là một mốc đánh dấu và liên quan đến nhiều chi tiết khác, nhiều bit thông tin khác trong đầu bạn.
Đối với hầu hết chúng ta, giai đoạn đầu đời có rất nhiều dấu ấn quan trọng. Càng lớn tuổi, thì khoảng cách giữa các bước ngoặt cuộc đời càng xa – một phần vì chúng ta có xu hướng muốn có một cuộc sống ổn định, một phần vì chúng ta đã trải nghiệm nhiều trong cuộc sống, trong đó có nhiều sự việc, nhiều kinh nghiệm lặp lại như cũ. Tuy nhiên, cuộc đời bạn không nhất thiết phải diễn ra theo cách này. Để thúc đẩy trí nhớ của mình, Mikels gợi ý bạn nên làm nhiều việc mới, ăn nhiều thức ăn lạ và đi đến những nơi chưa từng đến. Khi bạn quyết định đi ăn ở ngoài, hãy đến một nhà hàng chưa từng đến và gọi những món chưa từng ăn. Hãy tranh thủ cơ hội để có được những trải nghiệm mới – những dấu ấn mới. Với cách sống hết mình như vậy, bạn đang tạo ra cho mình những mối liên kết nhớ mới và nâng cao khả năng ghi nhớ tất cả các loại sự vật, sự kiện và những thông tin mới.
Việc rèn luyện để có nhiều mối liên kết nhớ mới cũng phát triển khả năng sáng tạo riêng của bạn. Như Peter Kline đã nói trong cuốn “Cảm hứng mỗi ngày” (The everyday genius, Great Ocean, 1988), để trở thành người có khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, thành nhà tư tưởng có tinh thần xây dựng, “chúng ta phải có khả năng vẽ lại toàn bộ mọi trải nghiệm của mình một cách thoải mái, đó chính là hoàn cảnh nhớ của chúng ta”. Bạn có thể tưởng tượng, một người với kinh nghiệm cá nhân phong phú – và có nhiều kỹ năng ghi nhớ các chi tiết từ những kinh nghiệm và liên hệ vào hoàn cảnh mới, sẽ có khả năng sáng tạo hơn rất nhiều so với một người chỉ có ít kinh nghiệm sống.
Trước khi học cách nâng cao khả năng hồi tưởng, bạn chỉ cần biết điều gì là cái làm cho mọi thứ có thể ghi nhớ được.